Du học châu Phi có gì lạ? | Vietcetera
Billboard banner

Du học châu Phi có gì lạ?

10 năm trước, du học Châu Phi là một điều gì đấy bản thân tôi chẳng bao giờ dám nói ra, thậm chí cảm thấy một chút tự ti.

Du học châu Phi có gì lạ?

Nguồn: Hoàng Kim Lân

Nói đến đi du học, người ta sẽ thường kể nhau nghe về nước Mỹ phóng khoáng, tấp nập, nước Pháp lãng mạn với rượu vang và những ổ bánh mì giòn tan hay nước Anh cổ kính đầy sương mù. Nhưng bạn đã từng nghe qua việc đi du học ở một nước châu Phi chưa?

Một ngày, mẹ nói với tôi, sắp tới bố đi công tác về, cả nhà mình sẽ cùng nhau sang Algeria và con sẽ hoàn thành 3 năm cấp 2 ở đó. Tôi có 6 tuần để chuẩn bị. Và đây là hành trình của tôi.

alt
10 năm trước, du học Châu Phi là một điều gì đấy bản thân tôi chẳng bao giờ dám nói ra, thậm chí cảm thấy một chút tự ti.

1. "Giáo trình lạc hậu", sự thật là như thế nào?

Tháng 09/2010, sau khi đặt chân tới sân bay Houari Boumédiène - thủ đô Alger, nơi đầu tiên tôi di chuyển tới là đến trường đăng kí nhập học.

Thì ra, không phải cứ người phi châu là da đen như tưởng tượng, những cô gái trong trang phục hijab đeo khăn trùm, ánh mắt tò mò của bọn trẻ tóc xoăn xung quanh, thứ ngôn ngữ pha trộn giữa Pháp và Ả rập kì lạ, khuôn viên rộng như câu chuyện về Howards, màu vàng của cát và màu xanh của bầu trời Địa Trung Hải. Dần dần, tôi hiểu rằng nơi mình sẽ gắn bó có gì đặc biệt.

Trường song ngữ Pháp & Ả rập lớn nhất tại thủ đô Alger mang tên nhà khoa học vĩ đại René Descartes, tính đến nay đã hơn 120 năm tuổi được bao quanh bởi một rừng thông bát ngát, nơi sự tĩnh lặng và vẻ đẹp văn hoá ngự trị. Đây được xem như cơ sở hiếm hoi bao gồm đủ 3 cấp độ: tiểu học, trung học, phổ thông, chất lượng tương đương với bằng tú tài ở Pháp - bằng không thể thiếu trong việc mở ra cánh cửa tới các trường đại học tương lai.

Vì là cựu thuộc địa của Pháp ở khu vực bắc Phi, nên hệ thống các trường công sẽ được chính phủ hỗ trợ gần như 100% học phí. Còn đối với các trường quốc tế hoặc trường tư, tiền học có thể lên tới 1,200,000 dinars (tương đương 200 triệu/năm ).

Trước khi sang, tôi đang học lớp 7, sang tới nơi thì được xếp vào lớp 5. Ở độ tuổi 13-14, may mắn làm sao, giáo trình toán cơ bản mới bắt đầu học về phép nhân và học sinh thì không hề biết tới khái niệm học thêm bên ngoài.

Ở bậc trung học, có 4 cấp lớp là 6e, 5e, 4e và 3e (tương đương với lớp 6, 7, 8, 9 ở Việt Nam). Thang điểm 20 sẽ được áp dụng đối với học sinh ở bậc học này. Trung bình một tuần ở trên lớp có khoảng 25h đến 28h. Còn đối với bậc trung học phổ thông gồm 3 cấp lớp: lớp thứ hai (la seconde), lớp thứ nhất (la première) và lớp kết thúc (la terminale) tương đương với lớp 10, 11 và 12 ở Việt Nam. Ngoài ra, một điểm thú vị nữa, đấy là tới tiết học môn nào thì chúng ta sẽ di chuyển sang phòng học của giáo viên môn đó cho thuận tiện các trang thiết bị.

2. Bốn giai đoạn của sốc-văn-hóa

Sống ở nước ngoài có thể là một trải nghiệm thú vị, phát triển thế giới quan. Tuy nhiên, việc sống ở nước ngoài cũng có thể mang lại cảm giác lạc lõng hơn tưởng tượng rất nhiều. Đây có thể được xem như một phần tự nhiên trong hành trình đa văn hoá của mỗi người.

alt
4 Giai đoạn sốc văn hóa.

Sốc văn hoá có thể sẽ mất nhiều tháng để phát triển, thường cấu thành qua 4 giai đoạn: Hào hứng, Thất vọng, Điều chỉnh, Chấp nhận. Tác động và thứ tự của từng trạng thái có thể khác nhau nhưng sau tất cả, chúng ta sẽ học được cách thích nghi trong việc tiếp cận những nền văn hoá mới.

Hào hứng

Ở giai đoạn đầu tiên, chuyện du học giống như một cách nói khác của sự “tự do”. Bạn được thoải mái đi chơi chơi không cần xin phép, bạn được tự lập, bạn được tự chủ cuộc sống của riêng mình, đắm say trong thứ ngôn ngữ, con người và môi trường mới.

Thất vọng

Đây được xem như giai đoạn khó nhất để vượt qua khi mọi thứ dần có dấu hiệu đi chệnh hướng so với dự tính ban đầu. Cử chỉ, ngôn ngữ, hành vi, thông tin sai lệch có thể xảy ra thường xuyên dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm. Sẽ có ngày bạn thấy khao khát được về nhà, nơi mọi thứ quen thuộc và thoải mái hơn mãi mãi.

Điều chỉnh

Khi chúng ta dần trở nên cảm thấy quen thuộc hơn với nền văn hoá, con người, thức ăn, ngôn ngữ,..sự thất vọng sẽ được giảm bớt. Cảm xúc là do chúng ta tự quyết định. Việc giữ tâm trạng lạc quan, cố gắng nhìn vào mặt tốt của vấn đề hay giữ bản thân bận rộn, chủ động chia sẻ những suy nghĩ với người thân là điều cần thiết để giải toả cảm xúc và lấy lại sự cân bằng.

Chấp nhận

Có thể mất vài tháng, hoặc vài năm để học cách chấp nhận sự thật, nhưng có thể nói, ở đây không có khái niệm cụ thể cho việc đúng hay sai, văn hoá ở đây tốt hơn ở kia. Việc so sánh và đối chiếu mọi thứ sẽ không giúp chúng ta trở nên thực sự hạnh phúc. Chọn lọc những điều phù hợp nhất và kết hợp với bản sắc riêng sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn thiện.

3. Làm thế nào để thích nghi với môi trường mới?

Theo một khảo sát chung, bất cứ du học sinh nào đều cũng sẽ ít nhất một lần phải đối diện với khoảng trống cô đơn khi nhớ nhà. Những lúc như vậy, sự hiện diện của một vài người bạn sẽ là một liều thuốc an thần dễ chịu.

Trong tầm 2 tháng đầu, tôi tập trung hơn vào việc lắng nghe. Và càng lắng nghe, mọi người càng cởi mở hơn. Những đứa trẻ kể về cách bắt tay rồi đặt nhẹ lên trái tim thay cho vạn lời nói.

Tôi lắng nghe về việc thịt heo là nghiêm cấm ở nơi đây, chuỗi ngày Ramadan nhịn ăn để thể thể hiện sứ xám hối và thanh tẩy tâm hồn kéo dài 4 tuần lễ hàng nằm. Hay tất cả các đất nước đều có một loại bánh kẹp làm từ bột mì đặc trưng, Việt Nam có bánh mì nổi tiếng thì ở Algeria có Tacos và Kebab phổ biến hơn cả.

Dần dần, kết hợp với thói quen xem phim có phụ đề cũng như thử cập nhật gu âm nhạc ở đây thông qua các playlist có sẵn trên internet sẽ khiến việc phát triển khả năng ngoại ngữ cũng như trường từ vựng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong thời đại của chứng sợ Hồi Giáo, khi bạn có dịp đến tận nơi, bạn sẽ nhận ra rằng những hình ảnh mà các phương tiện truyền thông khắc sâu vào tâm trí mọi người không chính xác đến mức nào.

4. Trách nhiệm với lựa chọn của riêng mình

Đầu tiên, lựa chọn sẽ không chỉ dừng lại ở chất lượng cơ sở vật chất nhà trường mà còn là thành phố, còn là ngôi nhà gắn bó, định hình tính cách của mình trong những năm tiếp theo. Hãy thử tổng hợp từ tất cả các nguồn thông tin cần thiết từ kinh nghiệm những anh chị người Việt đi trước như kiểm tra chính sách hỗ trợ, xem môi trường có thân thiện, đồ gì bên đấy không mua được, rồi đưa ra quyết định cuối cùng sẽ hiệu quả nhất.

Tiếp theo, ngoài việc chuẩn bị tâm lý, hãy cùng thời gian nghĩ đến việc quản lí chi tiêu. Du học sẽ đồng nghĩa với việc bạn phải nhớ thanh toán các khoản hoá đơn địa nước, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cá nhân, tự mình cân đối chi tiêu khoa học nhất. Hiện nay có rất nhiều app giúp phân bố tài khoản chi tiêu, hãy thử chia nhỏ số tiền mình có ra thành từng hạng mục có sẵn và đặt mục tiêu chi tiêu phù hợp với bản thân.

Sẵn sàng đi du học, thời gian dù ít hay nhiều thì tất cả mọi người đều giống nhau ở một điểm là đã thử vượt ra khỏi vòng an toàn của chính bản thân, dám làm và dám chịu trách nhiệm với hành động của mình.

10 năm trước, du học Châu Phi là một điều gì đấy bản thân tôi chẳng bao giờ dám nói ra, thậm chí cảm thấy một chút tự ti. 10 năm sau, đang là sinh viên tại Pháp năm thứ 5, nhưng khi có dịp để chia sẻ, tôi lại muốn chọn nói về Alger, một trải nghiệm màu xanh ô liu không thể quên mà tôi đã may mắn có được.