Found-footage: Không chỉ là xem phim kinh dị, đây là trải nghiệm nỗi sợ | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 08, 2022
Sáng TạoĐiện ẢnhBóc Phim

Found-footage: Không chỉ là xem phim kinh dị, đây là trải nghiệm nỗi sợ

Thay vì chỉ xem phim kinh dị đơn thuần. sao bạn không thử trải nghiệm nỗi sợ tột cùng của nhân vật?
Found-footage: Không chỉ là xem phim kinh dị, đây là trải nghiệm nỗi sợ

Nguồn: Incantation (Netflix)

Đã bao giờ bạn tìm kiếm những video với tiêu đề như Ma có thật, Hiện tượng siêu nhiên khó giải thích hay Top 10 video có thật rùng rợn nhất chưa? Cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy những hiện tượng siêu nhiên xảy ra ở những nơi chốn ta thường lui tới, với những con người bình thường như chúng ta là một cảm giác rất khó để diễn tả.

Số Bóc Phim lần này sẽ giới thiệu đến các bạn thể loại phim found-footage, một nhánh nhỏ trong dòng phim kinh dị khai thác chính xác nỗi sợ của những “video ma có thật.”

Bài viết có hình ảnh kinh dị hình thể , bạo lực có thể gây khó chịu.

1. Found footage là gì?

Found-footage (những thước phim được tìm thấy) là một nhánh nhỏ trong thể loại phim kinh dị nơi những thước phim được thực hiện như những video được quay bởi chính những nhân vật trong phim. Chúng có thể là những thước phim quay được trên điện thoại của nhân vật chính, những video do camera an ninh quay lại, màn hình máy tính của nhân vật,...

alt
Một cảnh trong Unfriended | Nguồn: Film School Rejects

Những câu chuyện giả tưởng này hướng tới việc khiến người xem liên tưởng đến những bộ phim tài liệu (mockumentary - phim tài liệu giả tưởng), hay các video nghiệp dư nơi một nhóm người, nhân vật gặp phải hiện tượng siêu nhiên.

Bắt đầu phổ biến vào khoảng năm 2000, qua hơn 20 năm phát triển, thể loại phim này đã cho ra đời khá nhiều bộ phim kinh dị được đánh giá cao. Tiêu biểu phải kể đến là franchise Paranormal Activity, The Blair Witch Project, As Above So Below, R.E.C và mới đây nhất là Incantation đang làm mưa làm gió trên Netflix.

alt
Hai nhân vật chính của The Blair With Project | Nguồn: The Globe and Mail

2. Found footage bắt nguồn từ đâu?

Một trong các bộ phim found footage xuất hiện sớm nhất là Cannibal Holocaust, một bộ phim Ý được công chiếu vào năm 1980. Cannibal Holocaust kể về một đoàn nghiên cứu đi vào khu rừng nhiệt đới Amazon để giải cứu một nhóm làm phim đang quay tài liệu về một bộ lạc ăn thịt người trong khu rừng này.

Những thước phim của Hannibal Holocaust thật tới nỗi ngay sau khi được công chiếu ở Ý, đạo diễn Ruggero Deodato đã bị bắt giữ và đối mặt với các cáo buộc giết người. Những cáo buộc này bắt nguồn từ tin đồn của khán giả rằng ông đã thật sự giết chết diễn viên trước camera vì để đạt được độ chân thật cho phim. Cho đến nay, bộ phim vẫn còn bị cấm chiếu ở khá nhiều nước trên thế giới vì độ máu me và dã man của nó.

alt
Dân tộc ăn thịt người trong Hanibal Holocaust | Nguồn: Alamo Drafthouse

Phong cách làm phim này sau đó đã trở thành nền tảng cho thể loại found-footage, tạo cảm hứng cho một trong các bộ phim kinh dị thành công nhất mọi thời đại, The Blair Witch Project. Công chiếu vào năm 1999, bộ phim đã trở thành một hiện tượng đại chúng và đưa thể loại kinh dị này đến với khán giả toàn cầu.

3. Vì sao thể loại này phổ biến?

Đứng dưới góc nhìn của những nhà sản xuất, found-footage là định nghĩa của thể loại phim “tiền ít nhưng hít vẫn thơm.” Thể loại này chính vì việc nhấn mạnh vào yếu tố chân thật, thậm chí là nghiệp dư, chúng yêu cầu rất ít tiền để sản xuất, nhưng lại có thể mang về một số lợi nhuận khổng lồ vì chúng rất dễ được marketing.

Jeff Bock, phân tích viên trưởng của Exhibitor Relations nhận xét về thể loại found footage, “Đây chính xác là làm phim kiểu du kích, nó làm cho việc chi 20 triệu đô cho một bộ phim trở nên không hợp lí… Tính nghiệp dư của thể loại này làm cho khán giả tin rằng điều này có thể xảy ra với bất kì ai. Đây chính là chương trình thực tế của điện ảnh...”

alt
Nguồn: Paranormal Activity

The Blair Witch Project có kinh phí sản xuất chỉ rơi vào khoảng 60 ngàn đô và đem về lợi nhuận 248,6 triệu đô, trở thành một câu chuyện thành công tiêu biểu của dòng phim độc lập. Phần phim đầu tiên của series Paranormal Activity đã thu về 193 triệu đô chỉ với kinh phí sản xuất bằng một chiếc toyota 5 chỗ, 15 ngàn đô. Từ đó, hình thành tiền đề cho 6 phần phim tiếp theo của series này ra đời.

Những thành công này là minh chứng cho độ hiệu quả trong việc đem lại lợi nhuận của dòng phim kinh dị “ngon-bổ-rẻ” này, từ đó tạo điều kiện cho khá nhiều bộ phim thuộc thể loại này ra đời vào khoảng những năm 2010 trở lại đây.

4. Vì sao found-footage đáng sợ?

Bước ra khỏi thập niên 90, khán giả có lẽ đã quá ngán ngẩm những bộ phim kinh dị máu me, chém giết như The Texas Chainsaw Massacre, Friday the 13th. Cùng với sự phổ biến của những công nghệ quay hình nằm gọn trong lòng bàn tay, dòng phim found-footage xuất hiện như một phản ứng với thời đại.

Thể loại found-footage có thể được xem như một dạng gimmick (chiêu trò) của thể loại phim kinh dị. Thể loại phim này chọn giới hạn cách kể chuyện của bộ phim để tập trung hoàn toàn vào tính chân thực rằng “dù bạn là bất kì ai, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng có thể gặp phải những hiện tượng này.”

Chính vì lí do trên, những bộ phim thuộc thể loại thường nhận được những đánh giá hai chiều đến từ khán giả. Những nhận xét tiêu cực cho rằng thể loại phim này hi sinh cốt truyện để đổi lấy những màn hù dọa rẻ tiền và chúng dễ làm đến mức ai cũng có thể thực hiện được.

Vì thế, một bộ phim found-footage hay là một bộ phim nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu của thể loại phim này.

Điển hình cho một bộ phim found-footage chất lượng thấp là The Medium (2021). Thực hiện một thể loại tập trung vào sự chân thực của những thước phim, sự thiếu chân thành trong cách kể của The Medium đã ngay lập tức đưa khán giả ra ngoài thế giới của bộ phim.

Quay trở lại với yếu tố chính của thể loại này, một bộ phim found-footage phải giải thích được cho khán giả động cơ hình thành lẫn cảm xúc của nhân vật đang cầm máy quay. The Medium đã không thể truyền tải được điều này, khi liên tục trong bộ phim, ta thấy nhân vật chủ động cầm máy quay chạy xung quanh, thậm chí quay cận mặt những thứ đáng sợ xuất hiện trước mặt thay vì chạy đi.

Ngược lại, bộ phim Incantation đang chiếm lĩnh Netflix đã cho ta thấy sự thông minh của nhà làm phim khi từ đầu phim, khán giả được chào đón bằng những tương tác trực tiếp từ nhân vật. Quyết định sáng tạo này đã khiến cho khán giả ngay lập tức bị cuốn vào thế giới của bộ phim và hình thành một kết nối mạnh mẽ với nhân vật chính.

Được xem là một dạng phim kinh dị “phản đề” như Scream , Cabin in the Woods, thể loại found footage phá vỡ những luật lệ thông thường của một bộ phim kinh dị. Chúng ép khán giả bước vào góc nhìn của nhân vật trong phim, khiến cho trải nghiệm kinh dị không còn đơn giản là “xem những điều tồi tệ xảy ra với nhân vật” nữa. Thay vào đó thể loại found-footage cho ta trải nghiệm chính cảm giác sợ hãi tột độ mà nhân vật đang có.

5. Những bộ phim found-footage tiêu biểu

The Blair Witch Project (1999)

Theo chân một nhóm sinh viên khám phá một truyền thuyết đô thị nổi tiếng về Phù thủy Blair tại một khu rừng tại ngoại ô Maryland. Cả nhóm đánh mất bản đồ và cuộc phiêu lưu của họ bị oanh tạc bởi những sự kiện dị thường.

alt
Một cảnh trong The Blair Witch Project | Nguồn: Filmaffinity

Được xem là một bộ phim kinh dị “đi trước thời đại,” The Blair Witch Project chỉ cần thông qua chiếc camera của cả nhóm để khiến khán giả cảm nhận được sự sợ hãi lẫn hoảng loạn tột độ mà những nhân vật đang trải qua. The Blair Witch Project chắc chắn là một trong những bộ phim phải xem để hiểu và cảm nhận được thể loại found-footage.

Noroi: The Curse (2005)

Kobayashi, một nhà nghiên cứu hiện tượng siêu nhiên bị cuốn vào vòng xoáy của một lời nguyền. Những hiện tượng kì lạ lẫn một thế lực vô hình dẫn dụ anh tới những nhân vật tưởng chừng như không liên quan gì đến nhau. Bộ phim là nỗ lực tuyệt vọng của Kobayashi để liên kết những nhân vật này lại với nhau và tìm ra sự thật đằng sau họ.

alt
Nguồn: Noroi - The Curse

Là một bộ phim found-footage đến từ Nhật Bản, một trong những nền điện ảnh sản xuất phim kinh dị hàng đầu thế giới, Noroi tràn đầy những hình ảnh dị hợm lẫn không khí u ám đặc trưng của nền điện ảnh này.

As Above So Below (2014)

Được lấy cảm hứng từ 9 tầng địa ngục của Dante, bộ phim là hành trình khám phá hầm mộ Paris, một địa danh có thật nơi hành trăm ngàn bộ xương người hình thành một mê cung dưới lòng đất.

alt
Nguồn: As Above So Below

Đưa yếu tố huyền thoại cổ đại vào một bối cảnh hiện đại có thật, As Above So Below như một chuyến phiêu lưu đưa trí tưởng tượng người xem đến những ngóc ngách mà họ chưa từng đặt chân tới.

Unfriended (2015)

Một bộ phim hoàn toàn được quay trên màn hình máy tính của một nhân vật chính là điểm đặc biệt của bộ phim này. Theo dõi một buổi call video của một nhóm bạn, khán giả chứng kiến những bí mật đen tối nhất của nhóm bạn này được tiết lộ và từng thành viên của nhóm bị giết hại bởi một thế lực vô hình.

Với cách kể chuyện sáng tạo cùng một cốt truyện đơn giản nhưng hiệu quả, Unfriended thật sự là một bộ phim found-footage thú vị và đáng để xem.