Giảm thiểu nỗi lo thuốc giả với thuốc trị COVID của Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Giảm thiểu nỗi lo thuốc giả với thuốc trị COVID của Việt Nam

Bước đi này cũng mang đến thiệt hại  lớn đến thị trường chợ đen sôi nổi hiện nay.
Giảm thiểu nỗi lo thuốc giả với thuốc trị COVID của Việt Nam

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Sau khi được Bộ Y Tế cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir vào quá trình điều trị COVID-19, các công ty dược phẩm Việt Nam đã bắt tay vào sản xuất thuốc. Các loại thuốc bao gồm Molravir 400mg của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir 200mg của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Stellapharm. (theo vnexpress.net)

Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế sẽ họp với 3 doanh nghiệp để bàn về hệ thống cung ứng, chất lượng và giá cả của thuốc. Như vậy, nếu nhận được sự đồng ý của Thủ tướng về việc bày bán, thuốc điều trị COVID-19 "made in Vietnam" sẽ tới tay người dân, với giá bán dự kiến là 300.000 VND/hộp.

alt
Thuốc molnupiravir sản xuất trong nước cấp cho F0 điều trị tại nhà ở TP HCM, trước khi được cấp phép | Nguồn: VNExpress

Trước đó, Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm (MPP) đã nhượng quyền sản xuất Molnupiravir cho các công ty đủ điều kiện tại Việt Nam. Đây là thoả thuận đến từ sự cấp phép và chia sẻ bản quyền tự nguyện giữa Hãng Merck & Co (tuoitre.vn). (Mỹ) và MPP vào tháng 10/2021, nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận thuốc Monupiravir giá rẻ cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

2. Molnupiravir là chất gì?

Hoạt chất chính trong Molnupiravir là chất β-D-N4-hydroxycytidine (gọi tắt là NHC triphosphatem). Trong quá trình virus tổng hợp gene của nó là C (cytidine triphosphate) và U (uridine triphosphate), virus sẽ có xác suất sử dụng "nhầm" hợp chất NHC triphosphate và dẫn đến đột biến gene. Đột biến này khiến cho các protein của virus tạo ra bị hư hỏng, không sử dụng được nên virus sẽ không sinh sản được nữa.

Đó là lý do vì sao Molnupiravir có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

3. Thuốc dành cho ai và không dành cho ai?

Molnupiravir được sử dụng trong quá trình điều trị COVID-19 thể nhẹ đến trung bình cho người trưởng thành dương tính với COVID-19, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc được dùng cho bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Thuốc được cảnh báo có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở phụ nữ có thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp ở trẻ em và chất lượng tinh trùng của nam giới. Vì vậy, các đối tượng trên được khuyến cáo không nên sử dụng Molnupiravir.

4. Trước đó, thị trường thuốc giả sôi nổi như thế nào?

Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã rao bán trái phép các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir, Favimol... để kiếm tiền trên sự lo lắng của người dân với giá cắt cổ, lên đến 10.000.000 VND/hộp. Bên cạnh giao dịch sôi nổi tại chợ đen, một số người dân cũng tự tìm hiểu và mua các loại thuốc xách tay ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trầm trọng thêm tình trạng COVID-19 ở người bệnh.

alt
Thuốc chưa được cấp phép được bày bán trên mạng

Tâm lý lo lắng đổ xô đi mua thuốc của người dân cũng là điều dễ hiểu, bởi không ít người đang phải đối mặt với khủng hoảng nỗi sợ mùa dịch. Trước hàng tấn thông tin tiêu cực ập đến mỗi ngày, hạch hạnh nhân (amygdala) - bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nỗi sợ và mối nguy hiểm xung quanh càng hoạt động mạnh hơn.

Cùng với đó, con người dễ trở nên hoảng loạn hơn khi đối diện với những mối nguy hiểm mới, chưa từng xuất hiện. Những con số tăng cao về ca dương tính càng làm chúng ta thấy dịch bệnh đến gần mình hơn bao giờ hết.

5. Làm gì để nhận diện thuốc giả?

Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), người dân có thể nhận diện thuốc giả qua 6 yếu tố dưới đây:

  1. Place (Địa chỉ): Không mua thuốc ở những website thiếu chứng chỉ rõ ràng hoặc các nhóm bày bán trên mạng xã hội, đặc biệt từ người lạ. Trên Facebook, không thiếu các hội nhóm và cá nhân bán các sản phẩm liên quan tới điều trị COVID kiểu này.
  2. Prescriptions (Đơn thuốc): Chỉ mua thuốc điều trị khi được bác sĩ kê đơn và cho phép sử dụng. Tránh các địa chỉ bán thuốc nhanh chóng, dễ dàng, không yêu cầu bạn trình đơn thuốc.
  3. Promises (Quảng cáo): Cẩn thận với nơi đưa ra những lời cam kết 100% như "hàng xách tay nước ngoài", "không khỏi hoàn tiền" hay "nhiều người đã dùng khỏi luôn",...
  4. Price (Giá cả): Nếu giá bán quá đắt hoặc quá rẻ so với mức giá của các sản phẩm tương tự tại các nhà thuốc uy tín thì mặt hàng có khả năng cao là hàng giả. Hiện nay, đa phần các sản phẩm chữa trị COVID đều đã được công bố giá thành bởi Bộ Y tế.
  5. Privacy (Bảo mật): Tránh mua ở nơi yêu cầu tiết lộ nhiều thông tin cá nhân vì nguy cơ có thể bị kẻ xấu lấy cắp danh tính và thẻ tín dụng.
  6. Product (Sản phẩm): Không mua ở nơi bán những sản phẩm không nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.