Nhớ người yêu cũ thì phải... stalk | Vietcetera
Billboard banner

Nhớ người yêu cũ thì phải... stalk

Stalk không nhất thiết là điều xấu. Stalk quá giới hạn mới xấu.

Nhớ người yêu cũ thì phải... stalk

Tò mò thì... stalk thôi | Nguồn: Pinterest

1. Stalk là gì?

Từ điển tiếng lóng Urban Dictionary định nghĩa “stalk” là “sự thôi thúc mãnh liệt, muốn biết mọi thứ về đời sống riêng tư của một người bằng cách tìm kiếm trên Facebook, Instagram, Twitter, Tumblr và đôi khi là cả Pinterest của họ.” 

Hành động “stalk” có thể xuất phát từ sự tò mò hay hâm mộ, chứ không nhất thiết mang nghĩa tiêu cực.

Stalk cũng là từ chỉ hành vi rình rập, theo dõi lặp đi lặp lại đối với một người hoặc một nhóm người mà khống muốn bị phát hiện. Những hành động này được diễn tả như sự chú ý, tiếp xúc, quấy rối hoặc các hành vi không mong muốn khác đối với một người hoặc nhóm người cụ thể.

2. Stalk có nguồn gốc từ đâu?

Lịch sử hình thành của “stalk” được cho là bắt nguồn từ thế kỷ 16. Từ điển Oxford English Dictionary định nghĩa của từ “stalk” khi đó là “ rình mò, săn trộm” (prowl/poach).

Dựa vào định nghĩa và bối cảnh lịch sử, có thể thấy từ “stalk” khi đó được dùng trong việc săn bắn động vật, vốn là hoạt động phổ biến tại châu Âu vào thế kỷ 16-18. 

Nghĩa hiện đại của từ “stalk” được cho hình thành từ cuối thế kỷ 20. Trong cuốn sách Stalkers and Their Victims (2000), nhóm tiến sĩ tâm lý Michele Pathé, Paul E. Mullen và Rosemary Purcell cho rằng thuật ngữ “stalk” bắt đầu được sử dụng bởi các phương tiện truyền thông vào thế kỷ 20.  

stalk
Người nổi tiếng là đối tượng rất dễ bị "stalk" | Nguồn: Pinterest

Nhóm tiến sĩ cũng chỉ ra rằng thuật ngữ có liên quan cụ thể đến việc những người lạ quấy rối những người người nổi tiếng mà họ cảm thấy hâm mộ đến “bị ám ảnh”. 

Trong bài báo “Is there a law against stalking?” (1996) của luật sư Tim Lawson-Cruttenden, tác giả cũng cho rằng thuật ngữ này dường như được đặt ra bởi giới báo chí lá cải ở Hoa Kỳ.

3. Stalk phổ biến từ khi nào?

Cùng với sự phát triển của truyền thông, hành vi “stalk” cũng dần phổ biến hơn do con người giờ đây đã có nhiều kênh phương tiện hơn để thỏa mãn trí tò mò.

Ý nghĩa của “stalk” từ đó cũng không còn được gói gọn duy nhất trong ngữ cảnh “theo dõi, rình rập để quấy rối” nữa. 

Từ khoảng năm 2015, nghĩa tiếng lóng của “stalk” dần trở thành trào lưu khi được thêm vào từ điển tiếng lóng Urban Dictionary.

Các diễn đàn có đông đảo thành viên như Reddit hay Quora cũng góp phần khiến nghĩa tiếng lóng của “stalk” trở nên phổ biến hơn vào thời điểm đó, khi có nhiều bài đăng của các thành viên đề cập đến việc làm sao để từ bỏ thói quen “stalk” người yêu cũ trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam, sự phổ biến của văn hóa "stalk" cũng không ngoại lệ. Trong nhiều trường hợp, việc "stalk" thậm chí đã biến tướng thành một hành vi quấy rối. Đây cũng là vấn đề mà nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam gặp phải. 

stalk
Một trường hợp lên tiếng vì bị "stalk" tại Việt Nam

4. Dùng stalk như thế nào?

Tiếng Anh

A: I have been diving in her Facebook and Instagram accounts but found nothing. Do you have her Twitter account?

B: Jeez, are you stalking her again? Close your phone and have a life!

Tiếng Việt

A: Em đã lục tung hết Facebook với Instagram của nó mà chả thấy gì cả. Anh có tài khoản Twitter của con nhỏ đó không?

B: Ôi trời, em lại đang stalk nó nữa rồi à. Tắt điện thoại và ra ngoài tận hưởng cuộc sống đi!