Làm gì để giúp đỡ người mắc chứng trầm cảm sau sinh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 02, 2022
Chất Lượng Sống

Làm gì để giúp đỡ người mắc chứng trầm cảm sau sinh?

Những bà mẹ sau sinh là nhóm đối tượng rất dễ tổn thương, nhưng đôi khi họ lại chưa có được sự quan tâm, săn sóc đúng mức.  
Làm gì để giúp đỡ người mắc chứng trầm cảm sau sinh?

Nguồn: Npr

Vừa qua, trong một nhà trọ ở quận Bình Tân, người ta phát hiện một người phụ nữ tử vong trong tư thế treo cổ, còn con gái tử vong trong máy giặt. Trước đó, người phụ nữ này có dấu hiệu trầm cảm. Tại Hà Tĩnh mới đây cũng xảy ra một sự việc thương tâm tương tự, sau khi bị nghi sát hại đứa con qua đời, người mẹ toan tự tử nhưng không thành.

Những sự việc trên cho ta thấy, những bà mẹ sau sinh là nhóm đối tượng rất dễ tổn thương, nhưng đôi khi họ lại chưa có được sự quan tâm, săn sóc đúng mức.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, cứ 7 bà mẹ thì có 1 người có khả năng mắc trầm cảm sau sinh. Đây là tình trạng người phụ nữ mới sinh bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng. Nếu kéo dài, họ có thể xuất hiện ý nghĩ làm hại con và chính bản thân họ.

Nếu bạn là người gần gũi hoặc là người nhà của người mắc chứng trầm cảm sau sinh, dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp đỡ họ.

Hiểu về trầm cảm sau sinh

Thực tế, rối loạn cảm xúc, ủ rũ, hay cáu gắt có thể chỉ là biểu hiện của hội chứng baby blues (nỗi buồn thoáng qua sau sinh). Có đến 80% phụ nữ mắc phải hội chứng này.

Nguyên nhân đến từ việc thay đổi hormone, hoặc căng thẳng, thiếu ngủ do thói quen sinh hoạt bị đảo lộn. Hội chứng này thường bắt đầu 1 - 3 ngày sau sinh, có thể kéo dài đến 1 tuần, nhưng sẽ giảm dần vào tuần thứ hai.

Vì cùng chung biểu hiện, baby blues và trầm cảm sau sinh dễ bị nhầm lẫn với nhau. Baby blues là hội chứng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài quá 2 tuần hoặc trở nên tệ hơn, rất có thể họ đang bị trầm cảm sau sinh. Một số biểu hiện có thể kể đến:

  • Ngủ rất ít hoặc rất nhiều;
  • Thường khóc mà không có lý do cụ thể;
  • Mất kiểm soát trong hành động và suy nghĩ;
  • Thờ ơ, không giao tiếp và rất dễ khó chịu với người xung quanh;
  • Thường cảm thấy đau nhức, cả về tinh thần lẫn thể chất;
  • Khó tập trung suy nghĩ, luôn trong cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực;
  • Không quan tâm nhiều đến con cái, thậm chí có suy nghĩ làm hại bản thân và con.
Trầm cảm sau sinh Nguồn Shutterstock
Nếu baby blues kéo dài, rất có thể người mẹ đang bị trầm cảm sau sinh | Nguồn: Shutterstock

5 Điều bạn có thể làm để giúp người bị trầm cảm sau sinh

Một trong những lý do khiến cho việc điều trị trầm cảm sau sinh trở nên khó khăn chính là việc người mẹ thiếu thời gian dành cho bản thân như nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc hay ăn uống lành mạnh. Dưới đây là một số điều mà bạn có thể làm để hỗ trợ người mẹ.

Thừa nhận những cảm xúc họ đang có

Nhiều người thường động viên người khác bằng cách thay thế cảm xúc tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực. Nhưng thực ra, những câu nói “Đừng nghĩ như vậy, em thấy chị đang làm mẹ rất tốt đấy chứ” có thể phản tác dụng, khiến họ cảm thấy tội lỗi vì không làm tốt như người khác đang nhìn nhận.

Thay vào đó, trước hết bạn nên thừa nhận những cảm xúc mà họ đang có, “Chắc thời gian qua chị mệt lắm đúng không?”, “Chị đang lo về vấn đề gì nhất?”.

Bác sĩ Nicole Highet, giám đốc điều hành của COPE - trung tâm hỗ trợ người gặp vấn đề sau sinh con, chia sẻ, bạn nên khuyến khích người trầm cảm sau sinh nói về cảm xúc thật sự của họ. Thậm chí, nhìn thẳng vào vấn đề và thừa nhận rằng việc nuôi con rất khó khăn còn giúp họ cảm thấy tốt hơn.

Nếu được, bạn cũng có thể kể một vài câu chuyện tương tự bạn đã chứng kiến, chia sẻ trải nghiệm cá nhân.

Lưu ý, đừng so sánh vấn đề của họ với ai khác. Bạn kể là để cho thấy bạn đồng cảm với họ, và để họ cảm thấy bớt đơn độc hơn trong hành trình vượt qua trầm cảm.

Để ý và khen những điều nhỏ nhặt

Những người trải qua trầm cảm sau sinh rất dễ nảy sinh suy nghĩ: tôi không phải phụ huynh tốt, tôi không đủ khả năng chăm sóc con. Lúc này, những lời nói cổ vũ và trấn an đến từ bên ngoài rất quan trọng. Tuy nhiên, một lời khen hiệu quả nên đến từ những trường hợp cụ thể.

Ví dụ, sau rất nhiều nỗ lực, họ thành công ru em bé ngủ, hoặc lần đầu tiên sau nhiều tháng, họ tự nấu một bữa ăn tử tế. Đối với họ là cả một chiến tích, nhưng người khác có thể nhìn nhận đây là một điều hiển nhiên của bất kỳ một bà mẹ nào.

Là một người bạn, người thân, bạn có thể khen ngợi những “chiến tích” như vậy của họ. Dù nhỏ thôi, nhưng đủ để cho thấy họ thực sự đã cố gắng và mọi thứ đang dần được chữa lành. Bác sĩ Todd Thatcher của trung tâm tư vấn tâm lý Valley Behavioral Health cũng đánh giá cao việc khen ngợi những điều nhỏ nhặt của đối phương.

Ngưng hỏi và chủ động đề nghị giúp đỡ

Do sợ làm phiền người khác hoặc không biết phải làm gì, chúng ta thường đề nghị “Nếu bạn cần gì thì cứ gọi tôi”. Nhưng có lẽ, đối với một người mẹ trầm cảm và thiếu ngủ triền miên, bản thân họ cũng không biết mình cần gì và người khác có thể hỗ trợ họ thế nào.

Chủ nghĩa hoàn hảo là một trong những tác nhân gây nên trầm cảm sau sinh. Nhiều bà mẹ cảm thấy áp lực trong việc cân bằng giữa việc nhà và con cái, họ cũng đặt ra những kỳ vọng quá cao. Hãy giúp họ hiểu, họ không nên tự làm mọi thứ một mình trong giai đoạn này, và đừng ngại đón nhận sự giúp đỡ từ người khác.

Bác sĩ Nicole Highet cũng đưa ra lời khuyên, bạn có thể chủ động yêu cầu giúp đỡ họ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như phụ việc nhà để họ có thời gian chăm con, chăm sóc em bé để họ có thời gian ngủ nghỉ, chuẩn bị các món ăn nhiều dinh dưỡng.

Nếu được hatildey chủ động đề nghị giuacutep đỡ bằng hagravenh động cụ thể Nguồn Shutterstock
Nếu được, hãy chủ động đề nghị giúp đỡ bằng hành động cụ thể | Nguồn: Shutterstock

Đi gặp bác sĩ cùng họ

Những lần tái khám, kiểm tra sức khỏe sau sinh con đôi khi tập trung vào trạng thái thể chất của hai mẹ con mà bỏ quên sức khỏe tinh thần người mẹ.

Bạn có thể hỏi xin đi cùng nếu chồng họ không đi được. Khi trao đổi với bác sĩ, bạn có thể nhân cơ hội này nêu lên một số vấn đề họ không dám hỏi. Qua đó, những biểu hiện bất ổn của người mẹ sẽ sớm được phát hiện hơn.

Đảm bảo sức khỏe tinh thần của bản thân

Chăm sóc người mắc trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chính bạn. Không tránh khỏi những lúc họ vô tình nổi giận và nói những lời không hay. Có thể bạn sẽ tự trách bản thân, cảm thấy quá tải hay kiệt sức.

Hãy yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần từ phía cha mẹ, người thân, bạn bè của họ. Bạn cũng có thể kết nối với những cặp đôi đã từng trải qua trầm cảm sau sinh để có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc người bệnh và bản thân, bắt đầu từ việc tham gia một số hội nhóm như “Nhóm Các Mẹ Sau Sinh ✔️” (225.000 thành viên)

Kết

Trầm cảm sau sinh phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Vì một phần nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là việc thay đổi hormone, nên với những trường hợp nặng, người mẹ cần dùng đến thuốc cũng như điều trị tâm lý.

Việc điều trị trầm cảm không phải ngày một ngày hai. Hơn hết, họ cần khá nhiều sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Là người thân, người đồng hành, bạn có thể giúp người mẹ vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời.

Hãy kiên nhẫn một chút, vì bạn đang không chỉ giúp một mình họ, mà còn giúp cho cả đứa con và gia đình nhỏ của họ.