Cầm quyền trượng sao cho không "sượng"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cầm quyền trượng sao cho không "sượng"?

Hay chuyện ứng xử với thẩm mỹ kitsch (rởm/giả) trong muôn mặt đời sống hiện nay.
Cầm quyền trượng sao cho không "sượng"?

Nguồn: Đại học Kinh tế (ĐHQGHN)

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Trong hàng trăm lễ tốt nghiệp diễn ra trong tháng 06 - 07/2022 vừa qua, buổi lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) là gây chú ý hơn cả. Không chỉ gần 1.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ của trường này hoàn thành khóa học, vui vẻ nhận bằng mà còn bởi ồn ào không đáng có.

Cụ thể, hình ảnh hiệu trưởng trường đại học này mặc áo thụng đỏ bằng vải nhung, tay cầm quyền trượng, cổ đeo vòng bạc lấp lánh tại lễ trao bằng tốt nghiệp khiến dư luận tranh cãi.

Được biết, bài viết gốc có chứa hình ảnh gây ồn ào trên website của Trường Đại học Kinh tế đã được ẩn đi. Bài viết trên trang fanpage đã bị hạn chế quyền bình luận. Ngay sau đó, Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội đã yêu cầu báo cáo về sự việc này.

2. Phản ứng các bên thế nào?

Nếu lướt qua một lượt phần bình luận bài viết trên Facebook, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều sinh viên hoặc cựu sinh viên của trường khen ngợi,tỏ ra yêu thích trang phục của lễ tốt nghiệp. Lời khen này dành cho các trang phục gồm cả thầy hiệu trưởng, các cử nhân lẫn các nghiên cứu sinh sắp nhận bằng tốt nghiệp.

Những bình luận này rất "xịn xò" gồm: trường xịn xò quá; lễ tốt nghiệp trong mơ; ước gì trường mình được như vậy; nhìn hoàng gia thật sự...

Tuy nhiên, luồng ý kiến còn lại thì trái ngược khi nhìn thấy hình ảnh này. Một tài khoản Facebook cho rằng đây là sự "trọng hình thức, sự màu mè, vẽ vời, đua đòi, thậm chí lố bịch đến thế.” (theo báo Tuổi Trẻ Online)

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng có một số người chưa hiểu hết về bộ lễ phục này và nhà trường sẽ sớm có thông tin chính thức.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu phải rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.

3. Người Việt mặc áo thụng trong lễ tốt nghiệp từ bao giờ?

Lễ phục mặc trong lễ tốt nghiệp bậc Đại học/Cao đẳng ngày nay tại Việt Nam thường là áo thụng và mũ đội đầu. Tùy theo kiểu dáng, màu sắc của từng bộ lễ phục mà quy ước về ngành học hay cấp bậc khác nhau (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ...).

Có thông tin cho rằng, kiểu áo thụng này ra đời khoảng thế kỷ 12 ở Anh Quốc, lấy cảm hứng từ trang phục của giới thầy tu đạo công giáo La Mã. Trang phục thường rất dày và nặng, giúp người mặc chống chịu được cái lạnh.

Lễ phục tốt nghiệp (áo thụng, mũ đội và túi càn khôn) bắt đầu du nhập Việt Nam thời gian gần đây. Từ đầu thập niên 2000, mặc áo thụng trong lễ tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã trở nên phổ biến ở nước ta.

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh sinh viên tốt nghiệp mặc áo thụng thì điều này giờ đây phổ biến trong mọi cấp học. Đặc biệt, không khó nhận ra khi ngày nay các bé mẫu giáo cũng được mặc áo thụng tay cầm tấm bằng tốt nghiệp tượng trưng. Chí ít là trong bức ảnh được photoshop và lồng khung ở không ít gia đình.

4. Câu chuyện này nói gì về thẩm mỹ kitsch?

Kitsch là thuật ngữ phổ biến trong cả nghệ thuật lẫn đời sống ngày nay; và có thể được dùng như cả danh từ lẫn tính từ. Là một danh từ, kitsch được xem là đối tượng, phong cách, tác phẩm giả nghệ thuật, sử dụng các yếu tố lỗi thời, lòe loẹt, cường điệu. Còn ở phía tính từ, kitsch chỉ sự giả mạo, sáo rỗng, khoa trương. Một cách dân dã hơn, kitsch có thể được hiểu như là sự rởm, giả, hãnh tiến.

Triết gia Friedrich Nietzsche từng diễn giải kitsch là các giá trị thể hiện ở việc sở thích và thẩm mỹ của đám đông trở thành tiêu chí sản xuất và hệ quy chiếu cho cái đẹp, cái tốt, cái hay. (theo Bàn về kitsch, Phạm Diệu Hương.)

Chúng ta có thể nhìn thấy kitsch như một trường phái trong nghệ thuật, với những cái tên lẫy lừng như Vladimir Tretchikoff cho đến Salvador Dali. Tuy nhiên, tác phẩm lẫn công chúng của kitsch vẫn thường bị đánh giá thẩm mỹ không cao, giả mạo, hãnh tiến…

Quay trở lại về việc mặc lễ phục tốt nghiệp, chúng ta có thể thấy sự chi phối của thẩm mỹ kitsch ở đây. Hình ảnh thầy giáo mặc áo thụng kiểu "hoàng gia", mũ đội khác biệt, cổ đeo vòng bạc, tay cầm quyền trượng cũng là một sự trình hiện kiểu kitsch.

Nếu phân tích kỹ hơn, ta thấy chiếc quyền trượng kia là "hàng giả" (cả thiết kế lẫn chất liệu), một sản phẩm xuất phát từ nền văn hóa khác Việt Nam.

Tương tự với chi tiết thứ 2 trong hình ảnh gây tranh cãi, vòng cổ bằng bạc mà thầy hiệu trưởng đã đeo. Chất liệu và kiểu dáng áo thụng cũng khác biệt khiến nhiều người chú ý.

Dù về mặt biểu tượng, cả quyền trượng và vòng cổ đều có ý nghĩa nhất định trong các nghi lễ, bao gồm cả lễ tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc là "hàng giả" và đặt vào không đúng bối cảnh khiến nó trở nên lòe loẹt, diêm dúa, phản cảm.

Cũng là hình ảnh này, ở một trường đại học châu Âu sẽ mang đến những cách nhìn và đánh giá khác bởi từ phục trang đến bối cảnh đều có thể hiểu, diễn giải được và phù hợp. Ở mặt khác, ngày nay nhiều trường Đại học phương Tây và phương Đông (tại Hồng Kông, Trung Quốc) cũng có xuất hiện của hình ảnh quyền trượng (hoặc chùy) trong lễ tốt nghiệp.

Nhưng có lẽ, cách duy nhất để cầm quyền trượng mà không sượng trong trường hợp này, có lẽ, chí ít phải có một thiết kế đẹp hơn và là đồ thật.

5. Kitsch còn xuất hiện ở đâu trong đời sống?

Kitsch du nhập vào Việt Nam ở cả nghệ thuật lẫn các thực hành khác trong đời sống. Ở góc độ đời sống xã hội, biểu hiện của kitsch chính là sở thích xem phim mì ăn liền, nghe nhạc hội chợ (ca từ dễ dãi, hòa thanh nghèo nàn.)

Kitsch còn xuất hiện nhiều mặt khác của đời sống xã hội khác. Từ việc dùng đồ hiệu sang chảnh nhưng "Made in China" cho đến việc đeo mỹ kí giả vàng, trang sức diêm dúa, sáng chóe.

Trong rất nhiều lễ nghi, tôn giáo khác như ban thờ hay tượng phật được gắn đèn nhấp nháy cũng là biểu hiện của thẩm mỹ kitsch.

Các ngày lễ quan trọng của người Việt Nam ngày nay cũng có dấu ấn của kitsch. Hình ảnh đôi chim chụm đầu vào nhau, chụp ảnh cưới đều phản ánh sự hãnh tiến.

Phê bình về kitsch đến nay vẫn có đủ khen chê. Những người cật lực phản đối như nhà văn Milan Kundera cho đến tiến sĩ triết học, triết gia Abraham Moles thì cũng có những người khác yêu thích kitsch.

Thẩm mỹ kitsch sẽ không mất đi chừng nào ta thôi “bán mắt, bán tai” cho những video đập hộp nhưng dùng gương fake, không trầm trồ bởi sự xa hoa không phù hợp, thôi chăng đèn nháy xung quanh tượng phật và cho đó là đẹp, linh thiêng…

Và thông qua những biểu hiện của kitsch trong đời sống, ta cũng biết rằng đâu là đẹp và đâu là sự bắt chước một cách màu mè đầy diêm dúa không chứa được nửa sự đáng yêu lẫn cần thiết.