Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam lại lỡ cơ hội thi đấu vì vấn đề visa | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 06, 2023
Sport-lightTóm Lại Là

Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam lại lỡ cơ hội thi đấu vì vấn đề visa

Tới khi nào "bóng ma" thị thực mới ngưng ám ảnh các đội tuyển thể thao điện tử tại Việt Nam?
Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam lại lỡ cơ hội thi đấu vì vấn đề visa

Nguồn: Riot Games

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 17/6, Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam xác nhận rằng đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) Việt Nam sẽ bỏ lỡ sự kiện Road To Asian Games (RDAG) 2022 tại Macau (Trung Quốc) do không xin được visa.

RDAG 2022 là giải đấu khởi động cho Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 năm nay. Mục đích của RDAG là phân chia các đội tuyển tham gia thành các nhóm hạt giống cho ASIAD dựa trên thành tích thi đấu của mỗi đội. Đội tuyển Việt Nam tham gia bảng đấu Đông Nam Á cùng Philippines, Malaysia, Thái Lan, và Singapore.

Đây là một sự kiện chạy đà quan trọng không chỉ cho ASIAD mà còn cho cả giải đấu Chung kết Thế giới LMHT vào cuối năm nay. Trong số 4 bộ môn thi đấu tại RDAG 2022, Việt Nam đăng ký tham gia 3 môn là LMHT, PUBG Mobile, và Arena of Valors. Đội tuyển LMHT là đội Việt Nam duy nhất không xin được visa.

20jun2023lmhtasiad1536x1536jpg
Đội hình đội tuyển Việt Nam. | Nguồn: VIRESA

2. Ban tổ chức RDAG 2022 giải quyết sự việc này thế nào?

Ban tổ chức RDAG đã sớm nắm thông tin rằng đội Việt Nam không thể có mặt tại Macau, và đã làm việc với đại diện bên phía Việt Nam để tìm ra phương án thay thế, đó là cho phép đội tuyển thi đấu online mà không cần xuất hiện tại địa điểm thi đấu. Phương án này đã suýt thành sự thực bởi ban tổ chức đã chủ động dời lịch thi đấu của Việt Nam sang một khung giờ khác.

Thế nhưng tới phút chót, những lo ngại về vấn đề đường truyền đã khiến phương án này không khả thi. Tuyển Việt Nam chính thức vắng mặt tại giải đấu, và bị xử thua 0-2 trong tất cả những trận đấu tại vòng bảng với bốn đội tuyển còn lại.

Việc không thể góp mặt tại RDAG không ảnh hưởng tới suất tham dự ASIAD 19 của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là giải đấu phân loại hạt giống, nên đội tuyển chắc chắn sẽ ở nhóm hạt giống cuối cùng. Điều này có nghĩa là tuyển Việt Nam sẽ phải thi đấu với những đội tuyển mạnh nhất châu Á từ rất sớm tại ASIAD 19.

20jun20233551276631327817164934021883616495002076108njpg
Việt Nam đứng cuối bảng tại RDAG 2022. | Nguồn: Facebook Vietnam Esports Express

3. Lỡ hẹn với RDAG có ảnh hưởng tới phong độ thi đấu?

Giống như các môn thể thao thông thường, đội tuyển quốc gia của một bộ môn thể thao điện tử như LMHT tập hợp đội hình gồm nhiều thành viên từ những câu lạc bộ khác nhau trong giải đấu quốc nội. Vì thế, RDAG 2022 là cơ hội để các thành viên thử nghiệm chiến thuật và tăng khả năng gắn kết thực chiến trước khi tiến vào đấu trường lớn là ASIAD.

Mặt khác, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất có đội tuyển được tham gia Chung kết Thế giới LMHT hàng năm. Đây có thể coi là sự kiện quan trọng nhất trong làng LMHT, là điểm rơi mong muốn của mọi phong độ, và là đích đến cuối cùng của mọi đội tuyển.

Do đó, việc không thể tham dự RDAG 2022 có lẽ sẽ tác động lớn tới phong độ thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Một đội tuyển cần những lần cọ xát, những kinh nghiệm tham chiến cấp châu lục để có thể xác định vị trí của mình và nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu trước khi bước vào những sân chơi thực thụ. RDAG là cơ hội chạy đà duy nhất mà tuyển Việt Nam có được.

4. LMHT Việt Nam đã lỡ bao nhiêu cơ hội vì visa?

Nền thể thao điện tử tại Việt Nam nói chung và bộ môn LMHT phát triển mạnh trong những năm trở lại đây. Sự phát triển ấy bao gồm việc chuyên nghiệp hóa hệ thống thi đấu quốc nội, chuẩn hóa quy trình tổ chức các đội tuyển, và cử đại diện tham dự các giải đấu quốc tế.

Ngay từ năm 2011, khi LMHT còn là một tựa game mới, Việt Nam đã có đại diện tham dự giải đấu Chung kết Thế giới là Saigon Jokers. Từ đó tới nay, nhiều đội tuyển và tuyển thủ trong nước đã xuất hiện tại những giải đấu quốc tế, dù kết quả không phải lúc nào cũng như ý. Tuy vậy, Việt Nam cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội thi đấu với các đội tuyển mạnh trên thế giới do các vấn đề về thủ tục và giấy tờ.

Vào năm 2015, đội tuyển Saigon Fantastic Five (SF5) giành chiến thắng trước Bangkok Titans để đại diện cho khu vực Đông Nam Á thi đấu tại giải Wild Card tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng do… lỗi hệ thống của đại sứ quán nước này nên SF5 đã không thể xin thị thực và buộc phải nhường suất thi đấu cho Bangkok Titans bởi người Thái không cần xin visa đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai năm sau đó, một loạt tuyển thủ Việt lỡ hẹn với sự kiện All-Star 2017 tại Mỹ vì lý do tương tự. Đây là giải đấu mà mỗi khu vực bình chọn ra một đội hình trong mơ để thi đấu. Nhưng bốn trong số năm thành viên của đội tuyển đã không xin được thị thực, vì thế đội hình All-Star “thuần Việt” năm ấy trở thành tổ hợp của một người chơi Việt cùng bốn người chơi Singapore và một huấn luyện viên cũng của đảo quốc sư tử.

Đỉnh điểm là khi các đội Việt Nam lỡ hẹn ba sự kiện quốc tế liên tục là Chung kết Thế giới 2020 và 2021, xen giữa là giải đấu giữa mùa giải Mid-Season Invitational 2021. Nguyên nhân lần này không phải vì thị thực, mà do những chính sách hạn chế đi lại của Việt Nam trong dịch Covid-19 khiến cho các đại diện Việt không thể thi đấu.

Tới vòng Chung kết Thế giới 2022, hai đội tuyển của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong khâu thị thực, lần này là để tới Mỹ. May mắn thay, cả hai đại diện đã hoàn thành các thủ tục vào phút chót để góp mặt sau hai năm vắng bóng tại giải đấu.

20jun2023sgb2jpg
Đội tuyển Saigon Buffalo tại Worlds 2022. | Nguồn: Riot Games

5. Thị thực cản đường phát triển của thể thao điện tử Việt Nam?

Vào tháng 5/2023, một đại diện LMHT Việt Nam là GAM Esports đã thi đấu tại Mid-Season Invitational 2023. Tại giải đấu này, GAM chơi dưới sức và thua tất cả các cặp đấu của mình, trở thành một trong những đội đầu tiên bị loại khỏi giải. Nhiều bình luận viên và chuyên gia phân tích LMHT cho rằng kết quả đáng thất vọng của GAM là hệ quả của việc bỏ lỡ quá nhiều cơ hội cọ xát với các đội tuyển chuyên nghiệp của châu Á và các châu lục khác.

Cần phải nói thêm rằng, thị thực là một vấn đề với thể thao điện tử Việt Nam nói chung chứ không riêng gì bộ môn LMHT. Một ví dụ là việc tuyển thủ Starcraft 2 Uply và một loạt game thủ bộ môn Tekken của Việt Nam không thể tới thi đấu trong SEA Games 30 tại Philippines do thị thực và vấn đề hộ chiếu.

Cũng trong năm 2019, hai đội tuyển PUBG Việt Nam là Divine và Rate Me 5 Stars không kịp xin thị thực tới Macau cho sự kiện PUBG Asia Invitational 2019. Divine còn lỡ hẹn một giải đấu khác trong cùng năm là PUBG Classic tại Anh với tổng giải thưởng hơn 9.2 tỉ đồng.

Đây là hai trường hợp rất đáng tiếc, bởi mặc dù đã chắc suất thi đấu và biết địa điểm thi đấu trước 3 tháng nhưng Divine mà Rate Me 5 Stars lại không thể hoàn thiện thủ tục thị thực vốn chỉ mất khoảng 3 tuần.

Thực trạng này cho thấy rằng nền thể thao điện tử Việt Nam dù đã từng bước hoàn thiện hệ thống vận hành bên trong, những lại không có phương pháp để phát triển ra bên ngoài. Điều mà các tuyển thủ cần là một quy trình hỗ trợ chuyên nghiệp về các vấn đề hành chính.

Quan trọng nhất là sự chủ động của toàn bộ nền công nghiệp thể thao điện tử, cũng như trợ giúp của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục thị thực với các quốc gia khác. Nhưng những yếu tố này sẽ không xuất hiện chừng nào thể thao điện tử vẫn chỉ là một bộ môn phụ để "mua vui cũng được một vài trống canh" chứ không được công nhận như một môn thể thao chuyên nghiệp.