Chúng ta cần gì ở thơ? | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 05, 2021
Truyền Thông

Chúng ta cần gì ở thơ?

Thơ ca hiện đại ngoài vần điệu còn cần thêm những gì để có thể đổi mới và không ngủ quên trên lối mòn?

Chúng ta cần gì ở thơ?

Các nhà thơ trẻ: Hương Trà, Nam Thi, Nhược Lạc, Nam Trân

Thời đại thay đổi nên thơ ca cũng phải thay đổi theo. Nhưng dù thế nào, người ta vẫn cần đến thơ như một món ăn tinh thần. 

Thơ ca ngày nay không chỉ cần vần điệu, nó cần nhiều hơn những chuyển động mang tính đổi mới và tiệm cận với dòng chảy chung của thơ ca thế giới, ví dụ như: nhịp điệu, hình ảnh, cấu trúc và cả sự đồng cảm..

Nam Thi - Nhịp điệu là vân tay của mỗi nhà thơ

Nam Thi - một người thực hành thơ trẻ cho rằng: nhịp điệu là yếu tố luôn mang giá trị quan trọng bậc nhất trong thơ. Điều đó thể hiện ở tất cả mọi thời đại, mọi thể loại, chứ không riêng gì hiện đại hay đương đại.

Tuy nhiên, nếu như ở các thể thơ Việt Nam truyền thống trước đây, thường mang nặng tính vần thì chỉ khi thơ-không-vần xuất hiện, nhịp điệu mới được “chiếu sáng” hơn bao giờ hết. 

“Đầu tiên, ta cần làm rõ một điều: Vần là tính nhạc của ngôn ngữ. Nhờ tính nhạc này mà khả năng gieo nội dung vào trí nhớ của người nghe/người đọc rất tốt. Đó là lý do ta bắt gặp vần chủ đạo trong văn học dân gian như: phong dao, tục ngữ, hò vè. 

Nam Thi và nhịp điệu trong trong thơ hiện đại

 Bước sang dòng chảy thơ hiện đại, từng con chữ được coi như một thực-thể-độc-lập, tức là từng chữ ấy dù đứng riêng hay nằm trong tổng thể tác phẩm cũng cần năng lực biểu hình, biểu ý, biểu cảm.” - Nam Thi chia sẻ

Từ đây, công cuộc sáng tác của nhà thơ như hành trình tổ chức không gian chữ nhằm tạo nên nhịp điệu âm thanh (khi đọc), nhịp điệu hình ảnh (khi gợi) và nhịp điệu xúc động (khi cảm) riêng biệt. 

Như vậy, đời sống của bài thơ ấy, con chữ ấy mới không bị giới hạn và được khai mở liên tục.

Nhược Lạc - Sự đồng cảm là sợi dây vô hình nối tác giả với độc giả

Với nhà thơ Nhược Lạc, chị định nghĩa cái hay của một bài thơ là khả năng thể hiện một cảm xúc cô đọng. Đó là thứ mà ta khó tìm thấy trong những thể loại khác, ví dụ như: văn xuôi. 

Nữ nhà thơ cho rằng: cảm xúc trong một bài thơ do tác giả viết ra, mang dấu ấn cá nhân của cá nhân tác giả, nhưng đồng thời lại nói giúp được câu chuyện của (những) độc giả. Thơ ca định nghĩa đó là: sự đồng cảm.

Nhược Lạc và sự đồng cảm trong thơ hiện đại

“Sự đồng cảm là sợi dây vô hình nối tác giả với độc giả, giúp độc giả nhận ra đâu là “bài thơ viết cho mình”. Khi ta bắt gặp một nỗi buồn của mình, được nhắc đến rõ ràng trong một bài thơ, tự nhiên ta có cảm giác được chia sẻ.” - Nhược Lạc thổ lộ 

Bằng cách đó, nỗi buồn có thể được tô đậm lên, nhưng đó là nỗi buồn được lắng nghe, và rồi nó sẽ nguôi ngoai. Đó cũng là một khía cạnh mà thơ ca hiện đại Việt Nam đang hướng đến.

Hương Trà - Cấu trúc thơ bộc lộ cảm xúc hiện đại

Hương Trà, một người thực hành thơ trẻ cho rằng: “Với cảm thức hậu hiện đại, cấu trúc phân mảnh là cấu trúc xuất hiện nhiều trong thơ ca của người trẻ khi chung sống với một thế giới đa cực và nhiều mảnh vỡ.”

Những câu chuyện cá nhân được kể bằng ngôn từ vỡ vụn, đứt đoạn, không ổn định về số lượng chữ trong một dòng. Điều đó dẫn đến các sự kiện bị tách rời, cắt ghép, phi tuyến tính. Tuy nhiên người đọc vẫn có thể nhận ra những mảnh ghép đó nằm trong tổng thể một câu chuyện. 

Hương Trà và cấu trúc trong thơ hiện đại

Cấu trúc phân mảnh đem lại nhiều tự do cho người viết và gợi lên những khoảng chơi vơi giữa các con chữ. Đó cũng chính là chỉ dẫn tới một không gian thi ca mà người trẻ bộc lộ những hỗn độn, đứt gãy cảm xúc hay nỗi cô đơn, ám ảnh, hoài nghi, bối rối trong những đối thoại rất đầu đời.

Nam Trân - Thơ hiện đại và sự tự do của hình ảnh

Trong ngữ pháp Tiếng Việt, Nam Trân rất thích ẩn dụ và so sánh. Đối với chị, một bài thơ hay là bài thơ dùng từ ngữ của một điều này để miêu tả một điều đặc biệt khác mà nhà thơ đang muốn nói. 

Thơ khi đó vừa bộc bạch vừa kín đáo, nó vừa khó đoán, “lúng liếng” vừa rất rõ ràng và mạch lạc. Nếu những nhà thơ khác chọn tranh, chọn hoạ sĩ để cùng họ kể chuyện thì với mỗi tập thơ của mình, Nam Trân chọn ảnh của người bạn đời của mình. 

Với những layout bằng kiểu hình và thơ xen kẽ nhau theo từng bài, độc giả có thể chọn đọc thơ xong, rồi sẽ nghe kể lại câu chuyện họ vừa nghe một lần nữa bằng hình ảnh.

Khi thơ cả được chấp nhận trong sự tự do của hình ảnh, nhà thơ được tự do sáng tạo và bay bổng với các con chữ và cách họ chọn dùng chữ. 

Nam Trân và hình ảnh trong thơ hiện đại

Không khó để trở thành những nhà phê bình văn học hay thơ ca “online”, trên một không gian mạng cởi mở và tự do ngôn luận như hiện nay. Với những chia sẻ của các người thực hành thơ trẻ ở trên, hi vọng sẽ có thêm nhiều hơn những tiếng nói về thơ ca đến với công chúng. 

Cuối cùng, sau những tranh cãi hay chỉ trích lẫn nhau vì một bài thơ, chúng ta hãy thực hành thơ và yêu thơ bằng sự sáng tạo và trong sáng thuần tuý. Vì nếu muốn thơ ca được phát triển hơn nữa, thì đừng thờ ơ với thơ.