1. Disney+ sau 16 tháng có gì?
Chỉ sau vài tháng khi Disney có kế hoạch đẩy mạnh tập trung vào lĩnh vực streaming (trực tuyến), Disney+ thu về quả ngọt với 100 triệu người dùng.
Dẫn đầu thị trường này vẫn là Netflix với 200 triệu người dùng. Tuy nhiên cách đây không lâu, Chủ tịch hội đồng quản trị của Netflix đã công nhận Disney là đối thủ nặng ký cũng như là hình mẫu lý tưởng của Netflix.
Bản thân Netflix cũng đã tốn 10 năm để có thể đạt được con số là 14 triệu người theo dõi, trong khi Disney thì chỉ tốn có 2 tháng.
2. Tại sao Disney+ đạt được thành công này?
Nếu Netflix là một nồi lẩu với nhiều thể loại đa dạng, thì Disney chỉ tập trung vào nội dung dành cho gia đình và các series nhượng quyền (franchise). Thứ tưởng là nhược điểm này lại trở đặc điểm nhận dạng thương hiệu cho Disney+.
Ngoài ra lệnh giới nghiêm đã khiến hàng nghìn gia đình phải mắc kẹt ở nhà. Nhu cầu giải trí dành cho cả gia đình tăng cao và Disney đáp ứng được điều đó.
Và cuối cùng chiến thuật “ít là nhiều". Số lượng những series mới của Disney+ không nhiều bằng các series Netflix Original (Netflix tự sản xuất). Thay vì xuất bản phim hàng loạt, Disney+ sử dụng chiến thuật truyền thống, mỗi tuần ra 1 tập phim.
Điều này khiến người làm marketing của Disney+ có thể tập trung vào quảng bá nội dung, tạo ra nhiều những cuộc hội thoại và bàn luận về mỗi tập phim. Điều này làm tăng mức độ phủ sóng của Disney+.
3. Người dùng có được hưởng lợi nhiều hơn?
Trước thành công này, Disney+ hứa hẹn sẽ cho ra hơn 100 đầu phim trên mỗi năm. Số tiền đầu tư vào những nội dung cũng đã tăng lên gấp đôi với $15 tỷ.
Sự thành công của Disney+ khiến các dịch vụ streaming khác phải thúc đẩy việc sản xuất các series gốc (original content). Bên cạnh đó Disney cũng thu về lại các đầu phim được sở hữu của mình khỏi các nền tảng khác. Điều này dẫn đến sự tăng giá thành dịch vụ cho người dùng, khi dịch vụ streaming phải chi trả nhiều hơn để được giữ lại những bộ phim này.
4. Tại sao các nội dung gốc ra đời ngày càng nhiều?
Tương tự như cách Dinsey+ thu hồi phim thì rất nhiều nhà sản xuất khác như HBO, WarnerMedia, Amazon,.... cũng tạo ra những nền tảng streaming riêng. Và như lẽ thường tình, con của ai thì về nhà nấy.
Trong quá khứ, Netflix đã để vụt mất con gà đẻ trứng vàng là Friends và The Office khi công ty mẹ của 2 series này đòi con. Để bù vào sự thiếu hụt, các nền tảng streaming bắt buộc phải tạo ra những nội dung gốc mới.
5. Việt Nam đang đứng đâu trong cuộc đua này?
Trước sự chuyển mình của thế giới, Việt Nam cũng dần lục đục thay đổi. Khi được tiếp xúc với các nền tảng trực tuyến "xịn", chất lượng cao thì đa phần người Việt bắt đầu quay lưng với các trang phim lậu.
Ở Việt Nam, chúng ta chưa thật sự bước chân vào cuộc đua này mà chỉ đang nằm ở mức "khai phá và định mức". Tuy nhiên một số kênh streaming đã tự đưa ra chiến lược riêng cho mình như Fim+ lên kế hoạch tự sản xuất phim hay DANET chọn hình thức "simulcast" (mua bản quyền, biên dịch và phát sóng cùng thời gian với bản gốc).
6. Cái chết của CATV?
Thuật ngữ cord-cutting ra đời để chỉ hiện tượng người dùng cắt hợp đồng CATV. Làn sóng bỏ CATV này xuất hiện từ Mỹ, và hiện tại đã lan sang tận Trung Quốc và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
VTVcab trong những năm vừa qua đã phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu. Trước tình trạng này VTVcab ON - đơn vị giải trí trực tuyến- đã ra đời và đã chiếm được 21% thị phần Việt Nam. Dẫn đầu thị trường này là FPT(39%) và Netflix (23%).
7. Sự ra đời của CATV kiểu mới?
Cuộc chiến của các dịch vụ streaming đã khiến các nền tảng này trở nên gần với CATV hơn bao giờ hết. Trong quá khứ để có thể xem được nhiều chương trình chúng ta phải trả một số tiền lớn cho các gói CATV.
Còn hiện tại, sự phân bổ của các series phim ăn khách ở những dịch vụ streaming khác nhau tạo ra sự tương đồng với các kênh CATV. Nói cách khác nếu muốn coi nhiều nội dung hơn, ta phải bỏ ra một số tiền lớn hơn cho nhiều “gói" dịch vụ khác nhau.
Có thể thấy các mô hình của dịch vụ streaming đang dần quay lại với hướng đi của CATV. Chúng ta đủ “thông minh" khi không chọn mua gói CATV với nhiều kênh cả đời chẳng bao giờ đụng vào. Nhưng đồng thời chúng ta cũng đang chọn sử dụng các dịch vụ streaming, đôi khi cũng chỉ vì một vài series ưa thích.