Dự án giao thông mới của Campuchia sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner

Dự án giao thông mới của Campuchia sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Kênh đào Phù Nam dự kiến sẽ thay đổi vùng kinh tế phía Nam và Tây Nam Campuchia. Cái giá mà họ (không) phải trả: sinh kế của 21 triệu người Việt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án giao thông mới của Campuchia sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Nguồn: Sputnik

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Hạn mặn và thiếu nước ngọt là những trở ngại lớn của Nam Bộ. Hai vấn đề này có thể trầm trọng hơn trong tương lai không chỉ vì tác động của biến đổi khí hậu, mà còn bởi một dự án giao thông ở phía bên kia biên giới: kênh đào Funan Techo (bài viết sử dụng một cách gọi quen thuộc hơn: kênh đào Phù Nam).

2. Vị trí và cách vận hành của dự án giao thông này?

Với chi phí đầu tư ước tính khoảng 1.7 tỉ USD, kênh đào Phù Nam là dự án đầy tham vọng của chính quyền Campuchia. Theo kế hoạch ban đầu, kênh đào này kéo dài 180km, trải dài qua bốn tỉnh với 1.6 triệu người sinh sống ở hai bên kênh, trước khi đổ ra vịnh Thái Lan.

23apr2024kenhdaocamuchiajpeg32721713773106jpg
Vị trí của kênh đào Phù Nam. | Nguồn: VnExpress

Dự án gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208km đường hai bên, do chính phủ Campuchia phối hợp với công ty CRBC của Trung Quốc để xây dựng.

Kênh Phù Nam sẽ dựng đập dẫn nước từ nhánh sông Mekong (sông Tiền ở lãnh thổ ta) sang sông Bassac (sông Hậu ở lãnh thổ ta). Sau đó, kênh sẽ dẫn nước đổ ra vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam Campuchia.

Kênh có hai làn để các phương tiện di chuyển an toàn, cho phép tàu hàng có trọng tải toàn phần khoảng 3000 tấn đi qua vào mùa khô, và 5000 tấn vào mùa mưa. Theo Campuchia, dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.

3. Tại sao dự án này quan trọng với Campuchia?

Trước hết, kênh đào Phù Nam tạo ra tuyến vận tải đường thủy mới, kết nối cảng Phnom Penh với cảng nước sâu ở tỉnh Sihanoukville.

Trước đây, hàng hóa muốn di chuyển giữa hai cảng này phải đi đường bộ hoặc tàu hỏa ở nội địa Campuchia. Nếu muốn đi đường thủy - vốn nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn - nước bạn phụ thuộc nhiều vào hệ thống cảng của nước ta, cụ thể là cảng Cái Mép và cảng Cát Lái.

23apr20245563187178137268050b57261712827756jpg
Thuyền đánh cá ven sông Mekong ở Phnom Penh. | Nguồn: Reuters

Điều này cũng có nghĩa là Campuchia sẽ bớt phụ thuộc vào Việt Nam về mặt kinh tế và vận tải sau khi dự án này hoàn thành. Theo ước tính của giới chức Campuchia, kênh Phù Nam sẽ giúp giảm khoảng 16% chi phí vận tải cho nước này.

Hơn nữa, mỗi dự án giao thông đều mang tới những thay đổi ở những khu vực xung quanh. Campuchia kỳ vọng kênh đào Phù Nam sẽ vừa tạo thêm công việc cho người dân, vừa kiến tạo những khu vực kinh tế mới. Du lịch nội địa nước này cũng sẽ hưởng lợi nhờ hệ thống giao thông thuận tiện.

Ngoài ra, dự án giúp cho ngành nông nghiệp và thủy hải sản của Campuchia phát triển. Trong tương lai, nước này hoàn toàn có thể sử dụng nguồn nước ngọt điều phối từ hai nhánh sông để phục vụ cho việc canh tác và sinh hoạt của người dân.

Cuối cùng, kênh đào Phù Nam có ý nghĩa biểu tượng với đất nước Campuchia. Không phải tự nhiên mà tên gốc của dự án này - Funan Techo - là sự lai ghép giữa tên gọi của một đế quốc cổ đại (Funan - Phù Nam) và một danh hiệu quân sự-chính trị (Techo) của người Campuchia.

4. Kênh đào Phù Nam sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Từ cuối năm ngoái, trong cuộc gặp mặt với tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ những lo ngại về các tác động môi trường mà dự án đầy tham vọng của người hàng xóm có thể gây ra.

Theo VnExpress trích lời TS. Lê Anh Tuấn tại Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Cần Thơ), kênh đào Phù Nam chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tính toán của ông, lượng nước sông Mekong về miền Tây sẽ giảm tới 50%.

TS. Lê Anh Tuấn còn cho biết, việc lấy nước sông Tiền đưa sang sông Hậu sẽ khiến lượng nước hai sông này thay đổi khi chảy vào Việt Nam. Điều này có thể gây nên sạt lở từ địa phận thành phố Châu Đốc đến huyện Châu Phú, gây ảnh hưởng tới vai trò điều tiết của sông Vàm Nao - đoạn sông nối sông Tiền với sông Hậu.

23apr2024khamphavamnaomuanuocnoioangiang1660674859jpg
Sông Vàm Nao là con sông điều tiết nước quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long. | Nguồn: MIA.vn

Ở một khía cạnh khác, nếu như phía Campuchia quyết định điều động nước từ kênh để phục vụ cho việc tưới tiêu, chắc chắn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước. Theo Kỹ sư Phạm Phan Long - Giám đốc điều hành Việt Ecology Foundation, thì Campuchia hoàn toàn có thể đơn phương bơm nước từ 180km kênh để tưới cho khắp bốn tỉnh của họ.

Từ khía cạnh kinh tế, những tác động môi trường sẽ khiến cho vựa lúa lớn nhất Việt Nam lâm nguy. Ngành nuôi trồng thủy sản trong nước cũng sẽ liên lụy do thiếu nước ngọt. Bên cạnh đó, kênh đào Phù Nam sẽ trực tiếp cạnh tranh với hệ thống vận tải đường thủy tại Tây Nam Bộ.

5. Việt Nam có thể làm gì?

Chính phủ Việt Nam chắc chắn không thể cấm nước bạn xây dựng một công trình giao thông trên đất nước của họ. Điều ta có thể làm là sát cánh cùng Campuchia, cùng đánh giá những tác động môi trường và đề xuất các phương án khắc phục.

Đây là điều mà chính phủ nước ta đang cố gắng thực hiện, với ví dụ là hội nghị cấp quốc gia mới diễn ra vào ngày 23/4/2024 tại Cần Thơ để tham vấn về tác động của dự án này.

Ngoài ra, nước ta có thể đàm phán với Campuchia qua những tổ chức khu vực và quốc tế, với ví dụ điển hình là Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission). Những văn bản đã ký kết từ trước về sông Mekong, như là Hiệp định Mekong 1995, sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam có thể yêu cầu Campuchia giảm thiểu tác động môi trường.

Việt Nam cũng có thể vận dụng tuyến vận tải đường thủy từ sông Tiền xuyên Đồng bằng sông Cửu Long tới Phnom Penh để đàm phán với Campuchia. Đối với những tàu vận tải lớn, hải trình này vẫn ngắn hơn là phải vòng qua Mũi Cà Mau sang Vịnh Thái Lan để tiến vào kênh Phù Nam.