Làm gì khi bị "bán mặt" trên mạng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Làm gì khi bị "bán mặt" trên mạng?

Không phải cứ làm KOLs là "hốt" được tiền hay sung sướng.

Làm gì khi bị "bán mặt" trên mạng?

Làm gì khi hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái phép. | Nguồn: Facebook Trấn Thành

Mới đây, diễn viên, MC Trấn Thành chia sẻ lên trang cá nhân việc hình ảnh của anh bị một cửa hàng bán ghế massage sử dụng trái phép. Điều này khiến công chúng nhớ ngay đến loạt nghệ sĩ như Mỹ Tâm, Justatee, Hari Won, Trương Thế Vinh… cũng từng bị “dùng nhầm" hình ảnh cá nhân để quảng cáo, bán hàng.

Với nhiều nền tảng chia sẻ ảnh và video như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hình thức quảng cáo không hợp pháp. Nếu một sáng thức dậy, hình của bạn bỗng bị phát tán để “minh họa” cho một hãng kem trộn, bạn sẽ làm gì?

Lựa chọn 1: Lên mạng thanh minh

Không ít nghệ sĩ, KOLs lựa chọn cách này khi hình ảnh của họ bị “bán” vô tội vạ trên mạng. “Bố già" Trấn Thành đã hai lần chia sẻ trên trang cá nhân, khẳng định anh không liên quan tới nhãn hàng và nhờ luật sư làm đơn khởi kiện.

Có thể thấy, phương án lên mạng “thanh minh" khá nhanh gọn, không chỉ thông báo về hành vi sai trái của nhãn hàng mà còn tranh thủ sự ủng hộ của người hâm mộ. Tuy nhiên, gốc rễ sự việc nhiều khi bị bỏ ngỏ… cho đến khi báo chí, hoặc cơ quan chức năng vào cuộc.

Lựa chọn 2: Làm việc thẳng với nơi đăng ảnh trái phép

Trong nhiều trường hợp, yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh và thông báo đính chính của bạn sẽ được chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bạn sẽ nhận được “cái lắc đầu" đầy thách thức của nơi sử dụng ảnh trái phép.

Trấn Thagravenh Hari Won
Trấn Thành - Hari Won bị sử dụng hình ảnh trái phép để quảng bá quán ăn. | Nguồn: Facebook

Bạn nên lường trước mức độ nguy hại cũng như khả năng xử lý của nơi đã dùng hình ảnh trái phép để có biện pháp hợp lý. Trong lúc tiến hành làm việc với nơi đã sử dụng ảnh trái phép, bạn nên thu thập bằng chứng để tự bảo vệ mình:

  • Chụp lại tất cả hình ảnh được sử dụng trái phép có liên quan đến bạn.
  • Chụp ảnh hoặc ghi âm lại cuộc trao đổi giữa bạn và nơi đăng ảnh, video trái phép.

Lựa chọn 3: Tìm đến cơ quan chức năng

Nếu “gõ trống kêu oan" trên mạng hay làm việc với nhãn hàng sử dụng hình ảnh trái phép không hiệu quả, chúng ta có thể tìm tới cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

ca sĩ Trương Thế Vinh
Ca sĩ Trương Thế Vinh yêu cầu một nhãn hàng thời trang trả 25.000.000 đồng vì sử dụng hình ảnh trái phép. | Nguồn: Facebook Trương Thế Vinh

Điều 32 - Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Ngoài ra, Điều 51- Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng quy định về hành vi cấm trong hoạt động trong quảng cáo. Theo đó, xử lý phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với với một trong hai hành vi:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Nghị định 15/2020 có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Trong “cuộc chiến” chống lại những hành vi sử dụng hình ảnh với mục đích không được cho phép hay sai trái, luật pháp luôn bảo vệ chúng ta.