"Khủng hoảng kết hôn": Không chỉ là câu chuyện của riêng Trung Quốc | Vietcetera
Billboard banner

"Khủng hoảng kết hôn": Không chỉ là câu chuyện của riêng Trung Quốc

Điều nay cũng đặt ra câu hỏi, quan hệ gia đình có còn là mối quan hệ cơ bản trong cuộc sống của người nữa hay không?
"Khủng hoảng kết hôn": Không chỉ là câu chuyện của riêng Trung Quốc

Nguồn: Reuteurs

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 4/12 vừa qua, trang tin Yicai dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố cho thấy, trong năm 2021 chỉ có khoảng 11,58 triệu người đăng ký kết hôn lần đầu ở quốc gia đông dân nhất thế giới, giảm khoảng 708.000 trường hợp so với năm trước đó.

Kể từ năm 1985, số lượng người đăng ký kết hôn ở đất nước tỷ dân luôn ở trên mức 12 triệu người mỗi năm, kỷ lục là 23,8 triệu người vào năm 2013. Như vậy, kể từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm đến 51,5%. Đây là một con số đáng báo động với quốc gia đang đối mặt với tình trạng già hoá dân số.

Trước đó, Theo Business Insider, ngày nay, nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc không hứng thú với việc kết hôn, thậm chí coi hôn nhân như một rào cản đối với cuộc sống kinh tế độc lập.

Một cuộc khảo sát được tiến hành với 2.905 thanh niên chưa kết hôn cho thấy, tỷ lệ phụ nữ thành thị Trung Quốc trong độ tuổi 18-26 không muốn kết hôn là 44%, còn ở nam giới con số này là 25%.

2. Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng “khủng hoảng kết hôn" ở Trung Quốc?

Đầu tiên, số lượng thanh niên trong nhóm tuổi kết hôn (20-40 tuổi) ở đất nước tỷ dân là không nhiều. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, trong khi khoảng 223 triệu người sinh trong khoảng 1980-1989, chỉ có 163 triệu người sinh từ năm 2000 đến 2009 (trong nhóm này, chỉ có những người sinh năm 2000 mới đủ tuổi kết hôn hợp pháp).

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng về giới tính cũng là một trong những nguyên do dẫn tới thực trạng trên. Sự chênh lệch giữa số lượng nam và nữ ở độ tuổi 20-40 trong cuộc điều tra được thực hiện vào cuối năm 2021 là 17,5 triệu.

Như vậy, khá nhiều đàn ông ở Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng độc thân lâu dài với tỷ lệ chênh lệch như này.

alt
Nguồn: Xinhua

Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ Trung Quốc độc thân lo ngại rằng hôn nhân sẽ khiến họ phải hy sinh tự do tài chính. Một cuộc khảo sát độc lập cho thấy 43,5% phụ nữ độc thân do dự việc kết hôn vì lo lắng điều đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.

Còn 53,6% nam giới được khảo sát cho biết lý do chính khiến họ duy trì tình trạng độc thân là sợ chưa đủ tài chính để chăm lo cho gia đình.

Thứ hai, sở hữu bất động sản cũng là một trong những yếu tố khiến thế hệ trẻ Trung Quốc ngần ngại việc kết hôn. Giữa bối cảnh giá bất động sản tăng vọt, không mua nổi một căn nhà có thể phá hỏng mối quan hệ của nhiều cặp đôi.

Cùng với đó là cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt, chi phí nuôi dạy con cái ngày càng đắt đỏ.

Lý do cuối cùng được đưa ra là việc giảm tiếp xúc trực tiếp, gặp mặt hẹn hò trong đại dịch Covid-19 cũng khiến việc kết hôn hoãn lại. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chính sách Zero Covid.

3. Hệ quả của cuộc khủng hoảng này như thế nào?

Theo các chuyên gia, tỷ lệ kết hôn giảm không phải vấn đề đáng báo động, nhưng nó sẽ kéo theo tỷ lệ sinh thấp và dân số già đi nhanh chóng nếu tình trạng duy trì. Khoảng 10,6 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm 2021. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1961, theo tạp chí Sixth Tone.

Già hóa dân số cũng trở thành vấn đề báo động đối với Trung Quốc: lực lượng lao động thu hẹp, ít nhân lực có trình độ hơn và hàng triệu người già cần được chăm sóc sức khỏe. Ủy ban Dân số Quốc gia Trung Quốc dự báo, dân số đất nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2025.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2035 với hơn 30% dân số trên 60 tuổi.

alt
Nguồn: Dispatch

Cuối cùng, nền kinh tế thị trường vận hành dựa trên mối quan hệ gia đình và các cặp đôi như bất động sản, dịch vụ cưới hỏi, sản phẩm trẻ em sẽ gặp không ít thách thức khi sức mua và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

4. Trung Quốc đã có những chính sách gì để khuyến khích giới trẻ lập gia đình?

Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất các chính sách để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ kết hôn và sinh thêm con, bao gồm giá bất động sản thấp hơn và các điều kiện thế chấp thuận lợi.

Ngoài ra, đất nước tỷ dân đã bỏ chính sách một con vào năm 2015, theo đó cho phép mỗi gia đình có từ hai con. Kể từ năm ngoái, Trung Quốc cũng cho phép các cặp đôi sinh tối đa 3 con.

Bên cạnh đó, các ưu đãi về giá thuê, mua nhà cho các cặp đôi, thưởng tiền cho người sinh con, kéo dài thời gian nghỉ thai sản cũng đang được áp dụng tại nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, những bà mẹ đơn thân hay đã ly dị ở đất nước này lại đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bao gồm những khó khăn trong quá trình làm giấy khai sinh - dù cho một nhà lập pháp gần đây đã kêu gọi Chính phủ nước này xem xét lại những quan điểm về trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân.

5. Các quốc gia khác có phải đối mặt với tình trạng này không?

Không chỉ ở Trung Quốc, một công bố mới đây trên tờ Economist đã khiến nhiều người bất ngờ trước sự thay đổi chóng mặt về quan điểm hôn nhân của phụ nữ châu Á. Họ có xu hướng kết hôn trễ hoặc sống độc thân suốt đời và không thích sinh con.

Ở các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong, độ tuổi kết hôn phổ biến của phụ nữ là 29-30. Thậm chí, con số này còn cao hơn ở Mỹ và một số nước phương Tây vì độ tuổi kết hôn trung bình của họ chỉ 26.

alt
Nguồn: Reuters

Bất chấp nhiều nỗ lực và chính sách khuyến khích kết hôn của chính phủ, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới khi người trẻ vẫn thờ ơ với chuyện kết hôn, sinh con.

Tại Nhật Bản, các cặp đôi mới kết hôn có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 yên để trang trải phí thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới từ đầu năm 2021.

Ở Việt Nam, “bức tranh” xu hướng kết hôn cũng có rất nhiều biến động lớn trong 30 năm trở lại đây.

Số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019. Như vậy, trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi.

Như vậy, không chỉ ở Trung Quốc, “khủng hoảng kết hôn” đang là một bài toán cấp thiết và cần rất nhiều lời giải cho các quốc gia phát triển và đang phát triển ở châu Á. Và không chỉ thế, quan hệ gia đình có còn là mối quan hệ cơ bản trong cuộc sống của người nữa hay không?