Bóc Film: Model Minority - Con nhà người ta Châu Á | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 09, 2021
Điện ẢnhBóc Phim

Bóc Film: Model Minority - Con nhà người ta Châu Á

“Người châu Á rất giỏi giang và siêng năng” hình mẫu tích cực này đã có những ảnh hưởng tiêu cực gì?

Bóc Film: Model Minority - Con nhà người ta Châu Á

Nguồn: Fresh Off The Boat

Đã bao giờ bạn thấy trên màn ảnh một nhân vật phụ người Châu Á đeo kính cận, suốt ngày cúi mắt vào quyển sách và hễ cứ mở miệng ra là nói về toán và khoa học?

Bạn có biết tới các định kiến về người Châu Á mà các nước phương Tây thường có không? Rằng những người châu Á giỏi toán, thông minh và cực kì siêng năng?

Những kiểu định kiến và hình mẫu nhân vật này có hẳn một tên gọi riêng là “Model Minority” (thiểu số gương mẫu). Nghe tên rất “ổn áp” đúng không? Cụm từ này có cả một lịch sử xoay quanh hai từ “đàn áp” đấy.

1. Model Minority là gì?

Model Minority (thiểu số gương mẫu) là cụm từ được dùng để chỉ những cộng đồng thiểu số thành đạt, giỏi giang tại Mỹ (thường là người châu Á).

Những người thiểu số gương mẫu là tấm gương cho việc vượt lên trên những rào cản về ngôn ngữ, giáo dục, sự phân biệt chủng tộc. Họ là những người từ hai bàn tay trắng đi lên, sử dụng sự cần cù và trí thông minh để đạt được thành công trong xã hội.

Một cụm từ có ý nghĩa đẹp đẽ như vậy để chỉ người châu Á, đàn áp chỗ nào?

2. Model Minority bắt nguồn từ đâu?

Bắt đầu vào những thập niên 60, khi cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen đang gây một áp lực cực kì lớn lên chính phủ Mỹ, cụm từ “model minority” bắt đầu được sử dụng. Một trong những lần xuất hiện đầu tiên của cụm từ này nằm trong một bài báo của tờ New York Times Magazine, với nhan đề “Câu chuyện thành công: Phong cách của người Mỹ gốc Nhật”.

3. Vì sao hình mẫu phổ biến?

Chỉ mới trước đó khoảng 30 năm, người châu Á, đặc biệt là người Nhật Bản vẫn được chính phủ Mỹ tuyên truyền là một dân tộc man di mọi rợ. Vì ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ hai, báo chí Mỹ đã gieo vào người Mỹ da trắng một nỗi sợ hãi trước người Đông Á nhằm thu về những khoản đóng góp trong chiến tranh.

Yellow peril
Một poster tuyên truyền của Mỹ vào chiến tranh thế giới thứ hai | Nguồn: Imgur

Lí giải cho sự thay đổi nhanh chóng từ “man di mọi rợ” đến “thiểu số gương mẫu”, nhiều học giả cho rằng đây là một động thái trả lời của chính phủ Mỹ đối với những cuộc đấu tranh bình đẳng của cộng đồng người da đen. 

Chính phủ Mỹ lựa chọn “tôn vinh” người châu Á thành công nhằm đưa ra bằng chứng rằng đã có những người thuộc chủng tộc thiểu số vượt qua được sự cô lập xã hội và phân biệt chủng tộc. Dựa vào đó, chính phủ Mỹ lập luận rằng người Mỹ gốc Phi nên tập trung vào giáo dục để đưa cộng đồng của minh đi lên thay vì đấu tranh cho quyền bình đẳng.

4. Sự độc hại của một định kiến tiêu cực

Khoảng vài năm sau khi cụm từ Model Minority xuất hiện, một chiến dịch đấu tranh cho bình đẳng của người châu Á ra đời. Chiến dịch này có một cuộc đời khá ngắn ngủi khi nó không thu gom đủ sự ủng hộ từ chính cộng đồng mà nó đang đại diện. Phần đông người Châu Á vào thời điểm này xem cụm từ này như một tín hiệu đáng mừng từ chính phủ Mỹ, rằng cuối cùng họ cũng được chấp nhận sau hàng chục năm bị phân biệt đối xử. 

Thật ra, cụm từ này chỉ chuyển vấn đề đương thời sang một dạng vấn đề mới. Theo Yanan Wang trong tờ Washington Post, khi người châu Á được xem là miễn nhiễm với các khó khăn thường thấy của một cộng đồng thiểu số, họ sẽ bị ngó lơ bởi sự hỗ trợ từ các chính trị gia.

Ngoài ra, trong môi trường học đường, định kiến rằng người Châu Á sẽ thông minh và tài năng hơn những học sinh còn lại đã khiến những học sinh này bị cô lập bởi chính bạn bè và giáo viên. Khi một đứa trẻ Châu Á gặp khó khăn trong học tập, các định kiến “tích cực” này cho phép giáo viên đổ lỗi cho văn hóa, gia đình và chính học sinh này vì thành tích không tốt của chúng. 

Những điều này chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, nhiều học sinh và cả người Châu Á trưởng thành tại Mỹ đã rơi vào stress liên tục vì áp lực thành công. Thêm nữa, sự xấu hổ khi phải tìm đến sự giúp đỡ đã làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng người Châu Á.

Có thể thấy, dù nấp bóng dưới những mỹ từ, định kiến xuất phát từ hình mẫu “thiểu số gương mẫu” đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng người châu Á tại Mỹ.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của con người và nền điện ảnh châu Á, các series như Fresh Off The Boat, các bộ phim điện ảnh như The Farewell hay Shang-chi sắp tới, những con người như Constance Wu và Ali Wong, đã ngày một xóa nhòa những nhãn dán “gương mẫu” độc hại. Với sự phát triển này, hi vọng người Châu Á sẽ sớm có được sự đại diện mà họ xứng đáng.

Ví dụ

Những nhân vật được dựa trên hình mẫu “Model Minority”

  • Rajesh Koothrappali trong Big Bang Theory

  • Lily trong Pich Perfect

  • Louis và Jessia Huang trong Fresh Off The Boat

Những nhân vật thử thách hình mẫu này:

  • Diane Nguyen trong series Bojack Horseman

  • Billi trong The Farewell

  • Rachel Chu trong Crazy Rich Asians

  • Devi Vishwakumar trong series Never Have I Ever