Không Quan Tâm: "Anh hùng" cũng cần được yên! | Vietcetera
Billboard banner

Không Quan Tâm: "Anh hùng" cũng cần được yên!

Báo đài xôn xao câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ được cháu bé rơi từ tầng 12. Hành động của anh xứng đáng được quan tâm, nhưng khía cạnh nào của vấn đề nên #KhôngQuanTâm?
Không Quan Tâm: "Anh hùng" cũng cần được yên!

Nguồn: Doãn Tấn/TTXVN

Vài hôm gần đây, mạng xã hội lại xôn xao câu chuyện về anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ được cháu bé rơi từ tầng 12. Khi được hỏi chuyện, anh Mạnh vẫn luôn khiêm tốn, không nhận gì về mình mà thừa nhận rằng “chính mái tôn đã cứu em bé".

Báo đài tràn ngập câu chuyện về người anh hùng cứu em bé. Tuy nhiên không phải bài viết nào về anh Mạnh cũng mang ý tốt. Ta phải làm rõ rằng hành động anh hùng của anh xứng đáng được quan tâm, tuy nhiên vẫn có những khía cạnh khác của câu chuyện mà ta nên #KhôngQuanTâm.

Không quan tâm vì không muốn hành động của anh bị “bẻ" đi sai hướng

Lê Hồng Lâm đã nhận xét rằng “sự tôn vinh quá đà và tri ân bằng tiền mặt”… đã “khiến sự việc trở nên phản cảm và mất giá trị đẹp đẽ". Liệu nếu lúc đó anh Mạnh chấp nhận những món quà được chuyển tới, nhận những số tiền "khen thưởng" thì liệu cư dân mạng có để yên cho anh.

Cư dân mạng tung hô anh nhưng cũng sẵn sàng chỉ trích anh “nhận vơ" cái danh anh hùng về mình. Câu nói truyền thông như con dao 2 lưỡi trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Chữ “anh hùng” bỗng chốc không còn là lời khen mà thành cái cớ cho những lời nói độc địa, tạo ra áp lực ngầm lên anh.

Điều tương tự cũng xảy ra với “những anh hùng đứng đầu tuyến chống dịch.” Nghiên cứu chỉ ra rằng việc truyền thông vẽ ra câu chuyện về những người anh hùng - những y tá, bác sĩ - ngày đêm đối mặt với nguy hiểm đã tác động tiêu cực lên tâm lý của họ. Việc dán nhãn họ với danh nghĩa anh hùng đồng nghĩa với việc đặt kỳ vọng họ sẽ xả thân hy sinh bản thân và đối diện với nhiều nguy hiểm, nằm ngoài quyền hạn và trách nhiệm của họ.

Không có gì sai với việc ca ngợi những nghĩa cử cao đẹp, nhưng ta nên chọn cách để kể lại câu chuyện một cách chân thật để không gián tiếp đem chủ nghĩa anh hùng đè nặng lên họ

Không quan tâm vì muốn anh Mạnh được quay lại nhịp sống bình thường

Ngay cả trước khi có cú “plot twist” là “mái tôn đỡ em bé" thì ít nhiều cuộc sống thường ngày của anh Mạnh đã bị xáo trộn. Anh tâm sự rằng “Tôi chỉ muốn cuộc sống như cũ thôi, giờ chắc phải tắt nguồn điện thoại mất!”

Sự tâng bốc bợ đỡ và làm phiền của truyền thông đẩy câu chuyện đi xa. Mọi thông tin của anh Mạnh và gia đình bỗng dưng xuất hiện khắp chốn. Anh Mạnh bảo rằng thay đổi lớn nhất chính là mọi người bỗng “ùa" vào Facebook của anh để “bão like". Hành động này có phải thực sự xuất phát từ sự mến mộ hay cũng chỉ để thỏa mãn cơn tò mò?

Không quan tâm vì có quá nhiều bình luận tiêu cực về gia đình em bé

Tai nạn xảy ra với gia đình em bé là hết sức hy hữu và không ai muốn phải trải qua. Bản thân gia đình vẫn chưa hoàng hồn sau sự việc đã vậy còn phải nhấn chịu gạch đá từ dư luận. Thay vì đi tìm giải pháp, một số lượng cộng đồng mạng chọn “săn tìm” và “ném gạch" bố mẹ của đứa trẻ, cho mình quyền được phán xét.

Bản thân anh Mạnh khi cứu đứa bé trong lòng cũng chỉ nghĩ tới rằng anh làm vậy vì lương tâm, vì anh cũng có một đứa con nhỏ như vậy ở nhà. Cốt lõi của hành động lan truyền lòng tốt lại không được quan tâm, thay vào đó là những lời phán xét vô tâm, mặc cho sự sang chấn tâm lý mà gia đình đang phải trải qua sau sự cố này.

Không quan tâm vì bận quan tâm cách bảo vệ các em bé khỏi té từ ban công

Trung bình mỗi năm có 12 em bé dưới 10 tuổi rơi khỏi ban công nhà tại Mỹ. Còn tại Úc thì mỗi năm có 10 em bé bị đưa tới viện vì ngã khỏi ban công. Giải pháp cho những tai nạn thương tâm mà không ai muốn xảy ra này nên là thứ đáng được quan tâm, tìm hiểu.

Có nhiều hướng giải quyết được đưa ra từ răn đe phạt tiền bố mẹ (tại UAE) cho tới giải pháp kỹ thuật như lắp đặt các thiết bị an toàn trên cửa sổ. Để đảm bảo rằng không có trường hợp thương tâm nào xảy ra với các em bé, ta hãy nên tham khảo hướng dẫn của Thông Tấn Xã Việt Nam.

Không quan tâm vì Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon

Vệ tinh này do Trung Tâm Vũ Trụ Việt Nam phát triển, thuộc dạng siêu nhỏ và chỉ nặng khoảng 4 kg. Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ được phóng lên vĩ đạo.

Chiếc vệ tinh “made in Việt Nam” này sẽ được gửi sang Nhật bản để thử nghiệm rung động, sốc và nhiệt chân không. Sau khi quá trình phát triển phần cứng này hoàn thành, vệ tinh sẽ được đón lại về nhà chờ phóng đi.

Khoa học và công nghệ vũ trụ sẽ góp phần trong công cuộc giải quyết vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cũng như giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Kết

Câu chuyện của anh Mạnh chỉ đơn giản là câu chuyện đời thường của một người tốt làm những hành động tử tế. Chúng ta có thể có những quan điểm riêng liên quan tới câu chuyện nhưng “đừng trở thành người nghi ngờ với mọi sự tốt đẹp”.

Sự #Khôngquantâm của bạn có thể trả lại cho anh Mạnh những ngày tháng bình yên. Đến cuối ngày thì những gì còn lại không phải là lời tung hô, những món quà vật chất mà chỉ có sự hạnh phúc giản dị với lời khen “Thế là được" mà bố anh Mạnh dành cho anh.

#KhôngQuanTâm là series giúp bạn tiết kiệm thời gian bằng cách lọc những tin bạn không cần quan tâm tới.