Khi giấc ngủ trở thành sản phẩm đắt đỏ | Vietcetera
Billboard banner

Khi giấc ngủ trở thành sản phẩm đắt đỏ

Chưa bao giờ giấc ngủ xa xỉ đến thế!
Khi giấc ngủ trở thành sản phẩm đắt đỏ

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tại Trung Quốc, ngành “công nghiệp giấc ngủ” đang ngày càng bùng nổ với ước tính lên tới 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2030. Theo như Jing Daily, mất ngủ đang là vấn đề đáng lo ngại của đất nước này. Đại dịch COVID-19 cũng đã góp phần khiến căn bệnh mất ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Theo Báo cáo Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc năm 2022, người Trung Quốc ngủ khoảng 8.5 tiếng vào năm 2012, tuy nhiên, tới 2021 con số này chỉ còn là 7.06 tiếng. Không chỉ riêng Trung Quốc mà trên thế giới, 62% người lớn cảm thấy họ không được ngủ đủ (Philips Global Sleep Survey, 2019).

Khi chất lượng giấc ngủ đi xuống, ảnh hưởng tới sức khỏe vật chất và tinh thần, nhiều người bắt đầu đi tìm sự giúp đỡ ở nền công nghiệp giấc ngủ.

2. Ngành công nghiệp này gồm những gì?

Trước đây, khi nhắc tới nền công nghiệp giấc ngủ, đa phần chúng ta chỉ tới giường, gối hay mền. Sau này, các sản phẩm ngủ ngon mở rộng ra hơn kết hợp với sự phát triển của công nghệ cao. McKinsey đã chia các sản phẩm trên thị trường ra thành 3 loại chính:

Đầu tiên là tối ưu hóa môi trường giấc ngủ. Mục tiêu của các sản phẩm này là biến phòng ngủ thành thiên đường của việc nghỉ ngơi. Các sản phẩm đi kèm có thể kể đến như nệm, đèn ngủ, máy lọc không khí và tạo ẩm. Đây cũng là những loại sản phẩm phố biến nhất trên thị trường.

alt
Các sản phẩm tinh dầu và nến thơm hứa hẹn cho ta giấc ngủ ngon | Nguồn: Unsplash

Loại thứ 2 là các sản phẩm và dịch vụ giúp thay đổi thói quen liên quan tới ngủ, giúp người sử dụng có một giấc ngủ chất lượng hơn. Danh mục sản phẩm liên quan thường là các ứng dụng và thiết bị giúp theo dõi giấc ngủ. Bên cạnh đó là các dịch vụ giúp người khác ngủ.

Tại Hàn Quốc, các quán cà phê hay massage cung cấp dịch vụ giúp khách hàng ngủ ngon cũng đắt khách. Còn ở Anh, người ta còn tạo ra một liệu pháp tập thể dục giấc ngủ mang tên “napersice."

Những hãng công nghệ lớn như Google và Amazon cũng có ít nhất một sản phẩm liên quan tới giấc ngủ. Nhu cầu được ngủ ngon cũng khiến YouTube tràn ngập những video ASMR, TikTok hay YouTube cũng có những nội dung chuyên biệt để giúp bạn ngủ ngon.

Loại cuối cùng chính là để điều trị trị liệu. Rất nhiều người chọn đi điều trị chuyên khoa và uống thuốc được kê đơn để giúp cho các chứng bệnh liên quan tới giấc ngủ của họ. Từ đó các phòng nghiên cứu chuyên về ngủ cũng trở nên phát triển hơn.

3. Thị trường giấc ngủ của Việt Nam thì sao?

Tại Việt Nam, thị trường giấc ngủ cũng đang trên đà phát triển, tập chung chủ yếu ở những sản phẩm cải thiện môi trường ngủ. Các startup mới sản xuất nệm hay nến thơm giúp hỗ trợ giấc ngủ cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tờ Kinh tế Việt Nam nhận xét thì đây là thị trường mới và nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu nhà đầu tư.

alt
Nệm là một trong những sản phẩm đang được nhiều công ty tại Việt Nam quan tâm phát triển | Nguồn: Unsplash

Theo như Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thì có tới 33% dân số có một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và 18% có chất lượng giấc ngủ không tốt. Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân cũng phải đối mặt với chứng mất ngủ hậu COVID. Đa phần, họ đều chọn điều trị tại bệnh viện hoặc sử dụng các bài thuốc Y học cổ truyền quen thuộc cùng các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt.

4. Vấn đề của thị trường này là gì?

Jamie Marc Zeitzer là giáo sư khoa thần kinh và giấc ngủ tại Đại học Stanford. Ông đã chia sẻ với The Verge rằng các độ chính xác của các thiết bị đo giấc ngủ còn phải dựa vào cả cách các công ty này “giải mã” dữ liệu.

Ông cho rằng, các ý tưởng thì nhiều và liên tục tuy nhiên nó lại đi quá nhanh so với những nghiên cứu khoa học. Đối với ông, có vẻ như các công ty này đang cố gắng “ném" rất nhiều liệu pháp vào người dùng cùng lúc và hy vọng một trong số chúng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghệ mới nổi thường cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách quảng cáo thiếu cơ sở. Vào năm 2016, thương hiệu gối MyPillow cũng đã từng bị phạt 1 triệu USD vì đã quảng bá sản phẩm của mình là “ngăn ngừa chứng mất ngủ, đau nửa đầu,...” Đây cũng là một vấn đề chung của các sản phẩm thuộc danh mục sức khỏe.

Tiến sĩ Colin Espie, giáo sư về y học giấc ngủ tại Đại học Oxford cũng chia sẻ rằng các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ đa phần chưa được thử nghiệm và đối chứng ở quy mô lớn, đặc biệt là với những căn bệnh như mất ngủ hay suy nhược. Ông cũng khuyên rằng đôi khi việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ này có thể khiến bạn chủ quan mà không đi tìm sự giúp đỡ chuyên sâu cho các chứng bệnh.

5. Chúng ta có đang quá ám ảnh về giấc ngủ?

Giấc ngủ vốn tồn tại như một lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống bây giờ lại biến thành một ngành hàng hoá đắt đỏ. Nhất là khi các phương thức hỗ trợ này không hề rẻ.

Tuy nhiên, sự ám ảnh về một giấc ngủ hoàn hảo lại gây hại cho chính chúng ta. Tiến sĩ Kelly Glazer Baron đã nhắc tới thuật ngữ Orthosomnia để nói về hiện tượng này. Nhờ vào các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ trên thị trường, rất nhiều người dùng đã tự chẩn đoán chứng bệnh mất ngủ của mình thay vì hỏi ý kiến chuyên gia. Lúc này, việc đi ngủ đã trở thành một nhiệm vụ họ phải hoàn thành và để đạt được điều đó, giấc ngủ trở nên xa xỉ gắn liền với hàng loạt sản phẩm đắt đỏ.

Bên cạnh đó, việc đi ngủ lại trở thành một biểu tượng, thay đổi theo thời gian. Trước đây, những người thành công đều tự hào khoe về cách họ đã hy sinh giấc ngủ để có được sự nghiệp huy hoàng. Còn bây giờ nhiều công ty bỏ tiền ra để giúp nhân viên ngủ ngon hơn vì họ tin nó giúp cải thiện công việc. Đi kèm theo đó là các phương thức ngủ “hiệu quả" để giúp hiệu suất công việc cao hơn.

Chủ nghĩa tư bản luôn tìm được cách kiếm tiền từ chúng ta. Những lo lắng và ám ảnh của chúng ta về giấc ngủ rồi cũng trở thành những “insight" (sự thật ngầm hiểu) mà các thương hiệu tận dụng và bán lại cho ta.