Tóm Lại Là: Cách ly xã hội toàn quốc là đến mức nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Cách ly xã hội toàn quốc là đến mức nào?

Gần 2 tỉ người trên thế giới đang phải cách ly xã hội, trong đó có Việt Nam. Trong lúc cách ly thì phải làm gì đây?
Tóm Lại Là: Cách ly xã hội toàn quốc là đến mức nào?

Cách ly xã hội toàn quốc là đến mức nào?

1. Cách ly xã hội là gì?

Hôm nay (31/03), Chính phủ đã ban chỉ thị cách ly xã hội toàn quốc trong vòng 15 ngày có hiệu lực từ 01/04, nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Cách ly xã hội (extensive social distancing) là khi mọi người dân được yêu cầu không tiếp xúc với nhau gần hơn 2 mét. Tại hầu hết các quốc gia, đây là mức cao thứ nhì của social distancing, chỉ thấp hơn phong tỏa.

Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thuộc nhu yếu phẩm đều phải đóng cửa. Một số ít được mở bao gồm chuỗi cung ứng thực phẩm (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, nông sản), dịch vụ y tế (phòng khám, bệnh viện, tiệm thuốc), cửa hàng xăng, gas, và ngân hàng.

Các phương tiện giao thông cũng phải dừng vận chuyển khách công cộng, trừ trường hợp đặc biệt như đưa đón công nhân.

Các văn phòng được chỉ định cho nhân viên làm việc tại nhà sử dụng công nghệ, trừ những trường hợp bất khả kháng như xử lý tài liệu mật.

Người dân được yêu cầu ở trong nhà 24/7 trừ khi có việc quan trọng như:

  • Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men;
  • Cấp cứu;
  • Làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Như những nước khác trong thời gian cách ly xã hội, Việt Nam đóng cửa khẩu và tạm dừng hầu hết hoạt động xuất nhập cảnh.

2. Có bao nhiêu người trên thế giới đang bị cách ly xã hội?

Khoảng gần 2 tỉ người đang sống dưới lệnh cách ly xã hội, tức 20% dân số thế giới. Cứ 5 người thì có 1 người sáng nay thức dậy được chính phủ yêu cầu không ra khỏi nhà.

3. Những nơi nào đang phải cách ly xã hội?

Có ít nhất 30 nước đang thực hiện cách ly xã hội, thậm chí phong tỏa toàn quốc, ví dụ như Ấn Độ, Anh, Úc, Trung Quốc, Jordan, Argentina, Israel, Malaysia, Bỉ, Đức, Pháp, Ý, Cộng hòa Séc, Morocco, Kenya, Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy, Đan Mạch.

Hiện tại (31/03), ở Việt Nam, chưa thành phố nào bị phong tỏa mà mới dừng ở cách ly xã hội.

4. Tại sao phải cách ly xã hội?

Cách ly xã hội toàn quốc là mức cao gần nhất của hạn chế giao tiếp (social distancing). Đây chiến lược trọng yếu giúp kiểm soát dịch bệnh vì một lý do đơn giản: càng ít người gặp nhau, tốc độ lây lan càng giảm, từ đó tránh quá tải hệ thống y tế.

Virus corona cần 67 ngày để khiến số ca dương tính cán mốc 100,000 trên toàn thế giới – nhưng chỉ 4 ngày sau đó số ca đã là 200,000. Dù số ca tăng theo cấp lũy thừa, nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn di chuyển, tụ tập như thường khi chưa có chỉ thị toàn quốc.

5. Cách ly xã hội và phong tỏa có hệ quả gì?

Cách ly xã hội và phong tỏa là hai phương án tối ưu để ngăn chặn mọi đường lây nhiễm của virus, nhưng chúng để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia đã dự báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đợt cách ly xã hội hàng loạt trên nhiều quốc gia.

Chọn sức khỏe hay kinh tế là bài toán nan giải với mọi quốc gia. Lập trường của Chính phủ Việt Nam trong đại dịch rất rõ ràng: “Sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết.”

6. Cách ly xã hội thường kéo dài bao lâu?

Tại hầu hết các quốc gia, lệnh cách ly lần 1 thường là 14 ngày, và chính phủ sẽ xem xét gia hạn thêm hay kết thúc nếu có tín hiệu tốt. Tuy nhiên, với đa số các nước hiện tại, lệnh cách ly tiếp tục kéo dài hoặc tiến đến phong tỏa.

Tỉnh Hồ Bắc, điểm đầu của dịch bệnh, bị phong tỏa từ 23/01, tính đến nay đã hơn 2 tháng. Sau khi ban lệnh 12 ngày, số ca dương tính bắt đầu có dấu hiệu giảm, nhưng lệnh vẫn tiếp tục.

7. Làm gì nếu thành phố của bạn bị cách ly?

Lệnh cách ly xã hội thường được báo 24-48 giờ trước khi có hiệu lực. Dù bạn ở nơi nào trên thế giới, đây là 7 việc nên làm ngay sau khi nghe lệnh:

1. Chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm như đồ ăn và thuốc cho khoảng 7-14 ngày. Tuy nhiên, không cần tích trữ quá nhiều đồ ăn vì hầu hết siêu thị sẽ mở cửa. Hãy lên danh sách đồ cần mua trước khi đi siêu thị để tiết kiệm thời gian.

2. Liên tục cập nhật thông tin và hướng dẫn của Bộ Y tế cùng Chính phủ.

3. Thiết lập liên lạc với thế giới bên ngoài qua điện thoại và internet. Thông báo với người thân nếu đang ở xa nhà và đảm bảo liên lạc này ổn định trong suốt thời gian cách ly.

4. Kiểm tra lại tài chính dự phòng của mình. Đảm bảo các loại hóa đơn điện, nước đã được trả vì bạn không muốn bị cắt điện trong thời điểm này đâu!

5. Thống nhất với sếp và đồng nghiệp về cách làm việc từ xa.

6. Dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa cho gọn gàng, tiện nghi. Bạn sẽ “kẹt” ở đó trong nhiều ngày tới, nên hãy khiến không gian sống trở nên thoải mái nhất có thể.

7. Nếu được, hãy sắp xếp một góc trong nhà để tập thể dục. Ở trong nhà lâu không tốt cho sức khỏe tâm thần của bạn – những bài tập nhẹ có thể giúp đỡ phần nào.