1. Chuyện gì đang xảy ra?
Tối 9/11, nhiều thí sinh có kế hoạch thi IELTS vào sáng 10/11 nhận được email báo hủy thi. Hội đồng Anh sau đó đã có thông báo chính thức trên website rằng kể từ ngày 10/11, tất cả kỳ thi IELTS tại Việt Nam của đơn vị này sẽ tạm hoãn cho tới khi có thông báo mới. Đơn vị tổ chức thi IELTS còn lại ở Việt Nam là IDP cũng ra thông báo hoãn vào trưa ngày 10.
Một chứng chỉ khác của Hội đồng Anh là Aptis cũng bị hủy thi. Chứng chỉ này được nhiều sinh viên tại các trường đại học ở miền Bắc lựa chọn làm chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Ngoài ra, đơn vị tổ chức bài thi năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK và HSKK) và kỳ thi tiếng Nhật Nat-test cũng đưa ra thông báo tương tự.
2. Lý do hủy thi là gì?
Hội đồng Anh không đưa ra lý do, mà chỉ nói rằng quyết định này “nằm ngoài tầm kiểm soát của họ” và thời điểm tổ chức lại các kỳ thi “phụ thuộc vào phê duyệt từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Ban tổ chức Nat-test, vốn đã bị hoãn tại Việt Nam một tháng trước khi IELTS “lên thớt,” đưa lý do rằng các đơn vị tổ chức thi chưa được cấp phép từ phía Bộ và đang trong quá trình làm đề án xin cấp phép. Đây cũng là lý do mà Viện Khổng Tử - đơn vị tổ chức thi bằng Hán ngữ quốc tế tại việt Nam - đưa ra cho việc hủy các đợt thi trong tháng 10 và 11.
Vào ngày 8/11, Bộ đưa ra văn bản về việc quản lý các tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó nêu rằng hoạt động tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ ở nước ta “chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.” Trước đó, Bộ cũng đã gián tiếp yêu cầu các đơn vị tổ chức thi xin cấp phép.
3. IELTS đã trở thành “vua của mọi chứng chỉ” tại Việt Nam thế nào?
Gọi IELTS là “vua của mọi bằng” không phải là một phép nói quá bởi lượng lớn các trung tâm luyện thi IELTS và nhu cầu lấy bằng của cả học sinh, sinh viên, lẫn người đi làm tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều loại chứng chỉ khác nhưng IELTS vẫn là bằng tiếng Anh được ưa chuộng nhất, bất chấp mức phí thi cao và sẽ còn tăng trong tương lai.
Lần đầu tiên IELTS được dạy tại Việt Nam là năm 1994 và hầu như chỉ được sử dụng cho việc du học trong nhiều năm sau đó. Nhu cầu học và thi chứng chỉ này tăng mạnh sau 2010 theo nhu cầu du học và hội nhập văn hóa của người Việt. 2015 là năm đầu tiên thực hiện việc miễn thi môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp nếu thí sinh có chứng chỉ IELTS tối thiểu từ 3.5.
Cùng năm đó, Đại học Hoa Sen trở thành trường Đại học Việt Nam đầu tiên có phương án xét tuyển bằng IELTS kết hợp với các tiêu chí khác. Đây cũng là quãng thời gian mà các tổ chức, cá nhân luyện thi IELTS xuất hiện tràn lan.
Kể từ năm 2017 trở đi, nhiều trường đại học nhóm đầu ở cả ba miền đã tích hợp IELTS vào phương án tuyển sinh. Tới nay, IELTS còn xuất hiện như một môn học trong các lớp năng khiếu Anh ngữ ở một số trường cấp ba.
4. Vì sao nhiều đại học trên thế giới ngừng tuyển sinh bằng chứng chỉ?
Một làn sóng tuyển sinh không-chứng-chỉ đang lan rộng trên thế giới. Cụ thể, các bài thi chuẩn hóa không còn là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ ứng tuyển. Khởi nguồn từ Mỹ, trào lưu này được dự đoán sẽ dần ảnh hưởng tới hệ thống tuyển sinh đại học ở châu Âu, và có thể là những trường đại học thuộc nhóm đầu ở châu Á.
Common Application - đơn vị tổ chức thi chứng chỉ tại Mỹ - cho biết chỉ có 5% trong số 850 trường liên kết sử dụng bài thi chuẩn hóa làm tiêu chí tuyển sinh bắt buộc trong kỳ tuyển sinh 2021-2022, so với 55% vào năm 2019. Nguyên nhân đầu tiên là bởi việc tổ chức thi và chấm thi bị cản trở bởi dịch Covid-19.
Thế nhưng một số trường như Đại học Chicago hay Đại học Brandeis đã ngừng tuyển sinh bằng chứng chỉ trước khi Covid-19 bùng phát. Đây là hệ quả của trào lưu đánh giá lại vai trò của các bài kiểm tra và chứng chỉ trong việc tuyển sinh đại học.
Thống kê cho thấy, kết quả của các bài thi chuẩn hóa như SAT hay GRE nhiều khi không cho thấy năng lực của thí sinh, mà lại thể hiện tiềm lực tài chính của họ. Theo đó, những học sinh có năng lực kinh tế mạnh thường có điểm thi cao hơn các bạn có xuất thân không giàu có bằng, với ít khả năng tiếp cận với tài liệu và các chương trình luyện thi hơn.
5. Chuyện gì sẽ xảy ra với “đế chế” luyện thi IELTS tại Việt Nam?
Nếu IELTS là “vua của mọi bằng,” thì việc luyện thi IELTS hẳn phải là “vua của mọi nghề.” Nhu cầu lấy bằng cho nhiều mục đích khác nhau đã tạo tiền đề cho một ngành công nghiệp luyện thi IELTS ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Chính vì thế, thông tin hủy các kỳ thi IELTS tại Việt Nam là một “hung tin” đối với nhiều thợ dạy. Không dừng lại ở đó, việc nhiều trường đại học trên thế giới xem xét lại vai trò các chứng chỉ nói chung cũng sẽ có ảnh hưởng tới đế chế IELTS.
Từ lâu và tại nhiều trung tâm, việc ôn thi IELTS không còn là để học tiếng Anh, mà là học kỹ năng làm bài thi để lấy bằng. Nếu chứng chỉ này sụp đổ hay mất giá trị tại Việt Nam, nhiều lò luyện IELTS sẽ phải đóng cửa do không thể chuyển đổi sang việc dạy tiếng Anh mang tính ứng dụng hoặc để thi đại học - một thị trường đã quá bão hòa.
Ghi chú: Tiêu đề bài viết đã được chỉnh sửa từ "Khi IELTS không còn là 'vua của mọi bằng'" thành "Khi IELTS không còn là 'vua của mọi chứng chỉ'" từ ngày 11/11/2022.