Chữ Với Nghĩa: Xu cà na | Vietcetera
Billboard banner

Chữ Với Nghĩa: Xu cà na

"Xu cà na nhất là kỳ công trang điểm mất 2 tiếng đồng hồ nhưng vừa ra ngoài thì mưa gió tạt hết phấn son".
Chữ Với Nghĩa: Xu cà na

Nguồn: Gadgetfix.com

1. Xu cà na là gì?

Xu cà na nghĩa là ‘chán, xui xẻo, mệt mỏi quá…’ hoặc ‘hết tiền’.

Xu là cách nói lái của từ ‘xui’.

Cà na là loài cây thường gặp ở khu vực Tây Nam Bộ. Quả hình thoi giống quả olive, khi ăn sống có vị chua và chát. Cà na thường được ngâm với muối sau đó trộn cùng ớt, chanh hoặc đường.

Vì muốn tăng thêm mức độ cay đắng của vận vui, nhưng vẫn muốn nghe thật hài hước, người nói ghép ‘xu’ (xui xẻo) với ‘cà na’ (chua chát).

Xu cà na được biết đến rộng rãi nhờ cô Minh Hiếu - một hiện tượng mạng năm 2020, nổi tiếng vì những phát ngôn để đời “cầm tiền đi đường quyền”, “có 7 miếng đất”. Cô thường nói “xu cà na” trong các clip livestream của mình. Gặp chuyện không vui, Minh Hiếu than vãn: “Rồi, xu cà na luôn”. Thấy ngộ nghĩnh, nhiều người theo dõi cô đã học luôn từ này.

2. Xu cà na phổ biến khi nào?

Lý Nhã Kỳ là một trong những nghệ sĩ tiên phong “phát tán” thông điệp. Tháng 5 năm ngoái, cô quay một đoạn clip ngắn, trong đó nhắc đến xu cà na. Khi tham gia chương trình Nhanh Như Chớp, cô tiếp tục sử dụng xu cà na, nhưng lần này có đi kèm bối cảnh cụ thể: “Dẫm chân vào vũng nước lớn, ướt hết giày. Xui quá. Xu cà na!”.

Sau một thời gian, xu cà na tiến hóa thêm một lớp nghĩa mới. Page Hóng Hớt Showbiz từng đăng tải dòng status tâm trạng của ca sĩ Tiên Tiên, bài viết để caption “xu cà na” và nhận về 56.000 lượt like. Xu cà na lúc này đã thoát khỏi ý nghĩa thông thường (xui), trở thành ‘xui nhưng mà vui’.

Dograveng caption tacircm trạng của Tiecircn Tiecircn đatilde sản sinh ra một lớp nghĩa mới nguồn page hoacuteng hớt showbiz
Dòng caption tâm trạng của Tiên Tiên đã "sản sinh" ra một lớp nghĩa mới | Nguồn: Page Hóng Hớt Showbiz

Đây không phải lần đầu cà na được sử dụng như tiếng lóng. Trước đây người miền Nam thường nói “cà na xí muội”, tức là chuyện không đâu vào đâu. Cùng với cà na, một số tiếng lóng khác cũng được phát triển từ cây cỏ, như cây sậy (gầy), chuối (dở hơi), khoai (khó). Dễ thấy, người Việt thường dùng thực vật để gắn với cảm xúc, ngoại hình, sự vật, sự việc khác nhau, ví dụ:

  • Dùng cách gọi cây cối để chỉ bộ phận cơ thể: quả tim, lá gan, buồng phổi, bắp chân, bầu sữa…; hoặc chỉ cả một người: cây văn nghệ, cây viết trẻ, lá lành đùm lá rách, diễn viên gạo cội, người mất gốc...
  • Hoạt động, tính chất của cây cối được sử dụng cho con người: răng rụng, mọc mụn, bụng lép, nở mày nở mặt, tình yêu chín muồi, non kinh nghiệm, tình cảm đơm hoa kết trái…

Vì xuất phát từ văn hóa gốc nông nghiệp, đời sống tinh thần và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, cây cỏ. Từ văn hóa thờ cúng, đến cưới hỏi, lễ hội đều có hình bóng của thế giới thực vật. Theo học giả người Pháp Pierre Gourou, từng có người gọi nền văn minh Việt Nam là “nền văn minh thực vật”.

Có thể trong tương lai, cà na sẽ tiếp tục được tái sử dụng trong một tình huống hoàn toàn mới.

3. Dùng từ xu cà na như nào?

Tiếng Việt

  • Xu cà na nhất là chưa kịp lưu file làm việc thì máy tính tự nhiên tắt.
  • Bảo anh thợ tỉa một chút thôi nhưng anh ấy cắt nguyên một đoạn tóc. Xu cà na!
  • Cái áo đẹp quá nhưng lại xu cà na. Tiếc!

Tiếng Anh

Khi một điều không may vừa xảy ra, có thể thêm jinx (danh từ) , hoặc tough luck (câu cảm thán) vào câu. Ví dụ:

  • There must be a jinx on our team. Four of our best players were injured yesterday.
    (Đội của mình cứ bị xúi quẩy sao đó, tự nhiên hôm qua, 4 thành viên chơi giỏi nhất đều bị thương).
  • They've just run out of tickets? Oh, tough luck!
    (Họ vừa bán hết vé hả? Ui, xu cà na).