Cảm giác thoả mãn kỳ lạ khi xem các video thủ công đến từ đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 11, 2020
Tâm Lý Học

Cảm giác thoả mãn kỳ lạ khi xem các video thủ công đến từ đâu?

Oddly satisfying video (video thoả mãn kỳ lạ) giúp giảm căng thẳng nhờ yếu tố gì?

Cảm giác thoả mãn kỳ lạ khi xem các video thủ công đến từ đâu?

Nguồn: YouTube

Bạn có bao giờ dành ra hàng giờ chỉ để ngồi xem một video nghệ nhân vẽ tay các hoa văn uốn lượn đều như in, nhào nặn slime, hoặc cắt gọt vuông vức một bánh xà phòng?

Bạn tự hỏi không biết mình có bị OCD không mà lại chìm đắm vào những thứ ngăn nắp, chuẩn xác tới mức này?

Không chỉ riêng bạn, mà đây là những nội dung trông thích mắt và kích thích sự thỏa mãn của bất cứ ai. Chính vì thế mà chúng trở thành xu hướng, và thường được biết đến với tên “oddly satisfying video" (tạm dịch: thoả mãn một cách kỳ lạ).


Theo Kevin Allocca, Giám đốc Văn hoá và Xu hướng tại YouTube, có thể ban đầu việc tạo ra những vật thể đồng đều về hình dáng và kích thước chỉ là vô tình, nhưng về sau nó dần được xem như một yếu tố mang tính nghệ thuật và sáng tạo.

Sống trong một thế giới đầy sự hỗn loạn, một điều hoàn hảo và chuẩn xác đến từng li đương nhiên sẽ càng thêm hấp dẫn. Và đây lại là yếu tố không bao giờ thiếu trong các video thích mắt này. Nhưng cụ thể thì sự hoàn hảo đó hấp dẫn chúng ta như thế nào?

Sự hoàn hảo mang đến cảm giác siêu thực

Một yếu tố khiến những video này đã mắt một cách kỳ lạ, đó là nó mang lại cảm giác điện ảnh của những điều vốn rất đời thường. Đây là thành quả của nhiều điều kết hợp lại với nhau, bao gồm góc quay, màu sắc và âm thanh, tạo ra những cảnh tượng thỏa mãn nhiều giác quan cùng lúc.


Những cảnh quay này ghi lại những thứ trong đời thật nhưng hoàn hảo hơn, quen thuộc nhưng có trật tự hơn. Nó tạo ra cảm giác “siêu thực" (hyper-real) – không phân biệt được đâu là thực tế và đâu là mô phỏng theo thực tế.

The Truman Show — bộ phim thể hiện rõ nét khái niệm siêu thực
The Truman Show — bộ phim thể hiện rõ nét khái niệm siêu thực.

Theo như định nghĩa của nhà triết học người Pháp Jean Baudrillard, siêu thực là những gì được tạo ra phỏng theo mô hình thực tế nhưng lại không mang tính nguyên bản hay thực tế. Khái niệm này thường được áp dụng trong quảng cáo để tạo ra những hình mẫu trông thì bước ra từ đời sống nhưng lại rất xa vời thực tế, mục đích cuối cùng là thúc đẩy văn hoá tiêu dùng.

Ảnh thực tế và ảnh quảng cáo
Ảnh thực tế và ảnh quảng cáo

Não bộ mê mẩn những cử động tay điêu luyện

Não được thiết lập để học hỏi các kỹ năng vận động tinh (fine motor skills – những kỹ năng điều khiển các cơ nhỏ như bàn tay và ngón tay) bằng cách quan sát. Chính vì thế, chúng ta theo bản năng mê mẩn quan sát những hoạt động thủ công điêu luyện. Điều này tạo thành một kiểu thiền định qua quan sát, dẫn đến các phản ứng rùng mình tương tự ASMR bằng âm thanh.

Cùng với sự trợ giúp của thần kinh phản chiếu và chất dẫn truyền thần kinh

Theo thuyết thần kinh (nơ-ron) phản chiếu (mirror neuron theory), khi chúng ta nhìn ai đó thực hiện một hành động sẽ tạo ra một phản ứng thần kinh hệt như khi chính ta đang thực hiện hành động đó. Chẳng hạn như phản ứng nhăn mặt khi thấy người khác bị kim đâm, hay khóc lây lúc thấy ai đó rơi nước mắt.

Điểm chung của những video đã mắt này là ghi lại những bước thủ công tinh tế, ví dụ như những hoa văn đều tăm tắp, hay viên socola với đường cắt gọn ghẽ. Điển hình là một công đoạn cắt bánh bông lan phô mai như bên dưới thôi nhưng vẫn thu hút được hơn 66 triệu lượt xem.


Bởi vì qua hệ thần kinh phản chiếu, chúng ta có cảm giác như chính mình đang thực hiện những kỹ xảo này. Điều đó khiến não bộ sinh ra serotonin và dopamine – hai chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn, cũng như bị nghiện. 

Chính vì thế, những video này cũng như một dạng của trị liệu kích hoạt hành vi (behavioral activation). Đây là liệu pháp giúp bệnh nhân tăng cường các hoạt động tích cực và tạo tâm lý được thưởng, thường được áp dụng để chữa trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).