Gia tài của ngoại: Khi người già cô đơn | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 06, 2024
Sáng TạoĐiện Ảnh

Gia tài của ngoại: Khi người già cô đơn

Một bộ phim khác về chủ đề gia đình tưởng như đã bão hòa. Đặt bên cạnh những bom tấn tiền tỉ cùng thể loại của điện ảnh Việt như Mai hay Lật Mặt 7, điều gì khiến Gia tài của ngoại khác biệt?
Gia tài của ngoại: Khi người già cô đơn

Nguồn: CGV

Gia tài của ngoại (tựa tiếng Anh: How To Make Millions Before Grandma Dies) là bộ phim có doanh thu mở màn cao nhất năm 2024 và cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh Thái Lan. Tại Việt Nam, phim gây nên cơn sốt lớn khi đứng đầu phòng vé chỉ sau 2 ngày công chiếu.

Tác phẩm xoay quanh chàng trai thất nghiệp M (Billkin Putthipong). Có ước mơ trở thành một streamer, M vùi đầu vào việc chơi game và livestream, nhưng công việc không khả quan.

Một ngày, M nghe tin bà ngoại mắc ung thư giai đoạn cuối. Cậu nghĩ rằng đây có thể là cơ hội kiếm lợi cho mình sau khi biết tin cô em Mui (Tu Tontawan) được thừa kế biệt thự từ việc chăm sóc ông. Song, chính cậu cũng không ngờ rằng mình lại trở nên yêu thương, gắn kết với ngoại, đồng thời nhận được nhiều bài học giá trị khi bên cạnh bà những ngày tháng cuối đời.

Câu chuyện cảm động về tình bà cháu

Thoạt nhìn, Gia tài của ngoại mang dáng dấp một bộ phim tài liệu, ghi dấu lại những chi tiết chân thật nhất trong đời sống thường ngày của hai bà cháu. Có cảm giác như ta đang chứng kiến câu chuyện đời thực của gia đình hàng xóm kế bên, tại đó ta bắt gặp M ở rất nhiều những cậu trai cùng độ tuổi khác.

M có vẻ ngoài trẻ trung, sôi nổi, đôi khi bất cần và vô tâm. Cậu thích game nhưng không thật sự đam mê đến cùng với nó. Thứ M muốn có chăng chỉ là sự nổi tiếng nhất thời trên mạng, vừa có tiền vừa có tiếng, giúp cậu thoả mãn nhu cầu thể hiện bản thân.

Thái độ hời hợt với mọi thứ của M được thể hiện rõ ràng ngay sau khi cậu nghe được câu chuyện từ Mui và lập tức nảy ra ý định chiếm được tình cảm của bà ngoại nhằm thừa kế căn nhà.

Người bà trong phim cũng gợi nhớ đến hình ảnh những người bà quen thuộc trong mỗi gia đình: thẳng thắn, nghiêm khắc phê bình sai lầm của cháu, song đôi khi lại hài hước và tếu táo hệt như thiếu nữ tuổi 20. M và ngoại đại diện cho hai thế hệ khác biệt về tuổi tác, sở thích, tính cách, tưởng như không thể đồng điệu.

16jun2024017jpg
M và bà ngoại. | Nguồn: CGV

Thế nhưng, sau tất cả, M nhận được những bài học đáng giá hơn cả tiền bạc. Sau khi chăm sóc bà ngoại, từ một con người có phần “vô tri,” cậu dần thay đổi suy nghĩ, trở nên chín chắn và trưởng thành hơn, không còn đặt vật chất lên trước mọi thứ.

Phim chạm vào trái tim khán giả với những giây phút lắng đọng, ấm áp. Những tháng ngày ít ỏi bên bà hoá ra lại là khoảng thời gian đáng giá, đáng trân trọng nhất với M, dạy cậu biết cách thấu hiểu, yêu thương, và rồi lưu luyến mãi đến sau này.

Liệu có phải là "Lật mặt 7: Một điều ước" phiên bản Thái Lan?

Gia tài của ngoại khiến nhiều người xem liên tưởng tới Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải - bộ phim thuộc series trăm tỷ của điện ảnh Việt.

Hai tác phẩm từ Thái Lan và Việt Nam đều cùng thể loại drama, cùng khai thác câu chuyện về những người lớn tuổi cô đơn, cùng có những tình tiết chân thực như bê nguyên đời thực. Song, nếu xét về phương diện nghệ thuật, Gia tài của ngoại có phần trầm lắng và tinh tế hơn.

Tác phẩm của Lý Hải có nhiều câu chuyện nhỏ đan cài, trong khi Gia tài của ngoại chủ yếu tập trung vào hành trình thay đổi của M. Nhờ vậy, phim có cốt truyện mạch lạc, rõ ràng, cũng như xây dựng được nhân vật chính chân thực, rõ nét.

Ngoài ra, việc lựa chọn kể câu chuyện ở điểm nhìn của người cháu từ lâu đã mất kết nối với bà khiến Gia tài của ngoại khác biệt so với nhiều bộ phim gia đình khác. Không chỉ gửi gắm những thông điệp về sự hàn gắn, phim còn khéo léo lồng ghép được những ý nghĩa ở tầng sâu xa hơn.

16jun2024017jpg
"Anh phải ở bên cạnh bà lâu đến mức không còn ngửi thấy mùi gì lạ nữa." | Nguồn: CGV

Đó là sự cô đơn của người già, sự thiếu thốn thời gian chất lượng bên cạnh con cháu trong một xã hội phát triển nhanh chóng. Như câu nói của Mui với M: “Anh còn ngửi thấy mùi người già là chưa đủ. Anh phải ở bên cạnh bà lâu đến mức không còn ngửi thấy mùi gì lạ nữa."

Đó là thói thực dụng của những người trẻ tuổi, chỉ mong kiếm chác từ tài sản có sẵn để lại, thay vì chăm chỉ lao động phấn đấu, làm việc. Đó cũng là sự vô cảm đáng lên án của một bộ phận xã hội, ngay cả với chính những người thân yêu nhất.

Phim để lại cho ta cả một “gia tài” bài học, những nỗi buồn, hoài niệm, nhớ nhung, những niềm vui đan xen sự chua xót, những nụ cười đi kèm cùng nước mắt.

Điện ảnh là cuộc đời với những điều bình dị

Sự thành công của Gia tài của ngoại và trước đó là các phim Việt như Lật mặt 7: Một điều ước hay Mai cho thấy khán giả vẫn yêu thích những câu chuyện giản dị, gần gũi mà vẫn mang đến những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.

Không một chi tiết “lên gân,” Gia tài của ngoại chỉ đơn giản xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, vụn vặt mà ta dễ bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày. Như cách bà ngoại phát hiện ra lý do M tới chăm sóc mình hay khoảnh khắc M hát ru cho ngoại, đi bộ cùng ngoại trên con đường nhỏ yên ắng, v.v.

16jun202403jpeg
Sự bình dị của điện ảnh. | Nguồn: CGV

Tất cả tạo thành bản nhạc trầm lắng mà tinh tế, da diết, khiến mỗi người thưởng thức xúc động.

Phim thành công trong việc “chạm” vào những vùng ký ức tưởng như đã bị lãng quên, bị thời gian phủ mờ trong tâm trí người trẻ. Khi những dòng credit cuối phim xuất hiện, ta bỗng nhớ về cha, về mẹ, về ông bà ngoại, về những người thân yêu mình hằng trân quý, hay chỉ đơn giản là nhớ về thời thơ ấu từng ngây ngô, nông nổi của chính mình.

Và đó cũng là giá trị đích thực của điện ảnh. Không phải là những điều hào nhoáng nhưng hời hợt, điện ảnh là những câu chuyện chân thật chạm đến trái tim, khiến người xem như thấy một phần của chính bản thân mình trong đó.