Khán giả không phải trẻ con, điện ảnh không phải người thầy | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 09, 2021
Điện ẢnhOpinion

Khán giả không phải trẻ con, điện ảnh không phải người thầy

Theo dõi buổi tọa đàm "Ai Góp Ý Giơ Tay Lên" để hiểu được ảnh hưởng của sự kiện sửa đổi Luật Điện ảnh sắp diễn ra tới giới làm phim và cả khán giả.
Khán giả không phải trẻ con, điện ảnh không phải người thầy

Một cảnh cắt từ phim "Vị" - bộ phim gây sóng dư luận trong thời gian gần đây. | Nguồn: Berlinale - Berlin International Film Festival.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Cập nhật: Tọa đàm Ai Góp Ý Giơ Tay Lên 2 sẽ diễn ra vào: 16h00 thứ Bảy, ngày 2 tháng 10 năm 2021 qua livestream trên Facebook Ơ KÌA HÀ NỘIGẶP GỠ MÙA THUXINEHOUSEOKIACINEMA.


Sau 15 năm kể từ lần đầu được ban hành, sắp tới đây Luật Điện ảnh (Việt Nam) sẽ có một số thay đổi. Vào ngày 26/09 vừa qua, một tọa đàm chưa có tiền lệ đã được diễn ra của giới làm phim Việt để đưa ra những kiến nghị cho Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi. (Xem Dự thảo Luật tại đây)

Những đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim hàng đầu Việt Nam hiện nay đã hội tụ tại sự kiện Ai Góp Ý Giơ Tay Lên và chia sẻ quan điểm, đề xuất xung quanh Dự thảo Luật này. Những người tham gia gồm có: Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy, Tạ Nguyên Hiệp... 

Trong buổi tọa đàm này, chúng ta sẽ được lắng nghe cuộc đối thoại thẳng thắn về những bất cập, cản trở của Luật điện ảnh cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, phát triển nền điện ảnh Việt trong những năm qua; đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cho dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đang được Ban soạn thảo thảo luận và chỉnh sửa.

Đây cũng là cơ hội để nhà làm phim, nhà làm luật và cả khán giả nhìn lại chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam và chỉnh sửa luật lệ để phù hợp với một thực tế...

...thực tế là: khán giả chúng ta đủ nhận thức để tự phát triển một bộ lọc của riêng mình

Đã tới lúc các nhà làm luật đối diện với một sự thật: khán giả không còn là những đứa trẻ thiếu nhận thức và không thể tự lựa chọn những thứ mình xem. Tham gia “Ai Góp Ý Giơ Tay Lên”, tôi nhận ra lần sửa đổi này không chỉ mang ý nghĩa với những nhà làm phim, mà còn với khán giả chúng ta.

Với internet, khán giả có thể thưởng thức bất kỳ thể loại điện ảnh, với bất kỳ thông điệp nào. Vì vậy việc áp đặt những điều luật vừa mơ hồ, lại vừa bức bối lên những người làm phim thực sự không có tác dụng gì ngoài việc làm thụt lùi nền điện ảnh nước nhà, và đẩy khán giả Việt ngày càng xa với tư tưởng và tiếng nói của những người làm phim Việt Nam

Trong mắt tôi, những người làm phim luôn có khởi đầu là những khán giả. Và có lẽ mong ước của một nhà làm phim cũng chỉ là đem đến công chúng thứ điện ảnh mà họ từng được trải nghiệm. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy rõ những bộ phim họ đã (được phép) ra mắt phần lớn không tương xứng với thực lực của họ.

Theo chị Nguyễn Hoàng Điệp, việc là thành viên của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã cho chị một cơ hội để thực sự nhìn thấy khoảng cách rất xa giữa Luật Điện ảnh và thực tiễn ngành. “Điện ảnh cần có những đỉnh cao cần phải chinh phục, đây là những đỉnh cao rất bình thường chứ không có gì mới mẻ.”, chị Điệp chia sẻ. 

it1
Trước khi đảm nhận vị trí tại Hội đồng Duyệt phim, chị Điệp cũng đã có 17 năm tham gia hoạt động điện ảnh. | Nguồn: Ai Góp Ý Giơ Tay Lên.

Với bộ luật cũ, việc chinh phục những đỉnh cao này với những nhà làm phim Việt Nam như leo núi mà đeo thêm tạ. Đã tới lúc những nỗ lực của nền điện ảnh Việt Nam được bớt đi phần gánh nặng. Tôi tin chắc rằng với khả năng của những đạo diễn nước nhà, trong điều kiện thuận lợi chúng ta sẽ sớm có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. 

Nhà làm phim không phải là nạn nhân, họ đơn giản là những người lên tiếng đóng góp để xây dựng luật điện ảnh

“Hậu kiểm”, “bộ tiêu chí”, “minh bạch” được cả nhà làm phim, những luật gia, công chức tham gia buổi hội thảo nhắc đến như những từ khóa mang tính quyết định với tương lai điện ảnh Việt Nam. Lần đầu xuất hiện năm 2006, Luật điện ảnh đã mở cánh cửa cho những nhà làm phim như Nguyễn Hữu Tuấn mạnh dạn dấn thân vì đam mê. Do đó tầm quan trọng của luật pháp với điện ảnh nước nhà là không thể phủ nhận. 

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, cả nhà làm phim và khán giả đều đã trưởng thành hơn, và dần cao lớn hơn ngôi nhà mà pháp luật đã xây cách đây 15 năm. 

Các nhà làm phim tham gia buổi tọa đàm cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không muốn được xem như những nạn nhân. Luật Điện ảnh chưa trải qua lần sửa đổi nào, do vậy vẫn có thể xem là một bộ luật khá non trẻ và vẫn cần sự lên tiếng từ những người trong ngành lẫn khán giả để hoàn thiện. 

it2
Đạo diễn phim "Mặt trời, con ở đâu" Nguyễn Hữu Tuấn được luật gia Fushihara Hirota công nhận là một người có tố chất luật sư.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, việc chúng ta có một bộ luật, và cùng lên tiếng góp ý để xây dựng nó là một điều rất bình thường.

Vì vậy đã đến lúc những rào chắn được gỡ bỏ, thay thế bằng những bộ tiêu chí có tác dụng như biển báo, để cả khán giả và nhà làm phim, những người có đầy đủ nhận thức và tư duy phản biện, được tự mình vận hành trong một môi trường vừa tự do, vừa được bảo vệ và hỗ trợ bởi luật pháp. Nhà làm phim, và nhà làm luật thường được xem như những bên thuộc 2 chiến tuyến, thì đây là cơ hội để chúng ta thống nhất sự chia cắt này.

Một bộ tiêu chí như vậy, theo luật gia Fushihara Hirota, có thể được thay đổi thường xuyên, chỉnh sửa theo nhu cầu của xã hội.

Bình thường hóa việc xem tác phẩm điện ảnh là một tiếng nói trong rất nhiều tiếng nói

Những tranh luận yêu cầu điện ảnh mang vai trò của một người dạy dỗ, mang vai trò phản ánh xã hội, đối với tôi là một yêu cầu vô lý. Điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật hư cấu, mang góc nhìn của nhà làm phim về một vấn đề. Nhà làm phim thì cũng là công dân như chúng ta, vậy nên góc nhìn của họ cũng chỉ là một trong nhiều triệu góc nhìn. Và vì thế nó không có trách nhiệm phải phản ánh sự thật. 

Không thể chối cãi rằng những góc nhìn từ những bộ phim lớn có khả năng thuyết phục và tạo nên sự đồng cảm nơi khán giả. Thế nhưng tôi tin họ không làm điều này để răn dạy ai điều gì cả, họ chỉ đang thể hiện niềm tin và quan điểm của mình thôi. 

Và như cái cách họ có quyền tự do thể hiện mình, người xem cũng tự do chê bai, miệt thị, hay ủng hộ và ngợi khen. Thế nhưng cấm phát hành một bộ phim chỉ vì nó nói lên tiếng nói theo cách của nó là một việc cần phải được xem xét kỹ càng. 

Cơ chế hậu kiểm, tức chỉ thu hồi, xử lý cấm nếu có phản ứng tiêu cực sau khi cấp phép chiếu chính là giải pháp cho vấn đề này.

Chúng ta cần sự minh bạch trong kiểm duyệt điện ảnh.

Trong buổi tọa đàm, những nhà làm phim Việt Nam chia sẻ rằng một trong những vấn đề mà họ gặp là không biết mình làm gì sai hay đúng so với những điều trong bộ luật này. Rủi ro đối với nhà làm phim là rất lớn khi họ đầu tư hàng chục tỷ vào một tác phẩm mà không rõ lúc nào hay bằng cách nào bộ phim của mình sẽ bị cấm chiếu.

Hãy thử tưởng tượng áp lực của việc vẽ một bức tranh trong bóng tối, mỗi đường cọ đi sai, bạn có thể sẽ trả giá bằng một gia tài. 

gens
Charlie Nguyễn, Trần Thanh Huy, Đồng Thị Phương Thảo và Trần Anh Hùng (từ trái sang, từ trên xuống) là những nhà làm phim ở nhiều thế hệ nhưng cùng gặp phải một vấn đề chung với “gông cùm” kiểm duyệt. 

Một bộ luật không được quy định rõ ràng sẽ gây khó khăn cho cả những nhà làm phim và người viện dẫn, thi hành luật. Nếu trong dự thảo luật điện ảnh sửa đổi có những khái niệm như “cảnh quay kéo dài” thì cần phải nêu cụ thể kéo dài là dài bao lâu. Ngoài về thời lượng, dự thảo luật còn cho thấy vẫn còn nhiều sự mơ hồ liên quan đến các khía cạnh khác của việc sản xuất phim, hợp tác quốc tế, phân loại và kiểm duyệt,....

Điều 10 trong Dự thảo Luật, nghiêm cấm tác phẩm điện ảnh xuyên tạc lịch sử, cũng khá mơ hồ. Theo chị Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Phan Xine và luật gia Hirota, “xuyên tạc” là một từ mang tính tương đối, và tùy theo góc nhìn chủ quan của mỗi người. Vì ngay từ đầu luật đã quy định “điện ảnh là một tác phẩm hư cấu”,vậy sự hư cấu, tới mức nào thì sẽ bị hiểu là “xuyên tạc”? 

Theo chị Nguyễn Hoàng Điệp, những từ kiểu này, một là cần được giải thích rõ nội hàm ngữ nghĩa, hoặc là cần phải được “nhấc” khỏi luật cứng, mà chỉ nằm trong bộ tiêu chí được đề xuất, và cần được giải thích rõ ràng ngay cả trong bộ tiêu chí. 

Nếu kiến nghị được thông qua, chúng ta sẽ được chứng kiến khả năng thực sự của những nhà làm phim Việt Nam.

Bộ Luật Điện Ảnh hiện hành cũng có nhiều "điểm mờ" gây khó khăn cho sự hợp tác phát triển quốc tế. 

Chúng ta đều phải đồng tình rằng đất nước Việt Nam rất đẹp và dễ dàng trở thành một địa điểm cho các dự án điện ảnh quốc tế. Việc cộng tác cùng các đơn vị quốc tế cũng sẽ cho nền điện ảnh còn non nớt của chúng ta được học hỏi và nâng tầm.

Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, Netflix, HBO, Amazon,... chắc chắn sẽ muốn được tới Việt Nam để quay phim. Nhưng có những yêu cầu khiến họ phải chùn bước và chọn những địa điểm thân thiện hơn như Thái Lan, Philippines.

Theo chị Bích Ngọc, nếu một bộ phim được đồng sản xuất bởi đơn vị nước ngoài, thì một kịch bản phải được trình đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những đơn vị nước ngoài thật sự rất e dè về điều này, vì tính bảo mật của kịch bản cần phải được bảo vệ trong quá trình sản xuất phim.

fish and flowers
Đạo diễn Phan Đăng Di là người đã nhận lời mời hợp tác từ HBO để sản xuất bộ phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” thuộc series Food Lore. | Nguồn: HBO Asia.

Hãy tưởng tượng một tương lai nơi khán giả Việt có thể xem những bộ phim Việt với tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí có cả những series dành riêng kể câu chuyện Việt Nam.

Nếu dự thảo luật được thông qua với những quy định vẫn còn bỏ ngỏ về vấn đề này, chúng ta sẽ phải chờ một thập kỷ nữa mới có cơ hội sửa đổi tiếp theo. Một thập kỷ là một khoảng thời gian quá dài so với sự phát triển không ngừng của điện ảnh thế giới. 

Liệu chúng ta có thể chịu thêm một thập kỷ của những bộ phim vô vị nữa?

Kết

Ai Góp Ý Giơ Tay Lên là một sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Nếu bạn là một người yêu phim, và trăn trở về chất lượng điện ảnh Việt Nam, thì buổi tọa đàm này chắc chắn sẽ cho bạn những lời giải đáp, những câu chuyện thật từ những con người đã hoạt động điện ảnh và theo dõi sát sao từng chuyển biến của ngành. 

Một bản kiến nghị đã được những người trong ngành tổng hợp tại buổi tọa đàm (click vào đây để nghe). Trong sự kiện, các diễn giả có mặt cũng cùng ký chữ ký tượng trưng cho một bản kiến nghị chính thức sẽ được tổng hợp và biên soạn để gửi tới Quốc hội trong thời gian sớm nhất. 

Rất hy vọng những khán giả như chúng ta đánh giá đúng tầm quan trọng của lần sửa đổi luật lần này, và những đề nghị của giới làm phim Việt sẽ được giới làm luật tiếp thu, lắng nghe để nền điện ảnh nước nhà bứt phá trong tương lai gần.