Kế hoạch hoàn thiện bản thân cho năm mới: Bạn cần lưu ý những gì? | Vietcetera
Billboard banner

Kế hoạch hoàn thiện bản thân cho năm mới: Bạn cần lưu ý những gì?

Trước các phương pháp cải thiện bản thân tràn lan trên mạng, bạn cần lưu ý những gì để có được một kế hoạch phù hợp với bản thân và mang tính bền vững.
Kế hoạch hoàn thiện bản thân cho năm mới: Bạn cần lưu ý những gì?

Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Nếu kế hoạch năm mới của bạn chưa gì đã nguội lạnh, đừng quá thất vọng. Nghiên cứu cho thấy, 27% chúng ta sẽ bỏ cuộc sau tuần đầu tiên, 31% ở tuần thứ 2. Và sau một tháng, số người tiếp tục theo đuổi mục tiêu năm mới chỉ còn một nửa.

Tìm các phương pháp hoàn thiện bản thân (self-improvements) không khó - vấn đề chính là có quá nhiều phương pháp, tài liệu và xu hướng trong “ngành công nghiệp” không bao giờ lỗi thời này. Khi đó, bạn cần một kế hoạch phát triển cá nhân khoa học và bền vững.

5 mảng chính của tự hoàn thiện bản thân (self-improvement)

Sẽ là quá tham vọng để ôm mộng thay đổi toàn diện trong thời gian ngắn. Theo nhà tư vấn viên Jodi Clarke, khi bạn cân nhắc kế hoạch hoàn thiện bản thân, có 5 mảng lớn thường xuất hiện:

  • Sức khỏe tâm lý: thực hành chánh niệm, giảm lo âu, chăm sóc đời sống tâm linh.
  • Sức khỏe thể chất: tăng/giảm cân nặng, tăng cường vận động, giảm mỡ máu.
  • Học tập hoặc sự nghiệp: phương pháp làm việc hiệu quả, tìm việc, thăng tiến.
  • Các mối quan hệ: gia đình, bạn bè, hẹn hò, hôn nhân.
  • Chăm sóc cá nhân: chăm sóc vẻ ngoài (như dưỡng da, tạo kiểu tóc), duy trì các sở thích và hoạt động giải trí.

Tuy nhiên hoàn thiện bản thân có thể trở thành một ám ảnh tiêu cực

alt
Cảm thấy mục tiêu không bao giờ là đủ

Vùi mình trong kỳ vọng trở nên hoàn hảo, bạn hoàn toàn có thể bỏ quên chính mình. Một số dấu hiệu có thể là:

  • Dành quá nhiều thời gian rảnh cho các hoạt động hoàn thiện cá nhân này, thiếu thời gian nghỉ ngơi hoặc ở bên người thân.
  • Đặt ra quá nhiều mục tiêu, hoặc chỉ đặt một mục tiêu lớn mơ hồ, dẫn đến thiếu sự tập trung, liên tục chuyển giữa các hoạt động, phương pháp khác nhau.
  • Thúc đẩy việc hoàn thiện bản thân thông qua nỗi xấu hổ.
  • Không cảm thấy thỏa mãn với tiến trình của mình. Khi bạn tập trung toàn bộ năng lượng vào những điểm yếu cần cải thiện, bạn thấy “không bao giờ là đủ”.

Một kế hoạch self-improvement lành mạnh nên có những yếu tố gì?

Mỗi yếu tố lại đòi hỏi những chiến thuật khác nhau. Vì vậy, chúng tôi cũng đính kèm những bài viết từ Vietcetera giúp bạn định hướng một số mục tiêu cụ thể:

Dựa trên bằng chứng khoa học

Trước mọi quyết định thực hành, bạn cần nghiên cứu. Nghe thì dễ, nhưng khi mở Google để tra cứu, bạn càng thấy nhiễu loạn thông tin. Liệu thật sự có chế độ ăn uống giảm cân hiệu quả tức thì? Liệu thật sự có bài tập thể hình vừa dễ dàng, lại nhanh làm bạn săn chắc?

Hãy thận trọng trước quảng cáo về những sản phẩm “mì ăn liền” đặc biệt khi influencer marketing ngày càng phổ biến. Hãy tìm cho mình những nguồn tin, tài liệu khoa học uy tín, hoặc những influencer luôn xác minh rõ nguồn và có sự hệ thống hóa kiến thức rành mạch.

Kế hoạch hành động rõ ràng, tốc độ tăng tiến vừa phải

Để đạt được một mục tiêu, ta thường phải kết hợp nhiều hoạt động đa dạng - ví dụ, bạn có thể giảm lo âu qua thực hành chánh niệm, tập gym, giảm tiêu thụ caffeine và thời gian sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn phân chia thời gian hiệu quả khi có nhiều thay đổi diễn ra cùng lúc.

alt
Có những mục tiêu nhỏ, rõ ràng

Với từng mục tiêu, bạn chọn một tổ hợp những hoạt động phù hợp, rồi tiếp tục chia từng hoạt động thành những bước nhỏ. Đơn cử, để ăn uống lành mạnh hơn, bạn muốn mang cơm đi làm hàng ngày. Điều này đòi hỏi bạn lên thực đơn và danh sách đi chợ, dậy sớm hơn, rồi mới đến việc nấu ăn và dọn dẹp.

Từng hoạt động cũng đòi hỏi những tinh chỉnh rất nhỏ, nhưng giúp việc xây dựng thói quen thêm tự nhiên. Riêng việc tập thể dục tại nhà đã có vô số cách để bạn “hack”: ấn định thời gian và nội dung bài tập từ đầu tuần, xếp quần áo tập, chuẩn bị bình nước và trải thảm yoga từ đêm hôm trước. Đặc biệt, hãy chọn sẵn playlist nhạc để bạn khỏi phân vân.

Được cá nhân hóa cho chính bạn

Một phương pháp hiệu quả với người khác có thể không hề phù hợp với bạn. Gò mình vào công thức không chỉ kém hiệu quả, mà cũng khiến bạn dễ gặp thất vọng và chóng bỏ cuộc. Việc cá nhân hóa này dĩ nhiên đòi hỏi bạn kiên nhẫn tìm nhiều nguồn tham khảo và trực tiếp thử nghiệm. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với mình.

Ví dụ, có nhiều kỹ thuật thiền khác nhau - nếu bạn cảm thấy khó tập trung để ngồi yên trong tĩnh lặng, hãy tìm các kỹ thuật phù hợp với tính cách của bạn. Nếu thích được hướng dẫn qua giọng nói, bạn có thể tham khảo các ứng dụng thiền. Một người khó ngồi yên một chỗ có thể kết hợp các bài tập yoga, chạy bộ qua kỹ thuật thiền vận động, hay bạn có thể thiền tập trung vào một hình ảnh, mùi hương hoặc âm thanh liên quan đến sở thích của mình.

Nhận thức cá nhân (self-awareness)

Dừng lại để đánh giá cảm giác đang có, bạn sẽ dễ nhận định những khó khăn đang gặp hơn và điều chỉnh tương ứng. Theo nhà tư vấn Joki Clarke, nhận thức về bản thân sẽ gồm 3 khía cạnh chính: thể chất, suy nghĩ và cảm xúc. Ví dụ, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình, bạn có thể suy ngẫm lại:

  • Thể chất: Hồi hộp khi nói trước đám đông, bạn có cảm giác tim đập nhanh, mồ hôi túa? Ngôn ngữ cơ thể của bạn lúc ấy như thế nào?
  • Suy nghĩ: Đánh giá kỹ năng thuyết trình, và những trở ngại bạn gặp trong việc chia sẻ ý tưởng trong công việc?
  • Cảm xúc: Sự căng thẳng khi thuyết trình của bạn đi kèm với những cảm xúc nào - ví dụ nỗi sợ thất bại hoặc lo sợ bị đánh giá?

Trong lúc thực hiện kế hoạch ‘hoàn thiện cá nhân’, hãy thường xuyên đặt câu hỏi về cảm giác của mình. Chế độ ăn uống này có giúp cơ thể khỏe mạnh hơn? Áp dụng các phương pháp quản lý thời gian này có giúp bạn thêm năng suất? Bởi vì quan trọng nhất, việc thay đổi này phải giúp chính bạn cảm thấy thoải mái.

Dựa trên sự tích cực, thay vì tư tưởng trừng phạt

Chúng ta thường tìm động lực thay đổi bản thân qua việc trừng phạt phiên bản quá khứ của mình. Ta nói về bản thân một cách tiêu cực, như “Tôi đã quá khép kín, nên cần học cách hướng ngoại hơn” hoặc “Sự lo âu của tôi đang làm hỏng mọi việc.”

Hãy tạo quan hệ tích cực giữa mục tiêu và con người bạn, qua những cách nói trung hòa hơn: “Tôi muốn học cách nói chuyện cởi mở hơn, để kết nối với mọi người xung quanh”, hoặc “Thực hành chánh niệm sẽ giúp tôi trân trọng cuộc sống hàng ngày hơn.”

Kết

Hy vọng những lưu ý trên sẽ góp phần giúp bạn xây dựng một kế hoạch cải thiện bản thân "nói được làm được" cho năm nay. Nhìn chung, một kế hoạch hoàn thiện bản thân hiệu quả khi nó dựa trên động lực tích cực, phù hợp với chính bạn và mang tính lâu dài.