Những chiếc bánh baguette truyền thống, sourdough, soft bread, croissants, và pain au chocolat quá đỗi quen thuộc là những sản phẩm điển hình mà các học viên tại La Boulangerie Francaise – HCMC làm ra.
Đây không chỉ là một ngôi trường dạy nghề làm bánh. Với khẩu hiệu “We Bake For Change,” trường dạy nghề này giúp các bạn đến từ gia đình có mức thu nhập thấp có một tương lai tươi sáng hơn. La Boulangerie Francaise tại Sài Gòn dựa theo mô hình giáo dục của chi nhánh tại Huế, và ngôi trường tại Huế này đã hoạt động được 20 năm.
Dự án này có được một phần tài trợ từ French Development Agency (AFD), một tổ chức phân chia tiền quỹ từ nhà nước Pháp để tài trợ những dự án xã hội. La Boulangerie Francaise – HCMC hợp tác với Trường Cao Đẳng Công Nghệ Thủ Đức và Viện Hợp Tác Phát Triển Châu Âu (IECD) để duy trì chương trình học, cơ sở vật chất, và nơi ở cho các học viên học tập và sinh sống.
Hiện nay trường cung cấp bánh Pháp cho các nhà hàng quanh quanh thành phố như Cafe Marcel. La Boulangerie Francaise có rất nhiều mục tiêu. Một trong số đó là nâng tầm giá trị của nghệ thuật làm bánh Pháp tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt kém may mắn có một tương lai sáng hơn.
Vietcetera đã có một buổi ghé thăm trường và tìm hiểu thêm về dự án này cũng như sức ảnh hưởng đối với các học viên tại đây.
Không chỉ dạy nướng bánh
Học viên được đào tạo dựa theo các tiêu chí được áp dụng trong nghề làm bánh tại Pháp. Đó là Certificat d’Aptitude Professionelle (CAP). Lớp học làm bánh Pháp bắt đầu vào buổi sáng lúc 6 giờ. Các bạn được hướng dẫn các kĩ năng cơ bản làm bánh. Ngoài ra, các bạn còn được học các kỹ năng sống như tiếng Anh, vệ sinh, quản lý thời gian vào buổi chiều. Việc đến đúng giờ là một yêu cầu nghiêm khắc đối với tất các học viên, để các bạn hiểu rằng đến trễ có thể gây ảnh hưởng đến một tập thể. Ngoài ra, việc này còn giúp các bạn giữ được thái độ đúng đắn khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Mỗi học viên đều có cơ hội để đảm nhiệm vị trí nhóm trưởng, như là nhóm trưởng phụ trách việc dọn dẹp hoặc nhóm trưởng phụ trách việc làm bánh. Dựa vào lịch học mà các bạn sẽ luân phiên nhau đảm nhiệm vị trí này. Trách nhiệm của nhóm trưởng phụ việc dọn dẹp đó là đảm bảo phòng học làm bánh được vệ sinh kĩ càng. Mục đính của việc đảm nhiệm vị trí nhóm trưởng là để dạy các bạn về trách nhiệm và vệ sinh. Còn người nhóm trưởng phụ trách làm bánh thông thường sẽ là người có kinh nghiệm nhiều hơn, và họ được ghép đôi với người chưa có kinh nghiệm. Việc làm nhóm này là một cách để học viên học về nghề bánh tại La Boulangerie Francaise.
Sau khi theo học một năm, các bạn sẽ được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp trong vòng 6 tháng. Học viện sẽ giúp các bạn định hướng nghề nghiệp dựa vào kĩ năng, mục tiêu và sở thích của mỗi người để làm các bạn được làm việc tại các khách sạn, nhà hàng phù hợp với khả năng của các bạn.
Một cộng đồng bền chặt
Chúng tôi gặp Điều Phối Viên Quyên Đoàn cùng hai bạn học viên hiện đang theo học tại đây, Uyên Đinh và Hoa Nguyễn để biết được trải nghiệm của họ tại ngôi trường đặc biệt này.
Hoa Nguyễn: Mình đi học nhưng không được hướng nghiệp, đi học cũng theo gia đình nhưng không có đam mê. Lúc đó thu nhập của gia đình mình cũng không còn đủ điều kiện cho mình học tiếp, nên mình cũng không còn đi học nữa. Có một ngày mình đang lướt facebook và thấy một số bài share lại thông tin về khóa học này và quyết định nộp đơn.
Hiện tại mình thấy cuộc sống khá thoải mái. Cơm ngày ba bữa, và tụi mình không cần lo cuộc sống bên ngoài. Nói về môi trường học thì có sự tôn trọng lẫn nhau. Mình thích nhất ở các thầy là mình làm sai cái gì, thầy luôn giải thích lý do khi mình làm sai. Môi trường này cũng khá nhiều thử thách nhưng cũng có nhiều cơ hội.
Trước khi học khóa học này, mình chưa được định hướng rõ ràng lắm. Bây giờ thì có những lớp kĩ năng sống để giúp mình định hướng bản thân, định hướng thời gian. Mình cũng học được tầm quan trọng của làm việc nhóm. Sự sai sót của một người có thể liên quan đến một tập thể, và từ đó mình biết nhấn cái tôi của mình xuống và hòa đồng với mọi người tốt hơn.
Uyên Đinh: Trong khoảng thời gian lên Đại học thì mẹ mình bị bệnh ung thư phổi. Cho nên mình quyết định ở nhà chăm sóc mẹ. Sau khi mẹ mất thì mình không còn điều kiện để đi học. Con gái ở dưới quê không đi học hoặc có nghề thì trong một vài năm tới phải đi lấy chồng, và mình không thích điều đó.
Vô tình có một người bác nói với mình còn một suất học tại đây, và mình quyết định đăng khi phỏng vấn.
Đối với một team chỉ có 5 người, thì mình được thử tất cả các vị trí. Số lượng nhân sự với số lượng công việc khá là nhiều, tuy nhiên mình luôn cảm thấy được tôn trọng và giúp đỡ.
Mình thay đổi rất nhiều sau khi học khóa học này. Mình thay đổi nhất là sự tự tin và biết được làm việc nhóm rất quan trọng. Mới đầu mình không được như bây giờ, cái gì cũng kém, từ tiếng anh đến kĩ năng, nói chuyện cũng rất là ngại. Từ khi ở đây được rèn luyện, mình được tiếp xúc với các bạn, các thầy cô, và được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mình rất biết ơn vì điều đó.
Quyên Đoàn: Chị trước đây làm cho NGO khác trong vòng 5 năm. Làm sau 5 năm chị nghĩ phải thay đổi vào một môi trường mới. Lúc đầu chỉ được liên hệ để dạy kỹ năng sống cho các bạn. Sau khi dạy kĩ năng sống cho các bạn khóa đầu tiên, chị thấy các bạn rất dễ thương nên muốn gắn bó với trường hơn. Chị thấy dự án này rất thiết thực. Mình không chỉ cung cấp nhận thức mà còn cung cấp cái nghề cho các bạn. Khi các bạn có cái nghề thì sẽ có cơ hội thay đổi tương lai và hỗ trợ gia đình.
Xem thêm:
[Bài viết] Chef’s Story: Bếp trưởng Cafe Marcel và hành trình chinh phục ẩm thực Pháp
[Bài viết] Chef’s Story: Hungazit – Sự đan xen giữa cũ và mới trong ẩm thực