Camelia Pham: "Nhiều khi cũng tự hào là mình... nghiện việc" | Vietcetera
Billboard banner

Camelia Pham: "Nhiều khi cũng tự hào là mình... nghiện việc"

Với họa sĩ Camelia Pham, vừa vẽ vừa thử nghiệm sẽ khiến trải nghiệm vẽ trở nên thử thách và thú vị hơn. 
Camelia Pham: "Nhiều khi cũng tự hào là mình... nghiện việc"

Từ trái sang phải: 'new year buffalo', 'reflecting the solitude', 'stubby pencil'.

Họa sĩ Camelia Pham tên thật là Trà, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Camelia gây tiếng vang qua nhiều giải thưởng quốc tế và bộ tranh “10 Hình tượng phụ nữ Việt Nam”.

Khi tiếp cận một tác phẩm mới, Camelia thường sketch (phác họa) qua loa một layout (bố cục) chung, sau đó vừa tô màu vừa lên ý tưởng tiếp.

Cũng có lúc Camelia "lên line" cứng hết cho toàn bộ tranh để dễ đồng nhất với ý tưởng, nhưng do sợ độ “bay” của tranh bị giới hạn nên chị chỉ làm vậy với tranh cho khách để không phải sửa quá nhiều so với bản sketch đã đồng ý ban đầu.

Trước đây, có một khoảng thời gian Camelia ở một mình nhiều quá nên tranh nhìn ảm đạm, mang hướng nội tâm và giãi bày những vấn đề về tâm lý. Giờ chị đã về nhà, tâm trạng vui vẻ hơn nên tranh cũng tự nhiên tươi sáng và lạc quan, màu sắc cũng bùng nổ và tươi tắn hơn.

Họa sĩ Camelia Pham.

1. Theo bạn, một nghệ sĩ nên sáng tác vì mình, hay vì khán giả?

Ban đầu thì rõ là phải vì bản thân, để còn xây tên tuổi và style của mình lên. Nhưng kể cả đến khi mọi người thấy được thực lực của mình rồi thì cũng cứ kệ, vẫn phải vì mình thôi.

Mình nghĩ rằng chạy theo khán giả thì chả bao giờ là đủ, mà chạy theo trend thì đã có quá nhiều người đu rồi. Cho nên cứ làm gì mà mình thích thôi, cứ vẽ đẹp thì mình vẫn theo dõi chiêm ngưỡng hàng ngày, không vấn đề.

'surveillance'

2. Để xây dựng hình tượng các nhân vật trong tranh của mình, bạn đã tìm hiểu và nghiên cứu những gì?

Các nhân vật của mình về cấu trúc chung thì đều giống nhau. Vì vậy, mình thường nghiên cứu về vẻ ngoài để làm tranh nổi bật hơn về nội dung. Hoặc cũng có thể đơn thuần là về hình thức như quần áo, tóc tai để xác định được tuổi tác cũng như thời kỳ và cá tính nhân vật.

Nhất là với những bức tranh về lịch sử thì phải đi tìm hiểu sâu hơn chút, chứ không thể “bếch” một loạt từ Pinterest về xong bịa bừa ra được.

'stubby pencil'

3. Với bạn, đầu tư quá nhiều thời gian vào một tác phẩm có tốt không?

Không. Mình nghĩ họa sĩ không phải là con bò, không thể cứ nhai rồi lại nhổ ra để rồi lại nhai tiếp. Mình không học được nhiều nếu mình không bước ra được khỏi cái lối mòn không chỗ thoát đấy.

Khi đang trong quá trình phát triển style cá nhân thì mình nghĩ số lượng là trên hết. Nhưng kể cả khi có style riêng rồi, thì khi kẹt mình cũng cứ ném đấy, rồi mở tranh mới ra thử nghiệm cái khác. Chứ cứ nhìn vào đấy lâu để cố cứu thì vừa dễ bực vừa khó phát triển.

'new year buffalo'

4. Tác phẩm nào đã khiến bạn “đập đi xây lại” từ đầu?

Cũng khá nhiều tranh của mình phải đập đi xây lại rồi. Vì là họa sĩ minh họa nên mình cũng muốn thử. Kiểu với cùng 1 cái context (bối cảnh) đấy, thì có bao nhiêu cách để có thể chuyển từ chữ qua hình ảnh, và cách nào là tốt nhất.

Với cả thường thì mình cũng khá tự tin, rằng lúc xây lại thì chắc chắn là tranh ra sẽ đẹp và hay hơn cái cũ. Vậy thì coi như cũng bỏ qua được sự phí hoài công sức của tranh đã đập.

'sitting kills'

5. Giữa kỹ năng (skill) và phong cách nghệ thuật (art style), đâu là thứ bạn tập trung phát triển trước?

Mình nghĩ cái này tùy người, nhưng đối với mình thì art style quan trọng hơn. Vẽ nhiều thì biết mình thích kiểu nào, rồi xác định được cái style đấy được biểu đạt tốt nhất qua phương tiện truyền thông nào. Về sau có thể trau dồi thêm kỹ năng trong mảng đó.

Nếu art style của bạn khác biệt, mình nghĩ nhiều khách hàng khi tìm kiếm họa sĩ để vẽ cho dự án của họ cũng sẽ dễ nghĩ tới bạn hơn. Mục tiêu của bạn sẽ bị bó hẹp, nhưng sẽ bớt cạnh tranh hơn khi bạn là người duy nhất sở hữu cái style đó khi họ cần.

'covid etiquette'

6. Bạn nghĩ gì về những người nghiện việc (workaholic)?

Chính là mình đây (cười). Mình từng nghĩ cái đấy là đặc quyền cho những người thích việc mình đang làm, cũng như rất muốn đẩy khả năng của bản thân lên nữa. Cho nên nhiều khi cũng rất là tự hào về việc mình nghiện việc.

Nhưng mình đúng là nghiện thật. Mặc dù nghiện việc rất là toxic (độc hại), nhưng cũng như những người nghiện thuốc lá hay rượu chè, nói nó tệ là một chuyện nhưng cai được không là một chuyện khác.

'quarantine part 2'

7. Nếu được vẽ lại một cảnh phim, bạn sẽ vẽ cảnh nào?

Mình sẽ vẽ những cảnh trong phim Midsommar. Mình sẽ vẽ các cảnh rộng thường với màu contrast và layout đối xứng, dễ nựng mắt số đông như Wes Anderson vậy.

Cái mình thích nhất là phim rõ lắm pattern xinh, và biết cách điều khiển ánh sáng để thu mắt người xem một cách xuất sắc!

'reflecting the solitude'

8. Điều gì khiến bạn khó chịu nhất về công việc của mình?

Khi làm việc, sau khi lên ý tưởng và sketch layout thì tay sẽ rơi vào trạng thái "tự túc", và não sẽ tha hồ chạy nhảy tung tăng khắp nơi. Những lúc này mình có khá nhiều thời gian ngẫm linh tinh.

Cho nên bực nhất là nhiều khi đầu óc sẽ xoáy vào những ý nghĩ không hay cho lắm về bản thân, rồi tự dưng bị trầm kẽm mà chả có lý do gì, xong lại không vẽ được nữa!

Việc thay đổi phong cách từ khi về Việt Nam cũng hơi làm mất chất phong cách cũ, khiến mình bị art block (kẹt ý tưởng) khá nhiều. Nhưng thật ra mình cũng chả lo lắm, vì bây giờ đầu óc vui tươi nhẹ nhàng hơn rồi thì cứ từ từ mà tìm lại phong cách của bản thân thôi.

'selfworth'

9. Kiếm nhiều tiền từ việc mình không thích làm, và kiếm ít tiền hơn từ đam mê, bạn chọn cái nào?

Mình vừa nghỉ việc để làm freelancer toàn thời gian xong nên có thể sẽ hơi thiên vị vế sau của câu này: nếu được thì kiếm ít tiền từ đam mê nha mấy má! Vì kiếm được nhiều tiền, xong phải tốn tiền đi vun đắp lại sức khỏe tâm lý tinh thần thì không đáng đâu. Nhất là với những tâm hồn yếu đuối như tôi!

Cơ mà kiếm tiền ít cũng phải vừa vừa thôi, chứ không có tiền ăn thì đúng là phải nai lưng đi làm tí vậy.

'money'

10. Bạn làm gì khi không nghĩ ra gì để làm?

Trước đây mình đi du học để nhớ nhà, nhưng giờ thì đã về nước được một năm, và trong tương lai gần thì chắc cũng ở Hà Nội thôi (đất mẹ muôn năm).

Từ lúc về nước chả mấy khi mình ở một mình, nên nhiều lúc về nhà mà không có gì làm thì lại gọi ai đó đi chơi. Nhưng chỉ khi ở một mình thì mới làm việc một cách tử tế được nên nhiều khi mình phải hãm lại và ép bản thân ngồi vào bàn. Khi đã vào guồng rồi thì cứ tự làm đến hết ngày thôi.

Nhiều khi những lúc không muốn ở một mình lại là lúc mình cần ở một mình nhất - trích lời dăm ba câu quote ở đâu đó trên mạng nghe đim đíp hihi.