Dune: Tác phẩm sci-fi gây ảnh hưởng toàn cầu bởi các thông điệp vượt thời gian | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 12, 2021
Điện Ảnh

Dune: Tác phẩm sci-fi gây ảnh hưởng toàn cầu bởi các thông điệp vượt thời gian

Qua gần 60 năm, tính thời sự và thông điệp của Dune vẫn đáng suy ngẫm dù cho thế giới đã trải qua hàng vạn thay đổi.
Dune: Tác phẩm sci-fi gây ảnh hưởng toàn cầu bởi các thông điệp vượt thời gian

Nguồn: Dune

Bộ phim Dune được ra mắt vào thời gian gần đây chính là bản chuyển thể điện ảnh của một trong những cuốn sách khoa học viễn tưởng gây ảnh hưởng bậc nhất thế giới.

Xuất bản vào năm 1965, Dune lấy bối cảnh chính tại hành tinh Arrakis, nơi duy nhất trên vũ trụ tồn tại nguồn năng lượng quý giá mang tên “hương dược”. Trên hành trình theo chân Paul Atreides đi tìm số phận mà anh đã được định sẵn, Dune cho ta thấy một thế giới nơi khoa học kĩ thuật ngày càng lạc hậu. Một nơi mà tôn giáo và hệ thống phong kiến nắm quyền kiểm soát tất cả mọi khía cạnh đời sống.

Được viết vào thời điểm mà khu vực Trung Đông đang sôi sục các biến chuyển về tôn giáo, chính trị và văn hóa, Dune dường như là sự phản chiếu của những sự kiện đang diễn ra.

“Tôi là một người cuồng chính trị và tôi cũng chưa bao giờ thật sự rời khỏi báo chí cả. Tôi đang viết về những gì đang diễn ra – những hình ảnh ẩn dụ đó đã sẵn có ở trong (sách),” tác giả Frank Herbert nói trong một cuộc phỏng vấn quảng bá vào năm 1983.

Vay mượn hình ảnh những đụn cát luôn thay đổi qua hàng thiên niên kỉ, liệu Dune đang nói lên điều gì về bản chất con người và những sự kiện đã và đang diễn ra trên thế giới?

Những tương đồng giữa hành tinh Arrakis và khu vực Trung Đông

“Arrakis. Xứ cát. Một hành tinh sa mạc.”

Đây chính là cách tác giả giới thiệu thế giới của Dune, một nơi mà cái nắng gay gắt đến mức cả giọt nước mắt cũng trở nên quý giá. Tại đây, mọi sự sống đều được xây dựng dựa trên một nguồn nhiên liệu mang tên hương dược.

Được mô tả là nguồn năng lượng để vận hành việc di chuyển liên không gian, hương dược là nhiên liệu quan trọng nhất để Đế Chế đứng vững. Tầm quan trọng của thứ nhiên liệu này còn được các nhân vật khẳng định: "Ai kiểm soát được hương dược là kiểm soát cả vũ trụ.”

Hành tinh Arrakis, nơi duy nhất trên vũ trụ sở hữu số tài nguyên này, cũng vì vậy mà trở thành “miếng mồi” béo bở bất kỳ thế lực nào cũng muốn tranh giành.

Hương dược là nguồn năng lượng quý giá nhất của vũ trụ Dune | Nguồn: ScreenRant

Tại thế giới thật cũng tồn tại một thứ nhiên liệu có sức mạnh tương tự, đó chính là dầu mỏ. Câu chuyện về hương dược của Dune cũng tồn tại rất nhiều tương đồng với lịch sử khai thác và sử dụng dầu mỏ trên thế giới.

Dầu được chính thức phát hiện và khai thác tại khu vực Trung Đông vào năm 1927. Số lượng dầu khổng lồ của Iraq tại thời điểm đó được phân phối cho những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh, Pháp,.. Và cũng giống như dân tộc Fremen bản địa, người dân Iraq không hề có phần trong sự chia chác này dù cho số dầu mỏ đó nằm trên chính đất nước của họ.

Phần phim đầu tiên của Dune kết thúc khi Paul Atreides bắt đầu đứng lên lãnh đạo người Fremen lật đổ đại gia tộc Harkonnen và giành lại quyền cai trị Arrakis và hương dược. Tương tự, vào năm 1958, người Iraq đã vùng dậy chống lại chính quyền đương thời và các thế lực ngoại quốc để giành lại quyền sở hữu lượng dầu mỏ quý giá này.

Sự tương đồng giữa các sự kiện trong lịch sử này tuy chưa bao giờ được xác nhận bởi Frank Herbert, công chúng vẫn tin tất cả không phải là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bằng chứng là tác giả đã cố tình vay mượn rất nhiều từ ngôn ngữ Trung Đông để tạo ra những danh xưng trong văn hóa người Fremen.

Những con giun cát khổng lồ được người Fremen gọi là Shai-Hulud, một từ biến thể của “Shay’-Khulud” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Điều Bất Diệt.”

Tên gọi “Kwisatz Haderach” là một cụm từ tiếng Do Thái cổ mang nghĩa “Cắt ngắn lối dẫn” (Shortening of the Way). Cũng trong tiếng Do Thái, cái tên Chani mang nghĩa là “(Chúa Trời) chọn tôi.”

Sinh vật giun cát của Dune | Nguồn: Dune

Những danh xưng khác như “Muad’dib”, “Usul”, “Lisan al-Gaib” đều được lấy cảm hứng từ ngôn ngữ Ả Rập, mang hàm nghĩa là “Người dẫn đầu (thánh chiến).” Trạng thái Ibad khi một người sử dụng quá nhiều hương dược cũng là một chuyển thể từ tiếng Ả Rập "Ibād", nghĩa là đầy tớ, nô lệ.

“Chúng ta cần khán giả hiểu được rằng họ đang không ở một không gian cụ thể (văn hóa Trung Đông). Không gian đó đã được chuyển về một nơi xa xôi khác (hành tinh Arrakis). Cách truyền tải tốt nhất là cho chốn ấy (Arrakis) thứ ngôn ngữ của địa điểm mà nó vay mượn (Trung Đông),” Frank Herbert trả lời khi được hỏi về những cái tên vừa lạ vừa quen này.

Tôn giáo có thể trở thành công cụ để cai trị

Câu chuyện về quyền lực của Dune không chỉ dừng lại ở cuộc tranh chấp hương dược. Cũng giống như tác phẩm nguyên gốc của Frank Herbert, bộ phim Dune đã không ngần ngại đưa những chủ đề tôn giáo nhạy cảm vào cuộc bàn luận.

Các nữ tu Bene Gesserit là những người có khả năng nhìn thấy sự diệt vong và họ mong muốn tìm ra một lối thoát cho toàn nhân loại. Thế nhưng, trong quá trình khai sáng và thiết lập trật tự đó, họ dần lún sâu vào mê cung quyền lực. Các nữ tu gieo rắc niềm tin về một Đấng Cứu Thế cho người dân bản địa để đạt được mục đích thống trị.

Paul Atreides và một nữ tu của hội Bene Gesserit | Nguồn: Dune

Từ những niềm tin này, Paul khi đến hành tinh Arrakis đã được người Fremen tôn thờ như một vị thánh sống. Sự cai trị của anh với người dân được xây dựng dựa trên những niềm tin đó, và cũng chính từ sự thờ phụng vô điều kiện này, Paul dần rơi vào vòng xoáy của quyền lực và tham vọng.

Khi được hỏi về yếu tố tôn giáo trong Dune, ông thẳng thắng trả lời: “Nếu bạn có thể kiểm soát những gì được cho đi (niềm tin, thông tin), bạn có thể chiến thắng bất kỳ cuộc tranh cãi nào.”

Qua Dune, tôn giáo hiện lên với bản chất là sự cứu rỗi nhân loại khỏi sự diệt vong, thế nhưng qua thời gian, chúng lại trở thành một công cụ có thế dễ dàng được sử dụng nhằm đạt được quyền lực và sự thao túng.

Qua từng câu chữ của Frank Herbert, Dune bất ngờ hiện lên như một tấm gương phản chiếu cho những vấn đề trường cửu của thế giới đương thời.

Arrakis tuy có nhiều điểm tương đồng với vùng đất Trung Đông và Hồi Giáo, hành tinh này còn là sự ẩn dụ cho những dân tộc yếu thế bị quyền lực và đức tin đàn áp, một điều vốn đã và đang xảy ra khắp nơi trên những trang lịch sử thế giới.

Tình yêu níu giữ tính người

Những phần tiêu cực của con người trong Dune thường đến từ những yếu tố đậm tính lí trí như lòng tham, quyền lực. Thế nhưng, bằng cách xây dựng nhân vật khéo léo, Frank Herbert đã đưa một yếu tố đậm tính cảm xúc vào để đối mặt với phần tiêu cực ấy. Yếu tố ấy mang tên “tình yêu.”

Jessica, một nữ tu thuộc hội Bene Gesserit vì yêu Công tước Leto mà chống lại những quy tắc thế lực này đưa ra. Tình yêu của cô với công tước Leto và đứa con Paul của mình chính là thứ khiến cô đánh đổi đi tất cả những thứ quyền lực và địa vị mà cô có.

Jessica và Công tước Leto | Nguồn: Dune

Tham vọng quyền lực của Công tước Leto cũng dần bị thay thế bởi tình phụ tử ông dành cho Paul. Việc Paul có trở thành người dẫn đầu hành tinh quan trọng nhất của vũ trụ hay không đối với Leto đều không quan trọng bằng việc Paul trở thành một người tốt.

Trong những phần tiếp theo của Dune, thứ tình yêu thiêng liêng giữa Paul và nhân vật Chani cũng sẽ trở thành một trong những “sai lầm” lớn nhất của Paul trên con đường lãnh đạo hành tinh Arrakis.

Kết

Trong một cuộc phỏng vấn dài 42 trang vào năm 1969, Frank Herbert kể rằng toàn bộ cội nguồn của tác phẩm Dune được bắt nguồn từ một đụn cát ông nhìn thấy tại bang Oregon, Mỹ.

Đối với ông, sự mãi mãi thay đổi của một đụn cát vì những yếu tố xung quanh như gió, nước, cây khiến ông suy nghĩ về bản chất của con người và cách họ thay đổi dần dà qua thời gian. Ông nói rằng quá trình thay đổi đó là mãi mãi, trải dài qua hàng thiên niên kỷ.

Có thể với con mắt và cái nhìn hữu hạn về thời gian của con người, đụn cát kia dường như không hề có bất kỳ thay đổi nào. Cũng giống như cách hệ thống xã hội và quyền lực của Dune dường như đã tồn tại suốt hàng ngàn năm mà không hề đổi thay qua con mắt của độc giả.

Thế nhưng, ông nhấn mạnh yếu tố “Ignition” (tạm dịch là mồi lửa) của sự thay đổi này. Tuy không đề cập cụ thể nhưng qua các diễn biến, yếu tố mồi lửa trong Dune chính là cảm xúc.

Không giống như những đụn cát, con người là những sinh vật có cảm xúc. Thứ cảm xúc đó có thể dẫn ta vào con đường của tham vọng, quyền lực. Nhưng nó cũng là những chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi. Sau cùng, dù cho sự thay đổi đó là gì, chúng chỉ có ý nghĩa khi xảy ra trong khoảng thời gian hữu hạn của một kiếp người.