Là người đồng sáng lập công ty tìm kiếm và quản lý các nữ DJ Discwoman, Christine McCharen-Tran, đang hỗ trợ các nữ nghệ sĩ phi nhị giới (giới không thuộc tính nam và tính nữ) để họ có thể hoạt động ổn định trong ngành công nghiệp nhạc điện tử, nơi mà các nghệ sĩ nam đang ở thế thống trị. Chung sức với Christine là cô bạn đến từ Luân Đôn, Frankie Decaiza Hutchinson, chuyên phụ trách việc quản lý nghệ sĩ và các công việc quảng bá truyền thông, mạng xã hội. Mảnh ghép còn lại trong bộ ba là cô nàng DJ kiêm sản xuất nhạc Techno (một dòng nhạc dance điện tử) đến từ New York, Emma Burgess-Olson, được biết đến với nghệ danh UMFANG.
Trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng của Vietcetera, Christine bật cười khi nói về bộ ba của mình: “Hợp sức lại, chúng tôi thấy mình mạnh ngang ngửa “chúa tể” Megatron trong bộ phim Transformers.” Thật vậy, tờ Fader đã nhân danh họ là “hiệp sĩ bóng đêm” mà giới nữ nghệ sĩ hằng trông ngóng.
Một điều đặc biệt là cả bố mẹ của Christine đều sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn, chỉ có cô là trưởng thành ở bang Virginia. Mùa hè năm ngoái, Christine kết hôn với Becca McCharen-Tran, nhà thiết kế thương hiệu đồ bơi Chromat và cả hai trở thành cặp đôi song tính quyền lực của thành phố New York. Lần đến Việt Nam này cùng Becca cũng là lần đầu tiên Christine về thăm quê hương. Cả hai đã cùng nhau du ngoạn khắp các địa điểm nổi tiếng của Việt Nam – từ Sapa, Hà Nội đến Vịnh Hạ Long, Hội An – vừa du lịch vừa khám phá những cơ hội để có thể đưa Discwoman đến Châu Á vào cuối năm nay. “Lần này, chúng tôi đã có dịp thăm thú Việt Nam theo cách mà bố mẹ mình vẫn thường làm. Đây thật sự là một khởi đầu đầy hứng khởi. Nhưng lần tới chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam theo cách riêng của mình, với sự đồng hành của một số bạn bè nghệ sĩ. Dĩ nhiên, sẽ không thể nào thiếu đi những bữa tiệc sôi động.” – Christine chia sẻ cảm nghĩ về chuyến đi của mình. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi dần đi vào quỹ đạo.
Bạn có thể kể lại quá trình tập trung và phát triển của đội ngũ Discwoman được không?
Việc thành lập Discwoman bắt nguồn từ mong muốn hỗ trợ các nữ nghệ sĩ phi nhị giới để họ có được thu nhập ổn định từ việc biểu diễn. Muốn như vậy, họ phải có cơ hội để được đứng trên sân khấu nhiều hơn và được quyền có tiếng nói riêng.
Thế nhưng ngành công nghiệp giải trí luôn tồn tại những”người lính gác cửa” – họ là chủ sở hữu địa điểm, giới truyền thông, trung gian bán vé – vốn dĩ đa phần đều là nam giới. Vì vậy ngành giải trí cần thêm những người nữ quyết đoán – ý tưởng đó được khởi xướng bởi Frankie Decaiza Hutchinson và Emma Burgess-Olson. Nghĩ vậy, họ mời tôi tham gia với vai trò hỗ trợ sản xuất. Với kha khá kinh nghiệm sản xuất âm nhạc cho đại nhạc hội, các bữa tiệc và cả những buổi diễn thời trang của Becca, tôi rất sẵn lòng tham gia.
Thời điểm ban đầu, tức vào năm 2014, định hướng của Discwoman là tổ chức những buổi diễn kéo dài hai ngày dành riêng cho một nghệ sĩ. Sau một đêm diễn thử và một bài phỏng vấn gây tiếng vang khắp nơi. Người hâm mộ từ các thành phố gởi yêu cầu về và bảo rằng họ muốn được đắm mình trong những show diễn như thế thường xuyên hơn. Sáu tháng sau, chúng tôi chính thức thành lập Discwoman. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đang đại diện cho 11 nghệ sĩ và hợp tác cùng hàng trăm tên tuổi khác nhau trên thế giới.
Điều gì đã tạo nên sức hút riêng cho Discwoman? Liệu trên thế giới đã có nhiều mô hình như Discwoman chưa?
Có lẽ một phần là do chúng tôi ra mắt đúng thời điểm nên thu hút được sự chú ý của giới truyền thông. Các tin nhắn khích lệ và tán dương Discwoman vì đã truyền cảm hứng cho các cộng đồng khác cứ thể đổ về.
Trên thế giới có rất nhiều cộng đồng theo mô hình ra đời trước Discwoman, điển hình là female:pressure với kho dữ liệu khổng lồ về các nghệ sĩ và nhạc sĩ, gồm cả nữ giới, người chuyển giới và cả phi nhị giới. Họ là một trong những người đã truyền cảm hứng cho Discwoman.
Trong ngành công nghiệp nhạc sôi động, các nữ nghệ sĩ thường phải đối mặt với những trở ngại nào?
Ở New York, mọi người thường bảo rằng chẳng có nhiều phụ nữ làm nghề DJ, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, chỉ là do họ chưa biết đến mà thôi. Thế nên nhiệm vụ của chúng tôi là xóa đi suy nghĩ mặc định đó.
Ở những lễ hội như Panorama và The Governors Ball, những người ủng hộ đã che đi khuôn mặt của các nghệ sĩ nam trên các tấm áp phích của lễ hội như là cách để tỏ rõ sự bất bình đối với việc chỉ quảng bá một, hai nữ nghệ sĩ cho có. Ngày nay, người ta sẽ đặt nghi vấn nếu một buổi tiệc mà chỉ có nghệ sĩ nam trình diễn. Tương tự như vậy, thật đáng e ngại cho những nhà tổ chức nếu họ hoạt động một cách thiếu công bằng như vậy.
Được biết, các bạn đã tổ chức những bữa tiệc âm nhạc ở khắp nơi trên thế giới. Vậy làm cách nào để có thể hòa nhập được với sự đa dạng của thị trường âm nhạc?
Thay vì cất công tìm kiếm và tuyển chọn nghệ sĩ, chúng tôi thường làm việc với các tổ chức địa phương vì họ thông thạo mọi thứ hơn. Sau đó, chúng tôi sẽ hợp tác với họ để tổ chức các show diễn; ví dụ như Club Chai ở San Francisco và Brutaz ở Ba Lan, vốn cũng là một công ty quản lý nghệ sĩ. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đang tìm kiếm những người có cùng chí hướng như vậy.
Bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về trào lưu trở thành hình mẫu một nữ DJ lý tưởng?
Người ta thường đặt ra rất nhiều khuôn mẫu cho hình tượng người phụ nữ. Nhưng đó không phải là chủ đề mà chúng tôi muốn đề cập đến. Đối với tôi, vấn đề không chỉ đơn giản là “thuê một nữ DJ” mà còn là để đề cao những cá tính âm nhạc dị biệt.
Đó là lý do chúng tôi làm việc với rất nhiều nghệ sĩ underground và mời họ tham gia vào các lễ hội như một cách để họ đến gần với số đông khán giả hơn. Trong số đó, UMFANG có lẽ là nghệ sĩ sáng giá nhất hiện nay bởi cô ấy có cơ hội để trình diễn thường xuyên ở nhạc hội Berghain – nơi mà chúng tôi hằng ao ước được biểu diễn từ những ngày đầu. Không thể tin rằng điều đó đã trở thành hiện thực chỉ trong vòng một năm.
Ở những nơi các bạn từng đi qua, những buổi diễn underground đã “lách luật” như thế nào?
Đúng là mỗi thành phố đều có những quy định riêng. Ví dụ như nếu muốn tự do trình diễn tại các bãi đậu xe ở Mexico, bạn phải “bồi dưỡng” cho cảnh sát ít tiền. Vì vậy, cứ mỗi lần đặt chân đến một thành phố mới, chúng tôi lại tự hỏi liệu mình có thể tổ chức trình diễn ở đây được không? Và ở Mỹ cũng không ngoại lệ. Từng có thời điểm ở New York truyền bá đạo luật “Cấm nhảy múa” ở một số địa điểm. Nhưng may mắn thay đó đã là câu chuyện ngày xửa ngày xưa.
Văn hóa tiệc tùng và trình diễn âm nhạc ở những nơi các bạn đã đi qua khác nhau như thế nào? Và trong số đó, các bạn yêu thích thành phố nào nhất?
Âm nhạc là vùng đất mà ở đó con người ta lúc nào cũng cảm thấy hứng khởi và đầy nhiệt huyết. Mà con người ở đây là cả người làm nhạc lẫn người nghe nhạc. Chúng tôi từng ghé qua Brazil, Colombia, Mexico, Hà Lan, Puerto Rice và Ba Lan – nơi mà nhạc techno thấm đẫm trong từng bản nhạc và cả nhịp sống.
Nhưng New York vẫn là số một trong tôi bởi nơi đây luôn sẵn lòng chào đón những cá tính kì lạ và dị biệt. Người ta kháo nhau nếu một ngày luật “Cấm nhảy múa” quay lại thì cũng chẳng sao, chúng tôi sẵn lòng xuống cống nhảy cùng lũ cá sấu.
Du ngoạn nhiều như vậy, chắc hẳn các bạn đã gặp rất nhiều nghệ sĩ tài năng đúng không?
Đó là Elysia Cramption, nữ nghệ sĩ với gu thẩm mỹ nhạc điện tử vượt trội. Sinh ra và lớn lên tại vùng sa mạc bang California, Elysia di chuyển không ngừng giữa Mỹ, Mexico và Bolivia.
Là cô nghệ sĩ thích thử mình ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau mà chúng tôi từng có dịp làm việc cùng môt vài lần, Juliana Huxtable. Qua tay Juliana, những câu từ thường nhật cũng trở thành những bài nhạc độc đáo, thường mang màu sắc Techno. Tôi yêu cái cách mà cô kết hợp nhiều thể loại với nhau để tạo thành một trải nghiệm âm nhạc trọn vẹn. Tiếp theo, không thể nào không nhắc đến Missy Elliott thế hệ mới, Suzi Analogue – cô gái tài năng đến từ Miami.
Nhân tố nổi bật tiếp theo là Nina Kraviz với tài nghệ trình diễn xuất chúng. Sự điêu luyện về mặt kỹ thuật cho phép Nina chơi cả CDJs và đĩa nhựa trong cùng một set. Nếu không chơi chính thì Nina cũng là nghệ sĩ nữ duy nhất có mặt trong danh sách các nghệ sĩ. Không những là tâm điểm của các buổi diễn, Nina còn là người đi trước mở đường cho những thế hệ tiếp theo. “Nhân vật tiếp theo sẽ là ai đây?” – đó là điều mà Nina hay tự hỏi và rồi cũng tự tìm ra câu trả lời. UMFANG là một minh chứng cho lời nói đó.
Lấy tên là Discwoman, phỏng theo tên gọi của máy chơi nhạc CD Discman, liệu có phải các bạn đang muốn vực dậy những cách nghe nhạc đã bị quên lãng?
Chắc hẳn là những chiếc đĩa mềm bởi tôi thích cái cảm giác cầm nắm chúng tên tay, đặc biệt là phần trượt đĩa ở đầu và những lúc bật chúng ra khỏi máy tính. Cũng từng lẫy lừng một thời, đó là băng cát sét. Rất nhiều người bạn của chúng tôi làm nhạc dưới dạng băng cát sét để có dịp tha hồ sáng tạo trên vỏ băng cát-sét đấy.
Bạn mong chờ điều gì ở năm 2018?
Một buổi nhạc Techno tại Sài Gòn! Thật ra chúng tôi đang liên lạc với một số nghệ sĩ ở Thái Lan và Tokyo về việc trở lại Châu Á vào tháng 11. Ở bất kì nơi nào, chúng tôi cũng luôn có vài người bạn nghệ sĩ đồng hành. Thế nên đừng thắc mắc tại sao chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để trình diễn, dù có là ở tiệm sửa chìa khóa hay chỗ rửa xe. Ở Santiago, với căn phòng chỉ bằng kích thước nơi chúng ta đang ngồi trò chuyện, chúng tôi đã từng tổ chức cả một đêm nhạc cuồng nhiệt và một buổi tiệc ngay sau đó.
So với những kỳ vọng ban đầu, cảm nhận thực tế của các bạn về Việt Nam là như thế nào?
Thú thật thì ấn tượng của tôi về Việt Nam hoàn toàn khác với những gì bố mẹ kể cũng như hình ảnh mà bạn bè đã ghi lại.
Tôi chỉ biết ở đây thời tiết oi bức lắm. Nhưng các món ăn đã góp phần không nhỏ vào thành công của chuyến đi này. Chúng tôi đã nếm thử đặc sản của những vùng mình đi qua, như mì quảng và bánh bèo – những món ăn gắn liền với tuổi thơ mà bà và mẹ thường làm cho ăn.
Hãy gợi ý cho chúng tôi những nhân vật trò chuyện tiếp theo được không?
Đó là nữ nghệ sĩ sống ở Berlin chuyên chơi nhạc ở các sự kiện, thường được biết đến qua những bản phối nhạc R&B đầu những năm 2000. Hoặc người mà chúng tôi xem như chị em đồng hương, DJ kiêm nhà sản xuất Kim Anh đến từ Los Angeles. Cả hai người họ đều là những nghệ sĩ đồng tính tài năng.
Vietcetera chân thành cảm ơn Christine và Becca đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc các bạn luôn thành công với những dự định sắp tới!
Bài viết này được dịch bởi Cindy Le.
Xem thêm: