Cuộc thi pha chế uy tín World Class Vietnam 2019 vừa khép lại với vòng thứ 4 được tổ chức tại Sol Kitchen & Bar vào ngày 30/7 vừa qua. Sau hơn 6 tháng diễn ra với sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng bartender Việt, vòng 4 chứng kiến sự tranh tài giữa 5 đại diện đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó gồm có Glow Skybar với hai đại diện là Huỳnh Vũ Bảo và Lê Quốc Nghi, Nguyễn Trường Khang của Tamarind – Hidden Cocktail Bar, cô bạn Phạm Phương Khanh – đại diện của Sol Kitchen & Bar, và Đinh Thép – gương mặt thân quen tại Layla – Eatery & Bar. Tại vòng thứ 4 này, thử thách đặt ra cho 5 thí sinh là Ketel One – một thương hiệu vodka có xuất xứ từ Hà Lan.
Sự kiện lần này còn có sự xuất hiện của một giám khảo khách mời hết sức đặc biệt, đó là nữ bartender Tess Posthumus. Bén duyên với nghề bartender từ năm 2009, sáu năm sau, Tess giành lấy danh hiệu Nữ pha chế xuất sắc nhất của World Class 2015. Mới đây nhất, cô ghi tên mình vào top 10 “Bartender của năm” thuộc giải Tales of the Cocktail – Spirited Awads 2019.
Sau hai vòng tranh tài diễn ra gần như liên tục, ngôi vị quán quân đã thuộc về anh bạn Đinh Thép, bartender của Layla – Eatery & Bar. Điều này đồng nghĩa với việc Thép sẽ là đại diện của Việt Nam tham dự World Class Global 2019 diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland. Ở cấp độ toàn cầu, Thép sẽ thi đấu với đại diện của 54 quốc gia khác để giành lấy danh hiệu bartender giỏi nhất thế giới.
Là người đồng hành xuyên suốt của World Class Vietnam 2019, chúng tôi dĩ nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội để được trò chuyện của Đinh Thép, niềm tự hào mới của cộng đồng bartender Việt.
Thép bén duyên với nghề bartender như thế nào?
Vào năm 2012, Thép bắt đầu biết đến nghề pha chế qua một lần nhìn thấy các anh flair bartender (showmanship) tập luyện. Sau đó, Thép bắt đầu đăng ký tham gia vào lớp học bartender 3 tháng và tập luyện flair. Sau 2 năm tập luyện, Thép chuyển hướng sang Mixologist (pha chế rượu).
Vài năm trước, Thép đứng giữa hai ngã đường: một là chấp nhận học bổng du học tại Nhật, hai là theo đuổi nghề bartender. Gia đình mình dĩ nhiên không ủng hộ vì muốn con học hành tử tế. Khi đó mình vừa phải tranh đấu với bản thân vừa phải giải thích cho gia đình hiểu. Cuối cùng, mình vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp bartender.
Nghề bartender đối với mình cũng giống như làm công việc của một nghệ sĩ, chỉ cần được đứng trên sân khấu đã là mãn nguyện rồi. Đó chính là lý do mình tham dự cuộc thi World Class. Và chiến thắng ở vòng đầu tiên là động lực để mình quyết tâm đi đến tới cùng trong cuộc thi này.
Theo Thép, để trở thành một bartender đẳng cấp thế giới, một người pha chế cần hội đủ những yếu tố gì?
Theo mình, trước hết, là phải có tâm với nghề. Thứ hai là phải có đam mê, nhiệt huyết. Thứ ba là tinh thần cầu tiến, và khát khao phát triển ngành pha chế Việt Nam lên tầm thế giới. Ngoài ra, bạn phải biết chấp nhận thất bại. Thật sự khi tham gia vào một cuộc thi nào đó, điều Thép nghĩ đầu tiên, đó là việc mình sẽ chấp nhận thất bại như thế nào, thái độ mình ra làm sao, có nên buồn không, hay phải vui để lấy động lực cố gắng hơn, và phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội được làm lại vào những cuộc thi sau. Đương nhiên, khi đã quyết định làm điều gì, hãy làm nó bằng cả tâm hồn và trái tim.
World Class Global mang ý nghĩa như thế nào với Thép và cộng đồng bartender Việt Nam nói chung? Và bạn đặt ra mục tiêu gì cho mình tại đấu trường quốc tế này?
Với Thép, World Class Global là cơ hội lớn để điền tên Việt Nam lên bản đồ ẩm thực thế giới và giúp cộng đồng bartender Việt có chỗ đứng trên sân chơi quốc tế.
Mục tiêu của Thép là vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, và kỹ năng của mình để làm rạng danh ngành công nghiệp pha chế tại Việt Nam. Thép hy vọng bản thân có thể tiếp bước các anh và điền tên Việt Nam vào bản đồ ngành ẩm thực thế giới. Để làm được điều đó, Thép cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người trong cộng đồng. Nếu mọi người có ý tưởng thú vị, hãy chia sẻ với Thép. Thép sẽ mang những ý tưởng đó đến cuộc thi. Thép sẽ không chỉ dùng ý tưởng của riêng mình mà sẽ dùng ý tưởng của tất cả mọi người, của đất nước Việt Nam, của những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Để thế giới biết được nước Việt mình là một đất nước như thế nào.
Thép có thể chia sẻ thêm về ly cocktail mà bạn đã chọn để trình diễn trong vòng 4 không?
Hướng tới chủ đề zero waste (không rác thải), kết hợp với câu chuyện dân gian về Mai An Tiêm, Thép đã tận dụng trái dưa hấu và Ketel One vodka để tạo ra món cocktail đầy tính văn hóa dân tộc nhưng cũng đậm vị đương đại, Thép đặt tên là Vietnamese Mule.
Với thức uống này, thành phần đầu tiên Thép sử dụng là lá rau răm Việt Nam thay cho gừng vì vị the mượt của nó. Sau đó cho thêm chút chanh và simple syrup để tạo vị chua ngọt hài hoà. Với phần rượu nền, Thép sử dụng Ketel One vodka. Sau đó lắc đều lên. Tiếp đến, Thép sẽ dùng nước ép dưa hấu kết hợp cùng soda để cho vào thức uống.
Về phần trang trí, Thép sử dụng vỏ nửa trái dưa hấu để làm ly cocktail. Cho hỗn hợp cocktail vào rồi thêm đá nhuyễn. Trang trí bằng lá bạt hà, hạt dưa hấu và một chút dưa chua được làm từ chính phần ruột trắng của dưa hấu.
Thép sẽ chuẩn bị hành trang gì cho World Class Global 2019?
Như Thép đã chia sẻ, điều đầu tiên là phải biết chấp nhận sự thất bại để lấy động lực nhiều hơn. Sân chơi thế giới ở một đẳng cấp khác, nên Thép nghĩ chỉ cần mình qua đó, ăn, ngủ, làm, thở với nó là đã xây dựng được một nền tảng kiến thức mới rộng lớn. Thép vừa đăng ký vào lớp tiếng Anh giao tiếp chuyên nghiệp cấp tốc để nâng cao trình độ tiếng Anh thêm nữa.
Điều tiếp theo Thép làm là tìm hiểu thông tin về các đối thủ. Bằng cách xem clip họ thi đấu, Thép có thể biết thêm về kiến thức, kỹ năng, trình độ, và kinh nghiệm của họ. Ngoài ra, Thép cũng tìm hiểu về cả ban giám khảo nữa.
Tiếp đến, Thép ôn lại về lịch sử, và kiến thức về toàn bộ các sản phẩm của Diageo. Sau đó sẽ nghiên cứu thêm về lịch sử và văn hóa của Việt Nam, điều này sẽ giúp Thép dễ dàng hơn trong việc đưa hình ảnh đất nước mình đến với thế giới bằng cách tốt nhất có thể.
Thêm vào đó là xây dựng câu chuyện, tình huống ứng xử, ý tưởng vào mỗi vòng thi khác nhau để có thể truyền đạt tốt nhất. Và đương nhiên không thể thiếu việc rèn luyện kỹ năng. Lý Tiểu Long có một câu nói mà Thép luôn khắc ghi và áp dụng: “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành 1 cú đá 10.000 lần”.
Và còn nhiều điều khác nữa mà Thép phải chuẩn bị để phần thi trở nên tốt nhất có thể.
Một lời chúc Thép dành cho cộng đồng bartender Việt.
Thép hy vọng những bạn trẻ bắt đầu sau Thép cố gắng học hỏi, rèn luyện kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm để có thể phát triển bản thân và rộng hơn là ngành pha chế của Việt Nam.
Xem thêm:
[Bài viết] Gặp Kat – Đương kim vô địch cuộc thi Diageo Reserve World Class
[Bài viết] Corked Tales: Chuyện trò cocktail trong không gian huyền bí