Chuyên gia hóa trang Tết ở Làng Địa Ngục kể chuyện "làm đẹp cho nỗi sợ" | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 12, 2023
Sáng TạoĐiện Ảnh

Chuyên gia hóa trang Tết ở Làng Địa Ngục kể chuyện "làm đẹp cho nỗi sợ"

Chang Belevia là người dùng cọ gieo rắc nỗi sợ trong Tết Ở Làng Địa Ngục, và sắp tới đây là Kẻ Ăn Hồn.
 Chuyên gia hóa trang Tết ở Làng Địa Ngục kể chuyện "làm đẹp cho nỗi sợ"

Nguồn: Chang Belevia cho Vietcetera

Chang Belevia có nuôi một “bí mật” từ lúc mới vào nghề: Chị ghiền xem phim kinh dị. Nếu các rạp có trình chiếu thì chị sẽ sớm đi xem, vừa để tìm thấy chất giải trí trong “ngôn ngữ hù doạ” của điện ảnh và vừa để nghiên cứu những thủ pháp tạo hình rùng rợn. “Một khi mình đã thích thì mình sẽ muốn đào sâu thêm, mong muốn làm cho bằng được,” Chang chia sẻ.

Bề dày kỹ năng của Chang và tổ hoá trang đang được thể hiện rõ trong series Tết Ở Làng Địa Ngục. Công việc của chị và đội ngũ rất công phu do có nhiều nạn nhân và nhiều kiểu tử nạn. Không ít bài viết đã khen ngợi khâu hoá trang và làm hiệu ứng của series, thậm chí nêu rõ là đây là điểm sáng nhất xuyên suốt 12 tập phim.

Series cũng nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia trang điểm Kim B cho tạo hình sói lửa liên quan đến nhân vật lão ăn mày.

Khi hay tin Chang và đội ngũ sẽ tiếp tục “gieo rắc nỗi sợ” trong dự án Kẻ Ăn Hồn — bộ phim lẻ kể về Làng Địa Ngục trước những sự kiện diễn ra trong series — Vietcetera tìm đến chị để khám phá những ngày “tô điểm kinh dị” ở Hà Giang và hành trình làm makeup artist của chị.

alt
Nguồn: Chang Belevia cho Vietcetera

Chang bước vào nghề từ khi nào?

Chị vào nghề từ năm 2009 lúc 24 tuổi. Ban đầu chị chỉ muốn học makeup để làm cho đẹp thôi, không có ý định làm cho điện ảnh. Sau đó, một chị bạn làm makeup cho phim truyền hình — phiên bản Việt của series Anh và Em — cần tìm người giúp và tìm đến chị.

Chị cũng đi hỗ trợ cho một dự án phim cổ trang, từ đó tìm thấy nhiều điều mới để làm và thử, và thấy makeup cho phim thật là hấp dẫn. Chị tự đi tìm và nhận việc cho dự án thứ ba. Dù phim nhỏ hay lớn, chị thấy phim nào cũng cần hoá trang. Nếu không làm vết thương thì cũng làm nhân vật già đi, v.v.

Chị nghĩ mình đã hoà makeup với thể loại kinh dị từ khi có sở thích tìm đến những clip máu me nhất phim — những đoạn thường sẽ bị cắt đi ở ngoài rạp — và suy nghĩ về thủ thuật. Vào năm 2020 trước khi đại dịch diễn ra, do có nhiều thời gian, chị có đăng ký một vài workshop tạo hình đất sét, tương tác với silicon và latex. Nhiều người bạn cũng hướng dẫn chị thêm nữa.

Cơ duyên nào đưa Chang đến với Tết Ở Làng Địa Ngục?

Khi chị đang làm một dự án phim chiếu rạp khác — rất cực, đêm nào chị đi làm về tay chị cũng dính đầy máu. Máu hiệu ứng nhé. (cười)

Chị đã tự nhủ chắc đây là dự án phim kinh dị cuối cùng mình sẽ tham gia. Thế rồi kịch bản của Tết Ở Làng Địa Ngục làm chị quá thích thú, quá mê. Sau đó chị nghĩ chắc để Tết là dự án cuối cùng của mình. Nói vậy chứ, chị cứ nghĩ dự án mới nào cũng là dự án cuối cùng để mình làm cho hết sức, hết khả năng. Bạn bè của chị thường chọc chị là, “Ủa, phim cuối chưa?” Chị biết là mình đang tự tạo áp lực cho bản thân đó!

Chị thấy Tết là một dự án không chỉ khó mà còn nhiều việc nữa! Nhưng nhờ vậy mà trải nghiệm làm việc thật là đặc biệt và thú vị. Quá trình tiền kỳ của series rất là lâu, do chị muốn mọi tạo hình đều phải khác nhau.

alt
Nhân vật Thị Lam (NSƯT Hạnh Thuý) trên phim | Nguồn: ProductionQ/K+
alt
...và trên set | Nguồn: Chang Belevia cho Vietcetera

Chị có những kỷ niệm thú vị nào giữa ăn ‘Tết’ và ‘Ăn Hồn’ không ?

Làm máu giả và vết thương cho series vậy mà dễ hơn làm vết hạch cho nhân vật Hạch em nhé! (cười).

Những cái hạch chị muốn phải liền vào da để người xem không thấy được những đường dán. Chị cũng cân nhắc màu sắc cho các mụn hạch để thêm phần thuyết phục. Chị cũng phải làm sao để các mụn hạch tuy rõ nét, thế nhưng kết cấu trên gương mặt phải hợp lý và không làm diễn viên xuống sắc.

Vai diễn Hạch cũng phải quay raccord trong nhiều ngày để kiểm tra tìm lỗi, chắc chắn các hạch giống nhau. Mỗi một ngày bạn diễn viên quay là chị đều dán hạch mới, phải làm khuôn mới. Chị làm sẵn hết, tránh đổ trực tiếp trong ngày do sẽ có khác biệt, và điều này giúp chị và team tiết kiệm thời gian trên set rất nhiều.

Makeup cho Thị Lam cũng có những điểm khó và điểm vui đặc trưng. Dù mấy cảnh cuối nhân vật đã thành ma hoá quỷ rồi, chị muốn làm sao để khán giả vẫn nhận ra đó là nhân vật… chỉ là phiên bản đáng sợ hơn thôi.

Một phần nào đó gần như nhờ làm Tết Kẻ Ăn Hồn mà chị chinh phục được nỗi sợ của mình! Chị có hội chứng sợ lỗ, thế mà trong Kẻ Ăn Hồn lại phải làm rất nhiều! Nhưng mà nếu chị không nghiên cứu, không nhìn trực diện thì không thể tạo hình được. Có nhiều lúc cho hai dự án chị tự làm rồi chị tự rùng mình luôn.

Hoá trang cho cả một đoàn làm phim hẳn rất cần một đội ngũ đắc lực?

Do đã làm việc với nhau từ lâu, chị có cảm giác là team của chị làm việc khá nhanh. Chỉ cần nhìn nhau hay nhắn tin nhanh là hiểu thôi! Lúc làm tiền kỳ cho Tết Ở Làng Địa Ngục là chị có bốn, năm người làm chung, và khi lên set là năm người. Mọi người làm tạo hình và silicon sẵn, làm sao để lên set chỉ là dán thôi.

Thời gian trang điểm lâu nhất của nhóm chị là bốn tiếng thôi, makeup trực tiếp lên diễn viên thủ vai Mẹ Viên. Chị thấy may mắn là các bạn trong team không chỉ hiểu ý với nhau mà còn làm rất tốt mà không mất nhiều thời gian. Mọi người cùng làm với nhau và chị sẽ là người kiểm tra cuối cùng.

alt
Đỗi ngũ hóa trang trên phim trường (từ trái sang phải): Ngọc Nguyễn, Chang Belevia, Tôn Nữ Mỹ Như, Kiều My và Jane Nguyên | Nguồn: Chang Belevia cho Vietcetera

Theo đuổi ngành makeup điện ảnh trong nước có những trở ngại nào?

Chị cảm thấy là Việt Nam mình thiếu trung tâm đào tạo chuyên nghiệp cho lĩnh vực makeup điện ảnh. Mình cũng có các workshop trang điểm, nhưng dạy và học makeup cô dâu rất khác với makeup cho phim truyện, phim lẻ. Học viên cần được đào tạo để hiểu về nhân vật, đọc kịch bản và phân tích họ rõ ràng.

Đây là mình chưa kể đến làm hiệu ứng nữa, một sự nâng cao về sau. Điều này là còn tuỳ vào cơ duyên, nhưng chị và vài người bạn có mong muốn mở một lớp học để mọi người có thể hiểu sâu hơn và đi đúng hướng!

À, còn vấn đề về nguyên phụ liệu nữa! Mỗi khi chị mua đồ, chị mua số lượng lớn và rồi để đó, trong thời gian chưa có dự án thì tự lấy ra nghịch phá. Nếu chị không mua sẵn và rồi đến lúc nhận việc, chị sẽ không có đồ. Có nhiều món mình đặt gấp thì chi phí sẽ rất cao, có vài món phải chờ khá lâu mới đến do có hoá chất không được phép lên máy bay. Một bất lợi của việc mua nhiều là sẽ có phần đồ bị hư, trở nên khô hay chảy ra nước và không dùng được nữa.

alt
Tạo hình trước và sau khi hoàn thành của Mẹ Viên (Hà Lê) | Nguồn: Chang Belevia cho Vietcetera

Khán giả sẽ gặp lại Chang Belevia và đội ngũ trong hai phim chiếu rạp khác là Móng Vuốt và một dự án mới cũng từ ProductionQ.