Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị bắn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị bắn

Làm thế nào mà một kẻ có vũ trang lại có thể tiếp cận và tấn công một quan chức cấp cao?
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị bắn

Cựu Thủ tướng Nhật lên trực thăng tới bệnh viện. | Nguồn: Asahi Shimbun via Getty Images

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào khoảng 11 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 08/07, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã bị bắn vào ngực và cổ tại thành phố Nara thuộc tỉnh Nara. Trước đó, ông Abe đang diễn thuyết để vận động tranh cử cho Đảng Dân chủ Tự do trước cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 10/07.

Các nhân chứng ghi nhận hai tiếng súng nổ trước khi ông Abe đổ gục từ bục diễn thuyết. Đơn vị cứu hộ và y tế đã có mặt ngay sau đó để đưa ông Abe tới bệnh viện bằng trực thăng.

Tới chiều cùng ngày, chính phủ và truyền thông Nhật Bản xác nhận rằng ông Abe đã qua đời. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida gọi đây là "một hành động không thể tha thứ" và là "sự công kích nền dân chủ tại Nhật."

08jul2022abeshinzobibananhreuters16572513395461065977668jpg
Hiện trường vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo. | Nguồn: Kyodo/Reuters

2. Chúng ta biết gì về hung thủ?

Một người đàn ông địa phương mang tên Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, đã bị bắt ngay tại hiện trường với hung khí là một khẩu súng hoa cải (shotgun.) Theo đài NHK, hung thủ không có ý định bỏ chạy sau khi gây án.

Theo điều tra của cảnh sát, hung thủ khai rằng bản thân có bất mãn với ông Abe. Hung thủ không nói bất mãn là gì, nhưng khẳng định không liên quan tới đường hướng chính trị của vị cựu Thủ tướng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hung thủ từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản trong khoảng ba năm cho tới 2005.

08jul202288e0821405164b0da02e7a5b0c4355e4jpg
Lực lượng an ninh khống chế hung thủ tại hiện trường. | Nguồn: Asahi Shimbun

Việc tại sao một người có vũ khí lại có thể tiếp cận một trong những quan chức quan trọng nhất của Nhật Bản tới nay vẫn chưa được giải đáp. Các vụ án súng đạn hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản do chính sách kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt của nước này.

Để sở hữu súng tại Nhật, người dân phải trải qua lớp đào tạo dài ngày, phải vượt qua bài kiểm tra viết lẫn thực hành. Cảnh sát sẽ tiến hành đánh giá tâm lý và điều tra tiền án tiền sự, tình trạng tài chính, cũng như các mối quan hệ thân thuộc của người đăng ký sở hữu súng.

Đài NHK trích nguồn tin từ cảnh sát Nhật Bản rằng hung khí là một khẩu súng tự chế. Điều này có nghĩa là hung khí có thể chưa được đăng ký, và hung thủ chưa chắc đã có giấy phép sử dụng súng.

3. Sự kiện này có tác động gì tới nước Nhật?

Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một Trung tâm xử lý khủng hoảng tại văn phòng Thủ tướng. Ông Kishida đã tạm ngưng chiến dịch tranh cử và quay về Tokyo để giải quyết vụ việc. Toàn bộ các hoạt động tranh cử trên toàn quốc cũng đã dừng lại.

Dù đã từ chức Thủ tướng, ông Abe vẫn là một gương mặt chính trị nổi bật của Đảng Dân chủ Tự do. Có người thích ông và có người ghét ông, nhưng không thể phủ nhận rằng ông Abe có vai trò quan trọng trong bối cảnh chính trị và văn hóa tại Nhật.

Vì thế, sự kiện này có thể để lại một vết thương khó phục hồi đối với nền chính trị Nhật. Bên cạnh đó, việc một kẻ ngang nhiên dùng súng tự chế đả thương một quan chức cấp cao có thể tác động mạnh mẽ tới niềm tin của người dân về an ninh và trật tự xã hội.

08jul202234b262e3eca84725825e075a8e003a3ajpg
Người dân Nhật tìm đọc thông tin về vụ việc. | Nguồn: Yomiuri Shimbun/AP

4. Con đường chính trị và di sản của ông Abe gồm những gì?

Ông Abe Shinzo là người giữ chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử nước Nhật. Ông tại vị trong hai giai đoạn: từ 2006 tới 2007 và từ 2012 tới tháng 9/2020. Ông từ chức hai lần vào 2007 và 2020 vì vấn đề sức khỏe và một số bê bối chính trị khác.

Mục tiêu đầu tiên của ông Abe là khôi phục nền kinh tế Nhật Bản thông qua những chính sách đặc thù. Các chính sách kinh tế của ông, được biết dưới tên gọi Abenomic, hướng tới việc giảm phát, kiểm soát các khoản chi chính phủ, và thiết kế lại nền kinh tế.

08jul202203b8f2c8254a442f911b35adf777ae0cjpg
Ông Abe Shinzo là Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Nhật. | Nguồn: Getty Images

Bằng những chính sách này, ông Abe thành công trong việc giảm tỉ lệ thất nghiệp, thúc đẩy kinh tế, và gia tăng tiêu dùng. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế và tiền tệ của ông cũng nhận nhiều chỉ trích vì làm mất cân bằng nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái lâu dài.

Mục tiêu thứ hai và có lẽ là quan trọng nhất của ông Abe là xây dựng lại quân đội Nhật Bản thông qua sửa đổi hiến pháp. Sau Thế chiến II, Nhật Bản bị tước quyền thiết lập quân đội, thay vào đó là một hệ thống dân quân tự vệ với quy mô nhỏ hơn và tầm hoạt động hạn chế.

Việc khôi phục lại quân đội được một số người Nhật coi như điều kiện tiên quyết để đưa đất nước phát triển và đối trọng với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, và có rất nhiều tiếng nói ở cả hai phía bất đồng lẫn phản đối.

Mặt khác, ông Abe Shinzo nhận nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm trước đại dịch Covid và đưa ra những chính sách phòng dịch không hợp lý. Ông cũng có một số bê bối chính trị liên quan tới việc vi phạm quản lý và sử dụng quỹ chính trị của Văn phòng Thủ tướng để tổ chức tiệc lôi kéo người ủng hộ chính trị.

5. Trong lịch sử Nhật có những vụ ám sát chính trị nào nổi bật?

Vụ ám sát Thủ tướng Takashi Hara (1921)

Vào ngày 4/11/1921, Thủ tướng Nhật đương nhiệm Hara Takashi bị đâm liên tiếp bởi một phần tử cực đoan ở một ga tàu trong thành phố Tokyo. Hung thủ cáo buộc ông Takashi là kẻ nhận hối lộ và gây chia rẽ chính phủ.

Hung thủ là một người điều khiển đường tàu và làm việc tại ga. Hắn bị kết án chung thân, nhưng sau cùng chỉ thụ án trong 13 năm.

Ba lần thoát chết của Nhật hoàng Hirohito

Nhật hoàng Hirohito, được biết tới tại Việt Nam với danh xưng Thiên hoàng Chiêu Hòa (Showa), là hoàng đế Nhật bản tại vị lâu nhất. Ông có vai trò quan trọng trong việc tái thiết Nhật Bản sau chiến tranh.

Lịch sử ghi nhận ít nhất ba nỗ lực ám sát Nhật hoàng Hirohito vào 1923, 1926, và 1932. Nếu hai lần ám sát đầu là nỗ lực của những phần tử chính trị cực đoan, thì lần ám sát thứ ba được thực hiện bởi một người Hàn Quốc như một sự phản ứng lại chính sách đô hộ của Nhật tại Hàn.

Biến cố 26/02

Biến cố 26/02 là tên gọi của một cuộc đảo chính tại Nhật vào ngày 26/02/1936, tiến hành bởi một nhóm sĩ quan lục quân trẻ tuổi. Họ cho rằng chính phủ đương thời là một chính phủ thối nát và lật đổ chính phủ để thành lập nội các mới.

Nhóm sĩ quan này đã hạ sát năm bộ trưởng phái dân sự, tuy nhiên thất bại trong việc ám sát Thủ tướng Nhật khi ấy là Okada Keisuke. Thiên hoàng Hirohito đã xuống chiếu yêu cầu tiêu diệt phe bạo loạn. Tới ngày 29/02, những người nổi dậy buông súng và đầu hàng.