Những khán giả tiêu cực nhất thường cho rằng Hollywood giờ đây đã cạn kiệt ý tưởng và bị bão hòa bởi những tác phẩm tiền, hậu và ngoại truyện. Không khó để thông cảm với lối suy nghĩ của họ, khi quả thực những chuỗi phim và vũ trụ điện ảnh đang mọc lên liên tiếp, với sự dao động lớn về mặt chất lượng.
Vậy nên khá kỳ lạ là một chuỗi phim từ thập niên 60, đã im hơi lặng tiếng suốt gần bốn thập kỷ (trừ một nỗ lực reboot thất bại), giờ đây lại đang âm thầm sống khỏe với các phần phim liên tục được đánh giá cao.
Kingdom of the Planet of the Apes, hậu truyện đầu tiên sau 7 năm của Hành Tinh Khỉ, tiếp tục đưa series theo những phương hướng mới thú vị, đồng thời tinh tế tri ân và khai thác thế giới mà ba phần phim trước đã tỉ mỉ xây dựng nên. Và dù chưa thể leo cao như câu chuyện của Caesar, Kingdom vẫn có tiềm năng dẫn dắt chuỗi phim Hành Tinh Khỉ đến một chân trời mới.
Bài viết sẽ tiết lộ nội dung của bộ phim Kingdom of the Planet of the Apes.
Khi “đấng cứu thế” không còn là trọng tâm
Kingdom of the Planet of the Apes diễn ra nhiều thế kỷ sau câu chuyện của ba phần phim trước. Phần lớn nhân loại đã bị càn quét bởi thứ virus được gọi tên là “cúm linh trưởng”, những người còn sống sót mất đi trí thông minh và khả năng giao tiếp, trở thành những sinh vật hoang dã.
Caesar, chú vượn sở hữu trí khôn siêu việt từng dẫn dắt các loài linh trưởng thoát khỏi sự giam cầm và săn lùng của loài người, đã qua đời và trở thành một truyền thuyết xa xưa.
Bộ tộc của Noa, nhân vật chính của Kingdom, không còn nhớ Caesar là ai. Họ sống hòa bình giữa rừng rậm, thuần phục những chú chim đại bàng. Nhưng cũng giống như lịch sử loài người, các bộ lạc nguyên thủy không thể sống biệt lập và bình yên mãi mãi.
Một tộc vượn khác, hiếu chiến và nguy hiểm hơn vì đã phát hiện được cách tạo ra điện, bất chợt xuất hiện và đốt ngôi làng của Noa để tìm kiếm một “Tàn dư” - cách mà bộ tộc của nhân vật chính gọi con người. Chúng bắt Tộc Đại bàng làm nô lệ, buộc Noa phải dấn thân vào chuyến hành trình để giải cứu.
Và Noa không đơn độc trong chuyến phiêu lưu này. Trên đường, cậu bắt gặp Raka - một lão đười ươi thân thiện và thông thái vẫn răm rắp noi theo lời răn dạy hòa bình của Caesar xưa kia, và Mae - cô gái đơn độc vì một lý do nào đó vẫn chưa mất đi tiếng nói và trí thông minh của mình.
Và kẻ mà họ phải tìm đến đối mặt, thủ phạm đã ra lệnh săn lùng Mae và phá hủy ngôi làng của Noa, là Proximus Caesar. Lấy tên của Caesar và bóp méo những lời dạy của nhân vật huyền thoại kia để trị vì vương quốc của mình bằng nỗi sợ, Proximus tìm mọi cách để truy hồi được công nghệ của loài người xưa kia.
Kỳ tích về công nghệ và hình ảnh
Kể từ Dawn of the Planet of the Apes năm 2011, hình ảnh và kỹ xảo luôn là yếu tố đặc sắc nhất của chuỗi phim Hành Tinh Khỉ, kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật làm phim truyền thống và công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture) để tạo ra những nhân vật phức tạp cả về tạo hình lẫn nội dung.
Điều này tiếp tục được thừa hưởng bởi Kingdom of the Planet of the Apes. Không còn là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn nơi Caesar và đồng đội đánh du kích, Kingdom đưa chúng ta tới một thế giới hậu tận thế kỳ vĩ và tráng lệ, nơi những tàn dư của nền văn minh bị tái chinh phục bởi thiên nhiên.
Quyết định quay ngoài trời thay vì sử dụng không gian ảo càng đem đến cho Kingdom một cảm giác “thật”, với những nhân vật vượn như chìm vào môi trường xung quanh khiến khán giả đôi khi quên mất rằng thực chất họ đang xem hoạt hình.
Nhưng không phải hậu cảnh hùng vĩ, mà những chi tiết vi mô mới là thứ gây ấn tượng nhất của bộ phim.
Đã hàng thế hệ trôi qua kể từ thời của những chiếc mặt nạ cao su vô hồn của phần phim năm 1968. Giờ đây, khuôn mặt của những diễn viên chính Owen Teague và Kevin Durand được chuyển hóa thành vượn với sự tỉ mỉ trong từng nếp nhăn và cọng lông, khắc họa chi tiết toàn bộ những biểu cảm phức tạp của nhân vật.
Nếu không có điều này, những phân cảnh giàu cảm xúc nhất của bộ phim, như khi Noa sợ hãi chứng kiến ngôi làng mình đang bốc cháy, hay màn diễn văn sặc mùi kênh kiệu của Proximus sẽ không thể có được sức nặng mong muốn.
Câu chuyện tinh tế, nhưng chưa đủ
Ở một góc độ nào đó, phần 4 của một chuỗi phim sở hữu nhiệm vụ khó bậc nhất, hoặc chí ít là khó hơn phần đầu tiên. Kingdom, với nhiệm vụ vừa phải làm cầu nối với ba phần phim cũ và tiếp tục phát triển series, không có sự xa xỉ để đóng vai một tác phẩm độc lập như Dawn of the Planet of the Apes, với một kịch bản được phép khép lại hoàn chỉnh và hướng tiếp cận theo lối nếu-đủ-hay-thì-sau-tính-tiếp.
Đối với Kingdom, cách tiếp cận của đạo diễn Wes Ball và biên kịch Josh Friedman tương đối khôn ngoan, tập trung vào một câu chuyện đủ nhỏ và đủ biệt lập để tiếp tục phát triển chuỗi phim.
Giờ đây, quá nhiều phần hậu truyện sẽ nhờ cậy vào những liên kết đơn giản như easter eggs hay nhân vật cũ để chiều lòng fan hâm mộ. Kingdom, trong khi đó, lựa chọn khai thác và phát triển thế giới mà những người tiền nhiệm đã tạo ra, thay vì lạm dụng nó.
Điển hình nhất là Noa, một chú vượn tầm thường, không sở hữu bất kỳ mối liên kết nào với những nhân vật trước đây, qua đó phá được chiếc bẫy “người được chọn” mà nhiều series khác đã rơi vào.
Những gì còn để lại từ câu chuyện của Caesar, đặc biệt là những thông điệp của nhân vật này bị lãng quên hoặc bóp méo, trở thành ẩn dụ cho cách con người thao túng và lượm nhặt có chọn lọc đức tin.
Về cấu trúc, nửa đầu của Kingdom giống như một bộ phim phiêu lưu theo sát khuôn mẫu hero’s journey của văn học. Nửa sau, khi các nhân vật chính được đưa tới vương quốc của Proximus, Kingdom lại khiến khán giả có cảm giác như đang xem một bộ phim sử thi giống Gladiator, với nhân vật chính tìm cách trốn thoát khỏi sự giam cầm của một tên đế vương độc tài.
Cũng ở nửa sau là khi Kingdom tìm cách lồng ghép những câu hỏi và vấn đề phức tạp của bộ phim.
Chúng ta biết Proximus là phản diện, nhưng khán giả nên cổ vũ cho Noa hay Mae, cho nhân vật chính mà chúng ta đã đồng hành cả bộ phim, hay cho chính chúng ta - con người? Các loài linh trưởng kia có mặc định được thừa hưởng những gì từng là của con người không? Và sự hòa bình giữa con người và vượn liệu có thể tồn tại khi cả hai đều có mục đích riêng?
Nhưng những câu hỏi này chỉ được khám phá lướt qua một cách khái quát nhất. Các nhân vật của Kingdom cũng không được thiết kế với chiều sâu có thể sánh ngang với Caesar. Kể cả những hoài nghi giữa Noa và Mae, điều tạo nên một cán cân thú vị trong mối quan hệ của hai nhân vật này, cũng không được phát triển quá nhiều. Và ngay khi những chi tiết thú vị nhất được hé lộ, thì bộ phim đã nhanh chóng đi tới hồi kết.
Tương lai của Hành Tinh Khỉ
Giống như lời dạy của Caesar, “Apes together strong”, Kingdom khó để đứng độc lập và thu hút khán giả mới, ổn dành cho những khán giả của ba phần phim trước, và thú vị đối với các fan của toàn bộ chuỗi phim từ thập niên 60.
Bởi lẽ gần như tất cả những bộ phim Hành Tinh Khỉ trước đây đều cố gắng trả lời một câu hỏi: Làm sao Trái đất biến thành hành tinh khỉ. Kingdom, trong khi đó, lại đặt ra một câu hỏi khác, rằng bộ phim này và ba phần trước sẽ đưa chúng ta đến bối cảnh của nguyên tác, khi nhân vật của Charlton Heston hạ cánh xuống Trái đất năm 3978 như thế nào?
Những ai có sẵn câu hỏi đó trong đầu sẽ cảm thấy thích thú khi mò đoán về câu chuyện của nhân vật Mae. Liệu chuỗi phim Hành Tinh Khỉ mới sẽ có một màn tiết lộ động trời tựa như phân cảnh tượng Nữ thần Tự do trong bộ phim năm 1968 không?
Khó khăn lớn nhất mà Kingdom of the Planet of the Apes gặp phải, có lẽ là bộ phim đã cố gắng để kể một câu chuyện hấp dẫn, nhưng dường như nó phải kết thúc quá nhanh, để dành những cốt truyện thú vị, những xung đột, những phát triển nhân vật cho các phần phim tiếp theo.
Tuy nhiên, mọi sự tiến hóa đều không thể diễn ra một sớm một chiều, kể cả khi tên phản diện của Kingdom có mong muốn khác. Kingdom of the Planet of the Apes vẫn là một bước tiến hóa, dù không quá lớn, để đưa chuỗi phim đến với tương lai.
Bộ phim có thể không sở hữu sự độc đáo và phức tạp như ba tác phẩm tiền nhiệm, song vẫn chứa đựng đủ sự giải trí và mãn nhãn cho một phim bom tấn mùa hè, và khiến nhiều người hâm mộ háo hức cho những phần tiếp theo.