Blackfishing - Vì sao Kim và Kylie nhuộm đen mình? | Vietcetera
Billboard banner

Blackfishing - Vì sao Kim và Kylie nhuộm đen mình?

MV hợp tác với Nicki Minaj của Jesy Nelson đang gây bão vì scandal blackfishing - tương tự Kim và Kylie. Blackfishing là gì mà gây phẫn nộ đến thế?
Blackfishing - Vì sao Kim và Kylie nhuộm đen mình?

Nguồn: Insider

1. Blackfishing là gì?

Blackfishing là hành động chỉnh sửa những đặc điểm ngoại hình để trông giống người da đen. Khi blackfishing, người ta có thể nhuộm da, trang điểm, làm tóc, thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ.

Hành động này thường diễn ra ở nữ, và vì mục đích thẩm mỹ hoặc thương mại.

Blackfishing là hành động gặp phải nhiều phản đối từ dư luận. Nó được cho là một dạng của chiếm đoạt văn hoá - cultural appropriation. Một loạt các ngôi sao từng bị chỉ trích blackfishing gồm có Kylie Jenner, Iggy Azalea, Kim Kardashian, Rita Ora...

2. Nguồn gốc của blackfishing?

Từ blackfishing bắt nguồn từ catfish - từ chỉ hành vi giả mạo danh tính trên mạng.

Năm 2018, từ này được dùng lần đầu tiên trên một bài tweet - Wanna Thompson, một cây bút người Canada. Trong bài đăng, Wanna Thompson kêu gọi mọi người hãy lên tiếng về những trường hợp phụ nữ da trắng cố tình hoá trang thành phụ nữ da đen, để tạo danh tiếng trên mạng xã hội.

Bài tweet nhận được hơn 46,000 likes và hơn 22,000 retweets.

3. Vì sao blackfishing khiến dư luận dậy sóng?

Đầu tháng 10 này, Jesy Nelson, cựu thành viên của nhóm nhạc Little Mix, ra mắt MV solo đầu tiên - Boyz - với sự kết hợp với rapper Nicki Minaj. MV vấp phải sự chỉ trích từ dư luận vì mọi người cho rằng Jesy Nelson đã blackfishing.

Một bài báo từ CNN giải thích rằng ngoại hình lai hoặc không rõ về chủng tộc thường được nhìn nhận là độc đáo và thời thượng. Những người nổi tiếng đã tận dụng điều này. Họ cố thể hiện vẻ đẹp lai nhằm tạo hiệu ứng truyền thông và để có nhiều cơ hội thương mại.

Blackfishing có thể chính là phiên bản 4.0 của blackface. Ở thế kỷ 19, các diễn viên kịch hóa trang thành người da đen để châm biếm nhằm mục đích giải trí và lợi nhuận. Hiện tại, blackfishing cũng áp dụng hệ tư tưởng tương tự.

Leslie Bow - giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á - nhận xét blackfishing đã vật hoá (objectify) văn hoá của người da đen. Việc xem văn hoá của họ như thương phẩm cũng tương tự như hành động chiếm đoạt văn hoá.

Đối với người da đen, blackfishing là hành động mang tính xúc phạm và xem nhẹ văn hoá của họ. Người ta có thể dễ dàng trục lợi từ việc giả dạng thành người da đen. Tuy nhiên, họ không phải chịu sự bất công về phân biệt chủng tộc mà người da đen phải trải qua hằng ngày.

Người da trắng có thể hoá trang thành người da đen, sau đó dễ dàng xoá bỏ lớp hoá trang vào cuối ngày và tiếp tục tận hưởng đặc quyền của mình. Hành động này thể hiện việc thiếu hiểu biết và phớt lờ sự bất công trong xã hội.

4. Dùng blackfishing như thế nào?

Tiếng Việt:

A: Tao thấy Alex ở ngoài da trắng bóc, mà sao hình trên mạng lúc nào da nó cũng tối đi hẳn thế nhỉ?

B: Nó chỉnh ngoại hình để giống người da đen ấy mà.

Tiếng Anh:

A: Alex's skin is super white. But why does she always have dark skin when using social media?

B: She’s just blackfishing.