Là một đứa con của thành phố Lyon — thủ đô của phong cách ẩm thực cao cấp (gastronomy) — kèm theo nhiều năm khám phá và đồng sở hữu trang e-commerce Vietnam Cellar, có thể nói rượu thân thuộc như một phần cuộc sống của tôi vậy.
Thế giới rượu vốn dĩ phức tạp và chưa quen thuộc mấy đối với phần lớn người tiêu dùng Việt. Lẽ dĩ nhiên, những lập luận thiếu chính xác và những lời đồn thổi cũng từ đó ngày một nhiều hơn.
Có thể nhiều người cho rằng tôi dị hợm khi khẳng định rượu Tây có thể là ‘bạn đồng hành’ tuyệt vời với đồ ăn Việt hay có những chứng minh đi ngược với “quy luật” thưởng rượu thường thấy.
Nhưng tin tôi đi. Tôi không bao giờ cố thuyết phục mọi người bằng những lời nói suông.
Hãy cùng tôi ‘điểm mặt, gọi tên’ 10 hiểu lầm thường gặp về rượu. Bằng kinh nghiệm và những nghiên cứu, tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn khác, thân thiện hơn với rượu.
1. Rượu mạnh luôn tốt hơn rượu nhẹ
Rất nhiều người khẳng định rằng rượu mạnh luôn chất lượng hơn rượu nhẹ, chỉ vì họ tin rượu mạnh có thể dùng kèm với các món ăn được chế biến phức tạp, nhiều gia vị.
Câu hỏi tôi đặt ra ở đây: “Liệu chúng ta có đang quá bất công với rượu nhẹ?”
Quả thật rượu mạnh có những tông vị đậm hơn, hương thơm có phần phức tạp hơn. Về phần rượu nhẹ, đích thị nó dễ uống hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc rượu nhẹ “nhạt toẹt”, không gợi lại nhiều cảm xúc khi uống.
Ngược lại, trên thực tế, vì không “kén” khẩu vị và tửu lượng, nên rượu nhẹ có thể dễ dàng tiếp cận đến với nhiều đối tượng hơn — từ những người bắt đầu chơi rượu cho đến những 'lão làng'. Cũng chính bởi rượu nhẹ dễ uống nên nó luôn sẵn sàng đồng hành với đa dạng món ăn.
Một vài loại rượu nhẹ như Pinot Grigio hay Chardonnay... có thể là người bạn đồng hành tuyệt hảo cho những món ăn thanh đạm như cá hay kể cả những món tráng miệng - những thứ bạn không bao giờ có thể dùng kèm với rượu mạnh.
2. Rượu gây nên chứng đau đầu vì có chứa sunfit
Không ít người tin rằng sunfit trong rượu là nguyên nhân chính gây nên chứng đau đầu. Thế nhưng, tác nhân gây nên đau đầu phần lớn là do cồn.
Thực chất, phản ứng do sunfit gây ra (dù rất ít) là các trường hợp dị ứng như kích ứng đường hô hấp và gây co thắt. Nhiều hãng sản xuất còn cho thêm vào rượu một lượng sunfit nhất định để ngăn chặn men phá hủy đi mùi vị của rượu.
Giải thích cho hiện tượng đau đầu diễn ra ngay sau khi rượu, Chuyên gia dinh dưỡng kiêm Cố vấn của Natural Hydration Council, Emma Derbyshire cho biết lí do có thể bắt nguồn từ việc bạn không nạp đủ nước cho cơ thể.
Uống nhiều nước là cách để bạn giúp cơ thể đào thải cồn nhanh hơn. Ngoài việc đau đầu, nước còn hỗ trợ cải thiện các triệu chứng khác từ bia rượu. Thế nên, bên cạnh chai bia hay ly rượu, bạn đừng quên “thủ” sẵn một cốc nước đầy trên bàn.
3. Rượu lâu đời luôn ngon hơn rượu mới
Có lẽ nhận định này là một trong những “kiến thức” rượu cơ bản phổ biến nhất. Nhưng những nghiên cứu và ý kiến sau đây có thể sẽ cho bạn một góc nhìn khác.
Nhiều người “ủ” rượu qua nhiều năm liền vì trông chờ vào việc hương thơm, mùi vị của sản phẩm sẽ tăng theo thời gian. Nhưng đôi khi điều đó chỉ khiến bạn “lãng phí thời gian” mà thôi.
Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Amorim - Tiến sĩ Miguel Cabral đã khẳng định rằng việc ủ rượu vang chỉ làm cho nút bần khô đi nhanh hơn và thậm chí đẩy nhanh quá trình thoái hóa của chúng.
Theo thống kê của tờ báo VinePair, tới 98% các loại rượu trên thế giới được sản xuất để được tiêu thụ trong vòng từ 3-5 năm kể từ được phát hành, trong đó chỉ có 2% các dòng rượu trên thế giới có thể ủ lâu và có vị ngon hơn theo thời gian.
Nếu có ý định cất rượu thêm một thời gian nữa, bạn hãy chắc chắn liệu việc chưng cất có thật sự cần thiết cho dòng rượu ấy hay không. “Luật bất thành văn” khi thưởng thức rượu là sau khi mua, bạn vẫn nên sử dụng ngay.
4. Đồ ăn Việt không dùng chung với rượu được
Khi sự kết hợp giữa rượu Tây và món Tây ngày càng khó tách rời và nhận định của mọi người về ‘bộ đôi’ này trở thành mặc định, thì đó cũng là các món Á trở nên “nhạt nhòa” hơn trong tâm trí của nhiều người.
Tuy nhiên, chúng ta có đang vô tình đánh giá thấp sức hấp dẫn của các món Á, cụ thể là món Việt không?
Đầu tiên, Phở — món ăn truyền thống nổi tiếng bởi hương vị đậm đà của nước lèo, sợi bánh mềm dai — là ‘đối tượng’ kết hợp ăn ý với Riesling. Dưới tông vị thanh của khoáng chất thiên nhiên cùng độ chua tinh tế, Riesling có thể bổ sung thêm những hương vị tuyệt hảo hơn cho các món ăn nóng đậm vị ngọt, béo từ thịt bò như Phở.
Hay Bún bò, với từng thớ thịt săn đỏ được nhúng ngập trong nước súp nồng cay ăn kèm cùng rau thơm, món ăn đến từ Cố đô này sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi dùng chung với Rosé. Một loại rượu nổi tiếng bởi tính linh hoạt. Không lấn át hương vị, Rosé luôn sẵn sàng tôn lên những mạch vị đặc trưng của các món ăn.
5. Giá cả quyết định chất lượng
Câu nói này có thể áp dụng cho rất nhiều sản phẩm trên thế giới, trừ rượu.
Giá thành của một chai rượu được dựa trên nhiều yếu tố như chi phí đất đai, chi phí trồng trọt, công cụ sản xuất, nhãn mác, thuế hay kể cả nút bần….
Ví dụ, Wine Vines Analytics từng phân tích cho thấy đa số sản phẩm rượu thuộc một thương hiệu đến từ Quận Napa, California luôn có giá thành nhỉnh hơn những vùng khác tại Mỹ. Vì chi phí sản xuất ở Napa có xu hướng khá đắt đỏ.
Ví dụ khác, rượu được chưng cất trong thùng gỗ sồi thường sẽ đắt gấp 2-3 lần so với việc sử dụng bể chứa inox. Thế nhưng, theo nhiều đánh giá từ các chuyên giá rượu Vang trên toàn thế giới, phương pháp sử dụng thùng inox có thể lưu giữ hương thơm trọn vẹn và mùi vị nguyên bản so với thùng gỗ sồi (nhất là đối với các loại Vang trắng).
Vậy vì đâu rượu được chưng cất trong thùng gỗ sồi lại “cao giá” hơn? Vì thùng chứa inox tốn ít chi phí hơn, dễ dàng vệ sinh và không đòi hỏi nhiều thời gian để “ủ” như thùng gỗ sồi.
6. Chưng cất rượu trong thùng gỗ sồi mang lại chất lượng tốt hơn
Mỗi loại nho sẽ có phản ứng khác nhau với những cách ủ rượu khác nhau. Với những giống nho trung tính, như Chardonnay, thông thường sẽ được chưng cất trong các thùng gỗ sồi để tăng thêm độ chặt chẽ trong kết cấu.
Trong khi đó, các thùng chứa làm bằng inox sẽ thích hợp hơn với các giống nho mang hương vị đậm đà. Thùng chứa inox có tác dụng lưu giữ nguyên vẹn chất lượng của rượu, tiêu biểu là Riesling.
7. Rượu có vị ngọt chỉ dành cho những “tay mơ”
Đa phần những người mới bắt đầu uống rượu thường lựa chọn những loại có nhiều vị ngọt. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc loại rượu này duy nhất dành cho những người “tay mơ”.
Sự thật là theo biểu đồ khảo sát của Đại học bang Sonoma về Hành vi người tiêu dùng Rượu vang đã cho thấy chỉ 36% người Mỹ thích rượu mạnh với nhiều vị chát, trong khi 45% số người thích vị ngọt vừa và 38% người thích vị ngọt.
Dĩ nhiên, rượu có nhiều vị ngọt chứa ít cồn hơn (dưới 10%) . Chính nhờ điều này đã làm chúng trở nên dễ “hợp rơ” với một vài tông vị trong thức ăn mà rượu mạnh không thể dùng chung. Còn gì tuyệt vời khi tráng miệng bằng việc nhâm nhi một hớp rượu ngọt cùng một chiếc crème brûlée, hay một lát bánh chocolate.
8. Phải dùng Vang đỏ với thịt và Vang trắng với cá
Mặc dù đây là một quy tắc rất phổ biến, nhưng kho tàng cách thức thưởng rượu vẫn còn những ngoại lệ.
Khi ăn cá, bạn vẫn có thể dùng các loại Vang đỏ nhẹ ít chát như Beaujolais, Pinot Noir... Hoặc khi ăn thịt đỏ được chế biến đơn giản, không nhiều gia vị và không kèm quá nhiều sốt, thì Vang trắng vẫn là một trong những lựa chọn đáng để thử.
Tổng kết lại, những gì bạn cần là một chai rượu có những ‘cá tính’ nổi bật và phù hợp để gia tăng mùi vị và hương thơm cho bữa ăn bạn đang dùng.
9. Nắp vặn chỉ dành cho rượu rẻ tiền
Phải thừa nhận rằng, tiếng “Pop!” bật ra từ các nút bần mới được khui mang lại cho người thưởng thức sự thích thú và mong chờ. Cũng chính vì thế mà có lẽ nắp vặn lại có phần lép vế hơn so với nút bần.
Thế nhưng, trên thực tế, nút bần vốn không thể làm tròn nhiệm vụ bảo quản rượu như đa phần mọi người vẫn tưởng.
Có thể bạn chưa biết, nắp vặn đã được sử dụng từ những năm 1889 bởi Dan Rylands. Với khả năng bảo quản rượu lâu hơn nhờ vào khả năng ngăn chặn oxy xâm nhập tốt hơn nút bần, về sau ông được cấp bằng sáng chế cho loại nắp vặn này.
10. Vang đỏ phải được phục vụ ở nhiệt độ phòng, còn Vang trắng thì dùng lạnh
Nếu dùng rượu quá lạnh, bạn khó có thể nhận ra trọn vẹn mùi hương trong thành phần của nó. Bên cạnh đó, nếu dùng rượu ở nhiệt độ phòng, bạn sẽ chỉ ‘nếm’ được mùi cồn mà thôi.
Vì thế thay vì tin theo một cách “mù quáng”, bạn có thể tham khảo bảng nhiệt độ dưới đây để đáp ứng chuẩn xác trải nghiệm mỗi dòng vang dưới đây nhé:
- Sâm-panh: thưởng thức trong khoảng nhiệt độ 3-7°C
- Vang trắng và Vang hồng: thưởng thức trong khoảng nhiệt độ 3-7°C
- Vang trắng (đậm): thưởng thức trong khoảng nhiệt độ 7-12°C
- Vang đỏ (nhẹ): thưởng thức trong khoảng nhiệt độ 12-15°C
- Vang đỏ (đậm): thưởng thức trong khoảng nhiệt độ 15-20°C