Nhà thiết kế Lâm Gia Khang là điểm sáng của làng thời trang Việt trong vòng vài năm trở lại đây. Từ nhỏ, Lâm Gia Khang đã sớm ý thức được năng khiếu hội họa thiên bẩm của mình. Vào tiểu học, tiệm may của mẹ là nơi anh chơi đùa sau giờ tan trường. Sẵn có vải vóc, kéo thước và máy may, anh bắt đầu tập may những món đồ nho nhỏ. Ngày ấy và cả khi đã lên trung học, anh vẫn chưa biết đến khái niệm nhà thiết kế thời trang, lúc bấy giờ, nhà thiết kế tương lai chỉ nghĩ đơn giản là muốn trở thành một người thợ may giống mẹ.
Năm 2013, trong thời gian chờ nhập học theo chương trình học bổng tại Học viện Thiết kế và Thời trang London, Lâm Gia Khang quyết định tham gia chương trình Project Runway Việt Nam mùa đầu tiên. Năm ấy, anh lọt vào top 3 nhà thiết kế tài năng nhất của cuộc thi. Trước đó, Lâm Gia Khang cũng kịp trang bị cho mình ba năm kinh nghiệm trong nghề với việc thử sức tại nhiều vị trí khác nhau như trợ lý sau hậu trường và trợ lý cho nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường trong vòng hai năm.
Sau chiến thắng tại Project Runway Vietnam, Lâm Gia Khang tiếp tục giành ra hai năm để trau dồi kiến thức về thời trang, từ thiết kế đến kinh doanh. Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015, anh bắt tay vào gây dựng thương hiệu cá nhân. Nói về thiết kế của Lâm Gia Khang, người ta thường dùng những mỹ từ như thanh lịch, tinh tế, đơn giản và thời thượng. Cùng năm đó, anh đoạt giải Upcoming Fashion Designer of The Years của Elle Style Awards do Elle Việt Nam tổ chức.
Như một cánh chim không biết mệt mỏi, trong vòng ba năm, Lâm Gia Khang liên tiếp giới thiệu đến người yêu thời trang 11 bộ sưu tập và ghi tên mình vào danh sách 30 người trẻ thành công trước tuổi 30 của Forbes Việt Nam năm 2016. Tháng 5 vừa qua, anh cho ra mắt thương hiệu GIA STUDIOS, đánh dấu một chặng đường mới cho sự nghiệp của mình. Vietcetera đã cùng trò chuyện với nhà thiết kế Lâm Gia Khang về chặng đường vừa qua và những định hướng sắp tới cho thương hiệu GIA STUDIOS.
Phong cách mà thương hiệu Lâm Gia Khang theo đuổi từ những ngày đầu có gì khác với hiện tại?
Bắt đầu thương hiệu một cách ngẫu nhiên, ở thời điểm đó, chính tôi cũng chưa xác định được phong cách và hình ảnh mà mình muốn theo đuổi. Trong ba năm vừa qua, tôi đã thử nghiệm rất nhiều phong cách khác nhau. Dần dần, tôi phát hiện ra rằng xuyên suốt cả chặng đường, thiết kế của tôi luôn phản ánh rất rõ hai giá trị, đó là sự thanh lịch và tinh tế. Và tôi tin rằng chính những giá trị này đã, đang và sẽ khiến các nàng thơ, khách hàng của mình muốn đồng hành cùng thương hiệu Lâm Gia Khang.
Nàng thơ là một danh xưng luôn gắn liền với thương hiệu của anh, anh có thể miêu tả về những nàng thơ của mình được không?
Nàng thơ là cách tôi gọi những người phụ nữ xung quanh mình. Họ là bạn bè thân thiết và cũng là những khách hàng thân thiết của thương hiệu – những người phụ nữ thành thị bận rộn và cầu tiến. Họ biết rõ giá trị và sở thích của mình. Với phong cách đã được định hình, họ biết chọn lựa trang phục để tôn lên phẩm chất của mình, chứ không hề bị phụ thuộc vào trang phục.
Theo anh, ở cương vị một nhà thiết kế nam sáng tạo ra trang phục cho phụ nữ là lợi thế hay bất lợi?
Nhiều người nghĩ rằng đó là một lợi thế, bởi đàn ông thường biết rất rõ đâu là nét quyến rũ của một người phụ nữ. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Và tôi cũng không muốn rằng phụ nữ phải làm đẹp theo cách nhìn từ người đàn ông của họ, mà phải đẹp vì chính họ, theo cách họ muốn. Nhưng là một nhà thiết kế nam, thật khó để có thể hiểu được tâm tư, suy nghĩ của một người phụ nữ. Họ mong muốn gì, sinh hoạt thường ngày ra sao.
Vì vậy, để tạo ra được những thiết kế mang tính ứng dụng cho nữ giới, tôi thường tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của những người phụ nữ xung quanh mình. Đôi khi câu chuyện chỉ xoay quanh những vấn đề thường nhật, như việc họ quá bận rộn và không tiện để thay đổi trang phục nhiều lần trong ngày. Từ đó tôi có thể sáng tạo ra những trang phục phù hợp với môi trường công sở, mà vẫn có thể diện đi chơi vào giờ tan tầm. Với tôi, thiết kế không chỉ đơn thuần là để trình diễn, mà còn phải mang tính ứng dụng cao.
Ngoài những nàng thơ ra, anh có tìm cảm hứng từ những nguồn khác không?
Tôi thường xây dựng một concept nhất định để tinh thần của bộ sưu tập được truyền tải trọn vẹn hơn. Ví dụ như bộ sưu tập Xuân – Hè 2018, có tên là “L’ete sans fin”- Mùa hè không bao giờ kết thúc, lấy cảm hứng từ mùa hè bất tận ở xứ Đông Dương. Hơn nữa, “L’ete sans fin” còn là câu chuyện về người phụ nữ Á Đông – những người từng đắn đo khi phải đứng giữa ranh giới Đông và Tây, nhưng rồi họ vẫn biết chắt lọc tinh hoa của cả hai nền văn hóa và tạo ra phong cách riêng cho mình. Tự do, phóng khoáng nhưng vẫn nền nã, thanh lịch. Và những phẩm chất đó vẫn có thể nhìn thấy rõ trong hình ảnh người phụ nữ Việt tân thời, là khi họ đứng trước muôn vàn lựa chọn nhưng vẫn rất quyết đoán.
Có thể bộ sưu tập tiếp theo tôi sẽ kể về sự kiên cường, cầu tiến của người phụ nữ. Để cân bằng được công việc và gia đình, chắc chắn họ phải cố gắng rất nhiều. Đó là những giá trị tôn muốn tôn vinh trong bộ sưu tập tiếp theo.
Hiện tại, thương hiệu của anh gồm những dòng sản phẩm nào?
Đầu tiên là dòng Essential, gồm những trang phục cơ bản như áo sơ-mi, quần tây và áo thun luôn có sẵn tại cửa hàng hoặc có thể đặt may theo kích cỡ riêng. Tiếp đến là dòng Signature gồm những thiết kế đặc biệt hơn và thường mất từ 10-14 ngày để hoàn thiện. Và cao cấp nhất là dòng By appointment, lấy cảm hứng từ các trang phục đã trình diễn hoặc được thiết kế riêng cho từng khách hàng.
Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ thử sức với phong cách Maximalism (tối đa) chưa?
Theo tôi, Maximalism hay Minimalism (tối giản) thì cũng chỉ là một phong cách. Quan trọng là tài năng và tay nghề của nhà thiết kế trong việc dựng phom, xử lý chất liệu, bề măt… Nhiều khi một sản phẩm nhìn tối giản bên ngoài nhưng lại “tối đa” bên trong. Cái “tối đa” mà tôi nói ở đây là các phương pháp kỹ thuật để làm ra nó, các chi tiết cầu kỳ, chỉnh chu nhưng lại được ẩn giấu vào bên trong và đôi khi chỉ nhìn lướt qua thì không thể nào nhận ra được.
Sắp tới anh có dự tính ra mắt dòng thời trang dành cho nam không?
Cũng có rất nhiều người hỏi rằng tại sao tôi không thiết kế đồ nam? Tuy nhiên, thông thường phải mất ít nhất 10 năm để một thương hiệu tự tin phát triển thời trang cho nam giới, tôi cho rằng thương hiệu của mình vẫn đang ở một độ tuổi rất trẻ. Trên thực tế, tôi vẫn thiết kế trang phục nam, nhưng chỉ dành riêng cho bạn bè hoặc người thân của khách hàng.
Trước mắt, sẵn có thế mạnh về thời trang nữ, tôi muốn phát triển nó một cách bền vững hơn nữa rồi ra mắt các dòng sản phẩm khác. Đó cũng là lý do tôi quyết định giới thiệu GIA STUDIOS vào tháng 5 vừa qua, với mục đích vươn đến hình ảnh chỉnh chu, chuyên nghiệp và có định hướng phát triển lâu dài.
Tại sao là GIA STUDIOS?
GIA STUDIOS là “ngôi nhà thời trang” hoàn chỉnh mà tôi và những người cộng sự của mình cùng nhau sáng tạo nên. Vẫn dựa trên giá trị thanh lịch và tinh tế vốn có của thương hiệu, GIA STUDIOS sẽ cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm khác nhau, gồm nước hoa, phụ kiện, túi và xa hơn là giày, được lồng ghép từ từ vào các bộ sưu tập thời trang.
Anh có thể chia sẻ thêm về đội ngũ và quá trình thiết kế của mình được không?
Mỗi năm, chúng tôi cho ra mắt 4 bộ sưu tập mới, gồm: 2 bộ sưu tập chính và 2 bộ sưu tập phụ. Giai đoạn đầu của bộ sưu tập này đồng nghĩa với giai đoạn cuối của bộ sưu tập kia. Và mỗi bộ sưu tập đều được thiết kế và sản xuất trước ít nhất sáu tháng để đảm bảo số lượng và thời gian, vì vậy, luôn có hai bộ sưu tập được thiết kế vào cùng một thời điểm.
Đội ngũ hiện tại gồm hai bộ phận studio và production (thiết kế và sản xuất), hoạt động xen kẽ nhau. Bộ phận studio chịu trách nhiệm phát triển thiết kế và thử đồ với người mẫu. Sau khi thiết kế được thông qua sẽ chuyển đến bộ phận production. Khi bạn nhìn thấy một sản phẩm ở cửa hàng thì có nghĩa là sáu tháng trước nó đã ở bộ phận studio và chuyển đến production vào ba tháng trước.
Anh có tiêu chuẩn nào khi tuyển chọn thành viên cho đội ngũ GIA STUDIOS?
Khi chọn nhân viên, tôi luôn tìm kiếm những bạn trẻ có đức tính tỉ mỉ, toàn tâm toàn ý với công việc và thật sự tâm huyết với thời trang. Tôi hy vọng các bạn hiểu rằng thời trang không phải là một ngành giải trí hay một công việc mơ mộng, trên thực tế, thời trang là một công việc chuyên nghiệp, đầy thử thách và đòi hỏi sự cần mẫn nhiều hơn bất kỳ công việc nào khác. Khi được giao cho bất kỳ công việc gì, dù mọi người chỉ yêu cầu 8, nhưng bạn cố gắng 10 hoặc thậm chí gấp đôi, thì nếu kết quả không đúng như mong đợi, mọi người vẫn đánh giá cao nỗ lực của bạn.
Anh có dự tính mang GIA STUDIOS đi chinh chiến tại thị trường quốc tế không?
Trước đây tôi đã từng mang bộ sưu tập Xuân – Hè 2017 của mình đến trung tâm thương mại cao cấp Lane Crawford, Hong Kong để trưng bày và may mắn nhận được sự ủng hộ của người yêu thời trang ở đó. Sau đó, Vogue China đã đưa tin về bộ sưu tập này và Lane Crawford có ngỏ lời hợp tác dài hạn với tôi. Tuy nhiên, họ đặt ra điều kiện là sẽ mua trước một năm, chứ không phải là trước ba tháng, nửa năm hay “see now, buy now” như ở Việt Nam. Mặc dù rất muốn nhưng tại thời điểm đó, đội ngũ của tôi vẫn còn quá non trẻ. Vậy nên tôi tự nhủ rằng mình nên từ từ phát triển, khi nào đội ngũ đủ sức thì mới phát triển ra nước ngoài. Là người cầu toàn, tôi muốn rằng mỗi khi giới thiệu sản phẩm gì thì nó phải thật sự hoàn hảo.
Cầu toàn trong tất cả mọi thứ, có bao giờ anh thấy căng thẳng không? Những lúc như vậy, anh thường làm gì?
Bản thân tôi là người làm không biết mệt, nên nếu cảm thấy bị cạn kiệt ý tưởng thì đó là dấu hiệu nhận biết bản thân đang làm việc quá tải. Những lúc như vậy, tôi thường nghỉ giải lao, đi du lịch ngắn ngày hoặc chỉ đơn giản là ở nhà nấu ăn cho bản thân và những người trong gia đình. Đối với tôi, nấu ăn giống làm thời trang vậy. Chăm chút hương vị cũng như gia giảm chi tiết cho trang phục, phải đặt cái tâm vào đó thì người ăn, người mặc mới cảm nhận được. Khi đã nghỉ ngơi đủ, tôi sẽ nghĩ lại lý do vì sao mình bắt đầu và tiếp tục hoàn tất công việc.
Xem thêm:
[Bài viết] Xuân Thu Nguyễn – Chân dung nhà thiết kế Haute Couture gốc Việt