“Tiếp tục giãn cách 15 ngày” chắc chắn đã soán ngôi top những câu nói đáng sợ nhất của “ngày mai là thứ hai”. Không được đi ra ngoài, không được lên văn phòng gặp gỡ đồng nghiệp, chắc hẳn ai cũng đã quá chán nản với tình trạng này rồi. Nhưng biết sao được, chúng ta, bằng cách này hay cách khác, vẫn phải tự tạo niềm vui cho bản thân!
Vậy thì hôm nay, hãy để chúng tôi gợi ý cho bạn những series mà họ đã “cày cuốc” qua mùa dịch này.
Good Mythical Morning
Cày bởi Tài Thy - Editor Sáng Tạo
Chấm điểm chủ quan: 6/5 :)))
Miêu tả một câu: Good Mythical Morning là một show trên YouTube về các buổi thử và xếp hạng thức ăn, cùng các thí nghiệm “đột phá” với chất lượng rất đầu tư.
Mình rất thích khiếu hài hước kiểu mấy ông bố người miền Nam của hai người dẫn chương trình là Rhett và Link. Thương hiệu của hai người này là mấy trò đùa “xàm xàm” và những câu chơi chữ rất sáng tạo. Đôi lúc bạn sẽ bắt gặp hai người này trích dẫn một câu nói không biết từ đâu ra và tiếp tục trò chuyện như bình thường.
Mình xem show này từ thời cấp 3 và được truyền cảm hứng sáng tạo khá nhiều từ nó. Show này chứng minh một điều là nếu bạn có thể nghĩ đến nó, bạn sẽ biến nó thành sự thật được.
Như series “Will it…” vậy, tuy bắt đầu với những ý tưởng như là “Liệu một cây kẹo mút có thể được chiên ngập dầu hay không?”, series này thường xuyên vượt qua cái giới hạn của câu hỏi và làm quá lên chủ đề ban đầu. Nó dạy cho mình rằng mình có thể tìm thấy niềm vui từ những điều rất bình thường của cuộc sống, miễn là mình dành sự trân trọng cho nó.
Dành cho: Những người làm sáng tạo đang muốn tìm ý tưởng độc lạ; những ai quan tâm đến cách xây dựng và sản xuất nội dung giải trí, hoặc đơn giản là những ai đang tìm kiếm niềm vui trong những điều nhỏ bé.
Brand New Cherry Flavor
Cày bởi Minh Anh - Editor
Chấm điểm chủ quan: 3.5/5
Miêu tả một câu: Một nồi lẩu kinh dị, máu me, hài hước cùng câu chuyện về một nhà làm phim đi đến Hollywood để khởi nghiệp và bị cuốn vào vòng xoáy của tình dục, ma thuật và những con mèo con.
Series này như một chuyến phiêu lưu “thức thần” vậy, vì nó chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ và buồn cười (phân cảnh nữ chính ói ra mèo là một ví dụ).
Mình thích series này vì việc xem nó như đi ăn một nồi lẩu vậy, đầy đủ những gì mình muốn nhận được khi xem một bộ phim kinh dị, nào là kinh dị hình thể (theo phong cách của Cronenberg), phù thủy và các giấc mơ siêu thực (theo phong cách của Lynch).
Phim có giá trị giải trí tốt, tuy nhiên mình hơi tiếc vì phim khá theo công thức. Giống như American Horror Story vậy, cốt truyện và cách xây dựng nhân vật của phim không có được sự mới mẻ cần có.
Dành cho: Những ai thích American Horror Story hoặc Knives Out
This is Pop
Cày bởi Kỳ Thơ - Managing Editor
Chấm điểm chủ quan: 3.5 / 5
Miêu tả một câu: Một series lội ngược dòng thời gian để nghe các tên tuổi gạo cội chia sẻ về các dấu mốc lịch sử của văn hóa Pop (âm nhạc đại chúng).
Tuy nói về lịch sử của văn hóa pop trên toàn thế giới, series này không chỉ dừng ở việc khai thác tính hoài niệm của những bài hát. This is Pop bóc tách từng lớp nguyên nhân, cội nguồn và các yếu tố khiến các tên tuổi/sự kiện/bài hát đó trở thành hiện tượng bất hủ.
Thứ làm cho show này trở nên đặc biệt là vì nó đem những thắc mắc, dù là nhỏ nhất, của công chúng đến với người làm nên bản hit đó để họ giải đáp chúng.
Một vài điểm trừ của series mà mình thấy là cách truyền tải vấn đề hơi lê thê và dài dòng. Chỉ một vấn đề nhưng có khá nhiều người lặp lại ý đó và ít có thông tin gì mới. Ngoài ra, chắc chỉ mới một season nên nền văn hóa Pop mà series tập trung vào là US-UK, mà không nhắc tới văn hóa Pop khác, nhất là Châu Á.
Dành cho: Bất kỳ ai có nghe nhạc hoặc những ai không thấy Backstreet Boys, Britney Spears, ABBA, Boyz II Men, music festival là gì đó quá lạ lẫm.
Các phim hoạt hình của Ghibli
Cày bởi Diep Khoa - Editor Thời Trang
Chấm điểm chủ quan: 4 / 5
Miêu tả một câu: Những bộ phim hoạt hình khi mà nhân vật tìm thấy niềm vui trong một thế giới khác.
Trong một giai đoạn có lẽ là áp lực và cô đơn như lúc này, thế giới kì diệu từ âm nhạc và hình ảnh của Ghibli là một liệu pháp để mình có thể xoa dịu tinh thần nhanh chóng và giữ được hiệu quả đó lâu dài.
Đôi khi những bài học từ phim ảnh khó có thể được ghi rõ ra thành những con chữ. Tuy nhiên, khi xem phim Ghibli, mình hiểu hơn về chính bản thân mình, cảm xúc của mình nằm ở đâu và nó được củng cố bởi những điều gì. Mình luôn không biết đặt nền tảng của những thứ đó ở đâu, thì sau khi xem phim mình đã rõ.
Dành cho: những ai muốn cảm giác thư thái một chút, “ra khỏi nhà” trong tâm tưởng.
Cells At Work
Cày bởi Vy Lâm - Managing Editor
Chấm điểm chủ quan: 5/5
Miêu tả một câu: Các tế bào đang làm gì để giữ cho cơ thể chúng ta luôn khoẻ mạnh và hoạt động trơn tru.
Series này mang lại khá nhiều kiến thức cơ bản về các tế bào, vi-rút và vi khuẩn, được trình bày theo cách dễ thương và dễ hiểu. Việc cố gắng lồng ghép thông tin vào câu chuyện thường dễ gây ra phản ứng ngược khiến người xem thấy gượng ép và chán ngán, tuy nhiên series này lại hoàn thành nhiệm vụ đó rất mượt mà.
Đặc tính và chức năng của các tế bào được đưa vào ngoại hình, tính cách và hành động hợp lý đến nỗi mình tin rằng trong cơ thể thật sự có cả một thành phố, với các cư dân tế bào đang sinh sống và làm việc với hình hài y hệt như vậy.
Mùa 2 của series này ra mắt đúng vào đợt tiêm vaccine cộng đồng. Mình xem trong lúc vật vã với cơn sốt, cảm giác như được nhìn tận mắt các bạn tế bào chiến đấu thế nào, và các phản ứng cơ thể này là dấu hiệu của việc họ đang chăm chỉ làm nhiệm vụ. Mình cũng được nhắc nhẹ rằng chỉ riêng việc yên tâm giao phó cho họ và bớt lo lắng, căng thẳng đi là cũng giúp được kha khá rồi.
Dành cho: Những người thích tìm hiểu về sinh học nhưng không trụ nổi trước những cách truyền tải khô khan và thuật ngữ phức tạp.
Nếu thích những thứ dảk bủh hơn thì bạn có thể cân nhắc series spin-off là Cells At Work! Code Black! – cho thấy môi trường làm việc độc hại của các tế bào trong một cơ thể sinh hoạt thiếu lành mạnh.