Khi nào có ngoại hình sẽ trở thành chướng ngại? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 06, 2023
People in FashionOpinion

Khi nào có ngoại hình sẽ trở thành chướng ngại?

Có lợi thế nhan sắc nhưng không phải ai cũng trơn tru trên đường đời. Những tưởng vạch xuất phát êm ả, nhưng việc “sử dụng” một vẻ ngoài ưa nhìn không dễ như bạn tưởng.
Khi nào có ngoại hình sẽ trở thành chướng ngại?

Không phải cứ xinh đẹp là cuộc sống sẽ dễ dàng | Nguồn: Barbie Movie

Khi xinh đẹp khiến năng lực không được đánh giá công tâm

Ngoại hình ưa nhìn có thể giúp bạn tiến xa trong cuộc sống, nhưng các nhà tâm lý học nói rằng có những cạm bẫy không thể nhận ra đối với người đẹp. Nhà tâm lý học Lisa Slattery Walker và Tonya Frevert tại Đại học Bắc Carolina cho biết trên BBC rằng có những trường hợp mà cái đẹp có thể phản tác dụng. Một trong số các ví dụ điển hình là mặc dù những người đàn ông hấp dẫn có thể được coi là những nhà lãnh đạo giỏi hơn.

Nhưng nếu đó là một phụ nữ hấp dẫn,thì điều này khiến họ ít có khả năng được tuyển dụng vào những công việc cấp cao đòi hỏi quyền lực. Đồng thời, nếu bạn được phỏng vấn bởi một người cùng giới tính, bạn sẽ có ít cơ hội được tuyển dụng nếu người phỏng vấn đánh giá rằng bạn hấp dẫn hơn họ.

alt
Ngoại hình đẹp chưa chắc là lợi thế | Nguồn: TVN

Nghiên cứu của American Psychological Association còn cho thấy xinh đẹp khi đi xin vào những công việc ít cạnh tranh lại là một bất lợi. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhà tuyển dụng nghĩ ứng viên xinh đẹp ít có sự hài lòng trong công việc và đòi hỏi cao.

alt
Giấc mơ chỉ khởi đầu với việc bạn đầu tư ngoại hình, còn rất nhiều việc khác cần vượt qua để thành công | Nguồn: Another

Ở khía cạnh đời sống cá nhân, việc có ngoại hình đẹp vẫn gặp tranh luận về việc nó là tốt hay xấu. Đơn cử như việc liệu chúng ta nên nhìn nhận theo quan niệm xưa rằng “hồng nhan bạc phận” hay theo cách nhìn mới “hồng nhan bạc tỷ”. Nhưng “khổ” nhất phải kể đến việc bị “mắc kẹt” trong chính diện mạo xinh đẹp. Khi đã có ngoại hình mới, nhiều người vẫn không biết cách để phát triển bản thân và vì thế, cuộc sống vẫn chưa thể khởi sắc.

Vậy lý do đằng sau việc một ngoại hình xinh đẹp “gặp khó” là gì?

Khi bạn không tin mình đẹp và gặp trở ngại với việc nhìn nhận bản thân

Có những người không tin rằng mình xinh đẹp (dù thực tế họ có điều đó). Điều này dẫn đến dù nhan sắc đủ đầy nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống thiếu niềm vui. Trong một tập Podcast “First, Lady”, hoa hậu Thùy Tiên thậm chí còn cho biết bản thân cô không tin mình xinh đẹp vì tai quá to, miệng quá rộng cho đến khi lên ngôi hoa hậu.

alt
Ngay cả hoa hậu còn có lúc không tin rằng mình xinh đẹp | Nguồn: GDTD

Nguyên nhân cho việc này đến từ khác biệt giữa các quan niệm về sự xinh đẹp. Mọi người thường so sánh mình với người khác, đặc biệt là những người được cho là hấp dẫn hơn hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn về cái đẹp của xã hội. Sự so sánh liên tục này có thể khiến các cá nhân cảm thấy không phù hợp hoặc không hấp dẫn, ngay cả khi họ sở hữu những tiêu chí đánh giá cái đẹp đương thời.

Việc không tin bản thân xinh đẹp còn đến từ những “cú sốc” trong việc chuyển giao nhan sắc mạnh mẽ trước và sau dậy thì. Tiến sĩ Renee Engeln, Nhà tâm lý học và Chuyên gia về Hình ảnh Cơ thể nhấn mạnh rằng những trải nghiệm tiêu cực ban đầu trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên về ngoại hình của một người có thể có tác động lâu dài đến nhận thức về bản thân. Nếu các cá nhân nhận được những lời chỉ trích liên tục hoặc bị bắt nạt dựa trên ngoại hình của họ, họ có thể tiếp thu những niềm tin tiêu cực này, dẫn đến lòng tự trọng thấp.

Và cuối cùng, việc khó khăn để cảm nhận cái đẹp còn đến từ việc chúng ta quá chăm chăm... soi xét diện mạo của mình. Điều này nhắc chúng ta gợi nhớ đến một câu trích dẫn mà Angelina Jolie từng xăm lên người "what nourishes me also destroys me" (tạm dịch: Điều gì nuôi dưỡng tôi, cũng hủy hoại tôi). Một mặt, ước muốn hoàn thiện bản thân là động lực để chúng ta nâng cấp. nhưng đồng thời, nó cũng khiến chúng ta nhìn quá rõ, soi quá kĩ về mọi thứ trên người mình. Nếu kịp dừng lại và hài lòng thì sẽ không có gì để bàn. Nhưng nhiều người đã bước chân vào con đường đi từ yêu thích làm đẹp đến ám ảnh và mãi không thể hài lòng với bản thân.

Khi đẹp là tất cả những gì bạn có!

Học cách làm đẹp và trở nên xinh đẹp giờ đây đã quá phổ biến. Từ đó, không ít người bắt đầu nghĩ đến việc cần phải đính kèm thêm những "năng lực" mới vào mình để không bị nhạt nhòa giữa bao người.

alt
Người xinh đẹp nhất không phải lúc nào cũng gây ấn tượng mạnh nhất | Nguồn: Thanh Nien

Thế nhưng trở nên xinh đẹp có thể nhanh nhưng khí chất lại cần thời gian hoàn thiện và không phải ai cũng có thể theo đến cùng. Đây chính là lý do mà nhiều người có nhan sắc nhưng vẫn không thể vụt sáng và vượt lên. Á hậu Thảo Nhi Lê chia sẻ rằng cô không phải là người đẹp nhất trong các cuộc thi nhưng cô biết cách để làm người khác nhớ đến. Sự đặc biệt ở Thảo Nhi thể hiện qua nguồn năng lượng tích cực, sự chuyên nghiệp, thần thái, cách giao tiếp… Tuy vậy, đi tìm sự đặc biệt lại là một hành trình khá cam go.

Bộ phim Hunger (hiện thịnh hành trên Netflix) đề cập đến khía cạnh “sức nặng” của sự đặc biệt. Thông điệp của bộ phim cho rằng để trở nên được thèm khát, một người thậm chí phải vượt qua cả những chuẩn mực đạo đức. Cô đầu bếp Aoy, muốn trở thành ngôi sao trong giới fine dining nhưng bản thân cô cảm thấy ghê tởm với những bữa tiệc thác loạn của giới siêu giàu.

alt
Cần xác định rõ bạn muốn thể hiện sự đặc biệt như thế nào, và nó có đi ngược với con người của bạn hay không | Nguồn: Hunger (Netflix)

Họ không quan trọng cô khéo léo ra sao mà chỉ muốn mang hào quang của bếp trưởng tô điểm cho sự phù phiếm bản thân. Trong khi đó, Aoy lại là chính mình và tài năng tỏa sáng chỉ với món hủ tiếu xào gia truyền trong căn bếp nhỏ. Quan trọng nhất là tìm điểm đến phù hợp cho thứ mình đang có.

Việc có ngoại hình với mỗi người lại được “sử dụng” theo cách khác nhau. Đôi khi người giao diện dễ nhìn lại chọn công việc không cần nhan sắc và ngược lại. Vì vậy, chúng ta có thể xem xét tỉ trọng của ngoại hình ảnh hưởng đến thế nào trong mục tiêu cuộc sống của bản thân. Từ đó đưa ra quyết định cần ưu tiên nâng cấp điều gì. Tiến sĩ Joyce Diane Brothers, một nhà tâm lý học nổi tiếng, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa ngoại hình và kỹ năng, bà nói: "Kỹ năng có thể mở ra những cánh cửa, nhưng ngoại hình tạo ra cơ hội ban đầu. Tạo nên một tổng thể như vậy mới là điều quan trọng".

Ca sỹ Mỹ Tâm từng chia sẻ trong Podcast Have A Sip rằng thời đầu đi hát, cô không quan tâm đến chuyện trang phục quá nhiều, thậm chí là có gì mặc nấy. Điều Mỹ Tâm chú ý nhất lúc đó là làm sao để khán giả tập trung vào mình, vào giọng hát. Còn chuyện gu thẩm mỹ có thể nâng cấp dần theo thời gian.

Mở rộng ra, cái đẹp giờ đây còn được đánh giá ở nhiều khía cạnh và không chỉ gắn liền với khuôn mặt hay thân hình. Nó có thể là một giọng nói đẹp, một chiếc mũi “đẹp” với mùi hương, một chiếc lưỡi có khẩu vị “đẹp” trong món ăn… Dưới góc nhìn này, ta biết phải làm gì tiếp theo như rèn cách cảm nhận hương thơm, học cách giao tiếp truyền đạt, tiếp thu kiến thức về thẩm định đẹp-xấu… Từ đây, thế giới của bạn sẽ rộng lớn và thú vị hơn hẳn, không còn phải cảm thấy lo lắng khi chứng kiến việc đơn thuần xinh đẹp ngày càng trở nên “bão hòa”.