CEO Nguyễn Phương Hằng: Nói có sách | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

CEO Nguyễn Phương Hằng: Nói có sách

Bất ngờ chưa, đa số kỹ thuật chơi chữ của Phương Hằng đều “có thật” và còn được ghi chép trong nghiên cứu đàng hoàng.
CEO Nguyễn Phương Hằng: Nói có sách

Nguồn: Page CEO Nguyễn Phương Hằng

Những ngày qua, người dân cả nước đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Phương Hằng, người phụ nữ làm chao đảo mạng xã hội bằng những phát ngôn đầy “bất ngờ, ngỡ ngàng,” khiến ai nấy “ngơ ngác và bật ngửa.”

Cùng loạt drama chưa có hồi kết, điều khiến cô Phương Hằng được chú ý hơn cả là khả năng chơi chữ của bà và những câu bông đùa làm điểm nhấn xuyên suốt các clip livestream.

Bất ngờ là, đa số kỹ thuật chơi chữ của cô Phương Hằng đều “có thật” và còn được ghi chép trong tài liệu đàng hoàng. Dựa theo cuốn sách Thú Chơi Chữ của tác giả Lê Trung Hoa, tôi xin điểm qua một số “thủ thuật” mà CEO Phương Hằng đã sử dụng sau đây.

titleThuacute Chơi Chữ của Lecirc Trung Hoa noacutei gigrave về nghệ thuật chơi chữ của CEO Phương Hằng Thuacute Chơi Chữ của Lecirc Trung Hoa noacutei gigrave về nghệ thuật chơi chữ của CEO Phương Hằng
Thú Chơi Chữ của Lê Trung Hoa đã liệt kê ra 14 kiểu chơi chữ thường gặp

Chơi chữ bằng cách đảo từ

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Tôi không muốn nhiều chuyện nhưng mà chuyện nhiều nên tôi phải nói.”

Cô Phương Hằng đã đảo từ ‘nhiều chuyện’ thành ‘chuyện nhiều.’

Từ góc độ ngôn ngữ

Trong một số ngôn ngữ như Nga, Anh, Pháp… việc thay đổi trật tự từ trong câu mà câu vẫn có nghĩa là điều không thường xảy ra. Riêng với tiếng Việt - một ngôn ngữ đơn lập, khả năng đảo từ lớn hơn nhiều.

Hiện tượng đảo từ là một trong những điểm nhấn của tiếng Việt và đã xuất hiện trong luận án của thạc sĩ Lê Văn Lý. Ông nêu ra 5 từ ‘sao,’ ‘nó,’ ‘bảo,’ ‘không,’ ‘đến,’ có thể có đến 39 cách kết hợp khác nhau. Ví dụ:

  • Sao không bảo nó đến?
  • Sao không đến bảo nó?
  • Nó đến, sao không bảo?

Cách áp dụng

Từ xa xưa, các cụ đã vận dụng cách chơi chữ này trong các thể loại thành ngữ, ca dao, đồng dao như:

  • Sinh sự, sự sinh;
  • Cười người hôm trước, hôm sau người cười;
  • Con kiến mà leo cành đào
    Leo phải cành cụt, leo vào leo ra
    Con kiến mà leo cành đa
    Leo phải cành cụt leo ra leo vào.

Trong môi trường giáo dục, dễ bắt gặp một số câu nói như: Học mà chơi, chơi mà học. Hoặc khi đi hát karaoke, bạn thường động viên đứa bạn thân hát dở bằng câu: Hát hay không bằng hay hát mày ơi, không sao đâu.

titleTrong tiếng Việt đocirci khi chỉ cần đảo từ liecircn tục lagrave tạo necircn một neacutet nghĩa mới rồi Nguồn Knowyourmeme
Trong tiếng Việt, đôi khi chỉ cần đảo từ liên tục là tạo nên một nét nghĩa mới rồi | Nguồn: Knowyourmeme

Chơi chữ bằng cách tách từ

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Nó đụng thì em phải chạm, nó cảm thì em phải xúc, nó muốn sụp thì em phải cho đổ luôn.”

Ở câu trên CEO Phương Hằng đã tách từ ‘đụng chạm’, ‘cảm xúc’, ‘sụp đổ.’

Từ góc độ ngôn ngữ

Chơi chữ bằng cách tách từ là tách các tiếng trong từ láy và từ ghép, rồi đưa vào câu thơ, câu đố, câu đối.

Hiện tượng tách từ thường thấy ở từ ghép, vì từ ghép thường được kết hợp bởi các từ đơn có quan hệ với nhau về nghĩa. Khi tách ra, chúng vẫn có thể đứng độc lập và mang nét nghĩa riêng (ví dụ: bàn - ghế, sách - vở, cây - cỏ, máy - bay).

Việc chơi chữ bằng cách tách từ được khái quát thành công thức: AB -> A xyz B. Xyz là bộ phận thêm vào. Xyz không nhất thiết phải là một từ, một câu. Đôi khi chúng có thể được thể hiện bằng dấu câu, hoặc cách nhấn nhá, ngữ điệu trong lời nói. Ví dụ:

  • Những chuyến xe “hành”... khách (báo Hà Nội mới).

Cách áp dụng

Một số tờ báo đã tận dụng cách chơi chữ để “lật lại” tiêu đề:

  • “Hội” nhiều nhưng “thảo” ít? (Tổ chức Nhà nước);
  • Thời “oanh” đã qua, nay tới thời “liệt” (báo Thế giới);
  • Có “toà” mà chưa có “án” (báo Gia đình và Xã hội).

Hoặc bạn có thể đã từng nghe đến những câu như:

  • Dựa không được thì phải Dẫm (dựa dẫm);
  • Nhờ không được thì phải Vả (nhờ vả);
  • Theo không được thì phải Đuổi (theo đuổi);
  • Trẻ con sinh ra để cha mẹ dạy dỗ / Dạy không được thì phải Dỗ (dạy dỗ).

Chơi chữ dựa theo các thành tố đồng âm

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Đừng thấy hào quang mà tưởng vinh quang.”

“Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt.”

“Phải biết chân lý ở đâu, đừng để bị đưa vào chân tường.”

“Tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt nữa.”

'Hào quang’ và ‘vinh quang’ có cùng từ ‘quang.’ Từ ‘tiền’ được phát triển thành ‘tiền án,’ ‘tiền sự,’ và ‘tiền mặt’ đặt trong cùng một câu.

Từ góc độ ngôn ngữ

Trong văn học, chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm rất phổ biến vì có thể gửi gắm hàm ý, ẩn ý của người nói, đôi khi tạo ra những liên tưởng bất ngờ. Một sự vật, sự việc được nói đến có thể không liên quan về nghĩa với sự vật, sự việc trước đó nhưng vẫn có mối liên hệ về thành tố đồng âm. Ví dụ như ‘chân lý’ và ‘chân tường.’

Cách áp dụng

Một số tờ báo cũng đã vận dụng cách chơi chữ này để đặt tiêu đề:

  • Tiếng than từ vùng than (Lao động);
  • Từ màn bạc đến két bạc (Tiền phong).

Ngoài ra, còn một kiểu chơi chữ khác tương tự là dùng các từ (hay âm tiết) có vỏ âm thanh gần giống nhau, chỉ khác ở phụ âm cuối:

  • Phong trào nuôi ốc hương ở Khánh Hòa đang đi từ “sốt” đến “sốc” (Lao động).

Hoặc chỉ khác ở dấu thanh điệu:

  • Trường tư, đầu tư, từ đâu? (Hà Nội mới).

Chơi chữ bằng cách mô phỏng (nhại từ, nhại câu)

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Công ty trách nhiệm hữu hạn một mình tao.”

“Thần điêu đại bịp.”

“Nơi không an toàn là nơi nguy hiểm nhất.”

Nguyễn Phương Hằng đã chế từ 3 câu:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Thần điêu đại hiệp;
  • Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất.

Từ góc độ ngôn ngữ

Trong cách chơi chữ này, người ta thường nhại theo thành ngữ, câu thơ hoặc những câu nói mà nhiều người đã biết, thỉnh thoảng là nhại theo tên phim. Điểm đặc biệt của cách chơi chữ này là khán giả cần phải có tri thức nền, tức là phải hiểu về nguồn gốc của câu nói thì mới nắm được ngụ ý hài hước của “người chế tác”.

titleThagravenh ngữ tục ngữ Việt Nam coacute thể lagravem nguồn tư liệu phong phuacute để regraven luyện kỹ năng chơi chữ
Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có thể làm nguồn tư liệu phong phú để rèn luyện kỹ năng chơi chữ

Cách áp dụng

Lấy ví dụ trong phim ảnh, âm nhạc, chúng ta có thể tổng hợp một số “món ăn” được dân mạng chế biến như sau:

  • Nhắm mắt thấy thứ Hai (từ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”);
  • Tôi thấy lương về trong giấc mơ (từ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”);
  • Tôi thấy Lê Hoàng chê bộ phim (từ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”);
  • Em gái quận 7 (chế từ “Em gái mưa”).

Hoặc bạn cũng thường bắt gặp một số câu ca dao tục ngữ chế như sau:

  • Có chí thì… ghê;
  • Thất bại là mẹ phá sản (hoặc “thất bại là mẹ... đập con”);
  • Học đi đôi với hành, hành đi đôi với tỏi;
  • Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác lớp nhưng chung một đề;
  • Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chê vợ úp lên đầu khỏi ăn.

Chơi chữ bằng câu đối

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Im lặng là vàng mà nói ra mới là kim cương” (im lặng - nói ra / vàng - kim cương).

“Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về” (hoa nở - xuân về).

“Ngu nhất mà tưởng mình khôn nhì” (ngu - khôn / nhất - nhì).

“Tui kêu trời, trời thấu / Tui kêu đất, đất nghe” (trời - đất / thấu - nghe).

Từ góc độ ngôn ngữ

Câu đối, hay cách nói đối xứng, xuất phát từ đặc thù của ngôn ngữ đơn âm tiết của Việt Nam. Ngoài ra quan niệm về triết lý âm dương từ xa xưa đã góp phần tạo ra “bộ môn nghệ thuật” này.

Không khó để nhận ra cách nói đối xứng của người Việt Nam trong đời sống hằng ngày. Ví dụ như: khôn nhà dại chợ, mèo mả gà đồng, một nắng hai sương, gần mực thì đen gần đèn thì rạng…

Về cơ bản, sáng tạo ra câu đối cũng giống như chơi chữ bằng cách mô phỏng (nhại từ, nhại câu) nhưng đòi hỏi người nói phải có sức liên tưởng, sáng tạo cao hơn một chút.

Cách áp dụng

Một trong những câu đối hài hước phải kể đến:

  • Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ / Vô duyên đối diện cãi um sùm (bản gốc là “vô duyên đối diện bất tương phùng”).

Bạn có thể học một số câu đối sau để chúc người thân vào dịp Tết:

  • Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
    Đời vui, sức khoẻ, tết an khang.
  • Xuân sang hạnh phúc bình an đến
    Tết tới vinh hoa phú quý về.
titleCacircu đối từ lacircu đatilde lagrave một thuacute chơi chữ rất đặc sắc
Dùng câu đối từ lâu đã là một thú chơi chữ rất đặc sắc

Chơi chữ bằng cách điệp âm

Câu gốc của cô Phương Hằng

“Chúng ta ai cũng quá bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa.”

“Dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu giếm.”

Như trên, ta có thể thấy cùng một phụ âm ‘ng’, ‘d’ nhưng xuất hiện ở nhiều từ trong một câu.

Theo cách phát âm miền Nam, hai phụ âm ‘d’ và ‘v’ nghe khá giống nhau nên câu “Dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu giếm” của bà Phương Hằng có thể đọc một mạch mà không vấp.

Từ góc độ ngôn ngữ

Trong thơ ca, điệp phụ âm đầu giúp tạo ra sự luyến láy về âm hưởng, tăng tính tượng hình và tính nhạc cho câu thơ. Ví dụ như nhà thơ Tú Mỡ đã dùng toàn âm ‘m’ để diễn tả cảnh trời mưa như sau:

  • Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
    Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ
    Mộng mị mỏi mòn mai một một
    Mỹ miều may mắn mấy mà mơ.

Cách áp dụng

Trong cuộc sống hằng ngày, hẳn bạn đã từng nghe đến câu đối vui sau:

  • Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt
    Lọc lừa lươn lẹo lại lên lương.

Hoặc câu chuyện dân gian về Bà Ba Béo (với nhiều dị bản):

  • Bà Ba béo, bả bán bánh bèo, bánh bò bên bãi biển Bắc Bộ. Bả bứt bông bụt bỏ bậy bỏ bạ, buôn bán bê bối, bịp bợm, bị bắt bỏ bót ba bốn bữa.

Ngoài ra thì

Hiện tượng điệp âm cũng xuất hiện trong tiếng Anh, dù có khác biệt đôi chút. Những câu nói kiểu này được gọi là tongue twister:

  • She sells seashells by the seashore;
  • Barber baby bubbles and a bumblebee;
  • Annie ate eight Arctic apples.

Kết

Đặc điểm cơ bản của cấu trúc tiếng Việt là tính phân tiết, tức là khả năng đọc và nói từng tiếng một khá rõ ràng. Điều này tạo tiền đề cho việc nói lái, hoặc kết hợp giữa các từ đồng âm.

Nhìn chung, kỹ thuật chơi chữ trong tiếng Việt thường xoay quanh hai trục chính: trục âm và trục nghĩa. Các hiện tượng nói lái, đảo trật tự từ, điệp từ, đồng âm đều dựa trên nền tảng về cấu trúc âm tiết trong tiếng Việt.

Đối với những người làm nghề viết thành thục các kỹ thuật chơi chữ giúp họ sáng tạo ra những tiêu đề “sắc bén”, những slogan gọn gàng mà đắt giá.

Chơi chữ có thể có muôn hình vạn dạng, tuy nhiên, riêng với việc chế ca dao tục ngữ, một số người cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến nét đẹp của tiếng Việt. Vậy nên điều quan trọng là bạn cần vận dụng đúng ngữ cảnh, đúng đối tượng để ngôn ngữ vừa có sự dí dỏm vừa có nét duyên dáng cần thiết.