Đã đến lúc nhìn lại định kiến về hình xăm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đã đến lúc nhìn lại định kiến về hình xăm

Tôi chia sẻ câu chuyện riêng để những người coi hình xăm là biểu tượng của suy đồi có thêm một cơ hội cân nhắc về định kiến của bản thân.

Đã đến lúc nhìn lại định kiến về hình xăm

Nguồn: Nguyễn Phương Mai

Trong cuốn "Tôi là một con lừa", tôi có kể lại câu chuyện của Daya. 

Daya từng suýt bị thiêu sống. Câu chuyện của cô rất dài và bi thương nhưng gói gọn lại là cô thoát chết với một vết sẹo lớn ở bả vai. Tôi bèn bảo đằng nào cũng là sẹo rồi thì nên tôn vinh nó lên, xăm một hình gì có ý nghĩa và biến nó thành một dấu ấn có thẩm mỹ. Ngay chiều hôm sau, Daya vạch áo cho xem bờ vai phủ đầy màu sắc và nói: “Shiva - Thần Hủy Diệt.”

Daya trôi dạt đến Hà Lan một cách sóng gió. Những người muốn giết cô không ai khác chính là anh em ruột thịt. Việc họ làm tiếng Anh gọi là honour killing, giết để bảo tồn danh tiếng cho gia đình. Daya không sợ ma, không sợ người chết, không sợ cả cái chết. Có thần Shiva hủy diệt thì mới có thần Vishnu hồi sinh. Muốn có thể sống thanh thản thì trước hết phải biết đối mặt với cái chết thanh thản.

Lời khuyên với Daya, sau đó tôi thực hiện luôn với chính bản thân.

Những bông hoa được xăm trên trăm vết sẹo

Đợt ấy, gia đình tôi gặp chuyện buồn. Tôi bị sốc nặng, đang từ một đứa đặt lưng là ngủ như chết tự dưng mất ngủ triền miên. Có những lần cả đêm không chợp mắt, hôm sau vẫn phải tươi cười trên giảng đường, sinh viên ra khỏi lớp là tôi đổ sụp vì kiệt sức. 

Khi đi khám, bác sĩ phát hiện ra lưng tôi xuất hiện rất nhiều đốm trắng. Tôi hết hồn liên tục theo dõi, thấy lan ra cũng nhanh. Bác sĩ kết luận bị vitiligo - bạch biến. Đây thường là hệ quả của việc biến đổi hormone, nhất là trong thời gian bị stress. tôi liên tưởng đến những câu chuyện về người gặp việc khổ đau, chỉ qua một đêm mà tóc bạc trắng. 

Vào kỳ nghỉ đông năm ấy, tôi vào rừng theo một khoá tu Vipassana. Suốt 10 ngày ăn chay, không mở miệng thốt lên dù chỉ một từ, không có trong tay dù chỉ một trang sách hay một cây viết, thiền từ 5h sáng đến tối mịt. 

Bước ra khỏi thiền viện, tôi thấy như được lột xác, tinh thần ấm áp, trái tim khoan dung đến mức tôi thầm tha thứ cho kẻ đã làm bản thân và gia đình tôi đau đớn. 

Là loài hoa nở vào mùa xuân, cherry blossom (hoa anh đào) tượng trưng cho sự khởi đầu mới | Nguồn: Getty Images
Là loài hoa nở vào mùa xuân, cherry blossom (hoa anh đào) tượng trưng cho sự khởi đầu mới | Nguồn: Getty Images

Tôi chọn anh đào với ý nghĩa là sự khởi đầu mới. Bạn thợ xăm khéo léo vẽ phủ lên những vết trắng trên da bằng những bông cherry blossom hồng thắm. Sau một buổi chiều, gần trăm vết sẹo nhỏ nở đầy hoa.

Chúng ta đã từng thích xăm mình

Ít có nền văn minh nào trên thế giới không có thời từng tôn vinh nghệ thuật xăm mình. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tới thế kỷ thứ 13, tục xăm mình rất phổ biến trong người Việt. Họ theo lời vua dặn, xăm hình thuồng luồng, rồng rắn, để khi xuống nước đánh bắt cá, các loài thuỷ quái tưởng là đồng minh mà không ám hại. 

Vào thời Lý - Trần trở đi, hình xăm không chỉ phổ biến trong dân mà còn là một phần lễ nghi với những người trong hoàng tộc. Chỉ khi vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) vì sợ châm kim mà tục này không còn là quy định nữa.

Người Việt cổ vốn có tục xăm mình | Nguồn: Pinterest
Người Việt cổ vốn có tục xăm tôi | Nguồn: Pinterest

Hình xăm không những là biểu hiện của tôn giáo, văn hoá, địa vị, mà còn là công cụ để kết nối sức mạnh cộng đồng.

Dưới triều Trần, đội quân Thánh Dực bảo vệ nhà vua xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân. Dân chúng thì thường xăm lên bụng chữ “Nghĩa dĩ quyên khu”, “hình vu báo quốc” thể hiện tinh thần thượng võ, vì nghĩa liều thân. Khi quân Mông Cổ mang vó ngựa sang xâm chiếm nước ta, quan quân nhà Trần xăm lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” để tỏ lòng quyết tâm đánh giặc. 

Hình xăm có xấu không?

Văn hoá Việt Nam từ mấy thế kỷ gần đây vốn có cái nhìn không thiện cảm với hình xăm bởi định kiến nó dành cho phường thảo khấu. Nhưng kỳ thực, hình xăm bản thân nó không có gì xấu xa. Nó có ý nghĩa tốt đẹp hay ti tiện là do hoàn cảnh xã hội cụ thể và cái nhìn định kiến của chính chúng ta.

Hình xăm sau gáy cô phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) gây nhiều tranh cãi | Nguồn: Văn Thùy Dương
Hình xăm sau gáy cô phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) gây nhiều tranh cãi | Nguồn: Văn Thùy Dương

Mấy hôm trước, một cô phó hiệu trưởng đọc lời khai giảng trước sân trường trống trải. Bức ảnh chụp từ đằng sau để lộ một hình xăm nhỏ xíu trên gáy. Thật dễ hiểu khi có rất nhiều lời phê phán, nói rằng cô không trong sạch, không làm gương cho học sinh, giáo viên mà cũng xăm trổ thì dạy học sinh thế nào?

Tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm với sự khắt khe ấy. Những lời chê trách như vậy hoàn toàn có thể thốt ra từ chính miệng mẹ hoặc chị gái tôi nếu như họ không chứng kiến chính con gái/em gái mình có hình xăm. 

Chúng ta đang trong một giai đoạn chuyển tiếp văn hoá. Đó là khi những thói quen cũ mới có cơ hội va chạm, những tầng ý nghĩa cũ mới có cơ hội đối mặt, những định kiến và tư tưởng cũ mới có cơ hội trao đổi, và những con người của thế hệ cũ mới có cơ hội lắng nghe nhau. 

Chính vì thế, tôi chia sẻ câu chuyện riêng để những người coi hình xăm là biểu tượng của suy đồi có thêm một cơ hội cân nhắc về định kiến của bản thân. Mỗi hình xăm, biết đâu, đằng sau nó là bao chắt chiu gửi gắm của những khúc quanh buồn vui trong đời.

Cũng như tất cả những biểu tượng văn hoá từ xa xưa, mọi sự mặc định tốt xấu đều có thể dần dần thay đổi khi ta ngày càng chứng kiến nhiều hơn những điều đi ngược lại những gì tôi từng suy nghĩ. 

À quên, với những đồng nghiệp bị học sinh hỏi tại sao thầy cô xăm thì ok mà tụi em xăm thì không ổn. Bạn có thể nói rằng xăm mình cũng như làm tình, phải đủ lớn để hiểu, để làm cho... tốt, và để đủ sức gánh chịu hậu quả thì hẵng làm. Còn không, cứ henna mà chiến.