Chuyện Ma Gần Nhà: Khi ma không có hồn | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 02, 2022
Điện Ảnh

Chuyện Ma Gần Nhà: Khi ma không có hồn

Chuyện Ma Gần Nhà đã có chất liệu vàng ròng trong tay, nhưng lại biến thành một bộ phim mạ vàng.
Chuyện Ma Gần Nhà: Khi ma không có hồn

Nguồn: Chuyện Ma Gần Nhà

Chuyện Ma Gần Nhà, với tôi, là một thất bại, cho dù nó đang bùng nổ phòng vé với doanh thu đáng kinh ngạc.

Tôi mừng vì thành quả phòng vé của bộ phim bao nhiêu thì thất vọng về chất lượng của bộ phim bấy nhiêu. Tại sao các nhà làm phim trẻ đã có được một mỏ vàng trong tay, đã lách được một cánh cửa hẹp để đi mà không đụng hàng với ai cả, đã có những chất liệu original nguyên bản vàng ròng, mà họ lại bỏ phí đề tài, biến thành một bộ phim "mạ vàng" như vậy?

Mọi thứ hiện lên trên phim chỉ dừng lại ở một cái khung sườn, cái concept có vẻ mới lạ, có vẻ li kỳ, có vẻ thông minh sáng tạo; nhưng chất liệu họ thể hiện trên phim thì vụng về, rời rạc, hời hợt và rất nông.

Xem xong phim này tự nhiên nhớ tới 2 câu thơ của Đồng Đức Bốn:

"Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những thứ nhiều khi không vàng"

Cầm lòng bán cái vàng đi

Ê kíp làm phim Chuyện Ma Gần Nhà đã có "vàng" trong tay. Đó là một thứ vàng nguyên chất bởi lâu nay, dòng phim kinh dị Việt Nam mới chỉ dừng lại ở tiểu thể loại (subgenre) là "psychological" mà ở đó, các đạo diễn tìm cách "lách" cửa kiểm duyệt bằng cách đánh lừa tâm trí người xem. Họ tạo ra các nhân vật hoang tưởng và rối loạn về tâm lý hoặc cảm xúc, dẫn đến hành động "tẩu hỏa nhập ma", muốn hiểu sao thì hiểu.

Nguồn Chuyện Ma Gần Nhagrave
Chuyện Ma Gần Nhà đã chọn cho mình một thể loại không đụng hàng ở thị trường Việt Nam - "urban legend" | Nguồn: Chuyện Ma Gần Nhà

Nhưng với đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, ngay từ khi bước vào lãnh địa này, họ đã chọn cho mình những "tiểu thể loại" có thể nói là mới mẻ, hoặc không đụng hàng, ở thị trường Việt Nam: đó là "folk horror" với Bắc Kim Thang, "survival" với Rừng Thế Mạng và bây giờ là "urban legend" với Chuyện Ma Gần Nhà.

Phải công nhận ngay là Tấn và Quân thông minh và khôn ngoan. Hai bạn không phải là dân điện ảnh chuyên nghiệp hoặc được đào tạo bài bản từ điện ảnh, nhưng con mắt của dân làm quảng cáo và marketing khiến họ bước vào lãnh địa này với sự thấu hiểu về thị hiếu của khán giả.

Và đúng lúc mà khán giả Việt đang hướng nội, bắt đầu quay về với các giá trị văn hóa truyền thống hay "chất Việt" trong thưởng thức thì họ bắt nhịp đúng lúc, "đào" đúng mạch nước ngầm bị vùi lấp quá lâu dưới mặt đất.

Dù được mời premiere nhưng cả ba bộ phim này tôi đều mua vé vào rạp xem, đơn giản là muốn ủng hộ một tấm vé cho sự dũng cảm và táo bạo của họ. Và cả ba, tôi đều ra về với trạng thái lửng lơ.

Chúng không tệ đến mức không có gì để viết. Nhưng sự thiếu hoàn thiện, cách kể chuyện vừa tham lam vừa vụng về, cách xử lý đường dây câu chuyện thiếu sự xuyên suốt và đặc biệt là logic tâm lý nhân vật thiếu nhất quán, hoặc đôi khi - bất chấp logic - khiến việc thưởng thức các bộ phim này đều rơi vào trạng thái lơ lửng. Muốn khen một số thứ nhưng muốn chê nhiều thứ.

Trước khi gacircy sốt với Chuyện Ma Gần Nhagrave cặp đạo diễn nagravey cũng đatilde tạo ra một Bắc Kim Thang rất được đoacuten nhận Nguồn Phim Bắc Kim Thang
Trước khi gây sốt với Chuyện Ma Gần Nhà, cặp đạo diễn này cũng đã tạo ra một Bắc Kim Thang rất được đón nhận. | Nguồn: Phim Bắc Kim Thang

Bắc Kim Thang rất được 2 hồi đầu thì hỏng hồi 3 (nếu coi một bộ phim có 3 hồi theo kiểu truyền thống) với cách xử lý "plot twist" bất chấp tất cả.

Rừng Thế Mạng hỏng hồi 1 vì cách dẫn dắt (intro) quá nông (đến mức tôi tự hỏi, mâu thuẫn của các bạn gen Z chỉ tầm thường đến thế thôi sao?) khiến cho hai hồi cuối bị vạ lây vì khán giả đã... ghét nhân vật ngay từ hồi 1 rồi.

Đến Chuyện Ma Gần Nhà thì đạo diễn chuyển sang "anthology" kiểu hợp tuyển (vốn phù hợp với xu hướng streaming hiện nay) thì kết quả là cả ba phần phim đều chấp chới, gần như không phần nào tới đích cả. Sự phí phạm đề tài và chất liệu là vậy.

Lựa chọn kể chuyện "urban legend" (những huyền thoại đô thị) với thể loại kinh dị là một hướng đi phải nói là thông minh của "vũ trụ ma" này. Bởi bản thân chúng đã có một lượng fan khổng lồ.

Ai trong chúng ta chẳng nghe những câu chuyện hồn ma bóng quế lởn vởn đâu đó. Ở nông thôn thì đậm đặc các tích truyện dân gian kiểu folk horror; ở thành thị thì các câu chuyện ma kiểu đô thị. Những ngôi nhà bỏ hoang, những khu chung cư bị ma ám, những nhân vật kỳ bí quỷ dị không rõ xuất xứ... luôn là nguồn cảm hứng bất tận của mọi người. Sợ hãi thật đó, mà hầu như không cưỡng lại được.

Năm 1973 những người thiacutech phim ma kiểu quoturban legendquot đatilde được matilden nhatilden với Con Ma Nhagrave Họ Hứa Nguồn dan47com
Năm 1973, những người thích phim ma kiểu "urban legend" đã được mãn nhãn với Con Ma Nhà Họ Hứa | Nguồn: dan47.com

Phim ma kiểu "urban legend" đã từng được kể và thành công vang dội trước 1975 với Con Ma Nhà Họ Hứa của đạo diễn ăn khách số 1 thời đó là Lê Hoàng Hoa.

Dựa theo những giai thoại, những lời đồn thổi về hồn ma của cô con gái mắc bệnh hủi của ông Hứa Bổn Hỏa (chú Hỏa), một đại phú nức tiếng ở Sài Gòn và cả miền Nam cuối thế kỷ 19, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến những chất liệu đó thành bộ phim kinh dị kiểu "huyền thoại đô thị" sớm nhất tại Việt Nam.

Những giai thoại nổi tiếng của nó, cộng với tài kể chuyện của Lê Hoàng Hoa - bậc thầy phim giải trí lúc đó (từng được ví là Hitchcock của Việt Nam) khiến bộ phim này tạo nên cơn sốt vé hiếm có khắp miền Nam vào mùa phim Tết năm 1973. Đầu những năm 2000, Lê Hoàng Hoa dự tính khởi động lại dòng phim ma kiểu urban legend này, nhưng không may ông gặp tai nạn và qua đời sau đó.

Vì vậy mà sự tiếp nối của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân với dòng phim này (cho dù có thể là tình cờ) với tôi là một sự lựa chọn thông minh và kịp thời.

Nguồn Chuyện Ma Gần Nhagrave
"Urband legend" thực sự là một mỏ vàng trong dòng phim kinh dị Việt Nam | Nguồn: Chuyện Ma Gần Nhà

Khai thác các câu chuyện ma kiểu "urban legend" hay những tích truyện ma kiểu folk horror là một mỏ vàng thực sự trong dòng phim kinh dị Việt Nam. Chúng không đụng hàng với phim kinh dị của bất kỳ nước nào khác, bởi cái chất Việt Nam nó đã nằm ở ngay trong câu chuyện rồi, không cần phải tìm hay sao chép đâu nữa.

Nhưng có được mỏ vàng rồi, khai thác và sử dụng mỏ vàng ấy như thế nào là một câu chuyện khác. Và điều đáng tiếc nhất với tôi là đạo diễn chỉ mới kể một câu chuyện "mạ vàng". Hoặc nói một cách khác, một câu chuyện ma nhưng thiếu hồn.

Để mua những thứ nhiều khi không vàng

Một bộ phim ma thành công, với tôi, trước hết là phải đánh được vào nỗi sợ vật lý của khán giả. Nó khiến họ phải nổi gai ốc, phải giật bắn mình, phải hú hét trong rạp và adrenaline dâng trào.

Một bộ phim ma kinh điển ngoài đánh được vào nỗi sợ vật lý, còn khiến chúng ta phải soi chiếu vào nội tâm mình để gây nên sự ám ảnh. Như Stanley Kubrick từng nói, ông làm phim kinh dị (The Shining) là để phóng chiếu nỗi sợ hãi nguyên thủy và những vùng tăm tối bên trong của con người, chứ không phải để dọa dẫm khán giả.

Nguồn Chuyện Ma Gần Nhagrave
Phim ma kinh điển ngoài đánh được vào nỗi sợ vật lý, còn phải khiến chúng ta phải soi chiếu vào nội tâm mình để gây nên sự ám ảnh. | Nguồn: Chuyện Ma Gần Nhà

Điều đáng tiếc là Chuyện Ma Gần Nhà ngay cả nỗi sợ vật lý cũng không có. Tôi xem bộ phim này với một cảm xúc phẳng lì (flat) từ đầu tới cuối, không có lấy một chút động đậy dù tôi vốn là một đứa rất... nhát ma. Thậm chí, khối chuyện urban legend, dù chỉ qua kiểu truyền khẩu, vẫn khiến tôi dựng hết các loại lông tóc trên người.

Đạo diễn càng cố tung ra các miếng hù dọa, vay mượn chỗ này một tí, chỗ kia một tí, ngay cả của những tên tuổi lớn đi nữa như một chút của Guillermo del Toro, một chút của Stanley Kubrick... tôi vẫn thấy không động đậy. Đơn giản thôi, bởi các câu chuyện ma đều thiếu hồn người.

Nguồn Chuyện Ma Gần Nhagrave
Các câu chuyện ma trong phim đều thiếu hồn người | Nguồn: Chuyện Ma Gần Nhà

Và vì thiếu hồn người, nên ba câu chuyện ma được lần lượt kể mà thiếu sự kết dính, thiếu sự phản chiếu, thiếu một đường dây xuyên suốt. Vì thiếu hồn người, nên các nhân vật cứ lần lượt xuất hiện rồi trôi đi mà không để lại dư vị gì. Vác hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, âm nhạc bỗng trở thành thừa thãi hoặc đôi khi vô nghĩa.

Và vì thiếu hồn người, các hồn ma cũng không khiến ta đồng cảm, thông cảm với cả người lẫn ma, cũng không "nhắn nhủ" với ta được điều gì...

Hãy để "thuần Việt" là một thương hiệu vàng ròng đúng nghĩa

Thành công bất ngờ và thậm chí đáng kinh ngạc tại phòng vé của Chuyện Ma Gần Nhà là một niềm khích lệ lớn đối với thị trường phim Việt đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch.

Thành công (về doanh thu) đó một lần nữa cho thấy khán giả Việt khao khát và ủng hộ phim Việt, khao khát được xem những bộ phim thuần Việt (cả chị đại Gal Gadot lẫn Jennifer Lopez đều bị phim Việt 'đè bẹp'). Thế nhưng, thuần Việt mà không có hồn Việt thì cũng dễ "bay màu".

Hãy biến sự "thuần Việt" đó thành một thương hiệu, một giá trị lâu bền chứ không phải là một cú ăn may, một thành công kiểu "ông vua xứ mù".