Đối mặt với áp lực “bị ra rìa” trong gia đình | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 07, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Đối mặt với áp lực “bị ra rìa” trong gia đình

“Bị ra rìa” là vấn đề không của riêng ai trong các gia đình nhiều anh chị em, và có thể kéo dài đến lúc bạn trưởng thành.

Đối mặt với áp lực “bị ra rìa” trong gia đình

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

Bạn còn nhớ nhân vật Duk Sun trong bộ phim Reply 1988 chứ? Duk Sun cũng từng vật vã vì bố mẹ thường tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo cho người chị cả và em út hơn hẳn mình. Sự thiên vị này thể hiện qua những lần không được nhường món ngon, không được tổ chức sinh nhật riêng, chỉ được xài lại đồ cũ của chị, hay là đứa con cuối cùng mà bố mẹ nhớ đến khi nhà bị rò rỉ khí ga.

Có lẽ không ít người đồng cảm với cô gái này vì họ cũng sớm nhận ra áp lực thiên vị của bố mẹ với một người anh chị em khác. Việc san sớt tình thương không công bằng đôi lúc còn tạo ra nhiều tổn thương sâu sắc vì họ cảm thấy không được công nhận, ủng hộ bởi bố mẹ mình.

Nhiều nghiên cứu cho rằng việc “bị ra rìa” không chỉ là cảm giác hay ảo tưởng, không những thế nó còn kéo dài và gây ảnh hưởng lên những người con khi họ trưởng thành. 

Khi bạn lẻ loi trong chính gia đình mình

Một nghiên cứu tại Đại học Cornell phỏng vấn 274 bà mẹ ở độ tuổi 60 đến 70 với 671 người con của họ. Kết quả cho thấy 70% những bà mẹ có thể chọn ra một người con mà họ cảm thấy gần gũi nhất, và chỉ 15% trong số tất cả người con được phỏng vấn cảm thấy được đối xử công bằng bởi mẹ mình.

thiên vị gia đình
Việc thiên vị trong gia đình diễn ra khá phổ biến

Bố mẹ dành tình thương cho con cái của mình nhưng thường lại thân thiết, chiều chuộng một người hơn những người còn lại. Phỏng vấn trên cho thấy việc này diễn ra khá phổ biến, và cũng thường để lại những áp lực và ảnh hưởng tâm lý của những người con “bị ra rìa” này khi họ trưởng thành.

Nghiên cứu về mối quan hệ anh em trong gia đình cho thấy những người con “bị ra rìa” dễ nuôi trong mình sự giận dữ, gặp nhiều áp lực bởi kỳ vọng từ bố mẹ và đối mặt với rủi ro mắc bệnh trầm cảm cao hơn. 

Một nhóm nghiên cứu viên khác từ Đại học Michigan và California cho rằng, nỗi ganh tị với tình thương mà người còn lại nhận được sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên mối quan hệ anh chị em khi họ trưởng thành, đặc biệt khi xung đột không được bố mẹ giải quyết công bằng.

Vì sao việc thiên vị lại diễn ra?

Việc thiên vị một người con hơn xuất phát nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, thời gian chung sống,... Ngay cả bậc phụ huynh đôi lúc cũng không nhận thức được việc đó.

Sau đây là một vài lý do có thể giải thích xu hướng thiên vị này:

  • Khoảng cách chung sống: Có thể vì bạn đã xa nhà lâu ngày, người anh chị em còn chung sống với bố mẹ, dành thời gian với họ nhiều hơn nên cũng được quan tâm hơn.
  • Đặc điểm tính cách: Người anh chị em của bạn sở hữu những đặc điểm tính cách mà bố mẹ bạn cảm thấy tương đồng và dễ chia sẻ hơn.
  • Quan điểm sống: Bạn và bố mẹ không có cùng quan điểm về cách sống và sinh hoạt, dẫn đến sự nhọc nhằn và khó khăn mỗi khi trò chuyện cùng nhau.
  • Thứ tự anh chị em: Một nghiên cứu cho thấy thứ tự anh chị em cũng ảnh hưởng đến tình cảm dành cho con cái. Phụ huynh thường yêu mến người con cả và người con út hơn những người còn lại.
  • Quan niệm giới tính: Tại nhiều nước Châu Á, những quan niệm xã hội ảnh hưởng từ Nho giáo đôi lúc vẫn tồn tại, khiến nhiều gia đình ưa chuộng con trai hơn là con gái.
  • “Con cừu đen” trong gia đình: Khái niệm “the black sheep” được gán cho những đứa trẻ hư hỏng, chuyên gây rối, vô giá trị trong gia đình. Những người con này thường sẽ không nhận được nhiều tình thương từ bố mẹ bằng những người con ngoan ngoãn khác.
thiên vị
Mâu thuẫn nảy sinh giữa anh chị em vì bị bố mẹ thiên vị

Làm gì khi cảm thấy lẻ loi trong gia đình?

Dù tình cảm bố mẹ dành cho con cái thường được ví như một tình yêu vô điều kiện, nhưng cũng như bao mối quan hệ khác, mối quan hệ gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo, và ta luôn có thể chọn cách đối mặt ra sao.

1. Mở lòng để tha thứ

Tha thứ là một việc không dễ dàng, đặc biệt đối với những vấn đề đã chồng chất quá lâu trong lòng bạn. Chẳng hạn trong mối quan hệ với bố mẹ, bạn phải đặt lên bàn cân những điều bạn cảm thấy biết ơn bố mẹ mình và những điều họ đã làm bạn tổn thương sâu sắc.

Nhưng chọn tha thứ cũng là cách để bạn mở rối những mâu thuẫn trong lòng với gia đình mình, vì rất có thể họ cũng không biết được hành động của mình đã gây tổn thương cho bạn. Nhất là khi càng trưởng thành, bạn càng độc lập khỏi cảm xúc với bố mẹ mình hơn. 

Hãy dành thời gian đào sâu nội tâm và hoàn cảnh của chính mình để xem mức độ mà bạn có thể tha thứ. Tha thứ không có nghĩa là bạn phải quên lãng, nhưng là một cách để bạn mở lòng hơn với những người thân bên cạnh mình.

Tham khảo bài viết "Làm sao để tha thứ nhưng không quên lãng?" của Mark Manson để định nghĩa lại tha thứ và cách tha thứ cho bản thân cũng như những người xung quanh.

2. Tìm kiếm nguồn động viên ở nơi khác

Bạn không nhất thiết cần sự động viên từ gia đình nếu họ không thể cho bạn điều đó. Bạn vẫn có thể tìm được sự động viên, ủng hộ từ các mối quan hệ thân thiết bạn đã xây dựng trong cuộc sống.

Chẳng hạn như người bạn thân lâu năm hiểu được tình trạng của bạn, người sếp mà bạn ngưỡng mộ, hay người đồng nghiệp hướng dẫn bạn trong công việc. Họ không những là nguồn hỗ trợ mà còn tiếp sức thêm cho bạn về mặt tinh thần.

3. Đừng đổ lỗi cho người anh chị em còn lại

Như đã nói ở trên, có lẽ những người trong gia đình cũng không nhận thức được hành động thiên vị đó. Vậy nên việc cạnh tranh và đổ lỗi sẽ không làm mối quan hệ của bạn và người anh chị em của mình tốt hơn. 

thiên vị gia đình
Việc thiên vị từ bố mẹ không có nghĩa người anh chị em còn lại không quan tâm đến bạn

Hoặc rất có thể họ cũng biết điều này, vì đã nhận được sự chiều chuộng nhiều hơn từ bố mẹ nên họ quan tâm đến bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Mối quan hệ giữa bạn và họ không nên bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực mà bạn nhận từ bố mẹ.

4. Đầu tư vào gia đình của riêng mình

Trải qua việc bị lẻ loi trong gia đình của chính mình, bạn hiểu rõ những áp lực, cảm xúc tiêu cực và nỗi lòng của một người con không được đối xử công bằng hơn bất kỳ ai. Nhưng điều đó không nhất thiết sẽ ảnh hưởng và lặp lại với gia đình của chính bạn.

Bạn luôn có thể thay đổi chất lượng sống khi lập gia đình mới và có những đứa con riêng của mình, miễn là bạn nhận thức được vấn đề, từ đó tìm cách thay đổi và không lặp lại những gì bố mẹ bạn đã từng.

5. Cân nhắc khả năng hàn gắn

Tara Westover, tác giả của cuốn sách “Được học” từng nói trong một phỏng vấn “Bạn có thể yêu một người mà vẫn phải nói lời tạm biệt họ, bạn có thể mong nhớ một người mà vẫn vui mừng vì họ không còn hiện diện trong cuộc sống bạn”. 

Đôi lúc sự tổn thương có thể vượt quá giới hạn khiến bạn phải chọn một trong hai: từ bỏ hoặc hàn gắn. Tara là ví dụ điển hình cho sự buộc phải lựa chọn này. Cô phải chọn từ bỏ gia đình cho một cuộc sống tốt đẹp hơn hay chọn cách hàn gắn và sống lại những ngày tháng cũ bị xem là người ngoài vì có học vấn cao hơn những người trong gia đình.

Sự lựa chọn hàn gắn hay từ bỏ còn tùy thuộc nhiều vào mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống mà chỉ có chính bạn mới đưa ra được câu trả lời. 

Vietcetera gợi ý bạn bài viết:

Làm sao để hàn gắn mối quan hệ với cha mẹ sau mâu thuẫn?

'Vừa yêu vừa ghét' cha mẹ liệu có phải là một điều khó chấp nhận?