Sau tốt nghiệp, các sinh viên thường trăn trở khi đi tìm một công việc vừa phù hợp với khả năng, vừa đúng với đam mê. Ngay cả khi thị trường trầm lắng, hành trình từ ghế nhà trường đến nơi công sở vẫn còn nhiều bấp bênh. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các lao động trẻ còn phải đối mặt với nhiều thử thách hơn. Ra trường vào năm 2020, các bạn trẻ chơi vơi giữa một thị trường lao động đầy cạnh tranh, với số việc làm ít ỏi.
Theo báo cáo của Asian Development Bank về người trẻ và thị trường lao động Châu Á trước và sau COVID, những lao động mới gia nhập thị trường trong năm 2020 có tương lai không mấy khởi sắc. Báo cáo dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của người Việt trẻ sẽ đạt mốc 370.000 người, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Tuy nhiên, nghịch lý là trước nguồn nhân lực dồi dào này, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Tận dụng cơ hội này, hàng loạt nền tảng kết nối việc làm đã ra đời, giúp mang lại công việc mơ ước cho các ứng viên và nhân viên hoàn hảo cho các nhà tuyển dụng.
Glints - Tia sáng của thị trường tuyển dụng
Glints, có trụ sở chính tại Singapore, là một dịch vụ kết nối việc làm được thành lập vào năm 2013 bởi ba doanh nhân trẻ — Oswald Yeo, Loi Qin En và Seah Ying Cong. Khởi đầu là một dịch vụ giúp người tìm việc ở châu Á kết nối với nhà tuyển dụng, Glints đã phát triển thành một nền tảng phát triển nghề nghiệp toàn diện cho người trẻ.
Oswald Yeo— CEO của Glints | Nguồn: Glints
Oswald Yeo, CEO của Glints chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra có một vấn đề ở Đông Nam Á là rất nhiều người trẻ không được tiếp cận với các cơ hội phù hợp, hoặc có bộ kỹ năng phù hợp để tìm được vị trí như mong muốn. Đặc biệt là ở những nơi như Indonesia và Việt Nam, mọi người đi học nhiều năm nhưng cuối cùng lại không có kỹ năng phù hợp với thị trường việc làm.”
Oswald tin rằng sự chênh lệch kỹ năng này là do hệ thống giáo dục chưa đáp ứng kịp thời được những thay đổi của thị trường, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. “Điều này tạo cơ hội để các nền tảng việc làm như Glints kết nối các nhân tài với các nhà tuyển dụng, cũng như tự tạo nguồn cung thông qua các chương trình đào tạo của chúng tôi”.
Bản thân Oswald cũng chưa từng tốt nghiệp. Anh ngừng học tại University of California, Berkeley vào năm 2016 để tập trung khởi nghiệp. Anh nói: “Chúng tôi thành lập Glints trước khi vào đại học. Ban đầu, tôi muốn thực hiện cả hai cùng lúc, nhưng đó là ý tưởng tồi. Tôi cũng nhận ra rằng tôi không học được nhiều kỹ năng thiết thực từ trường đại học ở Mỹ, vì vậy tôi quyết định quay về Singapore và tập trung vào việc xây dựng Glints.”
Điểm dừng chân việc làm lý tưởng
Sau khi mở rộng sang Hồng Kông, Việt Nam và Đài Loan, Glints đã kêu gọi đầu tư thành công trong vòng gọi vốn Series B.
Giữa COVID-19, số ứng viên tìm được việc vẫn tiếp tục tăng lên nhờ có #BraceTogether, một chiến dịch mà Glints khởi động để cung cấp nguồn lực và giới thiệu việc làm cho những người bị mất việc do đại dịch.
Khác với các dịch vụ tuyển dụng khác, Glints tuân theo mô hình tuyển dụng full-stack, tức chỉ tính phí các công ty sau khi tìm thấy ứng viên phù hợp cho vị trí.
“Đến với Glints, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm được người mà không phải mất nhiều chi phí. Chúng tôi vận dụng song song các chuyên viên tuyển dụng giàu kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến. Thuật toán sẽ thực hiện việc chọn lọc ban đầu. Sau đó, các chuyên viên của chúng tôi sẽ làm việc với bên tuyển dụng để tuyển chọn các ứng viên,” Yeo chia sẻ.
Ngày nay, Glints Việt Nam đang giúp khoảng 85.000 công ty trên khắp Đông Nam Á tìm kiếm nhân tài. Trong tương lai, Glints sẽ tập trung mở rộng công ty từ nền tảng tuyển dụng sang mạng lưới giáo dục và tuyển dụng toàn diện.
Song song với việc phấn đấu trở thành nền tảng phát triển sự nghiệp hàng đầu Việt Nam, Glints dự định sẽ chinh phục thêm các thị trường như Thái Lan và Philippines. Với nhà đầu tư lớn nhất là Monk's Hill Ventures, Glints đã huy động được 6.8 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B . Công ty hiện đang đàm phán với các nhà đầu tư cho những vòng tiếp theo, tạo bàn đẩy cho công cuộc mở rộng thị trường.