1. Hồ sơ Pandora là gì?
Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) là một cuộc điều tra báo chí lớn nhất từ trước đến nay, tiết lộ 11,9 triệu tài liệu mật, tương đương 2,94 terabytes dữ liệu, về các tài sản ngầm của giới siêu giàu.
Nguồn dữ liệu khổng lồ này đã phơi bày danh tính hơn 330 chính trị gia, 130 tỷ phú, các thành viên hoàng gia, người nổi tiếng, người đứng đầu các nhóm tôn giáo, lẫn tội phạm ở hơn 90 nước.
Với sự hỗ trợ của các hãng cung cấp dịch vụ ngoại biên (offshore service providers), họ trở thành chủ các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác ở các thiên đường thuế. Để thông qua đó, bí mật mua bất động sản, đầu tư, giao dịch tài chính mà không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất ít.
So với các vụ rò rỉ trước, Hồ sơ Pandora thu được lượng thông tin lớn hơn cả. Trong khi dữ liệu trong vụ Panama chỉ đến từ một hãng luật (Mossack Fonseca), dữ liệu từ vụ Pandora đến từ 14 hãng cung cấp dịch vụ ngoại biên khác nhau trên toàn thế giới. (Nguồn: icij.org)
2. Ai đã mở "hộp Pandora"?
Hồ sơ Pandora là một công trình nghiên cứu đã được thực hiện trong gần 2 năm bởi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ).
Với sự điều phối từ ICIJ, dự án này còn có sự tham gia của hơn 600 cây bút đến từ 150 cơ quan truyền thông lớn nhỏ của 117 quốc gia.
Mọi người đồng lòng gọi đây là “Hồ sơ Pandora”, vì muốn tiếp nối di sản để lại từ 2 dự án trước là Hồ sơ Panama (2016) và Hồ sơ Paradise (2017), và cũng bởi vì nó gợi sự liên tưởng đến “Pandora’s Box” - chiếc hộp chứa đựng những bí mật khủng khiếp trong thần thoại Hy Lạp.
3. Ai có tên trong Hồ sơ Pandora?
Một số nhân vật quyền lực nhất được tìm thấy trong vụ rò rỉ dữ liệu này là Quốc vương Abdullah II của Jordan, Thủ tướng Cộng hòa Czech, Tổng thống Gabon, Tổng thống Kenya, Tổng thống Congo, Tổng thống Ukraine, hay một số thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với Quốc vương Jordan, tài liệu mật đã cho biết ông hiện có nhiều bất động sản hạng sang tại Mỹ và Anh với tổng giá trị lên đến hơn 100 triệu đô. Còn Thủ tướng Andrej Babiš của Cộng hòa Czech thì đứng trước nghi vấn sở hữu một lâu đài nghỉ dưỡng giá 22 triệu đô ở miền nam nước Pháp.
Bên cạnh các chính trị gia, một số người nổi tiếng có tên trong Hồ sơ Pandora có thể kể đến như ca sĩ Shakira, siêu mẫu Claudia Schiffer, tay trống Ringo Starr của The Beatles, hay vận động viên bóng gậy nổi tiếng Sachin Tendulkar.
Đáng chú ý, Douglas Latchford, một nhà sưu tập cổ vật từng bán các tác phẩm nghệ thuật cho nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, cũng có tên trong Hồ sơ Pandora với nhiều bằng chứng cho thấy đã có hành vi buôn lậu nghệ thuật quy mô lớn.
4. Thiên đường thuế và công ty vỏ bọc là gì?
Thiên đường thuế (tax haven) có thể hiểu đơn giản là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà người dân, các công ty được thành lập ở đó không phải đóng thuế, hoặc đóng thuế với mức rất thấp. Bên cạnh đó, thiên đường thuế cũng hạn chế cung cấp thông tin về chủ sở hữu công ty, cũng như các giao dịch tài chính được diễn ra tại đây.
Vì lẽ đó, các thiên đường thuế trở thành nơi hấp dẫn để mở ra các công ty vỏ bọc (shell/offshore company), tức những công ty chỉ có trên danh nghĩa mà không thực sự hoạt động. Với đầy đủ chức năng pháp lý, chúng được xem như công cụ để nhiều người thực hiện các vụ mua bán tài sản có giá trị cao, mà tránh được việc nghĩa vụ nộp thuế cho chính phủ nước mình.
Hiện nay, các thiên đường thuế nổi tiếng của thế giới là Panama, Quần đảo Cayman, Quần đảo Virgin, Dubai, Hong Kong, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, từ Hồ sơ Pandora, có thể thấy một số tiểu bang thưa dân của Mỹ như Delaware, Nevada, South Dakota, đang trở thành những thiên đường thuế mới nổi rất được ưa chuộng.
5. Lợi và hại từ các thiên đường thuế là gì?
Lý do nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ không đánh thuế, hoặc đánh thuế cực thấp, là để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như tạo việc làm cho các nhân sự thuộc lĩnh vực tài chính và luật pháp trong nước.
Tuy nhiên, vì tính chất ẩn danh cũng như mức thuế phí ưu đãi, các thiên đường thuế đã trở thành nơi an toàn để giới siêu giàu trốn thuế, giới chính trị gia tham nhũng, còn các tội phạm thì huy động tài chính cho các hành vi buôn lậu, khủng bố...
Theo một nghiên cứu được đăng trên trang gabriel-zucman.eu, số tiền được cất giữ ở các thiên đường thuế này tương đương đến 10% tổng GDP toàn cầu. Với các chính phủ, khoản thuế thất thu mỗi năm gây ra từ đây, vốn có thể được dùng cho các quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công và chăm lo cho người nghèo, có thể lên đến 800 tỷ đô.
6. Để "mở hộp Pandora", mọi người đã gặp phải thử thách nào?
Sau các vụ rò rỉ thông tin trước, các hãng cung cấp dịch vụ ngoại biên giờ đây đã nâng cao cảnh giác, thực hiện các kế hoạch một cách tinh vi và bảo mật hơn. Một số luật sư bắt đầu e ngại việc tiết lộ danh tính khách hàng của mình qua email, thay vào đó, họ giữ các tài liệu mật ở dạng thư tay và gửi đến thân chủ của mình qua đường hàng không. (Theo zingnews.vn)
Nên có thể nói, Hồ sơ Pandora là thử thách lớn cho các cây bút chuyên nghiệp trong việc điều tra thông tin. Các tài liệu mật này được các công ty ngoại biên mã hóa bằng đủ mọi thứ tiếng, được chuyển đổi liên tục giữa các dạng tệp, giữa dạng số và dạng vật lý.
Do đó, phải nhờ đến công nghệ (từ ngôn ngữ lập trình Python đến các phần mềm machine learning như Fonduer và Scikit-learn), nhóm nghiên cứu mới có thể giải mã thành công các dữ liệu để chứng minh sự tồn tại của hơn 27.000 công ty vỏ bọc, và danh tính 29.000 chủ sở hữu của chúng.
7. Ý nghĩa của Hồ sơ Pandora là gì?
Nếu như Hồ sơ Panama được công bố 5 năm trước đã từng gây chấn động dư luận, tạo nên cuộc bàn luận sôi nổi về vấn đề tham nhũng và trốn thuế, giúp hơn 1,3 tỷ đô tiền thuế thất thu được bồi thường, thì Hồ sơ Pandora hy vọng còn gây nên những tác động sâu sắc hơn.
Qua bí mật tài chính của giới tinh hoa, những tài liệu này đặt ra câu hỏi và thúc đẩy các lãnh đạo thế giới cải thiện chính sách thuế, cũng như phơi bày những lỗ hổng trong việc quản lý nguồn tiền bẩn đổ vào các thiên đường thuế.
Hiện tại, tuy chưa có cái tên Việt Nam nào được công bố, nước ta cũng thuộc lãnh thổ hoạt động của 14 hãng cung cấp dịch vụ ngoại biên trong Hồ sơ Pandora.