Chàng Ngốc Già: Khi tiến sĩ học lại từ đầu để làm podcast | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 08, 2021
Truyền ThôngCastcamp

Chàng Ngốc Già: Khi tiến sĩ học lại từ đầu để làm podcast

Có gì đằng sau hành trình làm podcast của Tiến sĩ Võ Đình Trí, người cảm thấy mình ‘càng biết nhiều càng ngốc’?
Chàng Ngốc Già: Khi tiến sĩ học lại từ đầu để làm podcast

Nguồn: Chàng Ngốc Già

Vietcetera - Tiger - Baemin - Prudential - Tiki

Tiến sĩ Võ Đình Trí hiện đang giảng dạy và nghiên cứu về Tài chính tại IPAG Business School Paris và ĐH Kinh tế TP.HCM với hơn 15 năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh cũng là một cây bút tự do, một blogger, và một podcaster… 6 tháng tuổi.

Từ những ngày đầu viết lách, anh đã chọn cho mình một bút danh không thể gần gũi hơn, là Chàng Ngốc Già, vì cảm thấy mình ‘càng biết nhiều càng ngốc’. Để rồi đây cũng là tên gọi cho kênh podcast mà anh thành lập vào tháng 02/2021.

Từ đó đến nay, ‘Chàng Ngốc’ đã cho ra đời hơn 40 tập podcast xoay quanh chủ đề Tài chính cá nhân, thu hút hàng chục nghìn lượt nghe từ thính giả khắp nơi trên thế giới.

Điều gì đã thôi thúc anh thành lập kênh podcast này, và anh đã đúc kết được những gì từ quá trình làm podcast của mình? Cùng Vietcetera tìm hiểu nhé!

Làm podcast vì nó nhanh hơn!

Là một cây viết trước khi trở thành một giọng nói, anh Trí cảm thấy mình bắt đầu yêu thích công việc tạo ra nội dung sau khi làm... luận án tiến sĩ. Bởi lúc làm luận án cần viết rất nhiều, nên dần dần, anh cảm giác mình thích viết, sau đó quyết định thử sức mình ở lĩnh vực viết báo.

Thói quen viết và nghiên cứu nhiều năm liền đã tạo cho anh một nếp sống ưa tìm tòi, đọc sách báo tài liệu, và cả nghe podcast. Riêng với podcast, điều anh thích nhất không chỉ là sự tiện lợi, mà còn là khối lượng kiến thức khổng lồ từ nó.

Thế là anh tự hỏi, bên cạnh việc viết, sao mình làm không làm podcast… cho nhanh? Vì nếu như viết lách cần sự chuẩn mực trong từng câu chữ, thì podcast tự do và thân tình hơn.

Là một hình thức sáng tạo nội dung bằng giọng nói, podcast mở ra cơ hội để ta có thể thủ thỉ trò chuyện với thính giả như một người bạn, mà vẫn mang đến họ không ít kiến thức.

Những kiến thức này có thể đến từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc, hoặc từ các kênh podcast nước ngoài mà anh đã nghe. Tất cả sẽ được anh lọc qua sự cảm thụ riêng, được bình dân hóa sao cho dễ hiểu, dễ dùng nhất.

Qua đó, podcast Chàng Ngốc Già có thể trở thành cầu nối, đưa kiến thức Kinh tế - Tài chính từ năm châu đến người nghe Việt.

Hãy ‘liệu cơm gắp mắm’

Anh Trí chia sẻ, học làm podcast từ con số 0, anh đã phải ‘làm bài tập’ rất nhiều trước khi bắt tay vào sản xuất podcast. Đó là tìm hiểu mình cần sử dụng phần mềm, công cụ gì để xử lý âm thanh, mua micro loại nào để thu tiếng cho mượt mà nhất...

Nếu bạn cũng vừa bước vào sân chơi podcast, thì hãy thử tự hỏi những điều cơ bản nhất như, làm thế nào để giảm tiếng ồn trong lúc thu âm và khi hậu kỳ, ‘equalizer’ là gì, biên độ âm thanh nằm trong khoảng nào là vừa nghe nhất?

Nếu chưa biết, thì đừng ngại tìm hiểu trên mạng, hỏi thăm những podcaster đi trước. Và không cần phải biết tất cả, ta luôn có thể vừa học vừa làm.

Trên thực tế, có những kênh podcast được làm nên bởi một đội ngũ và dàn thiết bị hùng hậu. Nhưng cũng có những kênh, như Chàng Ngốc Già chẳng hạn, chỉ có một người phụ trách, và thiết bị chỉ đơn giản là một chiếc micro.

Nên khi bắt đầu làm podcast, tùy vào điều kiện của mỗi người, chúng ta hãy ‘liệu cơm gắp mắm’. Nhưng nếu có thể, hãy đầu tư cho mình một chiếc micro tốt. Dù sao thì đó cũng là thiết bị cần có duy nhất của một podcaster mà!

Khi ‘cá nhân’ quan trọng hơn ‘tài chính’

Anh Trí từng viết, trong Tài chính cá nhân, ‘cá nhân’ quan trọng hơn ‘tài chính’.

Có lẽ đó là lý do vì sao khi giới thiệu những kiến thức về Tài chính, anh luôn tìm cách diễn giải chúng trên phông nền của những câu chuyện lịch sử, những hiện tượng mạng nóng hổi, hay chính từ cuộc sống bản thân.

Hoặc ở nhiều tập, anh sẽ mời những chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau đến trò chuyện.

Những lúc đó, anh sẽ vừa đóng vai host, vừa đóng vai thính giả để nêu lên những câu hỏi cho khách mời. Bằng cách này, podcast không chỉ có thêm thông tin và góc nhìn từ người trong ngành, mà còn hấp dẫn hơn bởi có sự tương tác.

Song song đó, phản hồi của người nghe cũng là một yếu tố quan trọng giúp anh phát triển kênh. Khi biết cách tiếp thu ý kiến từ thính giả, ta vừa có cơ hội đa dạng hóa nội dung, vừa giúp cho nội dung thêm phù hợp với những quan tâm của công chúng.

Với anh, hơn cả một podcast về Tài chính cá nhân, Chàng Ngốc Già được lập ra là để truyền cho mọi người tinh thần ‘vui khỏe - chủ động - tích cực’.

Nên bên cạnh kiến thức, điều quan trọng hơn mà anh muốn lan tỏa đến người nghe là cảm hứng sống vui, sống khỏe. Vì một tinh thần và sức khỏe tốt, sẽ là bước đầu tiên trên con đường đi đến sự chủ động tài chính.

5 Kinh nghiệm về làm podcast từ Chàng Ngốc Già

  • Trước khi bắt tay vào sản xuất, bạn hãy làm một checklist. Liệt kê ra tất cả các công đoạn cần thiết, như chỉnh micro, xử lý file audio… và sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý. Cách này sẽ giúp tốc độ làm một tập podcast được tối ưu.
  • Không nhất thiết lúc nào cũng cần một kịch bản hoàn chỉnh. Với podcast, bạn có thể nói dựa trên dàn ý. Với những thông tin quan trọng như số liệu, tên riêng, hãy note lại để đảm bảo độ chính xác.

  • Nếu muốn truyền tải những kiến thức từ nước ngoài đến người nghe Việt Nam, thì trước tiên, bạn cần phải Việt hóa chúng. Hãy tìm những ví dụ phù hợp với bối cảnh - văn hóa Việt Nam, người nghe sẽ dễ cảm hơn.

  • Hãy kiểm soát tốc độ nói, vì nói quá nhanh hay quá chậm đều có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của người nghe.

  • Hãy hòa âm một cách khéo léo cho podcast, đừng để quá nhiều tiếng đệm làm âm thanh trong podcast của bạn bị chồng chéo lên nhau nhé!

Xin cảm ơn các Nhà tài trợ đồng hành cùng Vietcetera tại "trại thi" Cast Camp 2021.

Prudential: Là lựa chọn số 1 về bảo hiểm nhân thọ cho mọi gia đình Việt.
Tiki: Sàn thương mai điện tử đáng tin cậy nhất Việt Nam theo khảo sát của Nielsen năm 2020.
Baemin: Là ứng dụng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, hướng đền giới trẻ văn phòng - những người muốn dành nhiều thời gian để sống, làm việc và trải nghiệm hơn là vào việc chuẩn bị thức ăn.
Tiger: Tiger Collab - Dòng bia duy nhất đại diện cho Hệ Bản Lĩnh sẽ debut hoành tráng vào ngày 30/08.