"Triển lãm là cơ hội để mình dừng lại một nhịp, suy ngẫm về bản thể của chính mình, nhìn nhận lại con người mình đã vô tình bỏ quên bởi những xô bồ của cuộc sống." (Trích lưu bút tại triển lãm)
Bản Thể là một triển lãm đầy tâm huyết của Phương Si (PSI) xoay quanh 21 người phụ nữ nổi bật từ nhiều ngành nghề khác nhau, có nhiều đóng góp cho xã hội và đại diện cho nhiều thế hệ phụ nữ. Ứng dụng kỹ thuật tạo hình life-casting thường sử dụng trong phim ảnh, PSI đã tạo nên những bản thể của nhân vật với nhiều chất liệu khác nhau như thạch cao, gốm, sơn mài…, từ đó phác hoạ nên câu chuyện của mỗi người.
Tôi gặp Phương Si vào ngày cuối cùng của triển lãm, ngay trước khi chị bắt đầu một kỳ nghỉ dài để ấp ủ cho những dự án kế tiếp. Giữa không gian lắng đọng của Bản Thể, chị kể tôi nghe về hành trình đi tìm bản thể của 21 người phụ nữ truyền cảm hứng cũng như bản thể của chính chị, của một người nghệ sĩ 15 năm nhiệt huyết trong ngành sáng tạo.
Bản thể nghe rất trừu tượng. Một cách dễ hiểu nhất, bản thể với chị là gì?
Bản thể là một tính không, có tất cả nhưng cũng không có gì. Ở cảnh cuối cùng trong video giới thiệu triển lãm, mình chỉ đặt vào đó một chiếc ghế, không có mình, cũng không có ai khác, ngụ ý cho cái “không" mình nhận được sau khi mình đã trút hết tâm tư, tình cảm, sức lực vào triển lãm này. Sau một hành trình dài để đến được điểm cuối cùng, chúng ta ai rồi cũng vẫn quay về với chính mình, với cái “không" ấy.
Bản thể có thể bao hàm nhiều điều to lớn nhưng nó cũng có thể là những điều rất nhỏ. Bản thể của mình chịu ảnh hưởng nhiều từ việc cho đi và đón nhận câu chuyện của những người mà mình có cơ hội tiếp xúc. Có khi mình lý trí, có khi lại cảm xúc và bản thể của mình luôn phải học cách trung hoà.
Chị đã đi tìm những nhân vật cho Bản Thể như thế nào?
Dự án này đã được mình ấp ủ 3 năm. Sau một quá trình dài hơi suy nghĩ, tìm tòi, tuyến nhân vật mình lựa chọn cho dự án đều là những người có sức ảnh hưởng đến mình, có người mình đã được cộng tác, có người mình sống cùng, là mẹ và bà nội, cũng có nhân vật tình cờ đến với mình.
Bên cạnh đó, có một số nhân vật mình muốn lựa chọn nhưng họ không thể tham gia vì thời gian không cho phép. Nhưng lúc ấy, mình không áp đặt “phải là nhân vật đó, câu chuyện đó". Mình chỉ áp đặt về độ tuổi cho đúng “đường ray”, lõi truyện của mình thôi.
Tuyến đường bên trong triển lãm được mình sắp xếp theo độ tuổi, trải dài từ 18 đến 90. Giai đoạn 20 - 30 tuổi là giai đoạn “nở hoa" của phụ nữ, có nhiều năng lượng, trải nghiệm nhất. 30 - 45 tuổi là giai đoạn có nhiều bản thể, chính vì vậy, ở giai đoạn này, mỗi nhân vật mình lựa chọn chất liệu đặc trưng, mang màu sắc riêng. Đó cũng là giai đoạn có nhiều lát cắt hơn so với giai đoạn đầu chưa nhiều trải nghiệm, chỉ có một lát cắt - là Phượng Anh - và giai đoạn cuối khi con người quay về điểm “không" với một lát cắt - là bà nội mình.
Nhiều người hỏi vì sao mình không để hướng dẫn đi trong triển lãm cho mọi người thì mình nghĩ mỗi người đều có cảm nhận, trải nghiệm khác nhau và biết đâu, người xem lại nhìn thấy phần nào đó của họ trên quãng đường đi.
Vì sao chị chọn làm triển lãm chứ không phải bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác?
Trước đây mình đã có những dự án hình ảnh gói gọn trên những nền tảng xã hội nhưng với Bản Thể, mình muốn truyền tải thông điệp và cảm xúc trọn vẹn đến người xem. Một triển lãm đa phương tiện thoả mãn mình điều này.
Có rất nhiều hình thức biểu đạt tại Bản Thể - hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, điêu khắc… - để khi đến mọi người có thể tương tác và soi chiếu chính mình nhiều hơn. Ngay khi bước vào mọi người được nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân với hai tấm gương ở phía ngoài.
Lối đi nhiều gương sau đó mang đến trải nghiệm đặc biệt hơn, đứng ở góc này bạn chỉ nhìn thấy chính mình nhưng lệch sang một góc khác là thấy một bản thể. Giống như khi tiếp xúc với một người ngay từ đầu không thể biết người ta như thế nào. Phải theo thời gian, nghe nhiều câu chuyện mới dần hình thành nên sự nhận biết rõ ràng về đối phương.
Chị có kỳ vọng gì ở người xem trước khi triển lãm diễn ra không?
Nói thật là mình không kỳ vọng gì cả. Có chăng chỉ là kỳ vọng vào bản thân mình.
Mình làm Bản Thể trước hết là để cho mình. Mình làm để thỏa mãn tất cả sự tò mò trong tâm trí. Mọi người đón nhận ra sao, mình cũng mở lòng nhận hết.
Vì sao lại là phụ nữ chứ không phải ai khác?
Một phần vì mình chọn tính nữ. Đã gọi là tính nữ thì rất nhiều cảm xúc, nhiều câu chuyện, nhiều tầng bậc. Một phần cũng vì mình là phụ nữ nữa.
Tính nữ của một người phụ nữ được tạo nên từ tình yêu, mình nghĩ vậy. Không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình bạn, tình mẫu tử… Khi người ta hy sinh một phần nào đó của bản thân cho gia đình, đó là tình yêu, như mẹ mình lựa chọn ở nhà và chăm sóc con cái. Những người phụ nữ xung quanh mình đều có cuộc sống đong đầy tình yêu.
15 năm làm nghệ sĩ trang điểm đã giúp chị như thế nào trong hành trình tạo nên Bản Thể?
Kỹ thuật cao nhất trong trang điểm mình học bên Anh là life-casting thì mình đã vận dụng hết cho triển lãm này. 15 năm làm trong lĩnh vực sáng tạo mình cũng tích cóp được tài sản lớn là những người đồng hành lâu năm rất hiểu mình và chắc tay ở những mảng họ làm.
Mọi người chỉ xem một phút cho mỗi cuộc phỏng vấn nhân vật và 7 phút cho video giới thiệu dự án nhưng đó là khối lượng nội dung khổng lồ của 21 nhân vật mà tất cả bọn mình đã thao thức 2 tháng trời để làm.
Bên cạnh đó, điều lớn nhất mình nhận được có lẽ là niềm tin. Mọi người trong đội ngũ đều tin vào mình và bản thân họ rằng họ sẽ làm được. Cũng giống việc nhân vật phải tin mình mới thoải mái để mình lấy khuôn.
Đã khi nào chị lo sợ mình chuyển thể sai vật liệu cho nhân vật của mình chưa?
Từ khi nghe câu chuyện của nhân vật, mình đã biết vật liệu nào là phù hợp. Với những nhân vật lấy khuôn mặt, mình vẫn muốn giữ nguyên thạch cao vì chỉ thạch cao mới giữ được nguyên vẹn nếp da. Mình chỉ chuyển thể từ thạch cao sang những chất liệu khác như gốm, sơn mài với một số ít nhân vật hoặc thêm những hình thức khác như hoa để thể hiện được tính câu chuyện hơn.
Trong quá trình lấy mẫu, có người khen, có người hơi…hoảng. Chị Hà Đỗ còn kêu “sao chẳng giống chị tí nào". Mình không đưa nhân vật xem bản thể sau khi đã hoàn thành, cũng không bắt buộc nhân vật đến xem triển lãm. Mình nghĩ cứ để mọi người đón nhận một cách tự nhiên nhất, duyên nhất. Một ngày trước khi Bản Thể kết thúc, cô Lê Khanh đã đến xem, cả cô và mình đều đã rất xúc động.
Nếu nói sự vận động của cuộc sống sẽ tạo cho con người nhiều bản thể, bản thể PSI của ngày hôm nay với 15 năm trước có gì giống và khác?
Mình từng đọc được một câu rất hay của một sư thầy: Dù bạn như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn là bạn. Dù là 15 năm trước hay bây giờ, mình vẫn là cô gái ham tìm hiểu, ham khám phá, chưa biết gì nhiều về thế giới. Mình đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng mình luôn cảm giác còn nhiều thứ mình chưa biết.
Hành trình làm dự án Bản Thể cũng như hành trình của chính mình, đi từ không có gì, có gì rồi lại đến điểm “không". Áp lực về thời gian lẫn tài chính trong một thời gian đã tạo cho mình cảm giác trống rỗng nhưng khi vượt qua được, mọi thứ đều xứng đáng.
Chị có kế hoạch gì sau Bản Thể ở Hà Nội?
Mình nghĩ dự án đã thành công ở phương diện mình đã làm hết sức mình, không còn gì nuối tiếc. Mình đã đặt toàn bộ tâm sức của mình trong đó và việc mọi người đón nhận thông điệp mình muốn truyền tải là một niềm hạnh phúc lớn. Những lời mọi người viết gửi mình trong sổ lưu bút tại triển lãm, mình coi đó là phần thưởng cho mình.
Trong tương lai gần, mình mong muốn có thể mang Bản Thể vào Sài Gòn. Còn tương lai xa hơn, mình sẽ phát triển Bản Thể ở một góc độ khác, có chiều sâu hơn. Mình muốn mọi người nhớ tới mình là một nghệ sĩ, dù làm trang điểm hay bất cứ loại hình nào khác.
"Mỗi người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng, bản thể chỉ là hình thức mô phỏng bên ngoài, không có người phụ nữ nào xấu cả. Hãy yêu thương và tôn trọng một nửa thế giới để cùng nhau hạnh phúc thật nhiều." (Trích lưu bút tại triển lãm)