Chuyên gia trong ngành nói gì về tương lai của dịch vụ tài chính tại Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner

Chuyên gia trong ngành nói gì về tương lai của dịch vụ tài chính tại Việt Nam?

Cùng lắng nghe chia sẻ và nhận định của các chuyên gia tại buổi hội thảo trực tuyến “Shaping The Future In The Digital Age: Financial Services Outlook”.
Chuyên gia trong ngành nói gì về tương lai của dịch vụ tài chính tại Việt Nam?

Chuyển đổi số hiện đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và sản xuất của cải vật chất, đặc biệt trong bối cảnh thích ứng với trạng thái bình thường mới.

alt

Tại Việt Nam, chuyển đổi số hiện đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và sản xuất của cải vật chất, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Vào ngày 05/11 vừa qua, Vietcetera, cùng với AIA Việt Nam và McKinsey & Company Việt Nam, đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến “Shaping The Future In The Digital Age: Financial Services Outlook”. Được dẫn dắt bởi host Hảo Trần - CEO tại Vietcetera, buổi hội thảo đã mở ra cuộc thảo luận về cách các doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam tận dụng cơ hội trong thời điểm hiện tại để số hóa, mở rộng phạm vi hoạt động và đa dạng hóa dịch vụ.

Buổi hội thảo trực tuyến có sự góp mặt của 4 diễn giả, là chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính: ông Wayne Besant (CEO tại AIA Việt Nam), ông Bruce Delteil (Managing Partner tại McKinsey & Company Việt Nam), bà Manisha Shah (CFO tại MoMo), và bà Winnie Wong (Country Manager khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào tại Mastercard).

Dưới đây là tóm tắt những chủ đề được bàn luận trong buổi hội thảo trực tuyến ngày 05/11. Bạn cũng có thể xem lại toàn bộ buổi hội thảo tại đây.

Tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp và minh bạch

Khởi đầu buổi hội thảo, ông Wayne Besant, CEO tại AIA Việt Nam, đã giải thích về những yếu tố tạo nên sự độc đáo và sức bền của tập đoàn AIA, cũng như những giải pháp giúp mọi người sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn trong thời đại thông tin kỹ thuật số. Không chỉ là một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, AIA còn là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ với nhiều dịch vụ bảo hiểm tai nạn, sức khỏe, và tài chính.

Tại các quốc gia châu Á đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp hiện vẫn là một thách thức đối với các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, đây lại là thị trường đầy hứa hẹn để AIA mở rộng hoạt động kinh doanh, cũng như nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh. Ông Besant nhận định, mục tiêu này bắt nguồn từ “cam kết của công ty về lối sống lành mạnh, tạo điều kiện sống lâu và khỏe hơn cho nhân viên, đối tác, và khách hàng.”

alt
Ông Wayne Besant, CEO tại AIA Việt Nam.

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, ông Besant khẳng định AIA Việt Nam đã và đang tập trung mang đến các sản phẩm đơn giản, minh bạch và phù hợp để “nâng cao trải nghiệm khách hàng trong thời đại thông tin kỹ thuật số”.

Chẳng hạn, trong năm tới đây, AIA Việt Nam sẽ chính thức ra mắt ứng dụng AIA Vitality, được phát triển dựa trên cam kết giúp người Việt hướng đến cuộc sống Khỏe hơn, Lâu hơn, Hạnh phúc hơn. Ứng dụng sẽ cung cấp các bài tập và chế độ dinh dưỡng được cá nhân hóa để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời khuyến khích khách hàng phát triển lối sống lành mạnh bằng cách thưởng tặng phiếu mua hàng hoặc phiếu giảm giá.

“Người dùng sẽ được cung cấp quyền truy cập vào tất cả các điểm chạm, từ quá trình đăng ký gói dịch vụ ban đầu, cho đến các khoản bồi thường và quá trình thực hiện dịch vụ.” - ông Besant chia sẻ. Hơn nữa, các dịch vụ trong ứng dụng cũng cần được tích hợp, thiết kế đơn giản và dễ thao tác.

Theo ông Besant, một cơ hội và cũng là thách thức mà AIA đang đối mặt ở thời điểm hiện tại là “đặt trong tâm vào chất lượng trải nghiệm khách hàng. Để gặt hái thành công trên thị trường bảo hiểm, các công ty cần đưa ra giải pháp dựa trên nguyên tắc lấy khách hàng làm trung tâm.”

Tầm quan trọng của hệ sinh thái kỹ thuật số đối với các công ty bảo hiểm và tài chính

Nối tiếp cuộc thảo luận, ông Bruce Delteil, Managing Partner tại McKinsey & Company Việt Nam, đã chia sẻ một số góc nhìn chuyên sâu về ý nghĩa của hệ sinh thái kỹ thuật số trong các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tại Việt Nam.

Hệ sinh thái - hiểu theo nghĩa rộng - là một tuyên bố giá trị (value proposition) được xây dựng dựa trên việc tập hợp và kết nối nhằm phục vụ một mục đích tổng thể. Chẳng hạn, để mua một ngôi nhà, bạn cần liên hệ và làm việc với nhiều bên như đơn vị kiến trúc, xây dựng, và đơn vị cho vay.

Ông Delteil nhận định: “Hệ sinh thái được tạo nên từ khả năng tập hợp nhiều thành phần khác nhau để cùng hướng tới một tuyên bố giá trị cụ thể, và tận dụng công nghệ để quá trình tích hợp được liền mạch.”

alt
Ông Bruce Delteil, Managing Partner tại McKinsey & Company Việt Nam.

Ngoài ra, ông Delteil cũng giải thích 3 lợi ích của việc xây dựng hệ sinh thái đối với tương lai của mọi ngành nghề kinh doanh.

Lợi ích đầu tiên là giảm chi phí thu hút khách hàng. Thay vì trực tiếp tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, bạn có thể tìm hiểu từ tệp khách hàng của các nền tảng thuộc cùng hệ sinh thái. Thứ hai, hệ sinh thái sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một hệ thống dữ liệu được tổng hợp đầy đủ.

Và thứ ba, hệ sinh thái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Không chỉ hiểu rõ khách hàng, bạn còn có khả năng sáng tạo để mang đến các sản phẩm và dịch vụ mới lạ hơn.

“Các công ty có thể tham gia vào hệ sinh thái đã thành lập, hoặc tự tạo dựng một hệ sinh thái mới.”

Người tiêu dùng hiện đang tìm đến những giải pháp nhanh chóng và giá cả phải chăng. Để Việt Nam có thể tiếp tục phát triển và vươn lên, việc xác định tuyên bố giá trị chung cho các dịch vụ trong cùng hệ sinh thái sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

“Khi tham gia hệ sinh thái, các công ty cần tập trung vào tuyên bố giá trị chung thay vì thế mạnh riêng. Trong trường hợp dữ liệu đóng vai trò quan trọng, hãy cân nhắc kết hợp cùng những nền tảng có khả năng cung cấp nhiều dữ liệu hoặc giao dịch thương mại nhất. Ngoài ra, hệ sinh thái kỹ thuật số cũng mang đến cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề như thiết kế, khoa học dữ liệu, và công nghệ.”

Tương lai của các loại hình dịch vụ tài chính trong thời đại thông tin kỹ thuật số

Phương pháp thanh toán trực tuyến đang ngày càng được ưa chuộng và tin dùng. Tuy nhiên, theo bà Manisha Shah - CFO tại MoMo, người tiêu dùng hiện vẫn gặp một số rào cản trong việc ứng dụng các công nghệ thanh toán mới, chẳng hạn như thiếu hướng dẫn cụ thể.

“Khi phương pháp thanh toán trực tuyến bắt đầu được đưa vào sử dụng, số lượng người dùng sẽ tăng lên rất nhanh nhờ hiệu ứng mạng (networking effect). Tuy nhiên, xu hướng này hiện vẫn chưa phổ biến tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với một số thách thức lớn như thiếu hụt về nhân sự, hay khó định hình các kế hoạch kinh doanh lâu dài. ‘Thời đại thông tin kỹ thuật số’ vẫn là một khái niệm xa lạ, và họ cũng không có đủ thời gian tìm hiểu. Hơn nữa, tiền mặt hiện vẫn là phương pháp thanh toán phổ biến nhất tại các doanh nghiệp này.”

alt
Bà Manisha Shah, CFO tại MoMo.

“Trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng tôi luôn cố gắng phát triển các sản phẩm thanh toán dựa trên mục tiêu cùng chủ cửa hàng xây dựng tuyên bố giá trị chung. Sản phẩm càng mang lại nhiều giá trị, chủ cửa hàng sẽ càng chú trọng cân nhắc và giảm bớt lo lắng về chi phí đầu tư.”

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số còn giúp đảm bảo khả năng thanh khoản và tạo thuận lợi cho quá trình vay vốn.

Bà Winnie Wong chia sẻ: “Mọi người thường quan niệm rằng ngân hàng hay gây khó dễ khi cho vay. Tuy nhiên, nếu không thu thập đủ dữ liệu, các ngân hàng và đơn vị cho vay cũng không có khả năng được cấp phép cho vay. Do đó, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp dữ liệu một cách đầy đủ và minh bạch hơn.”

“Do ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động kinh doanh trực tiếp, đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội kéo dài suốt 5 tháng gần đây, xu hướng số hóa đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã bắt đầu cân nhắc áp dụng các phương pháp kinh doanh và thanh toán trực tuyến trong vận hành hàng ngày.”

alt
Bà Winnie Wong (Country Manager khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào tại Mastercard.

Trước những lo ngại về việc áp dụng công nghệ tiên tiến có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực, ông Delteil chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ sẽ giúp tạo ra thêm nhiều việc làm, thay vì thay thế các công việc sẵn có.”

Chẳng hạn, những đổi mới của các nền tảng di động và kỹ thuật số đã tạo ra mô hình ngân hàng đa năng (universal banking), với đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Ông Besant cũng nhấn mạnh, để chủ động đối phó với những thách thức do đại dịch COVID-19, nhiều công ty hiện đang áp dụng phương pháp kết hợp các hình thức kết nối trực tiếp và trực tuyến để tiếp cận khách hàng mới. “Nhu cầu thực hiện giao dịch đơn giản và liền mạch ngày một tăng, do đó nhiều công ty đã và đang hợp tác chặt chẽ để cùng xác định tuyên bố giá trị chung hướng tới khách hàng.”

Để các doanh nghiệp tài chính tiếp tục vận hành suôn sẻ tại Việt Nam, bà Manisha Shah tin rằng: “Xây dựng niềm tin của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Chẳng hạn, dịch vụ ví điện tử có số lượng người sử dụng càng lớn, càng được nhiều công ty áp dụng trong quá trình vận hành, thì cũng đạt được độ tín nhiệm cao hơn.

Tuy nhiên, để có thể đứng vững trên thị trường, các công ty hoặc nền tảng cần mang đến nhiều giá trị hơn nữa trong các sản phẩm của mình, tăng cường tương tác hiệu quả, và đảm bảo chất lượng của trải nghiệm khách hàng.”

Bà Winnie Wong nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển theo nhu cầu ngày một đổi thay của người tiêu dùng. Trước những nhu cầu ấy, doanh nghiệp nên cân nhắc ứng dụng công nghệ tân tiến trong hoạt động kinh doanh để đón đầu xu hướng và trở thành nhân tố dẫn dắt thị trường.”

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân