Du lịch trong tương lai: Trở về thập niên 70s | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 08, 2020

Du lịch trong tương lai: Trở về thập niên 70s

Ba yếu tố quan trọng sẽ định hướng tương lai sắp tới cho ngành khách sạn.

Du lịch trong tương lai: Trở về thập niên 70s

Nguồn: Dino Reichmuth/Unsplash.

Cho dù tin hay không thì thực tế con người đã bắt đầu đi du lịch trước khi có sự ra đời của các chuyến bay đường dài giá rẻ. Khám phá và phiêu lưu dường như đã in sâu vào ADN của con người, cùng với sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Do đó, dù có đại dịch toàn cầu cũng sẽ không thể trói chân nổi những tín đồ du lịch, nhưng nó sẽ khiến con người nghĩ khác đi về lý do của những chuyến đi, địa điểm và phương tiện để đi đến đó.

Một bài báo gần đây trên tờ New York Times đã đưa ra giả thuyết về sự trở lại của hình ảnh quen thuộc trên màn ảnh Hollywood ở những năm 70, một chiếc ô tô gia đình chở đầy hành lý, thú cưng và những đứa trẻ vô cùng phấn khích. Đối với ngành khách sạn đây là một tin vui. Vì điều đó đồng nghĩa với nguồn khách lưu trú ổn định - dù có thể không phải đối tượng khách hàng mà các khách sạn từng mong đợi.

Chúng tôi nhận thấy ba yếu tố quan trọng sẽ định hướng tương lai sắp tới cho ngành khách sạn:

1. Thời gian lưu trú

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash.

Một số yếu tố mới sẽ góp phần quyết định về thời gian của các chuyến đi và kỳ nghỉ. Nhờ tính hiệu quả của phương thức làm việc từ xa, hiện nay mọi người ít bị áp lực phải quay trở lại văn phòng sau năm ngày nghỉ phép. Chúng ta có thể thấy nhu cầu ngày càng tăng của những kỳ nghỉ dài, là sự kết hợp giữa làm việc và thư giãn. Những chuyến công tác sẽ dần lui về dĩ vãng, và nhiều người sẽ e ngại đi du lịch dịp cuối tuần nếu điểm đến ở cách xa và mất nhiều thời gian di chuyển cho mỗi lượt đi về.

2. Điểm đến

Ngay cả trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã ghi nhận sự gia tăng của xu hướng “Du lịch ngắn ngày” - hướng tới trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khỏe và phiêu lưu ở những địa điểm gần và bền vững. Đại dịch đã bộc lộ rõ hơn đường liên kết giữa môi trường, các giải pháp bền vững, và sức khỏe con người, do đó chúng ta sẽ thấy xu hướng du lịch nội địa và trong khu vực gần sẽ tăng trưởng nhanh chóng.

Pullman Phú Quốc Beach Resort Nguồn BH Architects
Pullman Phú Quốc Beach Resort. | Nguồn: B+H Architects.

3. Du khách

Các thương hiệu khách sạn vận hành Khách sạn, Khu nghỉ dưỡng hoặc Căn hộ dịch vụ trong đô thị theo cách truyền thống với các mức giá khác nhau. Khi con người định hướng lại mục đích du lịch và các hoạt động họ muốn tham gia, thì các thương hiệu phải tự làm mới mình để thu hút những nhóm du khách có cùng sở thích; ví dụ như khu nghỉ dưỡng gia đình, khách sạn tình nhân, khu nghỉ dưỡng thể thao/ vận động, hoặc du khách trẻ độc thân.

Có một điểm không hề thay đổi, đó là hầu hết du khách, bất kể tuổi tác hay mục đích, đều tìm kiếm những trải nghiệm ý nghĩa, mang đậm văn hóa, cởi mở tinh thần - dù họ du lịch gần nhà hoặc khám phá những điểm đến xa hơn. Chính xu hướng này đã định hình bốn loại hình lưu trú rất thú vị:

1. Thiên đường an toàn

Lusail Thai Island Resort Source BH Architects
Lusail Thai Island Resort. | Source: B+H Architects.

Các khu nghỉ dưỡng khép kín sẽ là thiên đường lưu trú an toàn tuyệt đối. Những khu nghỉ dưỡng này thường ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình để mang đến trải nghiệm nghỉ ngơi thư giãn, xóa tan cảm giác hối hả của cuộc sống hàng ngày, đồng thời cung cấp nhiều hoạt động và dịch vụ trong một môi trường được kiểm soát.

2. Kinh doanh hoà nhập

Khi doanh nghiệp bắt đầu xem xét lại nhu cầu và mục đích, du khách công vụ có thể sẽ kết hợp các chuyến công tác thiết yếu với các kế hoạch khác, di chuyển ít hơn và ở lại lâu hơn. Đồng thời, khi công việc ngày càng diễn ra mọi lúc mọi nơi, các khách sạn có thể cung cấp không gian kết nối và bổ sung các tiện ích cao cấp cho những cư dân địa phương có mong muốn thay đổi khung cảnh làm việc.

3. Xu hướng du lịch tại chỗ

VUE rooftop spritz bar đầu tiên tại Singapore Nguồn BH Architects
VUE, rooftop spritz bar đầu tiên tại Singapore. | Nguồn: B+H Architects.

Khi “Đi chơi cuối tuần” trở thành “Ở nhà cuối tuần”, thì nhu cầu các dịch vụ tại địa phương cũng gia tăng, đặc biệt là những trải nghiệm đặc trưng như: spa nghỉ dưỡng với các sản phẩm địa phương, cuối tuần học nấu món Ý với đầu bếp nổi tiếng, hoặc buổi tiệc thử rượu vang để thưởng thức loại rượu nổi tiếng ở địa phương.

4. Trải nghiệm của thế hệ Z

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash.

90% Thế hệ Z chơi game trên di động hoặc thiết bị điều khiển cầm tay. Hiện ở độ tuổi từ 13 đến 22, họ kỳ vọng thế giới ảo tồn tại song song với môi trường vật lý thực tế. Loại hình khách sạn eSports (thể thao ảo) mới tại châu Á cung cấp các thiết bị chơi game và đấu trường hiện đại ngay trong phòng để du khách thế hệ Z tận hưởng trải nghiệm phiêu lưu trong thế giới game nổi tiếng “World of Skyrim” ngay trong phòng nghỉ.

Chúng tôi vẫn tiếp tục hợp tác với các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng để chuẩn bị cho ngành du lịch thời kỳ hậu COVID, chúng tôi sẽ cùng khám phá từng loại hình nêu trên một cách cụ thể hơn. Hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo!

Giới thiệu Tác giả:

Tiến sĩ Stéphane Lasserre PhD ICTAEC M Arch B Arch OAF LEED AP Chủ Nhiệm BH Architects
Tiến sĩ Stéphane Lasserre, PhD (ICT/AEC), M. Arch, B. Arch, OAF, LEED AP - Chủ Nhiệm, B+H Architects.

Tiến sĩ Stéphane Lasserre gia nhập B+H vào năm 2005, với hơn 24 năm kinh nghiệm thiết kế công trình phức hợp thượng mại, trụ sở cơ quan nhà nước, văn phòng, nhà ở, bệnh viện, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Là một chuyên gia thiết kế đạt chứng nhận LEED, đảm nhiệm vai trò chủ trì thiết kế và giám đốc dự án, lãnh đạo các nhóm thiết kế quy hoạch, kiến trúc và nội thất cho các dự án tại Pháp, Canada, và châu Á. Kinh nghiệm quốc tế đã giúp Stéphane đưa ra những góc nhìn mới về các dự án thông qua nghiên cứu sự khác biệt của các nền văn hóa và kết cấu xã hội, sau đó khéo léo áp dụng vào thiết kế để tạo ra những thiết kế đa dạng. Stéphane luôn tìm hiểu tầm nhìn của nhà đầu tư đối với các dự án thông qua giai đoạn nghiên cứu chiến lược và lập thông số quy hoạch từ ban đầu, nhằm phát huy tối đa những tác động tích cực của một phương án thiết kế độc đáo có thể mang lại.

Công viên và các không gian xanh tích hợp trong thành phố thể hiện sự kết nối liền mạch với thiên nhiên là nguồn cảm hứng và phương pháp tiếp cận thiết kế của Stéphane. Ông luôn tâm niệm các giải pháp thiết kế cần phải toàn diện và phản ánh góc nhìn đa ngành, một dự án thiết kế tỉ mỉ sẽ giúp kết nối con người, kiến trúc, cảnh quan và không gian nội thất. Khi tạo ra các địa điểm và không gian gắn kết chặt chẽ thay vì chỉ dừng lại ở những giải pháp độc lập, thì công trình đó có thể phục vụ cộng đồng trong nhiều năm và chứng minh được sự bền vững sẽ đạt được khi thiết kế được cân nhắc kỹ lưỡng, và tích hợp các chiến lược thân thiện với môi trường dài hạn.