1. Floater là gì?
Floater chỉ những nhân viên với công việc không có mô tả (job description - JD) cố định, được tuyển dụng để đảm nhận nhiều vị trí hoặc thuyên chuyển giữa các văn phòng khác nhau. Họ thường lấp vào những vị trí trống, thay ca hoặc hỗ trợ các nhân viên khác.
Ví dụ trong một siêu thị, nhân viên “trôi nổi” A sẽ tiếp thị luân chuyển giữa quầy thực phẩm và đồ gia dụng, thi thoảng nhảy sang làm thu ngân nếu thiếu người. Tùy theo yêu cầu của người quản lý, A cũng có thể đi hỗ trợ ở các chi nhánh khác.
Floater thường bị nhầm lẫn với thuật ngữ “Jack of all trades” - người biết nhiều kỹ năng nhưng không chuyên sâu vào một mảng nào. Đây có thể là những người làm vị trí cốt cán như chủ doanh nghiệp cần có kỹ năng và kiến thức ở nhiều lĩnh vực để quản lý. Trong khi đó, floater là một vị trí chính thức trong công ty, được tuyển dụng để làm đa nhiệm vụ.
Tại Việt Nam, những vị trí như lễ tân, trợ lý hay nhân viên bán hàng đều có tính chất floater.
2. Nguồn gốc của floater?
Thuật ngữ này được phát triển từ động từ “float”, chỉ trạng thái trôi nổi và không cố định ở một vị trí nào. Theo từ điển MacMillan, từ float đã được sử dụng phổ biến từ giữa thế kỷ 19 để chỉ kiểu người “nay đây mai đó”, thường xuyên đổi chỗ ở hoặc nơi làm việc.
Từ floater cũng mang hàm nghĩa kiến thức hay chuyên môn chủ yếu ở bề nổi chứ không sâu. Điều này thể hiện rõ tính chất của công việc floater, khi không cần phải can thiệp quá chi tiết và chuyên sâu vào từng vị trí.
3. Vì sao floater phổ biến?
Nếu tìm kiếm floater trên trang tin tuyển dụng Indeed, bạn sẽ thấy hơn 5000 kết quả, đa số ở những công việc như trợ lý, lễ tân hay nhân viên bán hàng. Điều này cho thấy mức độ phổ biến của công việc tưởng chừng “trôi nổi” này, nhất là trong thời kỳ kinh tế biến động.
Cụ thể, làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty lớn đã khiến nhiều người “chơi vơi” trong sự nghiệp. Floater trở thành giải pháp tối ưu, giúp họ không thất nghiệp trong thời gian tìm việc mới. Về phía chủ doanh nghiệp, đây cũng là lựa chọn hợp lý khi chưa tìm được, hoặc chưa có ngân sách để tuyển dụng nhân sự chuyên môn.
Bên cạnh đó, floater còn có thể hỗ trợ nhiều khía cạnh, giúp các nhân sự khác tập trung vào phần việc chuyên môn. Họ cũng có những ý tưởng sáng tạo đem lại làn gió mới cho những khó khăn tồn đọng của công ty.
Theo Zippia, quá trình làm floater giúp người lao động nắm bắt mạch hoạt động của công ty và thể hiện năng lực với cấp quản lý. Vì vậy họ có thể được cất nhắc lên vị trí cố định phù hợp, thậm chí được ưu tiên hơn các ứng viên mới. Kể cả khi không được ở lại, họ cũng mang về vốn kiến thức và kinh nghiệm đa dạng, giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Tuy nhiên làm floater cũng có những hạn chế nhất định. Theo Salarship, những nhân viên này dễ bị giao việc đột xuất, có kiến thức không chuyên sâu và mức lương không ổn định. Việc phải di dời liên tục cũng dễ khiến họ bất đồng với đồng nghiệp, thậm chí choáng ngợp nếu không thích ứng nhanh. Để hạn chế những bất cập trên, bạn có thể tham khảo các mẹo sau:
- Hỏi trước về những kỳ vọng và tiêu chí trong công việc.
- Tuân thủ nội quy và các quy trình của công ty.
- Chủ động tìm kiếm cơ hội và đề xuất hỗ trợ công việc cho đồng nghiệp.
- Thái độ sẵn sàng học hỏi và cầu thị khi được góp ý.
4. Cách dùng floater
Tiếng Anh
A: I have been unemployed for months. What am I supposed to do?
B: Try applying for the floater position at our local supermarket. You just need to cover any vacant positions in the department. I think you’re totally capable.
Tiếng Việt
A: Mình đã thất nghiệp mấy tháng rồi. Giờ mình phải làm gì đây?
B: Cậu thử ứng tuyển vị trí “di động” ở siêu thị khu mình xem. Cậu chỉ cần làm việc của những vị trí trống ở đó là được. Mình nghĩ cậu làm được thôi.