Khi toà án Tối cao Hàn Quốc lên tiếng bảo vệ quyền lợi binh sĩ đồng tính | Vietcetera
Billboard banner

Khi toà án Tối cao Hàn Quốc lên tiếng bảo vệ quyền lợi binh sĩ đồng tính

Giới tính hay xu hướng tính dục của một người, không liên quan đến khả năng của họ dưới tư cách một binh sĩ phục vụ cho quân đội.
Khi toà án Tối cao Hàn Quốc lên tiếng bảo vệ quyền lợi binh sĩ đồng tính

Quân đội Hàn Quốc

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

​​Mới đây, tòa án Tối cao Hàn Quốc đã lật lại bản án của tòa án Quân sự đối với 2 nam quân nhân bị kết án tù treo vì quan hệ đồng giới.

Trong phán quyết mang tính bước ngoặt này, tòa án Tối cao đã phản đối việc trừng phạt 2 binh sĩ, theo bộ luật hình sự quân sự về việc quan hệ đồng tính.

Chánh án Kim Myeong-su tại toà cho biết, họ kết luận rằng không nên áp dụng các điều khoản trừng phạt đối với quan hệ tình dục đồng thuận giữa các thành viên nam, diễn ra bên ngoài các cơ sở quân sự trong giờ làm việc.

2. Vì sao tòa án Tối cao lại có phán quyết này?

Trước đó, vào năm 2017, 2 binh sĩ của quân đội Hàn Quốc (gồm 1 Thiếu uý và 1 Trung sĩ) đã bị truy tố vì hành vi giao cấu với nhau (theo điều 92-6 Đạo luật Hình sự Quân đội).

Theo đó, những người đồng giới nếu “giao cấu qua đường hậu môn" hoặc có bất kỳ “hành vi khiếm nhã” nào khác sẽ phải chịu mức án tù tối đa 2 năm, để bảo vệ tinh thần và kỷ luật quân đội.

Trong phán quyết mang tính bước ngoặt, tòa án Tối cao đã phản đối việc trừng phạt 2 binh sĩ, theo bộ luật hình sự quân sự về việc quan hệ đồng tính.

Đi ngược lại với quyết định này, tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra quan điểm rằng, việc trừng phạt như vậy là đang xâm phạm đến quyền bình đẳng và hạnh phúc của công dân trong Hiến Pháp. Đồng thời, họ cũng khẳng định thêm, đồng giới không phải là “hành vi khiếm nhã" như trong Bộ luật quân sự đề cập.

Ngay sao đó, một thông cáo báo chí của toà án được đưa ra cũng tuyên bố rằng: “hành động quan hệ tình dục đồng giới (giữa các thành viên đang trong quân ngũ) không còn bị trừng phạt.”

3. Người dân và truyền thông Hàn Quốc phản ứng như thế nào?

Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, trung tâm Nhân quyền Quân sự tại Seoul đã hoan nghênh quyết định này. Đồng thời cho biết nó đặt ra một tiền lệ tư pháp mới, có thể giúp giải quyết sự phân biệt đối xử chống lại các nhóm thiểu số giới tính trong quân đội. Hơn nữa là tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Bên cạnh đó, các nhóm hoạt động Nhân quyền khác của xứ sở Kim Chi cũng bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm này, giữa bối cảnh các hành vi phân biệt, đối xử với cộng đồng LGBTQIA+ trong xã hội nói chung và quân đội nói riêng luôn nhức nhối từ trước đến nay.

Trong một bài phỏng vấn được phát trực tuyến, một nhân viên công vụ cũng chia sẻ niềm vui với điều này bằng cách khẳng định: “Những quan niệm cụ thể về thứ cấu thành nên sự khiếm nhã đã thay đổi, tương ứng với những thay đổi của thời gian và xã hội.”

4. Quân đội Hàn Quốc đã từng bị cáo buộc đối xử với người LGBTQIA+ ra sao?

Tháng 4/ 2017, Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc đưa tin tướng Jang Jun-gyu, Tổng tư lệnh Quân đội Nam Hàn, đã ra lệnh truy tìm nhưng người đồng tính trong các lực lượng vũ trang. Sau đó, quân đội mở một cuộc điều tra và đưa 40 - 50 binh sĩ vào một danh sách.

Sau đó, tháng 5/ 2017, tòa án binh Nam Hàn đã kết án một sĩ quan quân đội sáu tháng tù, vì có quan hệ tình dục với một binh sĩ nam khác. Tòa án nói bản án của ông được hoãn thi hành trong một năm, và ông sẽ bị giải ngũ một cách nhục nhã.

Hàn Quốc dường như có thái độ ít chấp nhận cộng đồng LGBTQ+ hơn các nước láng giềng Đông Á khác, đặc biệt là trong quân đội.

Đến năm 2020, một binh sĩ Hàn Quốc 23 tuổi buộc phải giải ngũ sau khi chuyển giới từ nam thành nữ. Lý do quân đội Hàn Quốc đưa ra là việc thiếu đi bộ phận sinh dục nam bị coi là khuyết tật về thể chất và tinh thần ở mức độ 3 theo quy định. Sau đó một năm, cô bị tìm thấy đã qua đời tại nhà riêng sau nhiều cuộc tham vấn tâm lý và trị liệu.

Hàn Quốc dường như có thái độ ít chấp nhận cộng đồng LGBTQIA+ hơn các nước láng giềng Đông Á khác, đặc biệt là trong quân đội.

5. Vì sao sự thù ghét với cộng đồng LGBTQIA+ luôn là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc?

Tại xứ sở kim chi, đồng tính vẫn là điều khó có thể chấp nhận. Cộng đồng LGBTQIA+ vẫn thường bị nhìn bởi ánh mắt dị nghị, không có thiện cảm. Bên cạnh áp lực xã hội, nhóm người này còn đối mặt với khả năng bị tước đi quyền lợi căn bản.

Theo Khảo sát hội nhập xã hội Hàn Quốc năm 2020, gần một nửa người dân đất nước Hàn Quốc không muốn có bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp đồng tính. Còn cuộc thăm dò của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy, 92,6% LGBTQIA+ lo lắng trở thành mục tiêu của tội phạm trả thù.

Chính phủ Hàn Quốc, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ trong và ngoài nước, nhằm tiến hành những thay đổi để cải thiện tình hình.

Từ trước đến nay, những người đồng tính nam tại Nam Hàn không được miễn nghĩa vụ quân sự và cũng không được phép có những mối quan hệ đồng giới trong quân đội. Vì vậy, họ thường giấu đi giới tính thật do lo sợ bị kỳ thị và trả thù.

"Quân đội Hàn Quốc không miễn nghĩa vụ quân sự cho đàn ông đồng tính. Nhưng một khi gia nhập quân đội, họ bị xem là mối nguy và bị đối xử như tội phạm tiềm năng" - ông Han Ga-ram - luật sư về quyền của người đồng tính, cho biết.

Một nhà lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc từng nhấn mạnh rằng, ông phản đối đồng tính luyến ái và nước này cần "bảo vệ những giá trị gia đình tốt đẹp". Chính phủ Hàn Quốc vì thế, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ trong và ngoài nước, nhằm tiến hành những thay đổi để cải thiện tình hình.

Và phán quyết của Tòa án Tối cao vừa qua, đang thắp lên một hy vọng mới cho những thay đổi trong chính sách và quan niệm xã hội từ trước đến nay của đất nước này.