Không Quan Tâm: Clubhouse còn lâu mới nổi ở Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Không Quan Tâm: Clubhouse còn lâu mới nổi ở Việt Nam

Mạng xã hội Clubhouse như chiếc phao cứu cánh trong thời COVID-19. Nhưng có nhiều hơn một lý do bạn nên #KhôngQuanTâm.
Không Quan Tâm: Clubhouse còn lâu mới nổi ở Việt Nam

Nguồn: The Guardian

Clubhouse là mạng xã hội mới ra đời nhiều tiềm năng có khả năng đánh bại các đối thủ “kỳ cựu" như Facebook hay Tiktok. Sử dụng âm thanh là nền tảng, Clubhouse cho phép bạn tạo một phòng chat về một chủ đề để cùng nói chuyện với nhau.

Xuất hiện ngay trong thời kỳ đại dịch khi con người ta “thèm khát” những giao tiếp xã hội, Clubhouse như một chiếc phao cứu cánh. Giới hạn người dùng bằng cách “chỉ được tham gia khi được mời", Clubhouse tạo ra cảm giác “sang chảnh" như những cuộc hội họp chỉ có một vài người được chọn tham gia. Kết hợp với hiệu ứng FOMO, ai cũng lao vào tìm tấm vé vàng để tham gia vào Clubhouse.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để ta đừng vội mà tham gia Clubhouse. Và sau đây là những lý do ta nên #KhôngQuanTâm.

Không quan tâm vì không phải ai cũng “hợp” Clubhouse

Vẫn có nhiều giới hạn cho việc sử dụng Clubhouse tại Việt Nam. Chỉ một số các mạng điện thoại tại Việt Nam mới nhận được mã code từ Clubhouse. Bên cạnh đó bạn còn phải đợi được mời để có thể chính thức tham gia. Còn nếu bạn dùng Android thì xin chia buồn vì hiện tại Clubhouse chưa xuất hiện trên hệ điều hành này.

Hiện nay thì Clubhouse vẫn chưa quá phổ biến ở Việt Nam và ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu hiện tại vẫn là tiếng Anh. Vậy nên sẽ có nhiều giới hạn cho những người không sử dụng tiếng Anh hay muốn tìm chủ đề tranh luận mà người Việt quan tâm.

Ngoài ra một số người dùng Clubhouse cũng than phiền khi có quá nhiều người tham gia nói quá nhiều hay quá “sôi nổi" và lấn át những người còn lại. Điều này dẫn đến sự một chiều trong cuộc hội thoại và giảm chất lượng nội dung.

Vậy nếu bạn đã được mời, và tình cờ cũng là một người chơi hệ tiếng Anh, còn gì bạn nên cân nhắc?

Không quan tâm vì ngôn ngữ thù ghét và tin giả

Clubhouse tuy mới xuất hiện nhưng đã bị chỉ trích vì công cụ kiểm duyệt quá kém, điều này dẫn đến sự lan truyền của tin giả và phát ngôn thù địch.

Tại Clubhouse, sự lan truyền các tin giả về vaccine và COVID-19 ở những phòng chat riêng xảy ra hàng loạt trong khoảng thời gian hết sức nhạy cảm. Bên cạnh đó Clubhouse cũng là nơi mà những người theo chủ nghĩa bài Do Thái, người kỳ thị đồng tính hay phân biệt chủng tộc tiếp tục lan truyền sự thù ghét.

Tiến sĩ Đại học Oxford, Dr Bernie Hogan nhấn mạnh rằng nền tảng sử dụng chữ như Reddit đã rất khó khăn để cố gắng kiểm duyệt nội dung “không đồng bộ" (asynchronous - không xảy ra trong thời gian thực), còn đối với Clubhouse mọi thứ cần được kiểm duyệt ngay lúc đó.

Khác với podcast, cũng là một nền tảng sử dụng giọng nói. Nội dung của podcast được lên kế hoạch rõ ràng còn với Clubhouse, mục đích của nó thiên về hướng truyền tải thông điệp hơn. Vậy nên sẽ rất dễ dàng khiến cuộc tranh luận đi sai hướng và để cảm xúc cả nhân hay sự thù ghét vào lời nói.

Không quan tâm vì không muốn giọng nói của mình được lưu trữ

Cũng nằm trong nỗ lực kiểm duyệt, Clubhouse sẽ “tạm thời" ghi lại các đoạn hội thoại của bạn. Stanford Internet Observatory (SIO) đã nhận thấy dữ liệu trò chuyện của Clubhouse “được chuyển tiếp đến các máy chủ mà chúng tôi tin là được lưu trữ ở Trung Quốc”. Chính xác hơn là Agora - nhà cung cấp cơ sở hạ tầng back-end cho Clubhouse.

Vấn đề nằm ở chỗ Agora phải tuân theo luật an ninh mạng Trung Quốc, nghĩa là thông tin người dùng sẽ được cung cấp cho Trung Quốc nếu bị cho là gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó SIO cũng phát hiện ra vài lỗi bảo mật khác mà họ quyết định “nói nhỏ” trước cho Clubhouse và tiết lộ sau cho người dùng.

Không quan tâm vì còn nhiều vấn đề bảo mật

Để tham gia Clubhouse, bạn cần được mời bởi một người khác và ngược lại. Vấn đề bắt đầu từ đây khi mà bạn cho phép Clubhouse truy cập vào danh bạ.

Clubhouse sẽ “biết” được bạn bè của bạn ngay trước khi bạn tham gia vào mạng xã hội này. Nói cách khác dù bạn có tham gia hay không, chỉ cần một ai đó có số liên lạc hay thông tin của bạn tham gia Clubhouse thì thông tin của bạn cũng đã lọt ra ngoài.

Và tất nhiên bạn có thể từ chối cung cấp dữ liệu danh bạ nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thể mời ai tham gia Clubhouse. Tuy nhiên nếu làm vậy bạn đã vô tình vi phạm luật GDPR (nếu bạn ở Châu ÂU). Theo như luật này thì hành động này chia sẻ thông tin của người khác mà không có sự đồng thuận là vi phạm pháp luật.

Không quan tâm vì thành phố Hồ Chí Minh xử lý karaoke tra tấn người dân

Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - kể rằng mình bị gọi lúc 10h đêm để nhận phản ánh của người dân về các "hung thần karaoke tự phát". Ông cũng nhấn mạnh "Người dân ban ngày đi làm, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được” và vấn đề này không nên bị xem nhẹ.,

Do đó, ông Phong đề nghị cơ quan chức năng cần thấy trách nhiệm của mình và tập trung xử lý tình trạng tiếng ồn karaoke tra tấn người dân.

Kết

Có những kiểu khuôn mẫu sự kiện ta thấy gần đây: sự xuất hiện của các ứng dụng mới (Zoom/Tiktok), sau đó nó trở nên phổ biến và rồi người ta nhận ra ứng dụng này đang xâm phạm quyền riêng tư quá nhiều. Vấn đề an ninh trên mạng đáng lẽ ra nên là thứ được cân nhắc đầu tiên.

Vậy nên trước khi bạn nhấn tham gia Clubhouse, hãy cân nhắc những lý do trên để chuyển qua trạng thái #KhôngQuanTâm.