Facebook kiện 4 người Việt - Chuyện gì vừa xảy ra? | Vietcetera
Billboard banner

Facebook kiện 4 người Việt - Chuyện gì vừa xảy ra?

Vụ kiện một lần nữa báo động về tình trạng ăn cắp dữ liệu người dùng.
Facebook kiện 4 người Việt - Chuyện gì vừa xảy ra?

Facebook vừa khởi kiện một nhóm người Việt lên tòa án tại bang California, Mỹ. | Nguồn: Getty Images.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 29/06 vừa qua, Facebook đã khởi kiện một nhóm người Việt lên tòa án tại bang California, Mỹ với cáo buộc chiếm đoạt tài khoản nhằm chạy quảng cáo trái phép.

Theo Facebook, bốn người Việt Nam đã sử dụng các kỹ thuật đánh cắp phiên giao dịch và cookie. Những người này sau đó xâm nhập tài khoản của nhân viên tại các đại lý quảng cáo và tiếp thị, lợi dụng họ để chạy quảng cáo trái phép.

2. Hành vi phạm tội bị cáo buộc như thế nào?

Nhóm người Việt bị cáo buộc đã sử dụng một ứng dụng Android có tên gọi “Trình quản lý Quảng cáo cho Facebook” để kiểm soát các tài khoản. Để thực hiện hành vi lừa đảo, họ lừa người dùng cài đặt ứng dụng.

Ứng dụng này yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Facebook cùng với một số thông tin cá nhân khác. Nhóm người này sau đó sử dụng thông tin để truy cập tài khoản Facebook của nạn nhân và chạy quảng cáo, bao gồm cả thông tin quảng cáo lừa đảo trực tuyến.

Ứng dụng này trước đây có mặt trên Google Play, nhưng hiện đã bị xóa.

3. Hậu quả gì đã xảy ra?

Nhóm người Việt bị cáo buộc đã thu lợi ít nhất 36 triệu USD (827,4 tỉ đồng) từ các hành vi phi pháp. Các hành vi này bao gồm đăng khoảng 10.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram và cho thuê lại các tài khoản chiếm được.

Đơn kiện của Facebook cũng cáo buộc nhóm người này dùng tiền thu lợi bất chính để tiêu xài xa xỉ. Các bị đơn sau đó còn chụp ảnh đăng lên mạng để khoe khoang.

Facebook ngày 29/06 cũng cho biết đã bồi thường cho các nạn nhân và giúp họ lấy lại tài khoản bị đánh cắp.

alt
Nhóm người Việt được nhắc tên trong đơn kiện của Facebook.

4. Bản án sẽ được thi hành như thế nào?

Theo luật sư Lương Văn Trung từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bản án nước ngoài sẽ được thi hành tại Việt Nam nếu được Việt Nam công nhận. Theo đó, việc công nhận sẽ dựa trên Hiệp định tương trợ tư pháp, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Luật sư cũng cho biết hiện Facebook đang có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, Facebook có quyền yêu cầu các quốc gia công nhận và thi hành bản án khi phát hiện nhóm bị đơn có tài sản ở bất kì nơi đâu.

5. Facebook còn kiện ai nữa không?

Trong 3 năm qua, Facebook đã đệ đơn kiện nhiều thực thể. Phía mạng xã hội cho rằng những thực thể này đã lạm dụng nền tảng Facebook để phạm tội trên không gian mạng. Một số vụ kiện tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Tháng 12/2019, Facebook kiện ILikeAd và hai công dân Trung Quốc vì sử dụng quảng cáo Facebook để lừa người dùng tải xuống phần mềm độc hại.
  • Tháng 04/2020, Facebook kiện LeadCloak với cáo buộc cung cấp phần mềm che giấu quảng cáo lừa đảo. Các quảng cáo này liên quan đến dịch bệnh COVID-19, dược phẩm và thuốc ăn kiêng.
  • Tháng 06/2020, Facebook kiện Massroot8.com - một trang web chuyên đánh cắp mật khẩu của người dùng Facebook.
  • Tháng 08/2020, Facebook kiện Nakrutka - một trang web chuyên bán lượt thích, bình luận và người theo dõi trên Instagram.
  • Mới đây nhất, vào tháng 04/2021, Facebook và Gucci cùng đệ đơn kiện một thực thể sử dụng Instagram để bán hàng giả.

Những thực thể mà Facebook kiện trục lợi bằng cách ăn cắp dữ liệu người dùng. Những hành vi này diễn ra mỗi lúc một nhiều, và ngày càng tinh vi hơn.

alt
Những thực thể mà Facebook kiện trục lợi bằng cách ăn cắp dữ liệu người dùng. | Nguồn: AP.

6. Tại sao chúng ta dễ bị ăn cắp dữ liệu?

Điểm yếu lớn nhất đến từ việc chúng ta đặt mật khẩu quá “yếu”.

Theo công ty bảo mật F-Secure, hơn 80% người dùng Internet dùng chung mật khẩu trên nhiều nền tảng dịch vụ. Vì các hacker cũng biết điều này, họ sẽ cố gắng đăng nhập vào càng nhiều nền tảng càng tốt sau khi ăn cắp được mật khẩu. (vtv.vn)

Trên thế giới, việc đánh cắp này diễn ra rất thường xuyên. Chỉ riêng trong năm 2021, dữ liệu cá nhân của hơn 500 ngàn tài khoản người dùng Facebook đã bị phát tán trên DarkWeb.

Từ những thông tin ăn cắp được đó, tội phạm mạng có thể bán thông tin để ăn cắp danh tính, thẻ tín dụng, hay mở tài khoản để rút tiền và vay tiền. Các hacker cũng có thể mạo danh bạn để vay ngân hàng hoặc vay tiêu dùng tín chấp.

alt
Cần nâng cao bảo mật để không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. | Nguồn: Vietnam+.

7. Đối phó với vấn nạn này như thế nào?

Không dùng chung một mật khẩu duy nhất!

Cách đơn giản nhất để bảo vệ dữ liệu cá nhân đó là dùng mật khẩu mạnh và khác nhau. Điều này khiến hacker khi ăn cắp được một mật khẩu cũng không thể xâm nhập vào tất cả các tài khoản.

Sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu

Những thông tin như mật khẩu, mã PIN, số thẻ tín dụng và các tài khoản khác cần được giữ an toàn. Một số phần mềm nổi tiếng "chuyên trị" cho nhu cầu này có thể kể đến Dashlane, Keeper, RoboForm và LastPass.

Khi những thông tin này được lưu trữ đồng bộ trên một phần mềm, nguy cơ bị mất cắp trên mạng sẽ được hạn chế. Đó là do những mật khẩu này chỉ được lưu trên thiết bị có cài đặt phần mềm đó.

Xác thực 2 lớp

Dùng thêm một lớp bảo mật cũng là giải pháp tốt. Lớp bảo mật thứ 2 này có thể là vân tay hoặc mật mã dùng một lần gửi qua tin nhắn.

Dùng phần mềm diệt virus

Phần mềm diệt virus giúp ngăn chặn mã độc lấy cắp dữ liệu của bạn. Phần mềm cũng đồng thời giúp cảnh báo các hiểm nguy.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng các phần mềm giúp kiểm tra xem dữ liệu nào đã bị xâm phạm, hay phần mềm giám sát danh tính.

Cuối cùng, hãy trang bị một ý thức tốt!

Internet là một thế giới rộng lớn. Sống trong thế giới này, chúng ta cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân. Khi thông tin của bạn trên mạng ít hơn, rủi ro mất cắp thông tin cũng sẽ giảm theo.