Con người có cần chịu trách nhiệm trước hiện tượng loạn nhiệt gần đây? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Con người có cần chịu trách nhiệm trước hiện tượng loạn nhiệt gần đây?

Con người không thể đứng ngoài hay độc lập với thiên nhiên và môi trường. Một chiếc túi rác thải ra hay một chiếc cây bị đốn hạ cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của trái đất về lâu dài. 
Con người có cần chịu trách nhiệm trước hiện tượng loạn nhiệt gần đây?

Hiện tượng loạn nhiệt đang xảy ra trên thế giới những ngày giữa năm 2022

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Những ngày cuối tháng 4, nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan đã đạt đến ngưỡng chịu đựng của con người. Với mức nhiệt lên đến 49 độ C, bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, Sherry Rehman, mô tả: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua thứ mà nhiều người gọi là năm không có mùa xuân.”

Đồng thời, Cục Khí tượng Ấn Độ xác nhận, nhiệt độ trung bình trong tháng 4 năm nay ở khu vực miền bắc và miền trung của đất nước này, đã đạt mức cao nhất trong lịch sử hơn 100 năm trở lại đây.

Trong khi đó, các khu vực nhiệt đới ở châu Á đã ghi nhận mức nhiệt thấp bất thường trong năm nay. Australia đã chứng kiến đợt lạnh đầu tiên trong năm sau tháng 4 ấm kỷ lục, Thái Lan cũng ghi nhận nhiệt độ thấp nhất ở mức 13,6 độ C trong tháng 5.

alt
Ngày 14-15/5, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh giữa mùa hè

Tại Việt Nam, theo Cục khí tượng thuỷ văn, giữa tháng 5 sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về. Nhiệt độ miền núi phía Bắc xuống dưới 16⁰C và nhiệt độ khu vực quanh Hà Nội khoảng 18-20⁰C.

2. Vì sao lại có những hiện tượng này?

Được biết, nguyên nhân dẫn tới các đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan là do lượng mưa trung bình tại khu vực Nam Á sụt giảm một cách bất thường trong những tháng qua.

Hình thái thời tiết trên gây ra tình trạng thiếu nước, hạn hán ở nhiều khu vực. Đồng thời, biến đổi khí hậu khiến nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với nền nhiệt cao hơn.

Còn với những đợt gió lạnh giữa mùa hè, theo các chuyên gia, nhiệt độ bề mặt biển ở phía Đông Thái Bình Dương, khu vực cận xích đạo xuống thấp hơn đến 1.2 độ C so với trung bình chung giai đoạn 1991-2020. Hiện tượng này khiến La-Nina hoạt động mạnh trở lại gây mưa nhiều và lạnh.

alt
Các hình thái khí hậu cực đoan dự đoán sẽ xuất hiện nhiều vào năm 2022

La-Nina (trái ngược với El-Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hình thái này đã có từ xa xưa, nhưng việc nó xuất hiện mạnh vào mùa hè thì thường rất hiếm.

Mùa hè đến sớm cùng lúc với mùa đông kéo dài trong cùng một châu lục, dường như thế giới đang phải đối mặt với hiện tượng loạn nhiệt và biến đổi khí hậu ngày trong nửa đầu năm 2022 này.

3. Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra như thế nào?

Một thực tế đáng buồn là năm 2021 chứng kiến số lượng người kỷ lục bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, từ lũ lụt khắp châu Âu cho đến nạn đói đầu tiên do khí hậu gây ra ở Madagascar.

Báo cáo về Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 đã ghi lại các chỉ số của hệ thống khí hậu bao gồm nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ tăng ở đất liền và đại dương, mực nước biển dâng, băng tan, các sông băng rút đi và thời tiết khắc nghiệt hơn.

Đồng thời, nó cũng nêu bật các tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội, di cư, an ninh lương thực và các hệ sinh thái đất và biển.

Theo dữ liệu thăm dò từ khảo sát tổ chức tư vấn toàn cầu của Ipsos, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022.

Việt Nam là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Vì thế, Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu.

alt
Trên thế giới, với mức tăng nhiệt độ trên 1,5 độ C, nguy cơ mất mùa ngô hàng loạt ở các vùng sản xuất lương thực lớn khác nhau sẽ tăng lên, đe dọa chuỗi cung ứng ngô toàn cầu.

Ngoài ra, nhiệt độ nước ở các biển và đại dương ấm lên là nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão. Những cơn bão khốc liệt đang ngày một nhiều hơn. Trong vòng chỉ 30 năm qua, số lượng những cơn giông bão cấp độ mạnh đã tăng gần gấp đôi.

4. Năm 2022, thế giới được dự đoán sẽ trải qua những ảnh hưởng biến đổi khí hậu nào?

Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu Châu Âu Laurence Tubiana nhận định, biến đổi khí hậu những năm vừa qua và tiếp theo đã và đang giết chết con người, hủy hoại thiên nhiên và khiến thế giới trở nên nghèo nàn hơn.

Trên thế giới, với mức tăng nhiệt độ trên 1,5 độ C, nguy cơ mất mùa ngô hàng loạt ở các vùng sản xuất lương thực lớn khác nhau sẽ tăng lên, đe dọa chuỗi cung ứng ngô toàn cầu. Nếu mức nhiệt chạm mốc 2 độ C, người dân sẽ không còn có thể trồng các loại cây chủ lực ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, nếu không có các biện pháp thích ứng.

Ngoài ra, số người ốm yếu và tử vong sớm sẽ gia tăng đáng kể do thời tiết khắc nghiệt hơn và các đợt nắng nóng, dịch bệnh lây lan. Dự báo, các thách thức về sức khỏe tâm thần như lo âu và căng thẳng sẽ gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ và người cao tuổi và những người gặp nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tại Việt Nam, Cục Khí tượng Thuỷ Văn đã đưa ra những cảnh báo về mùa lũ quét, sạt lở đất sẽ đến sớm hơn trong năm nay. Đồng thời, các nhà khoa học tại Việt Nam và thế giới cũng đưa ra những lời cảnh báo về sự thiếu hụt, cạn kiệt tài nguyên trong những năm tới.

5. Con người đang đáp lời thiên nhiên về việc sử dụng tài nguyên ra sao?

Một ví dụ gần gũi nhất là ngày 8/4 vừa qua, tại sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), hàng ngàn cổ động viên khán đài B đã tung giấy vệ sinh lên trời để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam ở SEA games 31. Hành động này đang bị lên án trên các trang mạng xã hội vì sự lãng phí và xấu xí.

alt
Hành động dùng giấy vệ sinh để cổ vũ đang nhận nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội

Theo đó, việc sử dụng giấy vệ sinh bừa bãi đang lãng phí các tài nguyên từ gỗ. Ngoài ra, để sản xuất một tấn bột giấy, cần đến 200-500 ngàn lít nước tùy công nghệ. Đồng thời, nó cũng thải ra 2-3 tấn chất thải rắn. Hơn nữa, sau cơn mưa đêm qua, việc dọn dẹp tàn dư của giấy vệ sinh được xả ra cũng gây khó khăn cho những nhân viên vệ sinh của sân vận động.

Nhìn ra thế giới, con người cũng đang chặt cây để lấy không gian cho các khu dân cư và khu phức hợp. Thông qua nạn phá rừng, hành tinh không chỉ mất cây xanh, mà còn hàng ngàn loài động vật và đa dạng sinh học thực vật tuyệt vời do môi trường sống tự nhiên của chúng bị phá hủy.

Hơn nữa, các hoạt động khai thác gỗ gia tăng dẫn đến xói mòn đất làm suy giảm các khoáng chất tự nhiên của đất.

Con người không thể đứng ngoài hay độc lập với thiên nhiên và môi trường. Một chiếc túi rác thải ra hay một chiếc cây bị đốn hạ cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của trái đất về lâu dài.

Chúng ta có thể biết ngưỡng chịu đựng của con người trước những đợt nắng nóng và gió lạnh là bao nhiêu, nhưng lại không thể biết khí hậu sẽ còn biến đổi thế nào nếu không thực sự có trách nhiệm và ý thức về nó.